Chiều ngày 4/7/2007, tại 18 Nguyễn Du, Hà Nội, Bộ Bưu chính, Viễn thông tổ chức Họp báo thông báo Kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2007 của Bộ và trả lời báo chí về các vấn đề dư luận báo chí quan tâm. Thứ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông Trần Đức Lai - người phát ngôn của Bộ và Thứ trưởng Lê Nam Thắng chủ trì buổi họp báo. Tham dự buổi Họp báo còn có Lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ và đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, địa phương và Ngành.
Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Bưu chính, Viễn thông đã thực hiện tốt chương trình công tác đề ra.
1. Tiếp tục xây dựng thể chế kinh tế thị trường, hoàn thiện cơ chế chính sách và hành lang pháp lý trong lĩnh vực BCVT và CNTT.
Bộ đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 Nghị định hướng dẫn Luật CNTT về Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, Công nghiệp CNTT và Xử phạt vi phạm hành chính nhà nước trong lĩnh vực CNTT; ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử về Chữ ký số và dịch vụ chứng thực Chữ ký số. Đây là những hành lang pháp lý quan trọng tạo động lực thúc đẩy CNTT-TT Việt Nam phát triển.
Về chính sách phát triển, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển Công nghiệp phần mềm đến năm 2010; Chương trình phát triển Công nghiệp nội dung số Việt Nam đến năm 2010 và Kế hoạch tổng thể phát triển Công nghiệp điện tử Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020. Để tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông phát triển, ngày 21/3/2007 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 39/2007/QĐ-TTg về quản lý giá cước dịch vụ bưu chính, viễn thông. Bộ trưởng Bộ BCVT cũng đã ban hành 3 Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển CNTT-TT các vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, miền Trung và phía Nam.
Bộ đã khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng Quy hoạch phát triển Nguồn nhân lực CNTT Việt Nam đến năm 2020, Quy hoạch truyền dẫn phát sóng, phát thanh truyền hình đến năm 2010... Bộ tiếp tục hoàn chỉnh hành lang pháp lý trong lĩnh vực BCVT và CNTT, bao gồm nghiên cứu xây dựng Luật Bưu chính - Chuyển phát, Luật Viễn thông, Luật Tần số, các văn bản QPPL về đầu tư BCVT và CNTT trong giai đoạn hội nhập WTO; ban hành 26 văn bản QPPL bao gồm 20 quyết định, 5 chỉ thị và 1 thông tư hướng dẫn.
Công tác QLNN tại địa phương đã có nhiều chuyển biến. Đã có 64/64 tỉnh, thành phố thành lập Sở BCVT và triển khai hoạt động. Công tác nghiên cứu ban hành quy hoạch, kế hoạch phát triển, thanh tra kiểm tra, phổ biến pháp luật BCVT và CNTT đã được triển khai theo kế hoạch đến từng địa phương thông qua các Sở BCVT.
2. Tăng cường chỉ đạo điều hành tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển nhanh thị trường, nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế
Bộ đã chỉ đạo Tập đoàn BCVT hoàn thiện Đề án thành lập Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam. Ngày 01/6/2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thành lập Tỏng công ty Bưu chính Việt Nam và ngày 15/6/2007, Bộ trưởng Bộ BCVT đã ban hành Quyết định 16/2007/QĐ-BBCVT về việc thành lập Tổng công ty Bưu chính Việt Nam.
Bộ đã ban hành 28 quyết định, giấy phép điều chỉnh và cung cấp các dịch vụ viễn thông cho các doanh nghiệp. Thực hiện quyết định 39/2007/QĐ-TTg, Bộ đã ban hành 3 quyết định điều chỉnh giá cước kết nối giữa các mạng điện thoại cố định và mạng điện thoại di động; giá cước kết nối điện thoại quốc tế chiều về Việt Nam.
3. Phát triển thị trường BCVT và CNTT
Thị trường BCVT và CNTT tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Mạng lưới bưu chính đã có trên 19.000 điểm phục vụ trong đó có 7.943 điểm BĐVHX; bán kính phục vụ bình quân của một điểm phục vụ bưu điện đạt 2,37 km; số dân trên một điểm phục vụ bình quân 4.400 người; 91,71% số xã có báo đảng đến trong ngày. Viễn thông và Internet tiếp tục có những bước đột phá. Tính đến 30/6/2007 đã phát triển được trên 11 triệu máy điện thoại, bằng số máy điện thoại phát triển trong cả năm 2006, nâng tổng số thuê bao toàn mạng lên 38,8 triệu máy, thuê bao di động chiếm 74%, mật độ điện thoại đạt 45,8 máy/100 dân. Toàn quốc có 4,52 triệu thuê bao Internet quy đổi, với 16,2 triệu người sử dụng, đạt mật độ 19,5%. Công nghiệp CNTT tiếp tục duy trì tốc độ phát triển từ 25-30%. Công nghiệp phần cứng phát triển ổn định với tốc độ trung bình 30%. Về ứng dụng CNTT, đã có 56/64 tỉnh, thành phố xây dựng Website, tất cả các trường đại học và cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, trung học phổ thông, 100% số bệnh viện trung ương và trên 50% số bệnh viện tỉnh đã kết nối Internet.
Về cố đứt cáp quang biển vừa qua, với sự nỗ lực của Bộ, Tập đoàn BCVT Việt Nam, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, các tỉnh đã cơ bản ngăn chặn tình trạng phá hoại, cắt trộm cáp. Ngày 29/6/2007, tuyến cáp quang TVH đã trở lại hoạt động bình thường.
Nhìn chung, từ đầu năm đến nay, Bộ BCVT đã hoàn thành tốt chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra. Triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Công tác quản lý nhà nước của Bộ tiếp tục được đẩy mạnh thông qua việc tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng các chiến lược, quy hoạch, cơ chế chính sách, văn bản QPPL và các biện pháp điều hành cụ thể.
Bộ máy quản lý nhà nước về BCVT&CNTT tiếp tục được hoàn thiện và đồng bộ từ Trung uơng đến địa phương. Việc điều chỉnh giảm giá cước theo lộ trình, sát với giá thành và bằng với giá cước của các nước trong khu vực tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển thị trường, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng và toàn xã hội, thực sự tạo động lực cho các ngành kinh tế - xã hội phát triển.
Trong báo cáo của Bộ, một số vấn đề mà dư luận báo chí quan tâm cũng được giải đáp. Về quản lý kho số viễn thông, báo cáo chỉ rõ, kho số viễn thông là tài nguyên quốc gia, cần được Nhà nước thống nhất quản lý, phân bổ nhằm một mặt sử dụng một cách hiệu quả, tiết kiệm đảm bảo lợi ích chung của quốc gia, của toàn xã hội, mặt khác nhằm đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Thời gian trước đây, trong điều kiện thị trường chỉ có VNPT cung cấp các dịch vụ viễn thông thì kho số viễn thông được phân bổ chủ yếu cho VNPT. Từ năm 2000, khi các DN viễn thông khác bắt đầu thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông, Bộ BCVT tiến hành phân bổ lại kho số viễn thông trên thực tế phát triển của từng doanh nghiệp đồng thời tránh gây xáo trộn cho người tiêu dùng. Nhằm đảo bảo cho việc phân bổ kho số viễn thông một cách hợp lý, công bằng và minh bạch, ngày 15/12/2006, Bộ BCVT đã ban hành Quyết định 52/2006/QĐ-BBCVT và 53/2006/QĐ-BBCVT về việc phân bổ và sử dụng các loại mã, số viễn thông. Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng kho số viễn thông, Bộ đã ban hành nhiều văn bản quy định và hướng dẫn các DN về cách tính số thuê bao, thời gian giữ số và hiệu suất sử dụng kho số.
Đối với kho số viễn thông cố định, Bộ đã yêu cầu các DN triển khai việc đổi số đồng loạt tại các tỉnh, thành phố. Trong năm 2007 sẽ tiến hành kéo dài số thuê bao lên 7 chữ số tại 9 tỉnh, TP mới, năm 2008 dự kiến sẽ nâng độ dài số thuê bao lên 7 chữ số ở các tỉnh còn lại.
Đối với kho số viễn thông di động, sau khi tham khảo kinh nghiệm quốc tế và lấy ý kiến các DN, Bộ quyết định sử dụng phương án đa mã mạng ngay khi cấp thêm các mã mạng cho Mobifone, VinaPhone, Viettel. Việc sử dụng phương án đa mã mạng có ưu điểm là không bắt buộc người đang sử dụng dịch vụ phải đổi số và DN không phải đánh số song song cả hai hệ thống thuê bao cũ và mới trong phương án kéo dài số thuê bao.
Về việc quản lý thuê bao di động trả trước, báo cáo nêu rõ mục tiêu, nguyên tắc triển khai, các thông tin đăng ký và phương thức đăng ký. Quản lý thuê bao di động trả trước là đáp ứng được các yêu cầu quản lý phục vụ đảm bảo an toàn an ninh thông tin, quy hoạch phân bổ tài nguyên viễn thông; mỗi số thuê bao di động trả trước được đăng ký với thông tin riêng của người sử dụng thực sự cần thiết và được đảm bảo bí mật; thủ tục đơn giản và không gây phiền hà cho người sử dụng, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và sự phát triển của thị trường.
Trong phần tiếp theo, lãnh đạo Bộ và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã trả lời trực tiếp các câu hỏi của phóng viên các báo, đài về các vấn đề mà dư luận báo chí và nhân dân hiện đang rất quan tâm như vấn đề quản lý kho số viễn thông, quản lý thuê bao di động trả trước, quản lý giá cước và lộ trình giảm giá cước, việc lắp đặt các trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS), việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, quản lý trò chơi trực tuyến...