Những kết quả bước đầu đáng khích lệ trên hành trình chuyển đổi số ở Yên Bái

Thứ ba, 28/02/2023 12:49

Tuy là tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những vướng mắc, rào cản do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan mang lại trên con đường chuyển đổi số; song nhìn lại thời gian qua, có thể thấy việc mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, quyết tâm thực hiện chuyển đổi số vì cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc hơn của mỗi người dân chính là một trong những giá trị đích thực của công cuộc chuyển đổi số ở Yên Bái.

z4010011100043-431280e5acb87cf8500328f04157cc2b.jpg

Yên Bái là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên trên cả nước (Lạng Sơn, Thái Nguyên, Yên Bái) thành lập được 100% Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã, cấp thôn.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các sở, ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, người dân Yên Bái đã dần thay đổi về tư tưởng, nhận thức và hành động, bước đầu sẵn sàng trải nghiệm, đón nhận để được thừa hưởng những giá trị từ chuyển đổi số. Các tầng lớp nhân dân đang dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số, tạo nên phong trào thi đua tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng trên địa bàn toàn tỉnh.

Những việc làm “đầu tiên” mang đặc trưng riêng của Yên Bái

Trước hết, không thể không nhắc đến những việc làm thay đổi nhận thức về chuyển đổi số một cách mạnh mẽ và rộng khắp, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tỉnh và toàn bộ hệ thống chính trị đã cùng vào cuộc chuyển đổi số. Khái niệm, tinh thần chuyển đổi số đã được truyền tải đến 100% các sở, ban, ngành của tỉnh, 9/9 huyện, thành phố, 173/173 xã, phường thị trấn và trong toàn thể đời sống xã hội của nhân dân. Trong đó, có những việc mà Yên Bái là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai thực hiện trong chuyển đổi số.

Tính riêng trong năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Yên Bái đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh 36 văn bản quan trọng (gồm 02 Nghị quyết, 13 Quyết định, 02 Chỉ thị, 18 Kế hoạch và 01 Đề án) phát triển ngành Thông tin và Truyền thông tại địa phương; cơ bản hoàn thiện một bước quan trọng về hành lang pháp lý, thể chế triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo.

Trong đó, có nhiều nội dung quan trọng, khó và chưa có tiền lệ như Nghị quyết 3 trong một quy định một số chính sách hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022 – 2025 gồm (1) mức thưởng đổi với sở, ngành, huyện thị, xã phường hoàn thành đạt chuẩn chuyển đổi số, chuyển đổi số nâng cao; (2) Hỗ trợ nâng cao năng lực chuyển đổi số với các Tổ chuyển đổi số cộng đồng tại thôn, bản, tổ dân phố; (3) Hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị, địa phương. Là tỉnh đầu tiên trên cả nước thành lập Trung tâm Chuyển đổi số trực thuộc Sở TT&TT.

z4123194000628-5170e876bf58a6781924ea2f71f76270.jpg

Hưởng ứng ngày chuyển đổi số Quốc gia năm 2022, Yên Bái là tỉnh đầu tiên trong cả nước tổ chức Hội thi truyền thông về chuyển đổi số đến 100% cấp huyện với chủ đề “Chuyển đổi số vì cuộc sống tốt đẹp hơn”. Cuộc thi đã tạo nên làn sóng lan tỏa mạnh mẽ, tích cực, hiệu quả thiết thực với nội dung và hình thức phong phú. Qua cuộc thi, đã có nhiều sáng kiến hay được nghiên cứu, đang được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh (như: Ngày thanh toán không dùng tiền mặt, tạo mã QRCode cho các cơ sở kinh doanh…).

Yên Bái là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên trên cả nước (Lạng Sơn, Thái Nguyên, Yên Bái) thành lập được 100% Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã, cấp thôn. Đến hết tháng 6 năm 2022, các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành tới 100% cấp xã (173/173 xã, phường, thị trấn) với 1.744 thành viên và 100% cấp thôn (1356/1356 thôn, bản, tồ dân phố) đã thành lập Tổ chuyển đổi số cộng đồng với 9.107 thành viên.

Yên Bái là tỉnh đầu tiên trong toàn quốc xây dựng, triển khai mô hình Nhà văn hóa số. Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh triển khai thí điểm mô hình nhà văn hóa số tại Huyện Văn Yên theo 02 mức độ. Đến nay huyện Văn Yên đã xây dựng được 92 nhà văn hóa số (trong đó, 34 nhà văn hóa đạt tiêu chuẩn nhà văn hóa số nâng cao), chiếm 53,5% tổng số nhà văn hóa thôn/tổ dân phố trên địa bàn huyện.

Yên Bái là tỉnh đầu tiên trên cả nước cử cán bộ tham gia đào tạo bài bản với nhiều loại chứng chỉ quốc tế uy tín về quản trị mạng, an toàn thông tin mạng. Đã có 19 cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, thi đạt chứng chỉ Cisco Certified Network Associate (CCNA); 05 cán bộ kỹ thuật được đào tạo, thi đạt các chứng chỉ Certified Network Defender (CND) và Certified Incident Handler (CIH) của hãng EC-Council; 01 cán bộ kỹ thuật được đào tạo, thi đạt chứng chỉ Offensive Security Certified Penetration (OSCP) của hãng Offensive Security. Bước đầu tạo ra một đội ngũ cán bộ kỹ thuật được đào tạo bài bản về an toàn thông tin; là những cán bộ nòng cốt tham mưu, xử lý các vấn đề về an toàn thông tin.

Yên Bái là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện thí điểm việc giao doanh nghiệp bưu chính công ích thực hiện việc tiếp nhận, trả kết quả (theo Nghị định 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ) đối với 06 thủ tục hành chính cấp tỉnh có phát sinh nhiều hồ sơ để người dân, doanh nghiệp có thể nộp, nhận kết quả tại các điểm bưu điện văn hóa xã của 3 địa phương (thành phố Yên Bái, huyện Văn Yên và thị xã Nghĩa Lộ), 9/9 bưu cục cấp II trên địa bàn tỉnh.

Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong việc tiết kiệm chi phí, công sức và thời gian đi lại. Đồng thời, cũng là giải pháp nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tỷ lệ tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, góp phần cải thiện và nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR Index); góp phần đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu tiêu cực, đem lại sự tiện lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí của các cơ quan hành chính nhà nước.

Yên Bái cũng là tỉnh tổ chức nhiều nhất các lớp đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số. Tính riêng trong năm 2022, đã tổ chức 15 lớp đào tạo, tập huấn trực tuyến về kỹ năng, kiến thức chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng cho cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan Đảng, chính quyền cấp huyện, cấp với tổng số 1.624 học viên, đạt 30% tổng số cán bộ, công chức của tỉnh; 03 lớp bồi dưỡng nhận thức, kỹ năng quản lý, điều hành trong hoạt động chuyển đổi số dành cho Lãnh đạo các sở, ngành và tương đương cho 100% cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý; 01 lớp tập huấn về chuyển đổi số cho 305 lãnh đạo UBND cấp xã, công chức quy hoạch Lãnh đạo UBND cấp xã trong 4 ngày theo hình thức trực tiếp.

Đặc biệt, tổ chức 1 chương trình đạo tạo về chuyển đổi số kéo dài 2 ngày tại Học viện Viettel với sự tham gia của Chủ tịch UBND tỉnh, 100% Giám đốc các Sở, ngành và Bí thư/Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Những kết quả bước đầu quan trọng trên hành trình chuyển đổi số

Là một trong những địa phương tích cực triển khai công nghệ số cho phòng, chống Covid-19 trong giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch, Yên Bái đã xây dựng, triển khai nhiều nền tảng trong việc hỗ trợ phòng, chống Covid-19 trong giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch: Bản đồ dịch tễ; PC-Covid; quản lý F0 tại nhà… Qua đó, đã hỗ trợ đắc lực cho cán bộ và ngành y tế của tỉnh trong suốt quá trình phòng, chống COVID-19 (giảm thiểu số lượng cán bộ y tế tham gia lấy mẫu xét nghiệm; lấy thông tin xét nghiệm “không giấy”); quản lý F0 tại nhà theo cách “nhìn” thấy số liệu để đưa ra quyết định về biện pháp phòng, chống dịch phù hợp trên địa bàn tỉnh và đến tận cấp xã. Giúp người dân tiếp nhận thông tin liên quan về COVID-19 (như kết quả xét nghiệm, thông tin về tình hình dịch bệnh, quyết định cách ly, xác nhận nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội) theo hình thức trực tuyến, giảm thiểu việc đi lại, tiếp xúc và thời gian chờ đợi. Công nghệ số đã góp phần quan trọng vào kết quả công tác phòng, chống dịch, thực hiện thành công “mục tiêu kép”, Yên Bái giữ được vùng xanh an toàn trong thời gian dài, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Yên Bái là tỉnh thứ 3 trên toàn quốc triển khai nền tảng số “Sổ tay đảng viên điện tử (sau tỉnh Thái Bình và tỉnh Thái Nguyên). “Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” được triển khai thí điểm tại 11  tổ chức đảng với tổng số 61 chi bộ và 1.999 đảng viên tham gia. Sau thời gian thí điểm, đến nay tỉnh Yên Bái đã ban hành Đề án Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái với mục tiêu năm 2023 sẽ triển khai tới 100% tổ chức, cơ sở đảng thuộc đảng bộ tỉnh.

Mở rộng hội nghị giao ban điện tử đa phương tiện; bảo đảm tính đồng bộ kết nối trên hệ thống giao ban điện tử trong quá trình khai thác, sử dụng; giảm chi phí đi lại, ăn nghỉ của việc tổ chức hội họp; giúp cho hoạt động chỉ đạo, điều hành của tổ chức Đảng, chính quyền các cấp được kịp thời, thông suốt; và đồng bộ, thống nhất với phương thức làm việc tới tận cấp xã của Trung ương trong thời gian vừa qua.

Đến tháng 10/2022 tỉnh Yên Bái có tổng số 123 điểm cầu được lắp đặt tại3/7 cơ quan đảng trực thuộc Tỉnh uỷ; 1/19 cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh; 9/9 UBND cấp huyện và 108/173 UBND cấp xã. Đến tháng 12/2022 Sở TT&TT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt phương án mở rộng hệ thống hội nghị giao ban điện tử đa phương tiện thêm 85 điểm, nâng tổng số điểm cầu trên toàn tỉnh là 210 điểm gồm: 100% cơ quan tham mưu khối Đảng; 100% cơ quan tham mưu trực thuộc UBND tỉnh; 100% Văn phòng cấp ủy và chính quyền cấp huyện; các xã, phường, thị trấn theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin.

Đã hoàn thành 08/10 mô hình chuyển đổi số, qua thực tiễn, các mô hình chuyển đổi số sẽ là căn cứ đánh giá kết quả triển khai thí điểm, làm cơ sở quan trọng để nhân rộng trên toàn tỉnh. Nổi bật là một số mô hình:

Chuyển đổi số trường học: Đã lựa chọn thí điểm tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành và Trường THCS Quang Trung (thành phố Yên Bái). Đến hết thời gian thí điểm, các nhà trường đã hoàn thành 100% các chỉ tiêu đề ra, 100% nhiệm vụ, giải pháp và triển khai 12/12 nền tảng, ứng dụng dùng phục phục vụ chuyển đổi số, đạt 100% so với kế hoạch. Sau khi thí điểm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai chuyển đổi số trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2022, nhân rộng tới 123 trường trên địa bàn tỉnh.

Chuyển đổi số cơ quan nhà nước: Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan lựa chọn triển khai thí điểm chuyển đổi số cấp sở, ban, ngành. Sở đã xây dựng Kế hoạch thực hiện chuyển đổi số sở với 24 mục tiêu, 34 nhiệm vụ và lựa chọn 17 phần mềm, nền tảng để triển khai. Kết quả, đã có 34/34 nhiệm vụ hoàn thành. Trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số tại Sở Thông tin và Truyền thông, để nhân rộng mô hình tại các sở, ban, ngành trực thuộc UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số triển khai nhân rộng mô hình chuyển đổi số tại các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2022.

Mô hình công dân số: UBND thành phố Yên Bái và Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức ký kết Kế hoạch liên ngành về triển khai mô hình Công dân số đến 70% Công dân trưởng thành đủ 15 tuổi trở lên (gọi tắt là Công dân). Hiện nay đang giao Văn phòng UBND tỉnh xây dựng, thử nghiệm nền tảng (app) công dân số của tỉnh phục vụ người dân và doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, phản ánh hiện trường, cập nhật thông tin chính thống, kịp thời về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh bên cạnh việc thực hiện các nội dung theo tiêu chí là công dân số.

Mô hình chuyển đổi số cấp huyện: Huyện Văn Yên là huyện đi đầu trong công tác thực hiện chuyển đổi số khi xung phong thực hiện đồng thời 9 mô hình, nền tảng số để hình thành mô hình về huyện chuyển đổi số. Đến nay, đã hoàn thành 38/41 chỉ tiêu, đạt 92,7%;

Chuyển đổi số cấp xã: Thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, năm 2021 xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn là xã đầu tiên của tỉnh được Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái lựa chọn xây dựng thí điểm Mô hình chuyển đổi số cấp xã (trên các mặt: hạ tầng số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số), với mục tiêu ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Đến nay, 100% thôn, bản trên địa bàn xã Tú Lệ có sóng di động 4G đảm bảo chất lượng (tăng 10%); 100% Internet băng rộng đến trung tâm các thôn, bản (tăng 10%); 86% gia đình có máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh (tăng 16%); 100% cán bộ công chức UBND xã được trang bị máy tính và kết nối mạng nội bộ (tăng 50%). 100% văn bản đi của UBND xã gửi các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử và được ký số chuyên dùng (tăng 100%); Trang thông tin điện tử xã Tú Lệ đáp ứng các yêu cầu cung cấp thông tin cho người dân. Các sản phẩm nông sản, du lịch lên sàn thương mại điện tử, Trang thông tin điện tử đã có phát sinh doanh thu; 82,86% nhân khẩu đã lập hồ sơ sức khỏe điện tử (tăng 60,86%).

Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chuyển đổi số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2022, theo đó mỗi địa phương lựa chọn tối thiểu 30% số xã, phường, thị trấn thực hiện chuyển đổi số trong năm 2022. Đến nay, 100% các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng xong kế hoạch triển khai tại địa phương. Toàn tỉnh có 73/173 xã (phường) đăng ký thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số chiếm tỷ lệ 42,2%, trong đó 03/73 xã, phường, thị trấn chuyển đổi số nâng cao.

Thay lời kết

Chuyển đổi số là nhiệm vụ mới và khó, do vậy quá trình triển khai thực hiện sẽ không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, bất cập phát sinh. Chuyển đổi số đặt ra nhiều thách thức cả về kinh tế và xã hội, nhất là đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các vùng khó khăn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trên không gian mạng, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng còn khó khăn, thách thức.

Trình độ đội ngũ cán bộ, trình độ dân trí và khả năng tiếp cận chuyển đổi số của một bộ phận cán bộ, người dân, doanh nghiệp còn hạn chế. Việc phát triển đội ngũ kỹ thuật phục vụ chuyển đổi số đã được quan tâm triển khai, tuy nhiên còn chưa thực sự tương xứng với quy mô đầu tư cho hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là chưa có đội ngũ chuyên gia, kỹ sư chuyển đổi số ở các sở, ngành, địa phương để ứng dụng và lan tỏa công nghệ số.

Hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị công nghệ thông tin ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương còn lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu của chuyển đổi số, phát triển mô hình đô thị thông minh.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông... còn triển khai đơn lẻ, rời rạc; chưa có cơ sở dữ liệu dùng chung, chưa khai thác được cơ sở dữ liệu liên ngành. Trong khi, yếu tố về công nghệ thay đổi từng ngày, từng giờ, đòi hỏi quá trình chuyển đổi số của tỉnh cần nhanh hơn, đáp ứng tốt hơn, đồng bộ hơn và mang lại hiệu quả thực sự...

Để những vấn đề nêu trên không trở thành rào cản trên con đường chuyển đổi số của tỉnh, thiết nghĩ, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục có định hướng đúng đắn, giải pháp tổng thể, đồng bộ, cụ thể, chi tiết và sát hợp với thực tế trong quá trình triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, chuyển đổi số vì cuộc sống tốt đẹp hơn, góp phần xây dựng tỉnh Yên Bái xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc./.

Hoài Thư (Sở TT&TT Yên Bái)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top