Điểm tin ngành Thông tin và Truyền thông tuần 44 (từ ngày 28/10 đến ngày 03/11/2023)

(Mic.gov.vn) - 

Thông tin tổng hợp về hoạt động ngành Thông tin và Truyền thông các địa phương được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng tuần 44 (từ ngày 28/10 đến ngày 03/11/2023).


20231106-A-1.jpg

 Giải quyết TTHC cho công dân tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Sơn La (ảnh: baosonla.org.vn)

 Bà Rịa - Vũng Tàu: Ra quân hỗ trợ người dân nộp thủ tục hành chính trực tuyến

Sáng ngày 30/10, Bưu điện tỉnh phối hợp với Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức ra quân tuyên truyền người dân nộp TTHC trực tuyến. Phát biểu tại buổi lễ, ông Dương Minh Chính, Phó Giám đốc phụ trách Bưu điện tỉnh cho biết, điểm giao dịch bưu điện các cấp đang phục vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC của các sở, ban, ngành, địa phương trong toàn tỉnh. Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, bắt đầu từ ngày 01/11, Bưu điện tỉnh hỗ trợ, hướng dẫn người dân nộp TTHC trực tuyến tại các điểm giao dịch trên toàn tỉnh, rút ngắn thời gian, tăng tuần suất vận chuyển, nâng cao chất lượng hoạt động khai thác vận chuyển để hồ sơ TTHC đến tay người dân nhanh hơn.

Sáng 26/10, tại TP Buôn Ma Thuột, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia và Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT phối hợp với Sở TT&TT tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội nghị tuyên truyền về chữ ký số, dịch vụ chứng thực chữ ký số năm 2023

Tại hội nghị, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia đã chia sẻ về vai trò, lợi ích của chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số trong hoạt động Chính phủ điện tử, chính phủ số, chuyển đổi số; các điểm mới trong Luật Giao dịch điện tử 2023 đến người dân, doanh nghiệp và các tổ chức. Hội nghị sẽ cung cấp những vấn đề mới, quan trọng về chữ ký số, giao dịch điện tử để trang bị cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động, tổ chức, doanh nghiệp; tạo chuyển biến tích cực cho tiến trình chuyển đổi số của tỉnh Đắk Lắk nói riêng cả nước nói chung .

Xây dựng thành phố thông minh không chỉ là nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Dương, mà còn là khát vọng của lãnh đạo và hơn 2 triệu người dân địa phương

Để thực hiện mục tiêu, tỉnh Bình Dương đang đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, phát triển công nghiệp 4.0 bằng tất cả quyết tâm và nguồn lực của mình. Nhằm mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ viễn thông CNTT, Công ty CP Công nghệ và Truyền thông Việt Nam (VNTT) chính thức đầu tư và đưa vào khai thác Trung tâm dữ liệu Datacenter được xây dựng tại TP mới Bình Dương từ năm 2013. Tại buổi làm việc ngày 28/10, đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Bí thư tỉnh ủy Bình Dương đề nghị VNTT cần tiếp tục phối hợp với các đối tác, tập trung triển khai các dự án hạ tầng viễn thông, ứng dụng CNTT để đáp ứng công tác chuyển đổi số, chính quyền điện tử của tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi yêu cầu UBND tỉnh, các sở, ngành phối hợp với doanh nghiệp để phát triển các dự án chiến lược trong chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian tới. Bình Dương phấn đấu đến đầu năm 2022, sẽ thực hiện thành công việc chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực.

Hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia, UBND tỉnh Anh Giang đã tổ chức triển lãm và hội thảo về chuyển đổi số tỉnh An Giang năm 2023, chủ đề “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”

Triển lãm và hội thảo về chuyển đổi số tỉnh An Giang giới thiệu các giải pháp thúc đẩy phát triển, khai thác dữ liệu số trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh An Giang. Chương trình chuyển đổi số tỉnh An Giang tập trung vào 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Qua 2 năm triển khai thực hiện, tỉnh đã thành lập 887 tổ công nghệ số cộng đồng tại 11/11 huyện, thị xã, TP, với 6.517 thành viên mang lại nhiều lợi ích cho công tác chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội của các cấp chính quyền, cho sự phát triển của doanh nghiệp và đời sống, sản xuất - kinh doanh của người dân.

Ngày 01/11, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức chương trình ngày Chuyển đổi số Đắk Nông 2023

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười đề nghị: “Các ngành, địa phương tiếp tục triển khai các kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ CNTT hiện có, giúp đội ngũ này trở thành các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật nòng cốt tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp về CĐS”. Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười nhấn mạnh, năm 2023 được xác định là năm "Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị". Do vậy, để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, chúng ta cần bám sát các chủ trương, chiến lược, định hướng về CĐS Quốc gia, các nghị quyết, chương trình, kế hoạch đã ban hành.

Sơn La: Ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính

Ông Lò Văn Xoa, Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Sơn La, cho biết: Đến nay, các TTHC thực hiện tại Trung tâm được thiết lập quy trình điện tử trên hệ thống thông tin một cửa điện tử, qua đó đảm bảo việc giải quyết TTHC của các sở, ban, ngành, đơn vị được thực hiện một cách công khai, minh bạch trên môi trường mạng. Ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh đã giúp giảm thời gian, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao chất lượng phục vụ, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, tăng “chỉ số minh bạch” của nền hành chính Nhà nước, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh và chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh.

TP Hồ Chí Minh: Xây dựng hệ thống công nghệ quản lý, giám sát thông tin xấu độc

Theo ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh, trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, ngành chức năng TP Hồ Chí Minh đã ngăn chặn, gỡ bỏ 330 bài viết có thông tin xấu độc trên tài khoản mạng xã hội Facebook, 439 video trên nền tảng YouTube, 573 video trên TikTok, hàng trăm trang tin điện tử có tên miền quốc tế. Sở TT&TT đang được UBND TP Hồ Chí Minh giao chủ trì xây dựng, vận hành, khai thác hiệu quả ứng dụng công nghệ để tổng hợp thông tin dư luận xã hội quan tâm, đồng thời giám sát thông tin xấu độc. Hệ thống này có khả năng nắm bắt thông tin của hơn 70 triệu tài khoản (Facebook, YouTube) và hơn 100.000 trang tin khác.

Hệ thống quản lý thông tin 150 báo điện tử, 1.500 trang tin điện tử tổng hợp, 350 trang mạng xã hội. Trên cơ sở nắm bắt thông tin, hệ thống sẽ đề xuất phương án giúp sở TT&TT TP HCM quản lý và xử lý kịp thời.

Bình Định ban hành kế hoạch triển khai chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Mục tiêu đến năm 2025, 70% cơ quan báo chí của tỉnh đưa nội dung lên các nền tảng số; 70% cơ quan báo chí của tỉnh sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 100% cơ quan báo chí điện tử của tỉnh có giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên.

Mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí của tỉnh đưa nội dung lên các nền tảng số; 100% cơ quan báo chí của tỉnh sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 100% cơ quan báo chí của tỉnh hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.

P.V (Tổng hợp)

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT( 0)