(Mic.gov.vn) - Tính đến tháng 10/2023, tỉnh Thanh Hóa đã giải ngân được 117.762 triệu đồng vốn đầu tư thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I từ năm 2021-2025.

Ảnh minh họa
Căn cứ các Nghị quyết về phân bổ vốn của HĐND tỉnh, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các Quyết định: số 1181/QĐ-UBND ngày 10/4/2023, số 1372/QĐUBND ngày 26/4/2023 về việc phân bổ vốn sự nghiệp và vốn đầu tư phát triển năm 2023 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 (đợt 1); số 2627/QĐ-UBND ngày 24/7/2023, số 2756/QĐ-UBND ngày 02/8/2023 về việc phân bổ vốn sự nghiệp và vốn đầu tư phát triển năm 2023 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 (đợt2).
Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa cho biết, đến tháng 10/2023, địa phương này đã giải ngân vốn đầu tư được 117,762 tỷ đồng (trong đó, vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 là 64,233 tỷ đồng; vốn năm 2023 là 53,529 tỷ đồng), bằng 32,2% tổng vốn đã phân bổ chi tiết.
Về nguồn vốn sự nghiệp, tỉnh Thanh Hóa đã giải ngân được 20,011 tỷ đồng (vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 là 24,992 tỷ đồng; vốn năm 2023 là 4,019 tỷ đồng); bằng 6,6% vốn đã phân bổ chi tiết.
Đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương giao năm 2023 còn lại, địa phương này chưa phân bổ.
Hiện nay, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đang tham mưu cho UBND tỉnh hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ XVI về phân bổ vốn sự nghiệp, vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương năm 2023 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 (đợt 3).
Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa cho biết, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần giúp cho diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi thay đổi tích cực.
Theo thống kê, năm 2022 toàn tỉnh Thanh Hóa có 49.893 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 4,99%; 68.946 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 6,89%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở 11 huyện miền núi giảm 4,81%; từ 20% xuống còn 15,19%.
Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022 giảm 7,37%; từ 27,23% xuống còn 19,86% vượt mục tiêu Chương trình đề ra (mục tiêu đề ra là giảm 3%); ước đến 31/12/2023 giảm 4,5% còn 15,36%.