Bình Phước được vinh danh tại giải thưởng chuyển đổi số. Ngày 07/10, Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức lễ trao giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards 2023 (VDA 2023). Tại sự kiện, Sở TT&TT tỉnh Bình Phước là một trong 7 đơn vị được vinh danh ở hạng mục 3 với "Hệ thống thông tin nguồn tỉnh Bình Phước". VDA là chương trình được tổ chức thường niên dưới sự bảo trợ Bộ TT&TT. Qua 6 mùa tổ chức, VDA đã vinh danh gần 400 cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp chuyển đổi số xuất sắc và các sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số tiêu biểu.
Ngày 10/10, tỉnh Hậu Giang tổ chức hội nghị hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia với chủ đề là "Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị". Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 được tổ chức hàng năm nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số, thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa, lợi ích của chuyển đổi số, thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp, sự tham gia của toàn dân, bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số. Rà soát, triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số để triển khai hiệu quả; tăng tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công nộp trực tuyến từ xa...
Ngày 10/10, Ban chỉ đạo chuyển đổi số Thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thí điểm và triển khai nhân rộng mô hình “xã, phường chuyển đổi số” năm 2023. Mô hình “xã, phường chuyển đổi số” được triển khai thí điểm ở phường Yên Giang và xã Cẩm La với yêu cầu thực hiện 22 nhiệm vụ. Trong 40 ngày thực hiện, đến nay phường Yên Giang đã hoàn thành 15/22 nhiệm vụ; xã Cẩm La đã hoàn thành 11/22 nhiệm vụ. Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị, địa phương đã trao đổi những thuận lợi, khó khăn và đề xuất giải pháp tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình “xã, phường chuyển đổi số”.
Du lịch Cà Mau chuyển biến tích cực nhờ chuyển đổi số. Sáng 09/10, phát biểu tại toạ đàm Thúc đẩy chuyển đổi số du lịch tỉnh Cà Mau 2023, ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, du lịch Cà Mau năm qua có sự chuyển biến tích cực với lượng khách tăng trở lại và đi vào ổn định một phần nhờ các giải pháp chuyển đổi số. Theo ông Luân, chuyển đổi số đang làm thay đổi cơ bản mô hình và cách thức hoạt động của một tổ chức, doanh nghiệp trên cơ sở tận dụng công nghệ số hiện đại để tạo ra những cơ hội và giá trị mới.
Thời gian qua, Cà Mau đã triển khai ứng dụng trang thông tin du lịch Cà Mau (camautourism.vn) và app du lịch thông minh trên thiết bị di động, cho phép du khách tra cứu, tìm kiếm thông tin du lịch theo vị trí như: Lưu trú, ẩm thực, điểm đến, lữ hành, sự kiện, chỉ đường…góp phần phát huy hiệu quả vai trò hỗ trợ công tác quản lý hoạt động du lịch, kết nối người dân, du khách và doanh nghiệp tương tác, chia sẻ dữ liệu về du lịch. Đây là động lực để các doanh nghiệp phấn đấu phát triển trở thành doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, hiện đại
Sáng 12/10, UBND tỉnh Lâm Đồng khai trương Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tại số 4 Trần Hưng Đạo, phường 3, TP Đà Lạt. Trung tâm IOC Lâm Đồng là nơi tập trung dữ liệu của tất cả các lĩnh vực, hệ thống phân cấp từ tỉnh đến địa bàn, phòng ban đơn vị hành chính trong địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Kết nối và chia sẻ dữ liệu với các bộ ngành, Văn phòng Chính phủ. Tích hợp các công nghệ hiện đại như BI, AI để xử lý, tổng hợp và phân tích dữ liệu theo các tiêu chí, xu hướng; khai thác dữ liệu một cách trực quan qua dữ liệu con số chi tiết, biểu đồ tổng quan, màu sắc cảnh báo … Trung tâm IOC Lâm Đồng được kết nối số liệu trực tiếp từ Trung tâm thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tập trung thu thập, xử lý, các thông tin kinh tế, xã hội trên tất cả các lĩnh vực theo tần suất hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng tuỳ theo chỉ tiêu, phục vụ kịp thời sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng
Thừa Thiên Huế thúc đẩy phổ cập chữ ký số. Theo Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Xuân Sơn, sau khi kích hoạt chiến dịch cấp chữ ký số cho người dân thông qua 3 hình thức: Doanh nghiệp hỗ trợ cấp trực tiếp tại hộ gia đình, đăng ký trực tuyến qua ứng dụng của các doanh nghiệp cung cấp chữ ký số và đăng ký nhu cầu qua Hue-S, chỉ trong một tuần triển khai, chương trình đã cấp và tiếp nhận đăng ký gần 2.000 chữ ký số cho người dân. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ thể hiện sự đồng hành của các doanh nghiệp, sự quan tâm của người dân trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế.
Để đạt mục tiêu chiến dịch đề ra, thời gian tới, Sở TT&TT sẽ triển khai các giải pháp đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã trong việc ứng dụng chữ ký số vào dịch vụ công trực tuyến trên Hue-S, sớm đưa giá trị chữ ký số vào cuộc sống; đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức đồng thời huy động nguồn lực truyền thông của các doanh nghiệp nhằm tạo ra sự da dạng thông tin giúp người dân tiếp cận. Phối hợp với các doanh nghiệp tích hợp các dịch vụ, tiện ích chữ ký số lên Hue-S. Ngoài ra, cũng yêu cầu các doanh nghiệp huy động thêm nguồn lực như cam kết nhằm kích hoạt kịp thời với các nhu cầu đăng ký trực tuyến cũng như tăng cường về tận hộ gia đình cấp chữ ký số cho người dân.
Hòa Bình: Chuyển đổi số lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm. Giám đốc Sở TT&TT Bùi Đức Nam cho biết: Thời gian qua đã ban hành nhiều quyết định, kế hoạch nhằm đẩy mạnh CĐS trong hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp; đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm đổi mới căn bản, toàn diện công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng các mô hình CĐS, tiến tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số.Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 7 doanh nghiệp đầu tư, xây dựng hạ tầng, cung cấp các dịch vụ viễn thông, internet. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực CĐS của tỉnh được quan tâm. Tỷ lệ cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện thường xuyên sử dụng máy tính để xử lý công việc đạt 100%, cấp xã 80%...Có thể khẳng định, làn sóng CĐS cùng với công tác truyền thông đã tạo sự lan tỏa, tham gia và hưởng ứng nhiệt tình từ người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
"Thách thức lớn nhất trong chuyển đổi số là dám làm hay không". Đó là chia sẻ của lãnh đạo Sở TT&TT tỉnh Bạc Liêu tại Hội thảo chuyển đổi số tỉnh Bạc Liêu năm 2023 với chủ đề "Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị", diễn ra chiều 13/10. Chia sẻ tại hội thảo, ông Huỳnh Chí Nguyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, nhấn mạnh chuyển đổi số là xu thế tất yếu, giúp cho chính quyền các cấp hoạt động hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn. Theo ông Nguyện, nhiều đơn vị còn lúng túng, chưa nhận thức đủ, đúng về tầm quan trọng của dữ liệu số trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay. Từ đó, việc đồng bộ, chia sẻ dữ liệu giữa các ngành, các cấp và với bộ, ngành Trung ương còn gặp không ít khó khăn.
Ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bạc Liêu, cho rằng chuyển đổi số diễn ra nhanh hay chậm không phụ thuộc vào tiến bộ công nghệ, mà phần lớn phụ thuộc vào người dùng công nghệ. Công nghệ số càng nhiều người dùng sẽ càng rẻ, càng dùng nhiều càng hoàn thiện, càng nhiều dữ liệu càng tạo ra nhiều giá trị. Thách thức lớn nhất trong chuyển đổi số tại các cơ quan, tổ chức là nhận thức và sự vào cuộc thực sự của người đứng đầu. Đó là câu chuyện dám làm hay không dám làm.
Bắc Ninh xử phạt 1 tạp chí vì đăng bài không đúng tôn chỉ, mục đích. Đó là thông tin được Sở TT&TT Bắc Ninh cho biết tại hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước về báo chí, tuyên truyền quý III và cung cấp số liệu, kết quả triển khai Nghị quyết số 52-NQ/TW do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Ninh, Sở TT&TT, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức chiều 09/10.Thông tin về công tác quản lý, hoạt động báo chí trong quý III, đại diện Sở TT&TT cho biết, Sở đã ban hành văn bản chấn chỉnh một số cơ quan báo chí về những bài viết xa rời tôn chỉ mục đích theo giấy phép của Bộ TT&TT cấp.Cụ thể, Thanh tra Sở TT&TT Bắc Ninh đã xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng đối với Tạp chí điện tử Một thế giới vì đăng tải bài viết có nội dung không đúng tôn chỉ, mục đích. Tại hội nghị, đại diện các cơ quan báo chí đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tác nghiệp cũng như tiếp cận thông tin tại các địa phương và sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh.
Lĩnh vực xuất bản, in và phát hành của TP.HCM đang tăng tốc chuyển đổi số. Theo Giám đốc Sở TT&TT Lâm Đình Thắng, lĩnh vực xuất bản, in và phát hành của TP.HCM đã tiếp cận từ sớm và thích nghi nhanh và đang tăng tốc chuyển đổi số. Những lĩnh vực ngành đang tập trung chuyển đổi số bao gồm xuất bản điện tử; thanh toán điện tử; tiếp thị - marketing, quảng cáo và quản trị, điều hành… Tuy còn nhiều khó khăn nhưng ngành xuất bản TP nhìn chung vẫn đang tăng trưởng và đóng góp thực sự cho tăng trưởng kinh tế của TP.HCM.