Trong hai ngày 19 và 20/8/2003, Bộ Bưu chính, Viễn thông và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc UNDP đã tổ chức Hội thảo bàn tròn lần thứ hai trong khuôn khổ dự án “Tư vấn quốc gia về Công nghệ thông tin và truyền thông phục vụ phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tại Việt Nam” với mục đích đóng góp ý kiến cho bản dự thảo Chiến lược công nghệ thông tin và truyền thông mà Bộ Bưu chính, Viễn thông đang soạn thảo. Tiến sĩ Mai Liêm Trực, Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính, Viễn thông và ông Jordan Ryan, Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam làm đồng chủ tịch.
Hội thảo đặc biệt chú trọng hai trụ cột của chiến lược là phát triển hạ tầng và công nghiệp. Hai trụ cột còn lại là phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông sẽ là đề tài thảo luận của hội thảo lần thứ ba.
Hội thảo lần này có sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, các nhà tài trợ, các công ty tư nhân... nhằm cùng nhau đóng góp ý kiến để xây dựng chiến lược toàn diện đầu tiên về lĩnh vực công nghệ số cho Việt Nam. Chiến lược đã đưa ra tầm nhìn cho lĩnh vực công nghệ thông tin đến năm 2020 Việt Nam sẽ trở thành một thị trường đầy triển vọng về công nghệ thông tin và là một trong ba nước đứng đầu ASEAN về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông. Ngành công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam sẽ đạt mức doanh thu là 5,5 tỷ USD vào năm 2010.
Tiến sĩ Mai Liêm Trực, Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính, Viễn thông đã nhấn mạnh công nghệ thông tin và truyền thông là một trong những vấn đề trọng tâm trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển 10 năm của Chính phủ. Trong
Chỉ thị số 58-CT/TW của Bộ Chính trị coi công nghệ thông tin và truyền thông là trụ cột về cơ sở hạ tầng của Việt Nam và là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ông Jordan Ryan đã hoan nghênh chủ trương mở cửa thị trường công nghệ thông tin và cho rằng Việt Nam cần nhanh chóng tạo ra lợi thế cạnh tranh trong quá trình hội nhập toàn cầu đồng thời tránh tình trạng phát triển không đồng đều giữa các địa phương.
Các cuộc đối thoại chính sách đa bên sẽ tiếp tục được triển khai cho đến cuối năm 2003 nhằm nâng cao nhận thức cho các bên tham gia của Nhà nước và tư nhân về lợi ích của công nghệ thông tin và truyền thông phục vụ phát triển. Quá trình đối thoại này còn nhằm tăng cường năng lực của Chính phủ trong việc phát triển ngành công nghệ thông tin và truyền thông và sử dụng nó phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế, xã hội.