Nhà báo với mạng xã hội: Cần đúng cách và đúng chỗ

Thứ sáu, 15/05/2015 11:53

Với những người làm báo, mạng xã hội như một sự hối thúc, một áp lực thường xuyên. Dường như có một công chúng vô hình đang dõi theo từng tác phẩm, nghiền ngẫm từng câu chữ, soi xét từng chi tiết hay nhận định mà nhà báo đưa ra. Không đơn thuần là sự khen chê thuần túy, mà qua mạng xã hội, sự phán xét của dư luận về tác phẩm được phản ánh chi tiết, khắt khe.

img
Nhiều nhà báo cũng tham gia chúng… Có những cây bút chưa thật nổi bật qua tác phẩm, nhưng với những bình luận sắc bén thể hiện sự am tường việc bếp núc và say sưa với nghề báo, cũng tự tạo nên điểm cộng cho mình trong đồng nghiệp. Ngược lại cũng có những cây viết ít nhiều có tên tuổi nhưng khi tham gia bàn luận, ỉ ôi chê bai, gán cái nhìn cực đoan về đời sống, suy diễn chủ quan và có phần thiên kiến về đồng nghiệp, thì cũng mất điểm trong lòng đồng nghiệp và công chúng. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải hiểu đúng về mạng xã hội để hành xử cho đúng cách và đúng lúc.

Một điều dễ nhận thấy trong các hoạt động trên các mạng xã hội chính là kết nối bạn bè (networking) và giải trí (entertainment). Song hành với sự phát triển về số lượng người sử dụng, tác động của mạng xã hội đến đời sống xã hội ngày càng rõ nét. Trong bài viết “Quyền lực ngầm sau mạng xã hội” đăng trên báo Nhân Dân, tác giả Anh Khôi nhận xét: “Có thể nói mạng xã hội (MXH) trên in-tơ-nét là một bước tiến mới của công nghệ thông tin, đã và đang thu hút sự quan tâm của hàng tỷ người trên thế giới, đồng thời góp phần quan trọng trong khi đưa con người đến gần với nhau hơn, đưa “thế giới ảo” đến gần với “thế giới thật”. Tuy nhiên, đằng sau MXH luôn có những quyền lực ngầm, và công nghệ do con người tạo ra có thể trở thành một công cụ bị lạm dụng nhằm khống chế con người, nếu như mất cảnh giác”. Tác giả đặt câu hỏi: Liệu đã có bao nhiêu người đủ tỉnh táo, đủ khả năng sàng lọc thông tin khi tham gia các MXH, bao nhiêu người biết đến tác động của các MXH, nhất là tác động tiêu cực? “Thông thường, những ai có địa chỉ email thường hay nhận được lời mời hấp dẫn tham gia Facebook, Twitter, hay các trang kết bạn online như twoo.com, badoo.com, nhipcauduyen.com, myzamana.com, vietnamsingle.net… Và thường thì cảm giác về một thế giới cởi mở, hòa đồng với những cơ hội kinh doanh và kết bạn dễ làm mờ đi sự nghi ngại. Còn gì thú vị hơn khi được trò chuyện, trao đổi, hẹn hò, thoải mái bày tỏ quan điểm, ngợi khen hay tặng quà với mọi người có cùng sở thích từ khắp nơi trên thế giới. Có lẽ vì thế, mỗi ngày có hàng tỷ lượt người truy cập vào youtube, wikipedia, google… để tra cứu thông tin, xem vi-đi-ô hoặc tương tác với bạn bè. MXH đang phát triển như một xu thế thời đại, một phần là do nhu cầu giao lưu, chia sẻ, khai thác thông tin của con người, phần khác do công nghệ kỹ thuật số không ngừng được nâng cấp”.

Tình trạng gây nghiện Facebook đã vượt tầm kiểm soát thông thường, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và chất lượng cũng như kỉ luật lao động. Theo tác giả Nguyễn Hải Đăng thì tuy chưa có thống kê chính xác người Việt Nam dành bao thời gian cho Facebook trong 52 phút truy cập trên mạng và thường ở khung giờ nào, tuy nhiên căn cứ vào các trang web dịch vụ liên kết cũng như các trang quảng cáo trên Facebook, “có thể thấy khoảng thời gian người Việt Nam truy cập Facebook thường từ 9 giờ -10 giờ, 14 giờ -15 giờ, 21 giờ – 22 giờ với việc đăng tải các bức hình, hay thông báo liên quan đến công việc như: họp hành vất vả, sếp khó tính, lao động nghiêm túc… Hai trong khoảng thời gian đó rơi vào giờ hành chính, được lý giải rằng đó là thời điểm nhân viên văn phòng họp hành, giải quyết công việc, và Luật Lao động”.

Từ tính năng chiều chuộng người sử dụng, Facebook dễ tạo ra tâm lý dễ dãi khi tiếp nhận thông tin. Người ta dễ dàng nhấn nút like ( thích) những thông tin vô bổ, thậm chí lá cải kích động trên trang cá nhân ai đó đơn giản chỉ vì lấy lòng, “ngoại giao”. Cũng vì khối lượng thông tin quá đồ sộ, số bạn liên kết đông nên nhiều người không kịp đọc hết nội dung thông tin chuyển tải đã nhanh chóng đưa ra những bình luận thiên kiến và lệch lạc về các sự kiện, các vấn đề của đời sống xã hội mà chưa kịp suy xét, kiểm chứng cho thấu đáo. Những bình luận này lại tiếp tục được lan truyền tạo xúc tác cho những bình luận mới có khi đẩy vấn đề đi rất xa và nguy hại cho nhận thức cá nhân và cộng đồng.

Về mặt kĩ thuật, bất cứ ai muốn tham gia vào một MXH như Facebook hay Twoo.com, đều phải đăng ký theo yêu cầu của người điều hành trang web. Do đó việc bị xâm phạm đời tư cá nhân một cách “hồn nhiên” hoàn toàn có thể xảy ra. Cái logic tự nhiên đó được phân tích như sau:

“Thông thường, người tham gia phải đăng nhập một tài khoản email, khai họ tên, giới tính, địa chỉ, nghề nghiệp, thậm chí cả điều kiện kinh tế, quan hệ hôn nhân, sở thích cùng nhiều thứ khác. Các thành viên được yêu cầu tải lên hình ảnh của chính mình, càng nhiều ảnh thì càng có cơ hội biết nhiều thông tin của người khác. Từ nguồn thông tin thu thập được và từ email của thành viên, người điều hành trang web sẽ nhanh chóng lần ra mối quan hệ của các thành viên đó trên in-tơ-nét, kêu gọi các thành viên hãy mời bạn bè, người thân tham gia MXH với những điều kiện ưu đãi tài chính và thông tin hấp dẫn. Càng thuyết phục được nhiều người tham gia, bạn càng có cơ hội được nhiều người biết đến, được xếp vào khách VIP, người nổi tiếng. Cứ thế, như một trò cờ bạc, càng dấn sâu vào các mối quan hệ thân tình trên mạng thì thành viên của MXH càng khó dứt ra, càng khai báo nhiều hơn. Dần dần, các thành viên MXH vô tình cung cấp cho người điều hành mạng một bản lý lịch chi tiết mà chính họ cũng không ngờ tới, bao gồm những mối quan hệ cá nhân đáng lẽ phải giấu kín. Khi họ trò chuyện hoặc gửi thư, ảnh và tài liệu cho bạn bè trên MXH, tất cả những thông tin đó được lưu giữ, và đương nhiên người điều hành MXH biết hết những thông tin này. Sẽ nguy hiểm thế nào nếu như người điều hành MXH sử dụng thông tin cá nhân của các thành viên vào mục đích xấu, hoặc để khống chế, hoặc để theo dõi mọi người. Phần lớn những người tham gia MXH không quan tâm xem ai đứng đằng sau các mạng này, không đọc kỹ các điều khoản tham gia. Khi một người bỏ qua các điều khoản, mặc nhiên người đó đã ký vào một hợp đồng cho phép người điều hành MXH tự do sử dụng thông tin cá nhân của mình. Cũng rất ít người hoài nghi về mục đích giao lưu vui vẻ của các MXH, hoặc cho rằng MXH được lập ra nhằm mục đích kinh doanh thuần túy, mà không xem xét đến các mục đích khác. Sự vô tư này có thể phải trả giá khi tham gia một số MXH có dụng ý xấu”.

Bên cạnh nguy cơ xâm phạm tự do cá nhân, có những vụ việc và nguy cơ khác cũng hiện hữu trên các mạng xã hội. Đó là nguy cơ lừa đảo về kinh tế, nguy cơ mất an ninh với cá nhân và gia đình các thành viên tham gia MXH. Đã có những vụ việc kẻ xấu bắt cóc, tống tiền, đột nhập trộm cắp khi biết gia chủ đi vắng thông qua nắm bắt thông tin trên MXH. Nguy hiểm hơn, có những tổ chức, doanh nghiệp tạo ra MXH riêng nhằm kết nối các thành viên trong tổ chức với nhau và kết nối có điều kiện với các thành viên bên ngoài nhằm mục đích trục lợi. Vụ lừa đảo bằng thủ đoạn mua bán gian hàng điện tử gây xôn xao dư luận thời gian qua cho thấy, muaban24h đã sử dụng in-tơ-nét để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của các công dân nhẹ dạ, cả tin. Chưa kể nguy cơ an ninh ở cấp độ quốc gia cũng đã được cảnh báo khi tình báo kinh tế, các hacker thường lợi dụng tối đa các tiện ích của MXH, vừa khai thác thông tin của đối thủ, vừa tiến công trên cả phương diện tài chính lẫn kỹ thuật. Nhiều hacker phát tán vi-rút và mã độc trên MXH, tiến công các trang web, blog, thậm chí tiến công cả hệ thống bảo mật thông tin của các quốc gia. Các nhà phân tích đã tính tới các phiên bản của chiến tranh mạng, trong đó, MXH sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng do các trang điện tử này nắm được số đông, khả năng phát tán thông tin nhanh nhạy. Phong trào nổi dậy bạo động “Mùa xuân Ả – rập”xuất phát từ thông tin trên MXH là một cảnh báo về nguy cơ mất ổn định chính trị, gây hỗn loạn nếu không được kiểm soát và ngăn chặn kịp thời.

Như một cộng đồng xã hội, mạng xã hội có cả tốt và xấu, có cả hay và dở. Trong dòng đời thị phi ấy, người làm báo cần thận trọng, hiểu rõ các đặc tính của mạng xã hội, ứng dụng nó vào đời sống và công việc của mình một cách thích hợp. Với tư cách những người định hướng thông tin, việc một số nhà báo bị cuốn theo mạng xã hội hay hoàn toàn phụ thuộc vào thông tin trên mạng xã hội dẫn đến thông tin sai lệch, nước đôi, dễ dãi là một cách tác nghiệp chưa hợp lý và đáng tiếc. Mạng xã hội chỉ trở thành bạn của những người làm báo khi đã hiểu và sử dụng nó đúng cách và đúng chỗ.
TS. Đỗ Chí Nghĩa

NHÀ BÁO BÙI SỸ HOA – TỔNG BIÊN TẬP BÁO VIETNAMNET: 
 
Báo điện tử sẽ bị vượt qua nếu tự “ru ngủ” mình

Có thể thấy, sự phát triển mạnh mẽ của báo điện tử là một xu thế tất yếu. VietNamNet là một trong những tờ báo điện tử đầu tiên ở VN đã tận dụng đúng xu thế này, tôi nghĩ đó là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tờ báo có vị thế như ngày hôm nay. Tuy vậy, không thể phủ nhận rằng, sự phát triển ồ ạt và mạnh mẽ của mạng xã hội (trang tin điện tử, facebook…) đã ảnh hưởng không nhỏ tới báo chí, trong đó có báo điện tử. Trong vấn đề này, theo tôi, cần phân biệt rõ hai thành phần: trang thông tin điện tử và mạng xã hội như Facebook. Đối với Facebook, đây là một kênh dẫn quan trọng để tăng truy cập cho báo điện tử, giúp cho báo đến với công chúng. Chúng ta cần đánh giá cao vai trò Facebook thay vì nghĩ rằng Facebook đang cạnh tranh với báo điện tử. Đối với trang thông tin điện tử, tôi nghĩ đây thực sự là đối thủ cạnh tranh với các báo điện tử ngày nay. Trang thông tin nhỏ hơn nên linh hoạt về chiến lược, họ tập trung khai thác ở một số mảng đề tài nóng và định vị sâu hơn ở một số lĩnh vực, thay vì dàn trải khắp các chủ đề như báo điện tử. Quan trọng hơn, họ rất biết cách tận dụng mạng xã hội và tối ưu hoá với Google để đạt lượng truy cập cao. Tuy vậy, mặt tốt chính là các trang tin khiến những tờ báo cũng phải nhìn lại mình, đổi mới chính mình. Đừng chủ quan nghĩ mình là tờ báo chính thống thì có ưu thế hơn so với các trang tin. Báo điện tử sẽ bị vượt qua lúc nào không biết nếu tự ru ngủ mình. Internet không phân biệt trang tin hay tờ báo, nó chỉ phân biệt nội dung nào công chúng sẽ đón nhận hay từ chối mà thôi. Do vậy, từng ngày, chúng tôi luôn phải đưa ra những chiến lược phát triển, “đối sách” trong tương lai để luôn giữ được thương hiệu và bản sắc của mình. Về nội dung, Báo VietNamNet sẽ tiếp tục những tuyến bài có nội dung gắn liền và liên quan nhiều hơn tới đời sống của người dân, những nội dung ấy sẽ dễ được người dân đón nhận và chia sẻ. Về mặt kênh dẫn, VietNamNet sẽ làm mạnh thêm một số kênh tiếp cận độc giả như Facebook. Tôi nghĩ rằng nếu làm tốt nội dung và có thêm những kênh đưa thông tin tới độc giả, tờ báo sẽ tiếp tục phát triển. Tất nhiên, chúng tôi không thể quên nhiệm vụ quan trọng của mình là tuyên truyền hoạt động của Bộ Thông tin – Truyền thông, cao hơn nữa là những chính sách của Đảng và Nhà nước.

NHÀ BÁO PHẠM TUẤN ANH – PHÓ TỔNG BIÊN TẬP BÁO DÂN TRÍ ĐIỆN TỬ:

 Mạng xã hội – môi trường lý tưởng để báo điện tử “tiếp thị”

Sự phát triển của mạng xã hội là một xu thế tất yếu, và là cơ hội giúp báo điện tử phát triển tốt hơn nữa. Trước tiên, mạng xã hội là nguồn thông tin dạng thô khổng lồ với mạng lưới “cộng tác viên” rộng khắp mà không một tòa soạn nào có được. Do vậy, những báo điện tử biết chọn lọc và khai thác nguồn tin này, kiểm chứng và truyền đạt, thể hiện lại với sự chuẩn mực của báo chí, sẽ có lợi thế lớn. Ngược lại, cộng đồng người dùng lớn và tính lan tỏa cao của mạng xã hội đồng nghĩa với việc, đây là môi trường lý tưởng để báo điện tử “tiếp thị” các nội dung của mình tới người xem, giúp tăng truy cập cho sản phẩm của mình, đồng thời tạo dấu ấn thương hiệu để người xem nhớ tới mình, từ đó mới có thể có được sự tăng trưởng bền vững. Tất nhiên, tôi cho rằng, với bối cảnh hiện nay thì cơ hội vẫn nhiều hơn thách thức. Trước hết, sự phát triển của công nghệ đang mở ra những cơ hội phát triển chưa từng có, và sự thay đổi rõ nhất là hiện nay chúng tôi dùng từ “người xem”, hoặc “người dùng”, thay cho từ “bạn đọc” truyền thống. Lý do là người ta truy cập vào Dân trí hiện nay không phải chỉ để đọc, mà còn để xem các chùm ảnh, video, thông tin đồ họa, thông tin tương tác, tham gia sử dụng các công cụ bình chọn, bình luận, tương tác… Với những lợi thế đó, chúng tôi sẽ phục vụ được tốt hơn, đáp ứng những nhu cầu phong phú hơn. Thứ hai là, người ta không chỉ vào xem và sử dụng những cái đó từ máy tính cố định, mà ngày càng nhiều người truy cập từ các thiết bị di động. Do vậy, từ lâu nay chúng tôi cũng xác định những cách làm mới để phục vụ người dùng di động tốt hơn, thuận tiện hơn. Và với giá thiết bị cũng như cước di động ngày càng rẻ thì cũng có nghĩa, ngày càng nhiều đối tượng ở các vùng sâu, vùng xa sẽ có điều kiện truy cập Dân trí hơn. Do vậy, chúng tôi cũng sẽ tăng độ phủ thông tin ở khắp các vùng miền trên cả nước, để phục vụ tốt hơn nhu cầu thông tin của những người dùng mới và từ đó tiếp tục tăng lượng truy cập của báo.
 
N.Huy (Nhà báo&Công luận)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top