Bộ TT&TT lấy ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp nước ngoài trong việc thực hiện Đề án đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT-TT

Thứ hai, 05/12/2011 09:54

Sáng ngày 31/3/2011, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của các doanh nghiệp nước ngoài để đóng góp cho Đề án sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT.

img
Phó Thủ tướng phát biểu khai mạc hội nghị

Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT Việt Nam; Ông Lê Doãn Hợp, Bộ trưởng Bộ TT&TT; ông Đỗ Trung Tá, Phái viên của Chính phủ về CNTT; ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ TT&TT cùng với đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT, các diễn giả đến từ các doanh nghiệp nước ngoài...

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho biết: Việt Nam luôn coi CNTT-TT là ngành trí tuệ, mũi nhọn và là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế. Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và đảm bảo nhất quán các chính sách ưu tiên nhằm thúc đẩy ngành CNTT-TT Việt Nam. Sau 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, lĩnh vực CNTT-TT đã có những bước tiến bộ vượt bậc với mức độ tăng trưởng hàng năm đạt trên 20%. Tổng doanh thu toàn ngành CNTT-TT năm 2010 đạt 15 tỷ USD, trong đó công nghiệp phần mềm đạt trên 1 tỷ USD, công nghiệp nội dung số đạt 900 triệu USD. Tính đến hết tháng 2/2011, số người sử dụng Internet tại Việt Nam đạt 28 triệu chiếm tỉ lệ 32% dân số. Trong sự phát triển này có đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp, tập đoàn CNTT đa quốc gia của nhiều nước đang hợp tác và hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam... Với vai trò là cơ quan chủ trì của Đề án, Bộ TT&TT nhận thức rằng để có thể thực hiện thành công Đề án này bên cạnh sự chỉ đạo từ phía Nhà nước, sự tích cực của các doanh nghiệp trong nước rất cần đến sự nhiệt tình ủng hộ, tham gia một cách có hiệu quả, cam kết đầu tư mạnh mẽ và hoạt động lâu dài từ phía các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế...

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng phát biểu khai mạc Hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe nhiều ý kiến đóng góp thiết thực và hiệu quả của các diễn giả đến từ nước ngoài. Đa số các diễn giả đều cho rằng vai trò của CNTT là động lực để phát triển các ngành khác, CNTT còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội. Việt Nam cần tập trung vào nâng cấp mạng băng thông rộng vì phát triển băng thông rộng là xu hướng chung của các nước trên thế giới. Chính phủ Việt Nam có thể Phát triển băng thông rộng theo 3 cách: Sự bao cấp của chính phủ; chính phủ là nhà sở hữu chính; nhờ bên thứ 3 để phát triển. Theo đó Việt Nam cần nghiên cứu để chọn cách thức nào cho phù hợp. Phát triển băng thông rộng sẽ giúp Việt Nam thực hiện thành công Đề án.

Ngoài ra Việt Nam cũng cần phát triển vệ tinh để tận dụng mạng băng thông rộng trong nước. Việc phát triển băng thông rộng qua vệ tinh Vinasat1 và Vinasat2 chuẩn bị phóng sẽ đem lại việc kết nối băng thông rộng tốt hơn; Sử dụng các Bưu điện đang có hiện tại làm nền tảng để phát triển CNTT trong thời gian tới; Nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện có, sử dụng công nghệ dễ dàng và thân thiện.

Đại diện công ty IBM tại Việt Nam thì cho rằng: Việt Nam cần phát triển điện toán đám mây, chính phủ cần đưa ra định hướng cho các doanh nghiệp. Phát triển đội ngũ nhân lực có trình độ cao kết hợp với phát triển Điện toán đám mây. Trong kế hoạch 5 năm của mình Bộ TT&TT có thể đưa ra định hướng phát triển chương trình Điện toán đám mây trên mô hình Chính phủ điện tử, hướng dẫn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc ứng dụng CNTT. Theo đại diện của công ty Intel: Việt Nam cần đưa máy tính giá rẻ về những nơi CNTT chưa phát triển, qua đó những người dân có thu nhập thấp có thể tiếp cận với CNTT. Intel cũng cho biết thêm thời gian qua đã đào tạo được hơn 80.000 giáo viên cho Việt Nam tiếp cận với CNTT. Hiện nay sự gia tăng PC và Laptop ở Việt Nam mới chỉ là 0% do Việt Nam chưa sản xuất được. Sắp tới Intel sẽ tài trợ để Việt Nam có thể sản xuất lắp ráp được máy tính 100% Việt Nam. Việt Nam cần giảm thuế VAT xuống 5% cho các sản phẩm CNTT. Chi phí băng thông rộng giảm 3% thì người ta sẽ sử dụng máy tính nhiều hơn và mạng Internet sẽ bao phủ được đến 80% dân số.

Toàn cảnh hội nghị

Tại bài tham luận, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định người Việt Nam có năng lực về ICT. Công nghiệp ICT của Việt Nam tăng trưởng 25%/ năm. Đó là các điều kiện để Việt Nam phát triển công nghiệp CNTT và các đối tác sẽ giúp VN thực hiện giấc mơ trong 10 năm tới. Phó Thủ tướng cũng cho rằng người dân Việt Nam hiếu học, giá nhân công lao động rẻ do đó Việt Nam là môi trường đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên Việt Nam vẫn gặp phải nhiều khó khăn do đội ngũ lao động thiếu kinh nghiệm, tiếng anh cũng  là rào cản, cơ sở hạ tầng, dịch vụ băng thông rộng của Việt Nam vẫn yếu. Việt Nam có hệ thống 95% cáp quang kết nối tới các thôn xóm tuy nhiên tỉ lệ gia đình kết nối Internet vẫn còn thấp. Trong thời gian tới nguồn nhân lực sẽ là điều kiện tốt để Việt Nam phát triển CNTT.

Tại phiên thảo luận nhiều ý kiến cho rằng ngành công nghiệp CNTT Việt Nam có một tầm nhìn rõ ràng và hoàn toàn có khả năng thực hiện được đề án. Vấn đề của VN hiện nay là làm thế nào để thực hiện nó và vai trò của Bộ TT&TT là gì trong đề án này. Đối với Bộ TT&TT trong những năm tới là giải quyết được khó khăn về thể chế và chính sách thì mới có thể đạt được mục tiêu; Tạo ra được môi trường pháp lý để khuyến khích sáng tạo, luật bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; Tăng cường được cơ sở thể chế, năng lực của ngành TT&TT cũng như các ngành có liên quan xây dựng chính sách và giải quyết các khó khăn, thách thức trong quá trình VN hòa nhập vào môi trường kinh doanh thế giới; Xây dựng kế hoạch tài chính phù hợp và sử dụng nó có hiệu quả. WB cũng cam kết sẽ hỗ trợ phát triển CNTT tại Việt Nam. Ngoài ra có một số ký kiến cho rằng̀ Việt Nam nên tập trung khai thác năng lực của các doanh nghiệp trong nước để phát triển CNTT. Nhà nước và Bộ TT&TT cần có chính sách để hỗ trợ nhiều hơn nữa đối với các doanh nghiệp CNTT; Kết hợp với vốn ODA với vốn nội lực trong nước để đầu tư phát triển CNTT...

Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp cho rằng lợi thế của Đề án đó là có sự quyết tâm hành động cao của Chính phủ, Bộ ngành, Doanh nghiệp; Ngành TT&TT Việt Nam đang phát triển nhanh, tạo đà cho việc thực hiện đề án đưa VN thành nước mạnh về CNTT; Ngành TT&TT đang hội nhập sâu rộng với thế giới. Tuy nhiên trong quá trình triển khai đề án sẽ gặp nhiều khó khăn vướng mắc do nguồn lực qua đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu cả số lượng và chất lượng; Hạ tầng băng thông rộng còn hạn chế do bị phân tán và thiếu tập trung; Thể chế còn nhiều vướng mắc và cần phải từng bước tháo gỡ; Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT còn nhỏ, sức cạnh tranh yếu.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, sắp tới Bộ TT&TT sẽ có những chính sách, định hướng nhằm tập trung tháo gỡ cơ chế chính sách để không có gì cản trở doanh nghiệp phát triển; Tham mưu Chính phủ để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ phát triển thành doanh nghiệp lớn; Đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng băng thông rộng; sản xuất  công nghiệp CNTT phần cứng, phần mềm và nội dung số, đưa thông tin về cơ sở, các thiết bị nghe nhìn về cơ sở biên giới, hải đảo đến tận hộ gia đình...

Việt Thắng
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top