Chương trình thí điểm nhằm tăng cường vai trò và năng lực của công đoàn cấp trên sẽ được triển khai từ hôm nay (ngày 14/1) tại 4 tỉnh, gồm Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương và Đồng Nai.
Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) Trần Văn Lý, đây sẽ là công cụ hiệu quả để bảo vệ người lao động và công đoàn khỏi sự can thiệp và phân biệt đối xử của người sử dụng lao động. Các sáng kiến thí điểm sẽ đưa ra những hướng tiếp cận mới trong việc tổ chức công đoàn, bao gồm cả việc thành lập công đoàn tại nhóm doanh nghiệp.
Cơ cấu của công đoàn cơ sở sẽ được tăng cường, củng cố thông qua những hỗ trợ tích cực chủ động và việc điều phối của công đoàn cấp trên, bao gồm việc thúc đẩy đối thoại xã hội và thương lượng tập thể tại những doanh nghiệp mà hệ thống này không hoạt động hiệu quả hoặc bị ảnh hưởng bởi những cuộc đình công tự phát.
Trong khuôn khổ các chương trình thí điểm, việc thương lượng tiền lương và thương lượng tập thể tại một hoặc một nhóm doanh nghiệp sẽ do các công đoàn ở cùng một ngành tại cấp địa phương, chẳng hạn như tại các khu công nghiệp, phối hợp tổ chức.
Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam Gyorgy Sziraczki đánh giá, việc thông qua các chương trình thí điểm mới cho thấy những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực thi Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn (sửa đổi). Trong đó, những thay đổi lớn nhất là thúc đẩy đối thoại bắt buộc giữa người lao động và người sử dụng lao động và các hình thức thương lượng tập thể với sự tham gia của người lao động và sự hỗ trợ của công đoàn cấp trên.
Hai bộ luật mới được thông qua và có hiệu lực năm 2013 nói trên được mong đợi sẽ giúp công đoàn cấp trên đóng vai trò lớn hơn và tích cực chủ động hơn trong việc tổ chức công đoàn và các vấn đề về quan hệ lao động tại nơi làm việc.