1. Đơn vị kiến nghị: Nghệ An
Nội dung: Triển khai Đề án nước mạnh về CNTT: Tiến độ được giao là quá gấp, chưa bố trí được nguồn kinh phí từ tỉnh (do không nằm trong kỳ kế hoạch ngân sách, mặt khác lại vừa bố trí một phần kinh phí cho sự nghiệp CNTT trong kế hoạch ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015). Do đó, đề nghị Bộ TTTT nghiên cứu ra hạn thời gian và bố trí ngân sách TW hỗ trợ các tỉnh thực hiện đề án này.
Ý kiến trả lời:
- Về đề xuất ra hạn thời gian xây dựng Kế hoạch:
Tiếp thu ý kiến của Nghệ An và một số địa phương khác, mặc dù đến nay đã quá hạn theo yêu cầu tại văn bản số 1105/BTTTT-CNTT ngày 18/4/2011 nhưng Bộ TTTT vẫn tiếp tục nhận và tổng hợp kế hoạch triển khai Đề án tại các địa phương. Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ triển khai Đề án, Bộ TTTT đề nghị các địa phương (chưa có kế hoạch) khẩn trương xây dựng và phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án tại địa phương mình, sau đó gửi bản Kế hoạch đã được phê duyệt về Bộ TTTT để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Về đề xuât bố trí ngân sách TW hỗ trợ các tỉnh thực hiện đề án:
Kinh phí của nhà nước cho triển khai Đề án tại địa phương lấy từ hai nguồn: (1) ngân sách Trung ương và (2) ngân sách địa phương. Để đảm bảo tiến độ triển khai, trước mắt các địa phương cần chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện Đề án, đối với các nhiệm vụ đặc thù cần xin kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, đề nghị thực hiện theo đúng quy định về lập, đăng ký kế hoạch ngân sách theo các quy định hiện hành.
Hiện tại, Bộ TTTT đang xây dựng dự thảo Kế hoạch chi tiết triển khai Đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có đề xuất các giải pháp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc - đặc biệt là vướng mắc về cơ chế tài chính nhằm đẩy mạnh triển khai Đề án trên phạm vi cả nước.
2. Đơn vị kiến nghị: Hà Nội, Hài Phòng
Nội dung: Cơ chế, chính sách quản lý các khu công nghiệp CNTT tập trung
Ý kiến trả lời:
Bộ TT&TT xác định việc hình thành và phát triển các Khu CNTT tập trung là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển ngành CN CNTT, vì vậy Bộ TTTT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2007/NĐ-CP ngày 03/5/2007 trong đó quy định các loại hình, điều kiện, thủ tục công nhận, thành lập và quản lý Khu CNTT tập trung. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, mô hình Khu CNTT tập trung đang ngày càng phát triển mạnh mẽ đòi hỏi phải xây dựng các cơ chế chính sách mới phù hợp với tình hình phát triển thực tế, bên cạnh đó các quy định về Khu CNTT tập trung trong Nghị định 71 không còn phù hợp với thực tế quản lý, Bộ TTTT đã nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định mới thay thế các nội dung về Khu CNTT trong Nghị định 71. Đồng thời Bộ cũng đã trình Thủ tướng CP Quy hoạch tổng thể phát triển Khu CNTT nhằm nhanh chóng điều chỉnh các vấn đề còn tồn tại trong việc thành lập và quản lý Khu CNTT tập trung hiện nay. Dự kiến trong thời gian tới các văn bản này sớm sẽ được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.
3. Đơn vị kiến nghị: Hải Phòng
Nội dung: Cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp CNTT phát triển nguồn nhân lực
Ý kiến trả lời:
Vấn đề phát triển nhân lực CNTT đã được đặt ra nhiều lần trong những năm gần đây. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 698/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2009 trong đó giao Bộ GD&ĐT đẩy mạnh công tác phát triển nguồn nhân lực CNTT nói chung trên phạm vi quốc gia. Đối với Bộ TT&TT, với vai trò là Bộ quản lý chuyên ngành, nhiệm vụ ưu tiên là đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao. Trong phạm vi Chương trình phát triển công nghiệp PM và NDS Việt Nam (ban hành theo Quyết định 50/2009/QĐ-TTg), năm 2011 và 2012 Bộ TT&TT sẽ triển khai dự án hỗ trợ đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp CNTT-TT. Sau khi dự án đi vào triển khai, sẽ có khoảng 4000 nhân lực từ các doanh nghiệp PM và NDS sẽ được đào tạo nâng cao về các kỹ năng quản lý, kiến thức chuyên ngành chuyên sâu và các kỹ năng khác trong lĩnh vực CNTT. Bên cạnh đó, trong phạm vi dự án hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và áp dụng chuẩn quản lý chất lượng CMMi, Bộ TT&TT cũng đã tổ chức đào tạo cho hàng trăm lượt cán bộ quản lý chất lượng theo quy trình này.
Hiện nay, Bộ TT&TT đang trình Chính phủ Nghị định về dịch vụ CNTT, trong đó có quy định về việc Xây dựng và ban hành Hệ thống chuẩn quốc gia về kỹ năng nhân lực công nghệ thông tin được sử dụng làm tiêu chuẩn, căn cứ để các cơ sở giáo dục, đào tạo chuẩn hóa chương trình, giáo trình đào tạo về công nghệ thông tin; các cơ quan chức năng đánh giá, cấp chứng nhận, công nhận tương đương các chứng chỉ đào tạo; là căn cứ để các doanh nghiệp, tổ chức đánh giá, xếp bậc, tuyển chọn và đãi ngộ nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong cơ quan, tổ chức mình.
4. Đơn vị kiến nghị: Hải Phòng
Nội dung: Cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn để đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT của địa phương
Ý kiến trả lời:
Hiện nay, các hỗ trợ địa phương phát triển công nghiệp CNTT đang thực hiện theo Quyết định số 50/2009/QĐ-TTg ngày 03/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế triển khai Chương trình phát triển công nghiệp PM và NDS Việt Nam (thời hạn đến 2012). Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương và Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bố trí nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho các địa phương, đặc biệt là các nội dung ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở và phát triển các Khu CNTT tập trung. Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghiệp công nghệ thông tin đến năm 2020. Theo nội dung dự thảo, ngân sách trung ương sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương để phát triển công nghiệp CNTT. Như vậy, các Chương trình này sẽ đảm bảo tính liên tục đến năm 2020, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển công nghiệp CNTT tại các địa phương. Tuy nhiên, các địa phương cần bố trí vốn đối ứng cần thiết để thực hiện các nội dung yêu cầu cả vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương. Các quy trình đăng ký dự toán vốn ngân sách được thực hiện theo các quy định hiện hành của Luật ngân sách nhà nước. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương và để tăng cường nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho các địa phương nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển công nghiệp CNTT.
5. Đơn vị kiến nghị: Lạng Sơn
Nội dung: Ban hành các văn bản định hướng đối tượng và quy mô phát triển công nghiệp phần mềm và nội dung số
Ý kiến trả lời:
Năm 2007, Bộ TT&TT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hai Quyết định số 51/2007/QĐ-TTg về Chương trình phát triển công nghiệp PM Việt Nam đến năm 2010 và 56/2007/QĐ-TTg về Chương trình phát triển CNpNDS đến năm 2010. Hai Chương trình này được Bộ TT&TT nghiên cứu xây dựng một cách công phu với các định hướng phát triển ngành phù hợp với tiềm năng của Việt Nam. Đồng thời hai Chương trình bao gồm nhiều nội dung và giải pháp quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành CNPM và NDS Việt Nam. Để triển khai hai Chương trình nói trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 50/2009/QĐ-TTg ngày 03/4/2009 về Quy chế triển khai chương trình phát triển CNPM và NDS Việt Nam đến năm 2012. Quyết định này quy định chi tiết cụ thể về vốn đầu tư của nhà nước, quy trình triển khai các nội dung quan trọng trong phạm vi hai Chương trình này.
Hiện nay, Bộ TT&TT đang nghiên cứu và trình Thủ tướng Chính phủ hai văn bản quan trọng đối với sự phát triển của ngành công nghiệp PM và NDS Việt Nam trong giai đoạn tới: Một là, Nghị định quy định về dịch vụ CNTT, trong đó phân loại phạm vi của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ CNTT nói chung và PM&NDS nói riêng, đồng thời quy định các cơ chế chính sách ưu đãi để phát triển các loại hình doanh nghiệp này. Hai là, Chương trình phát triển CNpCNTT đến năm 2015, tầm nhìn 2020 với các định hướng, giải pháp phát triển ngành PM và NDS Việt Nam phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của ngành PM và NDS trên thế giới.
6. Đơn vị kiến nghị: Gia Lai
Nội dung: Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định quản lý về lĩnh vực điện tử
Ý kiến trả lời:
Theo chức năng nhiệm vụ, Bộ TTTT đã ban hành các thông tư 06, 07, 08, 43/2009/TT-BTTTT là các văn bản pháp lý điều chỉnh các hoạt động chứng nhận chuẩn hợp quy, xuất, nhập khẩu và phân phối hàng hóa CNTT ra thị trường. Đây là các văn bản nhằm quản lý các sản phẩm CNTT có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ, bên cạnh đó góp phần bảo vệ môi trường, quyền lợi người tiêu dùng và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp CNTT trong nước.
Sản phẩm CNTT cũng giống các loại hàng hóa khác lưu thông trên thị trường, chịu sự điều chỉnh của các quy định quản lý chuyên ngành, quy định chung của hệ thống pháp luật và cam kết quốc tế. Tuy nhiên, ngành CNCNTT là một ngành mới tại Việt Nam nên việc xây dựng các hệ thống văn bản pháp lý về ngành hiện chưa thực sự hoàn thiện đáp ứng được tốc độ phát triển của ngành. Nhận thức được vấn đề này, trong những năm qua Bộ TT&TT liên tục chủ trì soạn thảo và trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách cũng như hệ thống văn bản thúc đẩy sự phát triển của ngành CNTT. Trong thời gian tới Bộ TT&TT mong muốn nhận được sự góp ý và kiến nghị từ các Sở, ngành địa phương để tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung, ban hành mới các cơ chế chính sách tạo điều kiện hơn nữa cho sự phát triển của ngành.
7. Đơn vị kiến nghị: Hà Nội
Nội dung: Quy hoạch tổng thể về CNTT trong các cơ quan nhà nước
Ý kiến trả lời:
Các văn bản hướng dẫn áp dụng các định mức, đơn giá đối với các dự án CNTT sử dụng vốn ngân sách hiện vẫn chưa được ban hành:
Căn cứ vào khoản 1, khoản 15 Điều 2 của Quyết định số 29/2008/QĐ-BTTTT
ngày 06/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Kế hoạch – Tài chính thì việc xây dựng các văn bản hướng dẫn về áp dụng các định mức, đơn giá đối với các dự án CNTT thuộc chức năng nhiệm vụ của Vụ Kế hoạch – Tài chính. Theo kế hoạch, Bộ Thông tin và Truyền thông đang nghiên cứu xây dựng 13 định mức liên quan đến các dự án ứng dụng CNTT. Trong thời gian tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ban hành một số bộ định mức như định mức về tạo lập cơ sở dữ liệu, định mức lắp đặt phần cứng và cài đặt phần mềm hệ thống trong ứng dụng công nghệ thông tin. Định mức tạm thời về chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin.
Việc thiếu quy hoạch tổng thể về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước dẫn đến khó khăn trong định hướng phát triển ứng dụng CNTT tại Tp.Hà Nội:
Hiện nay đã có các văn bản của Nhà nước thể hiện rõ định hướng của quốc gia về ứng dụng CNTT giai đoạn 2011-2015, đây là cơ sở quan trọng cho các địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch ứng dụng CNTT của mình trong giai đoạn 2011-2015, cụ thể bao gồm các văn bản chính sau:
+ Luật CNTT.
+ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
+ Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015.
+ Công văn số 1804/BTTTT-ƯDCNTT ngày 20/6/2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn xây dựng Kế hoạch ứng dụng CNTT năm 2012.
Trong thời gian tới, Bộ TTTT với chức năng, nhiệm vụ của mình sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành, hoặc trình ban hành các văn bản về các mục tiêu, định hướng ứng dụng CNTT, phát triển chính phủ điện tử trong các giai đoạn tiếp theo.
8. Đơn vị kiến nghị: Hà Nội
Nội dung: Công tác triển khai Chương trình Quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015
Ý kiến trả lời:
Đến thời điểm này các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của các Bộ chủ quản vẫn còn chưa đầy đủ, nên rất khó khăn cho các đơn vị cấp dưới trong quá trình triển khai các ứng dụng CNTT đồng bộ, thống nhất.
Để tạo điều kiện triển khai ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước được đồng bộ, thống nhất, có khả năng kết nối, Bộ TTTT đã ban hành nhiều văn bản quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật CNTT trong thời gian qua, đặc biệt, ngày 04/01/2011, Bộ TTTT đã ban hành Thông tư số 01/2011/TT-BTTTT công bố Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.
Trong thời gian tới, Bộ TTTT cũng như các Bộ chuyên ngành với chức năng quản lý của mình sẽ tiếp tục ban hành các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tạo điều kiện cho ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước.
9. Đơn vị kiến nghị: Hải Phòng
Nội dung: Cơ chế, chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý nhà nước về CNTT
Ý kiến trả lời:
Hiện nay về lĩnh vực ứng dụng CNTT đã có các văn bản quy phạm pháp luật như sau:
- Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/04/2007 của Chính phủ về ứng dụng CNTT.
- Nghị định số 102/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ về việc quản lý, đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
- Thông tư số 28/2010/TT-BTTTT ngày 13/12/2010 quy định nội dung giám sát thi công dự án ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
- Thông tư 12/2010/TT-BTTTT ngày 18/05/2010 quy định việc cập nhật thông tin dự án đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và CSDL quốc gia về các dự án ứng dụng CNTT.
- Thông tư số 06/2011/TT-BTTTT quy định về lập và quản lý chi phí đầu tư ứng dụng CNTT.
Tuy nhiên để phù hợp với tình hình thực tế, nâng cao tính hiệu quả, năng lực quản lý trong lĩnh vực quản lý nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ vẫn đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp lý, cơ chế chính sách.
10. Đơn vị kiến nghị: Điện Biên, Bình Phước
Nội dung: Bàn giao kết quả đề án 112 về Sở TTTT
Ý kiến trả lời:
Về các văn bản yêu cầu Văn phòng UBND các tỉnh, thành phố chuyển giao Đề án 112, Lãnh đạo Bộ đã ký các văn bản sau: 1561/BTTTT-ƯDCNTT ngày 19/5/2008; 4092/BTTTT-ƯDCNTT ngày 12/12/2008; 606/BTTTT-ƯDCNTT ngày 12/3/2009.
Trong quá trình thực hiện, có 02 tỉnh Bình Phước và Ninh Bình đã nêu rõ lý do chuyển một phần (Bình Phước) và chưa chuyển (Ninh Bình) tại báo cáo của từng tỉnh.
Ban quản lý kết quả 112 đã có văn bản tổng hợp liên quan đến chuyển giao kết quả Đề án 112 của các tỉnh. Cụ thể đối với Bình Phước và Ninh Bình như sau:
1. Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước:
Ngày 02/5/2009, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước đã có công văn số 139/STTTT-CNTT về việc báo cáo kết quả chuyển giao Đề án 112 tại địa phương; tại công văn có nêu rõ những hạng mục mà Văn phòng UBND tỉnh Bình Phước đã chuyển giao:
+ Đã chuyển giao: 6 máy chủ và một số thiết bị mạng, thiết bị bảo mật; và 05 phần mềm ứng dụng (Hệ thống thư điện tử của tỉnh; Hệ thống Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc; Hệ thống thông tin tổng hợp kinh tế xã hội; Trang thông tin điện tử phục vụ điều hành).
+ Chưa chuyển giao: 05 máy chủ vận hành tại trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh do Văn phòng UBND tỉnh đang thực hiện dự án nâng cấp trang tin của tỉnh thành cổng thông tin điện tử nên chưa chuyển giao cho Sở TTTT quản lý website của tỉnh.
2. Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình:
Ngày 4/5/2009, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình có công văn số 116/BC-STTTT về việc báo cáo kết quả chuyển giao Đề án 112 tại tỉnh Ninh Bình, trong công văn nêu nội dung tinh thần của Văn phòng UBND tỉnh Ninh Bình:
+ Chưa chuyển giao: Trung tâm tích hợp dữ liệu, trước mắt do Văn phòng UBND tỉnh tiếp tục quản lý, điều hành. Lý do: Sở Thông tin và Truyền thông chưa đáp ứng đủ các điều kiện tiếp nhận (hiện nay, Sở vẫn chưa có trụ sở làm việc riêng, số cán bộ còn ít).
+ Không chuyển giao: Cổng thông tin điện tử của tỉnh, do Văn phòng UBND tỉnh tiếp tục quản lý và điều hành. Lý do: Tại cuộc họp giao ban ngày 4/7/2008, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã thống nhất không chuyển giao cổng thông tin điện tử, Văn phòng UBND tỉnh tiếp tục quản lý và điều hành ( theo mô hình của Văn phòng Chính phủ tại Quyết định số 83/2008/QĐ-TTg ngày 25/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ)
11. Đơn vị kiến nghị: Đăk Lăk
Nội dung: Triển khai phần mềm ứng dụng CNTT dùng chung
Ý kiến trả lời:
Hoàn toàn nhất trí với kiến nghị của Sở về việc đánh giá đối với các phần mềm dùng chung. Hiện nay Bộ đang tiến hành rà soát tình hình triển khai các phần mềm có tính chất dùng chung trên toàn quốc để xây dựng chính sách quản lý phù hợp, đảm bảo tránh đầu tư trùng lặp và tăng tính đồng bộ trong triển khai.
Bên cạnh đó Bộ TT&TT cũng đã có một số văn bản hướng dẫn các yêu cầu cơ bản về chức năng, tính năng kỹ thuật cho một số phần mềm như công văn số 1654/BTTTT-ƯDCNTT, ngày 27/05/2008, công văn số 1725/ BTTTT-ƯDCNTT ngày 04/06/2010 nhằm tăng tính tương thích, hiệu quả trong việc sử dụng và phát triển các phần mềm.
Trong thời gian tới Bộ sẽ tiến hành khảo sát xin ý kiến để đưa vào danh mục phần mềm dùng chung trong các cơ quan nhà nước trình Thủ tướng ban hành quyết định.
12. Đơn vị kiến nghị: Hưng Yên, Ninh Bình
Nội dung: Nhiệm vụ quản lý, duy trì hoạt động cổng thông tin điện tử của Tỉnh
Ý kiến trả lời:
Nhiệm vụ quyền hạn của Sở TTTT được quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BTTTT-BNV. Trong đó, về công nghệ thông tin điện tử, điểm h, điều 8 có nêu: “Xây dựng mới hoặc duy trì, nâng cấp, đảm bảo kỹ thuật , an toàn thông tin cho hoạt động trang thông tin điện tử (website, cổng thông tin) của UBND cấp tỉnh; hướng dẫn các đơn vị trong tỉnh thống nhất kết nối, cung cấp nội dung thông tin và các dịch vụ hành chính công trên đại bàn tỉnh theo sự phân công của UBND cấp tỉnh”.
Như vậy, Thông tư không nói rõ việc quản lý và vận hành trang thông tin điện tử của tỉnh thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở TTTT cấp tỉnh. Do đó, việc giao trang thông tin điện tử của tỉnh cho đơn vị nào trong tỉnh quản lý và vận hành là do UBND tỉnh quyết định.
Tuy nhiên, nếu giao cổng thông tin điện tử của tỉnh cho sở quản lý và vận hành trang thông tin điện tử của UBND tỉnh sẽ thuận lợi hơn cho công tác nâng cấp, đảm bảo kỹ thuật, an toàn thông tin cho hoạt động của trang thông tin điện tử.
13. Đơn vị kiến nghị: Long An
Nội dung: Chương trình "Máy tính cho cuộc sống"
Ý kiến trả lời:
Chương trình “Máy tính cho cuộc sống” do Bộ Thông tin và Truyền thông phát động, giao Vụ Hợp tác quốc tế làm đầu mối triển khai từ năm 2008 đến nay là chương trình kêu gọi tài trợ trên cơ sở thiện nguyện của các nhà hảo tâm và được triển khai lần lượt trên địa bàn khó khăn thuộc các tỉnh thành cả nước. Với vai trò đầu mối chương trình của Bộ, Vụ Hợp tác quốc tế vẫn đang tiếp tục tìm kiếm các nguồn tài trợ máy tính cho chương trình, đồng thời mong muốn nhận được sự ủng hộ phối hợp từ các đơn vị khác trong Bộ chung tay kêu gọi tài trợ cho quỹ máy tính. Qua kiến nghị được trao tặng máy tính của tỉnh Long An, một tỉnh còn nhiều khó khăn về kinh tế cũng như điều kiện tiếp xúc với công nghệ thông tin và truyền thông, chương trình sẽ thu xếp để có thể triển khai trao tặng trong thời gian tới.
Bộ TT&TT