Phát huy thành quả đổi mới đưa công nghệ thông tin truyền thông Việt Nam hội nhập xu thế toàn cầu

(Mic.gov.vn) - 
Mô hình vệ tinh Vinasat 1
Nhân ngày Viễn thông thế giới/ Ngày xã hội thông tin 17/5
 
Sau hơn 20 năm đổi mới Ngành Bưu chính, Viễn thông Việt Nam đã có những bước phát triển đột phá, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, ngoại giao và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Mô hình vệ tinh Vinasat 1 Sau hơn 20 năm đổi mới Ngành Bưu chính, Viễn thông Việt Nam đã có những bước phát triển đột phá, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, ngoại giao và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Nhìn lại chặng đường đã qua có thể thấy rất rõ các giai đoạn đổi mới, đi lên của Ngành:

1986 - 1993 : Chủ trương đi thẳng vào hiện đại; tự vay tự trả và tự chịu trách nhiệm

1993 - 2000 : Tiến hành " Chiến lược Tăng tốc"

2000 - 2010 : Triển khai "Chiến lược Hội nhập - Phát triển"

Một số số liệu dưới đây ghi nhận sự trưởng thành của Ngành từ Đại hội VI đến Đại hội X của Đảng :

Mục tiêu

1986

2006

1

Số điểm phục vụ Bưu điện

1.750

18.926

2

Khoảng cách từ điểm phục vụ đến nhà dân

7,77 km

2,37 km

3

Số máy điện thoại

113.507

27.460.000

4

Mật độ máy điện thoại trên 100 dân

0,18%

32,57%

5

Tỷ lệ xã có máy điện thoại

-

100%

6

Tỷ lệ số người sử dụng internet trên 100 dân

0

17,67%

7

Doanh thu

2,8 tỷ đ

49.000 tỷ đ

8

Nộp ngân sách

113 triệu đ

7.460 tỷ đ

Những năm gần đây Việt Nam liên tục là nước dẫn đầu thế giới về tốc độ phát triển điện thoại. Uy tín của Việt Nam thể hiện rất rõ qua việc tham gia vào các Hội đồng điều hành của Liên minh bưu chính thế giới UPU và Liên minh viễn thông quốc tế ITU cũng như từ năm 2002 Việt Nam đã có tên trên bản đồ phát triển công nghệ thông tin (CNTT) thế giới.

Sự đổi mới và trưởng thành của Ngành diễn ra cả trên lĩnh vực quản lý nhà nước và điều hành sản xuất kinh doanh. Trước năm 1990 Tổng Cục Bưu Điện (TCBĐ) đảm nhiệm cả 2 chức năng này. Sau đó Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông (nay là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT) được thành lập tách ra khỏi TCBĐ nhằm chuyên kinh doanh các dịch vụ bưu chính viễn thông. TCBĐ trở thành cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính viễn thông trực thuộc Chính phủ. Trước nhu cầu thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự phát triển CNTT và Truyền thông ở Việt Nam, cuối năm 2002 Bộ Bưu chính Viễn thông được thành lập trên cơ sở TCBĐ thực hiện chức năng quản lý các lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông, Điện tử, Internet, truyền dẫn phát sóng, Tần số vô tuyến điện và cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia gọi chung là Bưu chính, Viễn thông và CNTT.

Về phía sản xuất kinh doanh, sau khi thành lập, VNPT trở thành doanh nghiệp duy nhất mãi đến năm 1995, khi mà Chính phủ cho phép ra đời 2 Công ty mới : Viễn thông quân đội (VIETTEL) và Cổ phần Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT) kinh doanh một số dịch vụ hạn chế. Để tạo lập thị trường có cạnh tranh, những năm sau đó Chính phủ tiếp tục cho thành lập các công ty: Viễn thông điện lực (EVN Telecom), Viễn thông hàng hải (Vishipel), Cổ phần viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom), Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) và Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC). Từ đầu năm 2004 thị trường Bưu chính, Viễn thông và CNTT có sự biến đổi về chất : chấm dứt độc quyền công ty và có sự cạnh tranh trên tất cả các loại dịch vụ Bưu chính, Viễn thông và CNTT.

Những năm gần đây thị trường Bưu chính, Viễn thông và CNTT thực sự sôi động, có tốc độ phát triển nhanh, cung cấp nhiều loại dịch vụ, giá cước liên tục giảm và được điều tiết khá thành công: VNPT tiếp tục phát huy vai trò chủ lực, các doanh nghiệp mới phát triển năng động trong môi trường vừa hợp tác vừa cạnh tranh có sự quản lý của Nhà nước. Nhờ đó đến nay 38% dân số và 100% xã đã có máy điện thoại, hầu hết các xã có điểm Bưu điện Văn hoá Xã, CNTT có tốc độ tăng trưởng 25-30% năm, đặc biệt ngày 17.2.2007 (Mồng 1 Tết Đinh Hợi) Ngành Bưu chính Viễn thông đã hoàn thành trước 4 năm chỉ tiêu phát triển máy điện thoại (35 máy trên 100 dân) mà Đại hội Đảng X đề ra. Tám tập thể thuộc VNPT cùng với VTC, Viettel và 3 cá nhân trong Ngành đã vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Các doanh nghiệp đã rất chú trọng đầu tư hạ tầng cơ sở mạng lưới và phát triển công nghiệp CNTT. Để phục vụ cho mục tiêu đầu tư này trong thời kỳ đổi mới VNPT đã huy động, phát huy hiệu quả nguồn vốn nước ngoài khoảng 1,183 tỷ USD. Đây cũng là nhân tố quan trọng để VNPT nâng tổng nộp ngân sách lên gần 2,5 lần số đó (2,858 tỷ USD). Điều khá thành công của hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) với nước ngoài về kinh doanh dịch vụ mà VNPT đã áp dụng là hết thời hạn hợp đồng toàn bộ vốn đóng góp của nước ngoài sẽ biến thành tài sản của Việt Nam mà không kèm theo một khoản nợ nần nào. Theo cách này, từ năm 2001 SPT đã ký BCC về di động với SLD (Hàn Quốc) với số vốn ngoài nước 534 triệu USD và Hanoi Telecom có BCC 656 triệu USD về di động với Hutchison (Hồng Công) từ năm 2005. Như vậy, đến nay vốn FDI trong kinh doanh dịch vụ của cả Ngành đã lên tới 2,373 tỷ USD.

Phát triển mạnh cơ sở hạ tầng với công nghệ hiện đại cùng với việc mở cửa, cạnh tranh đã làm cho năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp được tăng cường trở thành hậu thuẫn vững chắc cho Ngành thực thi các cam kết của Việt Nam trong WTO. Nhờ sử dụng công nghệ số, việc truyền tin ở Việt Nam đã không phụ thuộc vào khoảng cách xa gần và tới đây khi nước ta phóng vệ tinh VINASAT (đầu năm 2008) thì việc truyền tin sẽ không còn ảnh hưởng vào địa hình nữa.

Nhớ lại, cuối năm 1997 Việt Nam mới chính thức mở Internet, nhưng nhờ có đột phá tư duy : " Phát triển đến đâu, quản lý tới đó" và nhờ có hạ tầng mạng lưới tốt cũng như sự phấn đấu quyết liệt của các doanh nghiệp cả cũ lẫn mới mà tới nay trên 18% dân số nước ta đã sử dụng Internet. Internet và điện thoại di động không chỉ dừng ở các tỉnh , thành mà đã dần len lỏi tới vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo và từng bước đến tận tay nông dân, ngư dân. Khoảng cách số giữa các vùng miền trong nước đã thu hẹp đáng kể.

Ngày nay, nhờ sự phát triển của công nghệ nên thị trường CNTT và Truyền thông đang diễn ra một quá trình hội tụ cao độ : Hội tụ thiết bị ( ví dụ : điện thoại, vi tính, đồng hồ... có thể thay thế bằng một thiết bị chỉ gọn như một đồng hồ đeo tay); Hội tụ dịch vụ (ví dụ viễn thông và phát thanh truyền hình hội tụ thành IPTV) ; Hội tụ ngành nghề kinh doanh (ví dụ ngành ô tô và CNTT ngày càng gắn bó với nhau)... Đáp ứng xu hướng hội tụ này, công nghệ và năng lực mạng lưới viễn thông của Việt Nam vẫn thường xuyên được nâng cấp, cập nhật. Đầu năm 2007 Chính phủ ban hành Nghị định 64/2007/NĐ-CP ngày 10.4.2007 về ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước; Thủ tướng Chính phủ ra quyết định 51/2007/QĐ-TTg ngày 12.4.2007 về chương trình phát triển phần mềm đã tạo thêm động lực cho tiến trình hội tụ, hướng Việt Nam tới một xã hội thông tin đáp ứng yêu cầu cung cấp mọi tin tức (tiếng nói, văn bản, hình ảnh) cho mọi người, mọi lúc, mọi nơi trên cùng một hạ tầng cơ sở thông tin thống nhất và đồng bộ.

Phát huy thành quả đổi mới, Ngành Bưu chính, Viễn thông đang tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện khung pháp lý về quản lý nhà nước nhằm đảm bảo điều tiết sự phát triển hài hoà giữa mạng lưới băng thông rộng và nội dung thông tin đa dạng trên đó; nhân rộng các mô hình kinh doanh sáng tạo và gây dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh; đảm bảo an ninh, an toàn mạng lưới, dịch vụ và an tâm cho người dùng. Bộ Bưu chính, Viễn thông cũng đã khởi thảo "Chiến lược Cất cánh" giai đoạn 2010-2020 đưa CNTT và Truyền thông Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, hội nhập xu thế toàn cầu, đạt trình độ bình quân của các nước phát triển vào năm 2020.

GS.TSKH Đỗ Trung Tá

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT( 0)