Khơi gợi niềm tự hào về đồng bào Chơ Ro

(Mic.gov.vn) - 

Đam mê ca hát, nam ca sĩ Huỳnh Được (dân tộc Chơ Ro, hiện sinh sống và công tác tại Hà Nội) đã chuyển sang sáng tác ca khúc song ngữ Việt - Chơ Ro với mong muốn lan tỏa văn hóa, con người và vùng đất nơi người Chơ Ro sinh sống đến các dân tộc khác. Mọi tâm sự, nỗi lòng của anh đã được gửi gắm trong những nốt nhạc vui tươi: “Người Chơ Ro hiền hòa, nhân hậu/ Người Chơ Ro thật thà, dễ thương/ Đôi chân trần cha đi lên rẫy/ Mẹ trồng ngô, trồng lúa khéo tay…” (Tự hào người Chơ Ro).


20232210-Duy-11.jpg

Ảnh minh họa

Sinh năm 1980, chàng trai Huỳnh Được bộc lộ năng khiếu âm nhạc từ những ngày ấu thơ. Anh kể, những năm học Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Đồng Nai, mỗi đêm thanh vắng, anh ngồi nhớ quê, nhớ gia đình và cứ thế điệu dân ca văng vẳng bên tai. Anh đã hát để thỏa nỗi nhớ và tình yêu với âm nhạc lớn dần. Cuộc đời anh đã rẽ sang một con đường khác khi anh giành giải Nhất Cuộc thi Tiếng hát học sinh - sinh viên các trường dân tộc nội trú toàn quốc. Ấy là khi anh nằm trong số ít thí sinh được tuyển thẳng vào Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Anh đã chọn học chuyên ngành thanh nhạc, nhạc cụ - Khoa Nghệ thuật dân tộc và miền núi và Khoa Quản lý văn hóa trong suốt gần 10 năm.

Ra Hà Nội học tập, nỗi nhớ đồng bào dân tộc Chơ Ro trỗi dậy, anh lại bắt đầu miệt mài hát và sáng tác bằng tiếng Chơ Ro. Bởi anh cho rằng, âm nhạc của người Chơ Ro ngày càng mất dần đi khi các già làng khuất núi, còn giới trẻ lại không mặn mà với di sản.

“Tôi cho rằng, âm nhạc dân tộc mất dần đi không hẳn do không được gìn giữ. Nhiều nhà nghiên cứu đã ghi chép trong các cuốn sách, ghi âm lại trong các băng, đĩa. Nhưng âm nhạc đó không hấp dẫn được giới trẻ trước sự xâm lấn của các nền văn hóa trên không gian internet. Việc sáng tác những ca khúc mới bằng tiếng Chơ Ro sẽ vừa gìn giữ được tiếng nói, chữ viết của dân tộc vừa toát lên được hơi thở thời đại mới. Tôi sáng tác dựa trên sự phát triển những làn điệu dân ca truyền thống theo hướng hiện đại” - Huỳnh Được quả quyết.

Đến nay, anh đã sáng tác nhiều ca khúc tiếng Chơ Ro và sưu tầm, phát triển được nhiều bài dân ca, dân vũ như: “Tình người Chơ Ro”, “Hát về già làng Năm Nổi”, “Một thoáng Đồng Nai”, “Phú Lý quê tôi”. Đặc biệt, “Tự hào người Chơ Ro” là ca khúc lấy cảm hứng khi anh còn nhỏ đã theo cha mẹ lên rẫy chứng kiến mẹ trồng lúa, trồng ngô, cha phát rẫy làm nương và chứng kiến Lễ hội mừng lúa mới bên ánh lửa, bên nhà sàn.

“Ngày nay, tuổi trẻ Chơ Ro không có nhiều bạn cùng suy nghĩ với tôi nên tôi muốn thông qua ca khúc để các thế hệ thấy lại hình ảnh vất vả của ông bà, cha mẹ ngày xưa du canh, du cư. Từ đó, khơi gợi lòng tự hào trong người Chơ Ro về bản sắc văn hóa của dân tộc mình” - nam ca sĩ nhấn mạnh.

Ngoài sáng tác, Huỳnh Được còn chơi thành thạo các loại nhạc cụ của dân tộc mình. Nhiều ca khúc tiếng Chơ Ro sáng tác xong, anh viết những bản phối có sự kết hợp giữa nhạc cụ hiện đại với truyền thống tạo nên những âm sắc tươi mới nhưng vẫn giữ được sự sâu lắng của hồn cốt dân tộc. Anh chăm chỉ sưu tầm những bài nhạc truyền thống của người Chơ Ro qua các cuốn sách, các bản ghi âm rồi làm mới bằng những bản phối mang hơi hướng hiện đại.

“Trong thời gian tới, tôi muốn sáng tác nhiều hơn nữa, khám phá phong tục tập quán của dân tộc mình và đưa vào ca khúc. Tôi cũng rất muốn làm MV ca nhạc có cảnh quay, tái hiện, dàn dựng lại cảnh sinh hoạt đời sống người Chơ Ro xưa và nay. Đặc biệt, tôi muốn dạy cho những ai thích hát và yêu ca khúc về dân tộc Chơ Ro. Rất tiếc là “lực bất tòng tâm” về kinh tế nên tôi vẫn cứ làm từ từ từng bước một” - anh chia sẻ.

Trò chuyện cùng Huỳnh Được mới thấy tình yêu với văn hóa dân tộc trong anh lớn đến thế nào. Mặc dù cuộc sống một mình ở Thủ đô còn nhiều khó khăn, nhưng anh luôn cố gắng từng ngày. Anh bảo, anh có tình yêu lớn với văn hóa dân tộc Chơ Ro của mình cũng như bản sắc văn hóa các dân tộc khác. Văn hóa là động lực, là sức mạnh nội sinh cho sự phát triển của đất nước.

“Tôi biết rằng, “một cánh én không làm nên mùa xuân” nhưng vẫn chăm chút thắp lửa để kết nối những người trẻ dân tộc Chơ Ro thành một khối đoàn kết, từ đó, động viên, nhắc nhở nhau về ý thức gìn giữ, phát huy giá trị cha ông để lại” - Huỳnh Được khẳng định.

Nhìn vào tấm gương của nhạc sĩ Trần Viết Bính, tác giả ca khúc “Hạt gạo làng ta” - một người quê Thái Bình nhưng đã lặn lội vào tận Đồng Nai sinh sống, sưu tầm dân ca, trong đó có dân ca của dân tộc Chơ Ro, Huỳnh Được cảm thấy thật ấm lòng. Anh bảo, nhạc sĩ Trần Viết Bính không phải người Đồng Nai, càng không phải người dân tộc Chơ Ro còn làm được thì anh - một người Chơ Ro “chính hiệu” phải cố gắng, quyết tâm hơn nữa…

Ngô Khiêm

(Nguồn: bienphong.com.vn)

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT( 0)