Có 40 doanh nghiệp Nhật và các nước: Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ đã đến tham dự các hoạt động Ngày CNTT Nhật Bản và WITFOR 2009. Các hoạt động của Ngày CNTT Nhật Bản năm nay bao gồm: Hội thảo, Triển lãm và Khớp nối đối tác kinh doanh (Business Matching).
Chiều 24/8 tại Hà Nội, VINASA cùng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương và Hiệp hội CNTT Nhật Bản (JISA) đã phối hợp tổ chức Hội thảo hợp tác phần mềm và CNTT Việt – Nhật. Hội thảo đưa ra các thông tin về tình hình ngành phần mềm 2 nước, các khó khăn, thách thức trong suy thoái kinh tế và cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp 2 nước. Năm 2008, doanh thu ngành công nghiệp phần mềm Nhật Bản đạt tới 170 tỷ USD, đội ngũ nhân lực khoảng 800 nghìn người. Hoạt động thuê gia công ngoài biên giới đang là xu thế của các cty Nhật với tốc độ tăng trưởng tới 30%/năm, quy mô gia công hải ngoại năm 2008 đạt 3,9 tỷ USD, trong đó Trung Quốc là địa chỉ số 1 chiếm tới 85% thị phần, số 2 là Ấn Độ với 15%, Việt Nam đã vươn lên vị trí số 3 nhưng thị phần rất bé, chỉ có 0,5%. Nhưng theo khảo sát của JISA, Việt Nam là đối tác được ưa thích số 1 của các DN Nhật, tốc độ tăng trưởng gia công với Việt Nam tăng trung bình trên 100%/năm trong những năm gần đây. Nhiều công ty phần mềm Việt Nam có 100% doanh thu là từ thị trường Nhật, công ty phần mềm lớn nhất Việt Nam là FPT có 56% doanh thu từ Nhật Bản, chi nhánh FPT tại Nhật chỉ sau chưa đến 3 năm hoạt động đã có đến trên 140 lao động. Các công ty phần mềm lớn của Nhật như Hitachi, NEC, Fujitsu,… đều đã mở công ty con tại Việt Nam và đang phát triển quân số rất nhanh để đáp ứng nhu cầu gia công đến từ công ty mẹ. Mặc dù doanh nghiệp 2 nước đều bị ảnh hưởng của suy thoái kinh kinh tế toàn cầu, nhưng cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp 2 nước là rất lớn. Việt Nam có thể giúp Nhật giải quyết khó khăn về thiếu hụt nhân lực CNTT trong nước, hạ giá thành sản phẩm, rút ngắn thời gian hoàn thành các sản phẩm phần mềm nhúng (chiếm tới 56% doanh số gia công bên ngoài của Nhật). Ông Nguyền Đoan Hùng, Phó Chủ tịch CLB hợp tác CNTT Việt – Nhật, Giám đốc điều hành Công ty TNHH NEC Solutions (chi nhánh tp.HCM) cho biết: “Sau 5 năm, từ con số không chúng ta đã vươn lên là đối tác lớn thứ 3 trong gia công phần mềm với Nhật Bản, chiếm 0,5% thị phần và là đối tác được ưa chuộng nhất. Cơ hội cho hợp tác doanh nghiệp 2 nước còn rất lớn, nếu chúng ta khai thác tốt thì trong 5 năm tới có thể nâng thị phần lên 10 lần, chiếm 5%” .
Sáng 25/2, Hội thảo về nhu cầu và kế hoạch tổng thể phát triển nhân lực CNTT Việt Nam đã được VINASA tổ chức với sự tham gia của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp phần mềm và các trường Đại học. Nhân lực CNTT là vấn đề then chốt để phát triển công nghiệp phần mềm nói riêng, CNTT nói chung. Thực trạng nhân lực CNTT trên thế giới hiện nay là sự thiếu hụt ở tất cả các nước, đặc biệt là các nước phát triển. Vì vậy đây cũng là cơ hội cho các quốc gia đang phát triển có dân số đông và nền giáo dục tốt, Ấn Độ, Trung Quốc là những nước đang tận dung tốt cơ hội này. Những năm gần đây Việt Nam cũng đã nhìn thấy cơ hội và Chính phủ đã tuyên bố mục tiêu đào tạo 1 triệu nhân lực CNTT đến năm 2020. Đến nay Việt Nam đã có 230 trường Đại học và Cao đẳng có đào tạo chuyên ngành về CNTT. Tháng 6/2009 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực CNTT Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Mục tiêu của Kế hoạch là tạo bước chuyển biến đột phá về chất lượng đào tạo nhân lực CNTT, đảm bảo khoảng 30% sinh viên sau khi tốt nghiệp ĐH có đủ khả năng chuyên môn, ngoại ngữ để có thể tham gia thị trường lao động quốc tế. Chính phủ sẽ dành 900 tỷ đồng ngân sách để triển khai Kế hoạch quan trọng này.
Cũng trong thời gian diễn ra WITFOR 2009, VINASA phối hợp cùng Hội tin học Việt Nam (VAIP) tổ chức Triển lãm phần mềm, CNTT và nhân lực CNTT quốc tế. Có trên 100 doanh nghiệp CNTT trong nước và quốc tế tham dự, Bên cạnh triển lãm, các doanh nghiệp được tham gia hoạt động ICT Networking, là hoạt động kết nối đối tác do VINASA tổ chức để giúp các doanh nghiệp nước ta tìm được đối tác quốc tế phù hợp. Chiều 27/8, các doanh nghiệp sẽ tham gia “Diễn đàn đối thoại CNTT – góc nhìn đa chiều” với sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ, nhiều nhân vật tên tuổi của cộng đồng CNTT thế giới và Việt Nam.