Tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn thực hiện Chương trình MTQG 1719 tại Lạng Sơn

(Mic.gov.vn) - 

Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Lạng Sơn có 199/200 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gồm: 88 xã khu vực III, nay đã có 02 xã chuyển về KV1; 08 xã khu vực II, 103 xã khu vực I; Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc, Lạng Sơn có 644 thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 được thụ hưởng Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719)..


lạng-sơn-2.png

Dân số toàn tỉnh năm 2022 khoảng 802 nghìn người, với gần 80% dân số sống ở khu vực nông thôn. Đồng bào DTTS chiếm 83,91% dân số toàn tỉnh, có 07 dân tộc sinh sống chủ yếu trên địa bàn tỉnh gồm: Nùng chiếm 43,19%, Tày chiếm 34,58%, Kinh chiếm 16,1%, Dao chiếm 3,91%, Hoa chiếm 0,33%, Sán Chay chiếm 0,4%, Mông chiếm 0,1%, các dân tộc khác 0,08%.

Về cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, nhìn chung kinh tế vùng đồng bào DTTS phát triển chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh chưa cao. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, nhất là vùng đặc biệt khó khăn; nguồn lực đầu tư phát triển còn hạn chế, việc huy động nguồn lực từ cộng đồng chưa cao. Kinh tế phát triển chưa đồng đều, nền tảng công nghiệp và dịch vụ đã có nhưng chênh lệch lớn giữa các địa phương. Kinh tế công nghiệp và xây dựng vẫn chiếm tỷ trọng quan trọng, tuy nhiên giá trị không lớn và chưa hình thành khu vực công nghiệp tập trung, chưa có mô hình chế biến chế tạo công nghệ cao; kinh tế dịch vụ và du lịch chưa phát triển.

Các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế hộ nghèo, cận nghèo được mở rộng; việc nhân rộng các mô hình giảm nghèo từng bước được phát huy, đời sống của đồng bào các DTTS được cải thiện, góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, cụ thể: năm 2022 tổng số hộ nghèo và cận nghèo toàn tỉnh là 37.817 hộ, chiếm tỷ lệ 19,28%, trong đó: tổng số hộ nghèo là 17.497 hộ, chiếm tỷ lệ: 8,92%. Tổng số hộ cận nghèo là 20.320 hộ, chiếm tỷ lệ 10,36%.

Về giáo dục, cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học vùng DTTS&MN của tỉnh được đầu tư ngày càng khang trang hơn; đội ngũ cán bộ, giáo viên ngày càng được chuẩn hoá. Chính sách về giáo dục được thực hiện đầy đủ, kịp thời, hoàn thành tốt nhiệm vụ; năm 2022 công nhận mới 17 trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường chuẩn lên 269 trường. Chính sách tạo nguồn cho học sinh DTTS tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tỷ lệ học sinh DTTS đi học đúng
độ tuổi bậc tiểu học đạt 99,9%.

Mạng lưới y tế của tỉnh tiếp tục được quan tâm đầu tư, có 180/200 xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia y tế xã; 100% trạm y tế tuyến xã có bác sỹ làm việc; chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng lên; công tác phòng chống dịch, đặc biệt là phòng chống dịch Covid-19 được chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, qua đó đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; các hoạt động duy trì hiệu quả Chương trình mục tiêu y tế - dân số được triển khai thực hiện cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân...

Về văn hóa, các hoạt động văn hóa thông tin được triển khai thực hiện với các nội dung thiết thực góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc. Trong những năm qua, việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích trên địa bàn tỉnh có nhiều tiến bộ, đạt được những kết quả tích cực góp phần đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống, văn hóa, lịch sử địa phương, phát triển văn hóa du lịch và các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đã tạo việc làm mới được 17.000 lao động, đạt 113,3% kế hoạch. Số người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp 4.746 người, trong đó 4.032 người (tăng 21,7% so với năm 2021) có quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng với tổng số tiền chi trợ cấp thất nghiệp theo quyết định là 54.756 triệu đồng (tăng 25,35% so với năm 2021). Tuyển sinh và đào tạo cho 19.436 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%, đạt 100% kế hoạch. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội.

Công tác trợ giúp pháp lý được thực hiện thông qua các hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, truyền thông về hoạt động trợ giúp pháp lý và quyền được trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao hiểu biết cho đối tượng là người DTTS cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Trong năm, đã thực hiện 212 vụ việc trợ giúp pháp lý cho người DTTS cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Gia công in 72 bảng thông tin, 30.000 tờ gấp “Tìm hiểu một số quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý” để cung cấp cho UBND các xã, các cơ quan tiến hành tố tụng... qua đó đã góp phần trực tiếp nâng cao hiệu quả truyền thông, đưa chính sách trợ giúp pháp lý đến địa bàn xã, thôn bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, giúp người DTTS được tiếp cận với chính sách trợ giúp pháp lý./.

Doãn Mạnh

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT( 0)