(Mic.gov.vn) - Cuối tháng 11 vừa qua, tại Hà Nội, Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã tổ chức "Hội nghị Tổng kết 5 năm xây dựng và hoạt động Điểm Bưu điện - Văn hoá xã". Các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm; Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá; Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin Vi Trọng Toán... đã đến dự và phát biểu với Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có Lãnh đạo VNPT và các Bộ, Ngành hữu quan.
Tổng kết 5 năm triển khai mô hình điểm Bưu điện Văn hóa xã, tính đến tháng 9/2003, VNPT đã đầu tư 419,28 tỷ đồng để xây dựng được 6.755 điểm Bưu điện Văn hóa xã. Có 6.224 điểm đã được đưa vào hoạt động. VNPT đã đầu tư 29,6 tỷ đồng để mua sách, báo ban đầu và bổ sung hàng năm cho các điểm Bưu điện Văn hóa xã. VNPT đã tiến hành mở 8 loại dịch vụ BCVT cơ bản tại các điểm Bưu điện Văn hóa xã. Một số Bưu điện tỉnh, thành đã mạnh dạn đầu tư mở thêm một số dịch vụ mới tại một số điểm như: dịch vụ chuyển tiền, chuyển phát nhanh-EMS, hộp thư lưu ký, dịch vụ FAX, truy cập Internet, đại lý bán sách, văn phòng phẩm, bán thẻ trả trước các dịch vụ viễn thông, nhận yêu cầu lắp đặt điện thoại và nhiều dịch vụ khác. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã đánh giá cao hoạt động của điểm Bưu điện Văn hoá xã. Phó Thủ tướng nhận định điểm Bưu điện Văn hóa xã là mô hình tiêu biểu trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đặc biệt nhấn mạnh tới việc các Bộ, ngành khác cần phải quan tâm, hỗ trợ và phối kết hợp với VNPT để nâng cao hơn nữa hiệu quả của mô hình điểm Bưu điện Văn hóa xã. Sau bài phát biểu của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Bộ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông Đỗ Trung Tá đã phát biểu khẳng định mô hình điểm Bưu điện Văn hóa xã thể hiện rất rõ việc phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Hiệu quả của điểm Bưu điện Văn hóa xã trên nhiều phương diện, đã đóng góp thiết thực vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Bộ trưởng chỉ đạo VNPT cần tiếp tục nâng cao vai trò của điểm Bưu điện Văn hóa xã, vừa kinh doanh, vừa hỗ trợ các hoạt động văn hoá và cần phải quyết tâm đạt mục tiêu hầu hết các xã có điểm Bưu điện - Văn hoá xã vào năm 2005. Về vai trò của điểm Bưu điện Văn hóa xã đối với đời sống văn hóa, tinh thần của bà con nông dân, Thứ trưởng Bộ Văn hoá thông tin Vi Trọng Toán đã đánh giá cao hoạt động văn hoá của điểm Bưu điện Văn hóa xã. Các điểm Bưu điện Văn hóa xã đã góp phần thiết thực nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho đồng bào nông thôn, vùng cao, dân tộc ít người. Thứ trưởng nhấn mạnh: Trong thời gian tới Bộ Văn hoá Thông tin sẽ chú trọng phối hợp đẩy mạnh hơn nữa hoạt động văn hoá tại các điểm Bưu điện Văn hóa xã. Tại Hội nghị, nhiều tham của các Bưu điện tỉnh, thành phố... đã được trình bày, nêu lên những kinh nghiệm quý trong việc xây dựng và hoạt động của Điểm Bưu điện Văn hóa xã. Được biết, hiện nay, VNPT đang thí điểm việc đưa dịch vụ truy cập Internet và điện thoại giá rẻ qua giao thức IP xuống các điểm Bưu điện Văn hóa xã . Dự án này sau khi được triển khai trên diện rộng, người sử dụng dịch vụ tại các điểm Bưu điện Văn hóa xã sẽ được hưởng một mức cước rẻ và nhiều dịch vụ gia tăng như: điện thoại IP, truy cập Internet, E-mail, E-mail to letter và một số giao dịch bưu chính điện tử. Trong năm 2003, VNPT sẽ phấn đấu mở dịch vụ truy cập Internet tại 500 điểm BĐ- VH xã, và năm 2004 dự kiến sẽ mở thêm tới 2.000 điểm.