(Mic.gov.vn) - Sơmă Kơcham là một lễ cúng lớn trong năm của người Bahnar ở các làng dân tộc thiểu số nơi đầu nguồn dòng suối Hway (xã Đăk Tơ Pang, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai). Đây là nét văn hóa rất Bahnar, thể hiện sự kính trọng và tri ân đến tổ tiên, cầu mong sự ban phước của Yàng (thần linh) và bảo vệ môi trường sống. Lễ cúng được tổ chức vào khoảng tháng 3 âm lịch hàng năm, kéo dài hai ngày một đêm, với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc.

Ảnh minh họa
Nghi thức tâm linh, nét văn hóa đặc sắc
Lễ cúng được diễn ra tại sân nhà Rông - công trình kiến trúc truyền thống của người Bahnar. Nhà Rông là nơi sinh hoạt chung của cộng đồng làng, là biểu tượng của quyền lực, uy tín và niềm tự hào của dân tộc. Trước khi bắt đầu lễ cúng, bà con trong làng phải chuẩn bị rất nhiều công việc, từ chẻ tre, chuốt nan để dựng cây nêu, đến nấu nướng thịt heo, gà, rượu cần để góp lễ. Cả làng như nhộn nhịp trong không khí lễ hội.
Già Đinh Văn Luông, thành viên Hội đồng già làng Prăng kể: “Mỗi năm, người Bahnar ở làng Prăng tổ chức lễ cúng bên trong nhà Rông và sân nhà Rông. Đây là hai nghi thức lớn của làng nhằm tưởng nhớ đến những người trong làng đã mất, cầu nguyện Yàng cho bà con một năm khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ cúng sân còn có ý nghĩa bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ gìn nguồn nước sạch cho dân làng”.
Nghi lễ cúng được chia thành hai phần: Cúng trong nhà Rông và cúng sân nhà Rông. Cúng trong nhà Rông là để tưởng nhớ đến các anh hùng, các vị lãnh đạo của làng đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ và xây dựng làng. Cúng sân nhà Rông là để cầu nguyện cho bà con có một năm an khang, thịnh vượng, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Cũng trong phần cúng này, bà con còn thực hiện các nghi thức bảo vệ nguồn nước sạch cho dân làng. Hai cây nêu được dựng ngay trước công trình nước sạch cũng nằm trong sân nhà Rông. Đây là biểu hiện của ý thức bảo vệ môi trường và tôn trọng thiên nhiên của người Bahnar.
Lễ cúng do Hội đồng già làng - những người có uy tín trong làng chủ trì. Họ sẽ đọc bài cúng, khấn nguyện, dâng lễ cho Yàng và các linh hồn của người đã khuất. Trong khi đó, đội cồng chiêng và đội xoang cùng những loại nhạc cụ truyền thống của người Bahnar sẽ diễn tấu xung quanh sân nhà Rông. Tiếng trống, tiếng chiêng vang lên rộn rã, trầm hùng, tạo nên một bầu không khí huyền bí và linh thiêng.
Thắt chặt tình đoàn kết và lưu giữ giá trị truyền thống
Sau khi lễ cúng kết thúc, Hội đồng già làng cùng nhấp những ngụm rượu đầu tiên trong hàng dài ché rượu mà dân làng đem đến góp lễ. Bà con cũng thực hiện nghi thức tương tự, mang theo ước vọng về một năm mới, mùa vụ mới thuận lợi, an lành. Mỗi hộ dân còn được chia một xâu thịt heo từ lễ cúng đem về để lấy may.
Phần hội là phần vui chơi, giải trí của lễ cúng. Buổi tối, bà con cùng nhau đánh chiêng, múa xoang và hát dân ca mãi đến khi ánh trăng tàn. Đây là dịp để bà con giao lưu, kết bạn, thể hiện tài năng và sức khỏe của mình. Đặc biệt, trong phần hội còn có sự xuất hiện của nhân vật pơtual (người tấu hề) để làm cho bầu không khí thêm vui tươi, dí dỏm. Pơtual thường là những em nhỏ hoặc thanh niên có khả năng diễn xuất và hài hước. Họ sẽ vừa đánh chiêng, vừa tấu hề bằng khuôn mặt giàu biểu cảm, khiến người xem không khỏi thích thú.
Đinh Minh (11 tuổi) và Đinh Vệ (8 tuổi) là hai trong số các em nhỏ được chọn làm pơtual trong lễ Sơmă Kơcham năm nay. Hai em rất háo hức và tự tin khi được thể hiện vai trò quan trọng này.
Đinh Minh cho biết: “Em rất thích làm pơtual vì có thể vui chơi và làm cho mọi người cười. Em đã học được nhiều điệu xoang và câu hát dân ca từ các các cụ già trong làng. Em mong muốn được góp phần giữ gìn nét văn hóa của dân tộc mình”. Còn Đinh Vệ bày tỏ: “Em rất ngưỡng mộ anh Minh vì anh ấy đánh chiêng rất hay và biết nhiều câu chuyện hài hước. Em muốn được giống anh ấy và truyền lại cho các em”.
Sau lễ cúng, bà con trong làng yên tâm lên rẫy, sẵn sàng cho một mùa vụ mới mang theo niềm tin no ấm, đủ đầy. Ngoài lễ cúng trong và ngoài nhà Rông, trong mỗi gia đình, dòng họ còn gìn giữ một số lễ cúng khác như pơ thi, cúng trăng...
Theo ông Đinh Văn Diu, Trưởng làng Prăng, trong làng có 119 hộ, trong đó có 113 hộ người dân tộc Bahnar. Qua mỗi lễ cúng, bà con càng thêm đoàn kết, lớp trẻ càng biết nhiều hơn về văn hóa truyền thống. Làng luôn nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc duy trì và phát huy các giá trị văn hóa của người Bahnar.
Em Đinh Thị Đin, thành viên Đội chiêng - múa xoang của làng Prăng chia sẻ: “Tham gia vào những nghi lễ truyền thông sẽ giúp cho những người trẻ hiểu rõ hơn về bản sắc văn hóa dân tộc mình, thêm yêu và quý trọng gia đình, thôn làng, quê hương nơi mình sinh ra. Chúng em sẽ tiếp tục kế thừa, gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc này của dân tộc mình”.
Lễ Sơmă Kơcham không chỉ là một sự kiện văn hóa mang tính lịch sử và tâm linh của người Bahnar ở Gia Lai, mà còn là một dấu ấn ghi lại sự sống động và phong phú của nền văn hóa Việt Nam. Đây là một di sản văn hóa quý giá mà chúng ta cần phải gìn giữ và phát triển.