Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước tháng 4/2022

Thứ hai, 25/04/2022 18:17

Sáng ngày 25/4, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước (QLNN) tháng 4/2022 với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ qua hình thức trực tuyến tại 12 điểm cầu. Dự Hội nghị có các đồng chí Thứ trưởng: Phan Tâm, Phạm Anh Tuấn; lãnh đạo cấp trưởng/cấp phó các đơn vị thuộc Bộ.

20220426-m03.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị giao ban.

Những hoạt động nổi bật trong công tác QLNN

Theo báo cáo của Văn phòng Bộ, trong tháng 4/2022, các lĩnh vực QLNN của Bộ có nhiều hoạt động nổi bật.

Lĩnh vực Bưu chính: Ngày 12/4/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 47/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính (có hiệu lực thi hành từ 1/6/2022); Tổ chức Hội nghị toàn quốc thúc đẩy việc giao doanh nghiệp bưu chính công ích thực hiện số công việc theo Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Lĩnh vực Viễn thông: Trong tháng 4/2022, Luật Viễn thông sửa đổi đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh và sẽ đưa ra tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5/2022. Thời gian tới hoàn thiện hồ sơ Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số Vô tuyến điện (trình Quốc hội trong tháng 5/2022); Xây dựng Quyết định của Thủ tướng về băng tần đấu giá; chuẩn bị đấu giá băng tần IMT; tiếp tục triển khai phủ sóng di động tại các thôn, bản lõm sóng; đề xuất các giải pháp và lộ trình tắt sóng công nghệ 2G, phổ cập smartphone…

Lĩnh vực ứng dụng CNTT: Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg lấy ngày 10/10 là Ngày Chuyển đổi số Quốc gia; Ngày 21/4, Bộ TT&TT đã phối hợp với Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số TP.Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và ký kết biên bản hợp tác về chuyển đổi số. Thời gian tới, cần triển khai các hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Tổ chức lớp bồi dưỡng về chuyển đổi số cho đội ngũ hạt giống nòng cốt về chuyển đổi số của các địa phương; Đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số; Phối hợp với các địa phương để do lường kinh tế số theo quý…

20220425-l1.jpg

Quang cảnh Hội nghị giao ban QLNN tháng 4/2022.

Về lĩnh vực An toàn thông tin mạng: Xây dựng báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và Ban Bí thư về chủ quyền dữ liệu; Chạy thử nghiệm Cổng không gian mạng quốc gia phiên bản mới phục vụ công tác chuyển đổi số quốc gia; làm việc với các cơ quan có liên quan và đề xuất phối hợp công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng… Thời gian tới, tiếp tục triển khai Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các hoạt động ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin mạng, bảo đảm an toàn thông tin mạng Việt Nam; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin cho thiết bị camera giám sát thông minh; Hoàn thiện phiên bản mới và đưa vào sử dụng Cổng không gian mạng quốc gia; Triển khai công tác kiểm tra tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng…

Lĩnh vực công nghiệp ICT: Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, sản xuất thiết bị 5G từ sản suất số lượng nhỏ sang sản xuất số lượng lớn. Nhiệm vụ trong thời gian tới: Nghiên cứu hoàn thiện các nội dung của Luật Công nghiệp Công nghệ số; hoàn thiện hồ sơ Chiến lược phát triển công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; hoàn thiện các chức năng, tính năng và dữ liệu của cơ sở dữ liệu; Tổ chức tọa đàm lấy ý kiến các Hiệp hội, doanh nghiệp trong việc xác định phần sản xuất tại Việt Nam của các doanh nghiệp công nghệ số…

Lĩnh vực báo chí, truyền thông: Tổ chức làm việc và đấu tranh 03 nền tảng xuyên biên giới gồm: Facebook, Tiktok, Apple; lập danh sách các trò chơi điện tử không phép, game cờ bạc phát hành xuyên biên giới vào Việt Nam; rà quét, đấu tranh xử lý thông tin xấu độc, thông tin vi phạm pháp luật trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội xuyên biên giới và công khai kết quả xử lý vi phạm trên Cổng TTĐT của Bộ; Thiết lập đường dây nóng và địa chỉ tiếp nhận phản ánh về sai phạm của OTTTV nền tảng xuyên biên giới; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công An thẩm định, điều tra tiến tới khởi tố các đối tượng liên quan đến hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của cá nhân. Thời gian tới, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định pháp luật để điều chỉnh hoạt động của cá nhân, nhất là những người có ảnh hưởng trong hoạt động quảng cáo trực tuyến, thương mại điện tử, thông tin điện tử; Triển khai kiểm tra một số hoạt động nhằm phát hiện, xử lý tình trạng “báo hóa"...

Xây dựng hoàn thiện thể chế là yếu tố quyết định cho phát triển bền vững

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ: Lãnh đạo và người làm quản lý cần nhận thức cho đúng, phải đi đầu dẫn dắt, nhất là khi việc đó mới, chưa ai làm; nhưng cũng có lúc phải lùi về phía sau để thúc đẩy mọi người. Trong thời gian vừa qua, Bộ TT&TT đã khởi xướng rất nhiều cái mới, tiên phong đi đầu, dẫn dắt và trực tiếp tham gia làm (ví dụ như các phần mềm phòng chống COVID). Hiện nay, đa số những cái mới đó đã trở thành nhận thức của xã hội và thành nhận thức của chính quyền. Khi đã thấy được sự vào cuộc của mọi người, mọi nhà, các ngành, các địa phương thì Bộ TT&TT phải lùi về phía sau để thúc đẩy, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

20220425-loc15.jpg

Hội nghị được kết nối trực tuyến tại 12 điểm cầu.

Để phát triển bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ ra những việc cần phải làm quyết liệt, hiệu quả và đem lại giá trị: Đó là tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế thuộc các lĩnh vực của ngành TT&TT có tác động tới 100 triệu dân. Thể chế là yếu tố quyết định cho sự phát triển nhanh và bền vững của Ngành, của đất nước. Thể chế mà kém thì kìm hãm sự phát triển. Thể chế mà kém chất lượng thì dẫn đến rất nhiều tai nạn, Bộ trưởng lưu ý.

Muốn biết thể chế có phù hợp hay không thì phải đến tận nơi, xuống cơ sở, người dân, doanh nghiệp... và cách tốt nhất là mang thể chế đó xuống cơ sở, người dân, đối tượng quản lý để kiểm chứng. Đây có thể xem là một quy định mới của Bộ; từ nay, bất kỳ thể chế nào (Nghị định, Thông tư, Luật) do Bộ TT&TT dự thảo cần phải mang xuống cơ sở vận hành thử và khi vận hành thử cho kết quả thì mới trình các cấp ký ban hành. Vụ Pháp chế xây dựng kế hoạch trình Bộ trưởng ban hành và làm tổng điều phối trong việc rà soát lại những các quy định đã ký cuả Ngành.

Đối với việc xây dựng các công cụ hỗ trợ cho cán bộ công chức làm việc (như: Công cụ giám sát không gian mạng, giám sát không gian báo chí, các nền tảng làm việc số…) để hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc được hiệu quả hơn, Bộ trưởng chỉ rõ: Làm cho công việc dễ đi là trọng tâm của chuyển đổi số. Bởi vậy, thay đổi cách thức làm việc, sử dụng các công cụ làm việc mới là trách nhiệm của các thủ trưởng đơn vị. Cần đánh giá năng lực cán bộ thông qua chuyển đổi số đơn vị, lĩnh vực mình quản lý vào kết quả bình xét thi đua cuối năm. 

Bộ trưởng đã yêu cầu đẩy mạnh xây dựng hệ thống giám sát online trong công tác quản lý nhà nước của Bộ; Chỉ có vậy mới nhìn thấy được, giám sát chặt chẽ, sớm phát hiện sai sót để cảnh báo sớm, không xảy ra tai nạn lớn, bảo vệ được cán bộ; Để giám sát hiệu quả, nhất là giám sát tự động và phải đưa lên môi trường số. Giám sát online toàn diện các đối tượng được quản lý, trực tiếp từ hệ thống CNTT của các đối tượng này và thay cho báo cáo giấy, rồi dùng AI để phân tích dữ liệu lớn, sẽ là thay đổi căn bản trong quản trị nhà nước.

Đối với các việc mới của chuyển đổi số, các Bộ, ngành, địa phương nếu như trước đây chúng ta tham gia, cùng làm với họ, triển khai trực tiếp thì nay Bộ TT&TT chỉ làm “demo”. “Chuyển đổi số là việc mới nên muốn thuyết phục người khác làm thì phải chứng minh là làm được, demo được. Và đây chính là thể hiện vai trò của người “dẫn dắt”, để xây dựng các nền tảng số làm việc, trợ lý ảo, hệ thống giám sát online làm việc,… Về vấn đề này, Bộ trưởng đã giao cho Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng làm tổng chỉ huy.

Về công tác cán bộ,  Bộ trưởng giao Thứ trưởng Phan Tâm chỉ đạo Vụ Tổ chức Cán bộ lập kế hoạch về đào tạo cấp Bộ, hướng dẫn các đơn vị đào tạo cán bộ thuộc đơn vị và trong Quý II/2022 sẽ ký kế hoạch này. Bộ trưởng yêu cầu, Kế hoạch cần nêu rõ nhiệm vụ đào tạo là của cấp trưởng; phát hiện, đào tạo, sử dụng người tài là cái gốc và là nhiệm vụ quan trọng nhất của người đứng đầu. “Quốc gia chỉ hưng thịnh khi người hiền tài được phát hiện, thử thách và trọng dụng;  bất kỳ ai trong Bộ đều có quyền phát hiện và trực tiếp giới thiệu cho Lãnh đạo Bộ TT&TT”, Bộ trưởng khẳng định. /.

Ngô Xuân Lộc
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top