Tiếp theo chương trình công tác thăm và làm việc với các tỉnh Tây Nguyên, trong các ngày từ 12/3/2008 đến 15/3/2008, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với các tỉnh Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng, tham gia đoàn đoàn công tác có lãnh đạo các Vụ, Cục và lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ.
* Tại Gia Lai, đoàn công tác đã làm việc với ông Phạm Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, lãnh đạo các Sở, Ban, ngành và lãnh đạo các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh. Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nghe Chủ tịch UBND tỉnh khái quát tình hình chung về kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn, những khó khăn và thuận lợi của tỉnh trong năm vừa qua và những thách thức trong thời gian sắp tới…; Ông Nguyễn Ngọc Hùng – Giám đốc Sở Bưu chính Viễn thông Gia Lai báo cáo tình hình hoạt động quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh, qua trao đổi và thảo luận, Bộ trưởng đã đánh giá cao những kết quả đạt đựơc của tỉnh trong thời gian vừa qua: đã hoàn thiện bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về BCVT và CNTT từ cấp tỉnh đến cấp huyện, kiện toàn Ban chỉ đạo CNTT của tỉnh, đã có các qui hoạch, kế hoạch phát triển bưu chính viễn thông và CNTT đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BCVT, CNTT và Internet ….
Bộ trưởng cũng đã chỉ ra những mặt hạn chế cần khắc phục như: hoạt động về bưu chính viễn thông và CNTT có phát triển nhưng vẫn còn thấp so với tốc độ phát triển chung của cả nước chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, việc ứng dụng CNTT tại các cơ quan nhà nước tại địa phương còn nhiều hạn chế: hầu hết mạng LAN chưa được nâng cấp, đầu tư, phần mềm ứng dụng và tin học hóa các dịch vụ công chưa được quan tâm đúng mức, công tác đào tạo tuy có nhưng chưa toàn diện và triệt để ở các vị trí công việc, chưa tận dụng được thông tin trên Internet… Tại buổi làm việc, Bộ trưởng đã giải đáp những kiến nghị, đề xuất từ phía địa phương và có những định hướng để địa phương có hướng đi tốt hơn. Cũng nhân dịp này, Bộ trưởng mong muốn UBND tỉnh quan tâm và tạo mọi điều kiện tốt nhất về nhân lực , cơ sơ vật chất … nhằm giúp cho Sở Bưu chính viễn thông trong tiến trình sát nhập và đổi tên thành Sở Thông tin và Truyền thông, chú trọng đến đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghệ thông tin, tập trung ứng dụng CNTT vào công tác quản lý nhà nước tại địa phương.
* Tại Đắk Lăk, làm việc với Đoàn có ông Lữ Ngọc Cư- Chủ tịch UBND tỉnh, ông Đinh Văn Khiết- Phó chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các Sở, Ban, ngành, lãnh đạo các doanh nghiệp BC,VT và CNTT cùng tham dự.
Tại buổi làm việc, ông Lê Hữu Thịnh, giám đốc Sở Bưu chính Viễn thông báo cáo tình hình hoạt động quản lý nhà nước về BCVT và CNTT trên địa bàn với đoàn công tác, nêu những mặt mạnh, hạn chế trong năm 2007 và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Sau khi nghe báo cáo, Bộ trưởng đã có những định hướng nhằm giúp sự phát triển về bưu chính viễn thông và CNTT của tỉnh, cụ thể:
Đối với tỉnh: Đắk Lắk là tỉnh trọng tâm của Tây Nguyên, có tiềm năng phát triển kinh tế mạnh nhất Tây Nguyên, thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư. Riêng năm 2007, đã có đến trên 200 doanh nghiệp đầu tư. Bộ trưởng nhấn mạnh: Tỉnh Đắk Lắk cần có chính sách quy hoạch cơ sở hạ tầng về bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin phù hợp với sự phát triển chung trên mọi lĩnh vực của tỉnh; quy hoạch vùng trưng bày sản phẩm viễn thông, công nghệ thông tin; thu hút đầu tư trong và ngoài nước; đào tạo cán bộ quản lý, kỹ thuật đầu đàn; chú trọng phát triển công nghiệp phần cứng, công nghệ phần mềm….
Đối với Sở Bưu chính viễn thông: cần hoàn thiện và sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy của Sở nhằm đáp ứng được nhiệm vụ trong thời gian tới, chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên ngành và có năng lực, kinh nghiệm về quản lý nhà nước. Thế mạnh của đội ngũ lãnh đạo Sở đã có 2 phó giám đốc có trình độ chuyên môn về CNTT, viễn thông và quản lý báo chí tốt. Vì vậy, Sở BCVT Đắk Lắk phải là đơn vị đầu đàn của các tỉnh Tây Nguyên trong công tác tham mưu cho chính quyền địa phương đề ra những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý tại địa phương, bảo đảm an ninh chính trị, phát triển kinh tế và văn hoá trên Tây Nguyên.
Tại Đắk Nông, Đoàn đã làm việc với ông Đặng Đức Yến, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, lãnh đạo các Sở, Ban, ngành và lãnh đạo các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đã nghe chủ tịch UBND khái quát tình hình chung về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của tỉnh như Đắk Nông là tỉnh mới được chia tách năm 2004, có diện tích tự nhiên 651.000ha, dân số 400.000 với 31 dân tộc anh em sinh sống, thu nhập đầu người thấp; Do là tỉnh mới chia tách nên cơ sở hạ tầng và kinh tế của Đắk Nông là một trong trong những tỉnh khó khăn nhất Tây Nguyên .Ông Nguyễn Hữu An- Giám Đốc Sở Bưu chính, Viễn thông báo cáo với Bộ trưởngvề tình hình hoạt động về BCVT và CNTT của tỉnh trong năm vừa qua và những định hướng trong thời gian sắp đến.
Qua nghe báo cáo của chính quyền địa phương, trên cơ sở điều kiện tự nhiên, kinh tế, chính trị xã hội của tỉnh Bộ trưởng đã có những trao đổi và định hướng với Chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nhằm giúp địa phương hiểu rõ hơn vai trò quan trọng của Sở TT&TT, Bộ trưởng nhấn mạnh, việc sát nhập đổi tên thành Sở TT&TT là đúng quy luật tất yếu trong thời kỳ hội nhập và hiện đại của đất nước. Sở TT&TT là đơn vị quản lý đa ngành, đa lĩnh vực vừa chính trị, kỹ thuật, kinh tế và xã hội: Lĩnh vực chính trị hết sức nhạy cảm khi mà thông tin báo chí ngày càng nhanh và nhạy, các tác phẩm văn chương được xuất bản ngày càng đa dạng; Lĩnh vực kỹ thuật hiện đại, tiên tiến nhất trong thời đại mới như CNTT và viễn thông…; Lĩnh vực kinh tế từ việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm CNTT và viễn thông mang lại siêu lợi nhuận; Và thông tin, truyền thông tốt sẽ nâng cao trình độ nhận thức của toàn xã hội. Sở TT&TT là đơn vị chuyên ngành mũi nhọn tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng nền tảng điạ phương hiện đại, văn minh và giàu mạnh.
Tiếp nhận các đề xuất, kiến nghị của địa phương, Bộ trưởng nhấn mạnh vấn đề đào tạo, tập huấn nghiệp vụ năng lực quản lý nhà nước và chuyên môn về thông tin và truyền thông là nhiệm vụ cần làm ngay, thường xuyên và lâu dài. Sở nên chủ động mời các giảng viên các trường chuyên ngành tại địa phương tổ chức các lớp đào tạo cho nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ của Sở ngay tại địa phương. Thời gian tới Bộ TT&TT sẽ có các chương trình đào tạo đội ngũ cán bộ chủ chốt cho các Sở TT&TT.
* Tại Lâm Đồng, làm việc với đoàn công tác có ông Huỳnh Đức Hoà - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo các Sở, Ban, ngành và lãnh đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông đóng trên địa bàn tỉnh.
Lâm Đồng là tỉnh có diện tích tự nhiên 9.764 km2, dân số bình quân 1.207.087 người, trong đó có 24% dân tộc thiểu số so với 41 dân tộc cùng sinh sống, có GDP bình quân đầu người năm 2007 đạt 9,84 triệu đồng/người. Đến tháng 12/2007, trên địa bàn toàn tỉnh số hộ nghèo là 40.249 (giảm so với đầu năm 2007 là 5.923 hộ), chiếm tỉ lệ15,95%, trong đó có 20.260 hộ thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm tỉ lệ 42,75%.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đình Tạo – Giám đốc Sở Bưu chính Viễn thông báo cáo tình hình hoạt động quản lý nhà nước về bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin trong năm vừa qua, Bộ trưởng đã đánh giá cao những kết quả đã đạt đươc: Tham mưu tốt cho tỉnh trong lĩnh vực CNTT và truyền thông; hoàn thành “quy hoạch phát triển bưu chính viễn thông giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020, và “quy hoạch phát triển công nghệ thông tingiai đoạn 2006-2010, định hướng phát triển đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng .Tổ chức tốt công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị hoạt động về bưu chính,viễn thông và công nghệ thông tin trên địa bàn….
Bộ trưởng cũng nhất trí cao với mục tiêu, chỉ tiêu mà chính quyền địa phương đã đề ra trong năm 2008. Bộ trưởng đánh giá cao chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã chủ động xắp xếp lại cơ cấu tổ chức Sở BCVT ngay từ đầu tháng 3/2008. Tạo điều kiện tốt cho Sở BCVT cũng cố và tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, chỉ đạo các doanh nghiệp BCVT đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ phát triển kinh tế tại địa phương; Tập trung nguồn lực, thu hút các vốn đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển BCVT và CNTT, tiếp tục tăng cường hiện đại hoá mạng lưới BCVT, Internet, xây dưng cơ sở hạ tầng rộng khắp, vững chãi, công nghệ cập nhật và phát triển đa dạng phục vụ tốt yêu cầu thông tin cho phát triển kinh tế, chính trị và xã hội, an ninh quốc phòng; triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước theo kế hoạch đã được Chính phủ và UBND tỉnh phê duyệt;
Về lãnh vực quản lý báo chí, xuất bản Bộ trưởng nhận định: Lâm Đồng là địa phương có tới 18 cơ quan báo chí và văn phòng đại diện (nhiều nhất trong các tỉnh Tây Nguyên) công tác quản lý báo chí, xuất bản phải được đề cao, cần phải bố trí lãnh đạo có trình độ chuyên môn báo chí tốt để định hướng cho báo chí, xuất bản phát triển tốt theo đường lối chính sách của đất nước.
Tại các tỉnh Tây Nguyên, Bộ trưởng nhấn mạnh đến công tác phát triển mạng lưới viễn thông công ích. Theo đó Bộ trưởng yêu cầu Quỹ dịch vụ viễn thông công ích phối hợp với Sở BCVT các tỉnh thống nhất quy chuẩn đánh giá về địa điểm và mức độ hỗ trợ viễn thông công ích cho các xã vùng sâu, vùng xa. Lấy điểm BĐVHX giáp biên giới, phối hợp với bộ đội biên phòng để xây dựng điểm viễn thông công ích thí điểm. Sau đó đúc kết kinh nghiệm triển khai trên tất cả các xã nghèo, đói trên toàn khu vực.