Kết nối văn hóa đọc: “Giữ hồn” làng khoa bảng

Thứ ba, 11/01/2022 15:53

Làng Bình Vọng (xã Văn Bình, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng là làng khoa bảng của mảnh đất Thăng Long-Hà Nội.

docsach.jpg

Người dân đến đọc sách tại Thư viện làng Bình Vọng (xã Văn Bình, huyện Thường Tín, TP Hà Nội).

Giữ gìn, phát huy truyền thống hiếu học, người dân nơi đây đã chú trọng công tác khuyến tài, đặc biệt là nuôi dưỡng văn hóa đọc thông qua Thư viện làng Bình Vọng.

Đến Thư viện làng Bình Vọng vào một ngày đầu năm, chúng tôi được chứng kiến bà con hào hứng đọc sách, giao lưu, trò chuyện. Những kệ sách được sắp xếp đẹp mắt, khoa học, ngăn nắp và ghi chú cẩn thận theo từng lĩnh vực, giúp người đọc dễ dàng tìm kiếm. Mặc dù là thư viện làng nhưng tất cả cuốn sách tại đây đều có mã số, được nhập vào máy tính của thủ thư, giúp việc quản lý trở nên thuận tiện.

Dẫn chúng tôi đi tham quan thư viện, bà Dương Thị Lộ, Phó chủ nhiệm Thư viện làng Bình Vọng cho biết: “Từ khi thư viện được thành lập, người dân trong làng chịu khó đọc sách, báo để cập nhật tin tức. Trung bình mỗi năm, thư viện đón hơn 1.000 lượt người đến đọc và mượn sách. Độc giả của thư viện khá đa dạng, từ người già đến trẻ nhỏ, ai nấy đều coi đọc sách là cách nuôi dưỡng tâm hồn, tự hào về truyền thống khoa bảng của làng”.

Thư viện làng Bình Vọng được ông Dương Văn Phi và Lương Văn Tăng thành lập năm 1999. Là hai cán bộ quân đội nghỉ hưu, nhận thấy mỗi buổi chiều hằng ngày, người già, trẻ nhỏ tập trung rất đông ở nhà văn hóa mà không có gì để giải trí, hai ông bàn nhau mang hết sách, báo nhà mình ra quyên góp, thành lập thư viện, phát triển văn hóa đọc ở thôn quê. Từ số đầu sách ban đầu chưa đến 100 cuốn, đến nay, thư viện đã có gia tài khá đồ sộ với hơn 5.000 cuốn sách và khoảng 2.000 tờ báo, tạp chí các loại.

Theo bà Dương Thị Lộ, từ ngày có Thư viện làng Bình Vọng, bộ mặt của quê hương thay đổi rất nhiều. Nhờ đọc sách mà người dân có nhiều kiến thức về văn hóa, khoa học, kỹ thuật, nông nghiệp... nên phương thức sản xuất cũng thay đổi đáng kể. Trình độ dân trí của người dân nơi đây được nâng cao nên bà con cư xử với nhau văn minh và đoàn kết hơn. Đặc biệt, số lượng các cháu trúng tuyển vào đại học tăng lên hằng năm, thuộc tốp cao nhất của huyện Thường Tín. Trong năm học 2021-2022, làng Bình Vọng có 26 cháu trúng tuyển đại học, nối tiếp truyền thống khoa bảng, làm rạng danh tiếng thơm của làng.

Trong những độc giả trung thành của Thư viện làng Bình Vọng, phải kể tới bà Nguyễn Thị Nhật (80 tuổi). Mặc dù tuổi cao, mắt mờ, chân chậm nhưng bà Nhật vẫn thường xuyên đến thư viện cập nhật những thông tin bổ ích. “Ngoài việc đọc sách, báo, điều vui nhất của tôi là được nhìn thấy các cháu trong làng nuôi dưỡng văn hóa đọc. Bình Vọng là làng khoa bảng, từng là phòng tuyến chống giặc Mông-Nguyên xâm lược năm 1285. Mong rằng, việc đọc sách sẽ giúp con cháu làng Bình Vọng giữ gìn, phát huy truyền thống tự hào của cha ông”.

Theo qdnd.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top