Phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng

Thứ sáu, 02/09/2022 20:23

Nhằm triển khai có hiệu quả chương trình chuyển đổi số quốc gia và của tỉnh, hỗ trợ cộng đồng dân cư triển khai ứng dụng công nghệ, từ tháng 4/2022, Bắc Giang triển khai thành lập tổ công nghệ số cộng đồng.

Đến nay, hơn 1.000 tổ công nghệ số cộng đồng các cấp đã được thành lập giúp đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống, từ đó tạo ra giá trị thiết thực thúc đẩy thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống. 

20220829-m01.jpg

Đoàn viên, thanh niên là lực lượng nòng cốt trong tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn tiểu thương sử dụng mã QR code. 

Hơn 1.000 tổ công nghệ số cộng đồng phát huy hiệu quả

Tổ công nghệ số cộng đồng xã Hương Lạc, huyện Lạng Giang, được thành lập từ tháng 6 năm 2022 với 17 thành viên gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch xã, Bí thư Đoàn Thanh niên, các thành viên đại diện Hội Nông dân xã, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn xã, các thôn, bản, tổ dân phố, do Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng. Nhiệm vụ của các thành viên trong tổ là tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số đến nhân dân; trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công; tham gia thực hiện chuyển đổi số trong từng lĩnh vực của đời sống. Các thành viên trong tổ hoạt động, trao đổi thông tin thông qua nhóm chung bằng ứng dụng Zalo. Không chỉ thành lập tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, đến nay tất cả 17 thôn trên địa bàn xã Hương Lạc đều đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn, mỗi tổ từ 7-10 thành viên.

Anh Ninh Quang Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Lạc, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện nay, các thành viên trong tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn đang tập trung tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Đồng thời, hướng dẫn người dân tạo và cài đặt các tài khoản điện tử để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ ngân hàng.

Chị  Hoàng Thị Yến, xã Hương Lạc, huyện Lạng Giang cho biết: "Thành viên trong tổ công nghệ số cộng đồng đã hướng dẫn tôi mở tài khoản thanh toán điện tử và cài đặt một số ứng dụng như sổ sức khỏe điện tử, ứng dụng của ngân hàng... Qua đó, tôi dễ dàng, thuận tiện hơn trong việc theo dõi các thông tin cá nhân như: quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế, thanh toán tiền điện, nước mà không cần đến tận nơi".

Đến nay, địa bàn tỉnh Bắc Giang đã thành lập 209 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với 3.870 thành viên, đạt 100%; ở cấp thôn thành lập được 921 tổ với 3.100 thành viên, trong đó một số huyện thành lập 100% đến cấp thôn như Lạng Giang, Việt Yên, Hiệp Hòa, Tân Yên, Yên Thế, Lục Ngạn.

Ở cấp xã, các tổ công nghệ số cộng đồng Bắc Giang có từ 10 - 18 người, cấp thôn có từ 5 đến 7 người, với nòng cốt là đoàn thanh niên. Tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện hoạt động thông tin, tuyên truyền sâu rộng những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số đến các hộ gia đình, người dân. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, nắm bắt kỹ năng sử dụng thành thạo các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản như: Định danh điện tử cá nhân, bảo hiểm xã hội, sổ sức khỏe điện tử, tài khoản mobile money, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, quốc gia, để tương tác với chính quyền và tạo nhóm mạng xã hội Việt Nam gồm tất cả các hộ gia đình, người dân trong thôn, bản, tổ dân phố để hỗ trợ, tương tác, hướng dẫn thường xuyên.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội

20220829-m02.jpg

Đoàn viên, thanh niên là lực lượng nòng cốt trong tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn người dân sử dụng dịch công trực tuyến. 

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang Nguyễn Gia Phong, chuyển đổi số cần bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân thấy công nghệ là thứ dễ dàng, thiết thực. Từ đó lan tỏa, đưa công nghệ số đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội. Chính vì vậy, các tổ công nghệ số cộng đồng là "cánh tay nối dài" của chính quyền, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, để thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số của quốc gia, của tỉnh, huyện, xã, phường, thôn, phố.

Hiện nay, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng tại cấp thôn, xóm, hướng đến 100% thôn xóm trên địa bàn tỉnh đều có tổ công nghệ số cộng đồng, Bắc Giang triển khai lộ trình hoạt động của các tổ này. Theo đó, thời gian đầu, các thành viên của tổ công nghệ số cộng đồng tập trung đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền đến người dân về các chủ trương, đường lối liên quan đến chuyển đổi số. Đồng thời hướng dẫn người dân truy cập cổng thông tin điện tử của tỉnh, huyện, xã, ngành, đơn vị để tra cứu thông tin; cài đặt và sử dụng các nền tảng công nghệ số, thanh toán không dùng tiền mặt, tạo tài khoản và truy cập cổng dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn đăng ký và sử dụng các sàn thương mại điện tử Voso, Postmart... để mua bán, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Tuy nhiên, do mới thành lập, hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn như: nhận thức của người dân về chuyển đổi số chưa cao. Một số thành viên trong tổ chưa nắm rõ và thành thạo về việc sử dụng các nền tảng số, dịch vụ số, công nghệ số; cơ sở vật chất để thực hiện chuyển đổi số chưa đồng bộ, các công cụ liên quan như điện thoại thông minh, máy tính, đường truyền, mạng chưa phổ cập đến 100% người dân; kinh phí để các tổ công nghệ số hoạt động không có.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng, Bắc Giang đã ban hành đề án “Nâng cao năng lực số cho thanh niên” nhằm phát huy vai trò nòng cốt của thanh niên trong các tổ công nghệ số cộng đồng và tổ chức một số lớp tập huấn về chuyển đối số cho đoàn viên, thanh niên, cán bộ chủ chốt cấp xã.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang Nguyễn Gia Phong cho biết, thời gian tới, để tổ công nghệ số cộng đồng đi vào thực chất, hiệu quả, góp phần đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp. Theo đó, Sở tiếp tục tổ chức tập huấn, hướng dẫn nâng cao năng lực về chuyển đổi số cho các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng; phổ biến khóa học "Phổ cập kỹ năng số cộng đồng" trên Nền tảng học trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông (https://onetouch.mic.gov.vn/pho-cap-ky-nang-so/) đến các thành viên trong tổ, người dân để sử dụng và coi đây là tài liệu chính thức trong hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng; in các tài liệu hướng dẫn cài đặt, sử dụng từng ứng dụng số thông qua các áp phích hoặc tờ rơi để các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp người dân cài đặt, sử dụng. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với đài truyền thanh cấp huyện, xã phát sóng các tài liệu hướng dẫn cài đặt, hướng dẫn sử dụng các ứng dụng số để tuyên truyền phổ biến hướng dẫn gián tiếp đến người dân cài đặt và sử dụng.

Bên cạnh đó, Sở phối hợp với các ngân hàng, nhà mạng nâng cao các ứng dụng liên quan như QR code, mobile money; phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông tập trung hoàn thiện hạ tầng thông tin, phấn đấu năm 2023 xây dựng mạng internet cáp quang đến 100% hộ gia đình. Bắc Giang đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, các hệ thống nền tảng số; xây dựng, phát triển nền tảng ứng dụng (App) trên thiết bị di động để người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng tiện lợi trong giao dịch với chính quyền và tra cứu thông tin, trong đó Bắc Giang đang tiến hành xây dựng App giải quyết thủ tục hành chính dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2023.

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top