Sứ mệnh của báo chí cách mạng là khơi dậy khát vọng lớn, giấc mơ lớn tạo thành sức mạnh tinh thần

Thứ sáu, 10/12/2021 12:58

Sứ mệnh mới của báo chí cách mạng Việt Nam phải góp phần khơi dậy khát vọng lớn, giấc mơ lớn tạo thành sức mạnh tinh thần. Sức mạnh tinh thần thì nhân lên sức mạnh vật chất. Chưa từng có quốc gia nào, dân tộc nào hóa rồng, hóa hổ mà không có sức mạnh tinh thần. Đó là yêu cầu của đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022 của Khối Thông tin tuyên truyền diễn ra chiều ngày 09/12, tại Hà Nội.

20211209-l001.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Khối Thông tin tuyên truyền thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị

Trong năm 2021, Khối Thông tin tuyên truyền (gồm 05 đơn vị: Cục Báo chí; Cục PTTH&TTĐT; Cục Xuất bản, In và Phát hành; Cục Thông tin đối ngoại; Cục Thông tin cơ sở - gọi tắt là Khối Thông tin tuyên truyền) đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Tích cực, chủ động tham mưu, định hướng, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền về Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; các Hội nghị Trung ương khóa XIII; các kỳ họp Quốc hội khóa XV; các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Kỷ niệm các ngày lễ lớn; các sự kiện chính trị, đối ngoại quan trọng của đất nước... Đồng thời, chủ động trong công tác đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, đẩy mạnh các tuyến bài tuyên truyền nhận diện, đấu tranh với các thông tin chống phá Đại hội XIII của Đảng, cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp... Thực hiện công tác đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội xuyên biên giới. Tập trung rà soát, bóc gỡ các kênh thông tin xấu độc, các fanpage phản động. Yêu cầu Facebook, Google gỡ bỏ các tài khoản, fanpage vi phạm, kênh Youtube xấu độc tại Việt Nam, tuân thủ pháp luật Việt Nam; tăng cường công tác quản lý quảng cáo trên không gian mạng...

Trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Khối đã có những đóng góp tích cực trong công tác định hướng, điều hướng, quản lý thông tin liên quan phòng chống dịch Covid - 19. Trực tiếp tham gia vào “tuyến đầu” TP.HCM để cùng quản lý, định hướng thông tin chống dịch. Chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan làm tốt các báo cáo tuần về tình hình tham gia phòng chống dịch của ngành TT&TT; tham mưu có chất lượng đối với các Kế hoạch truyền thông do Bộ trưởng - Trưởng tiểu Ban truyền thông ban hành hàng tuần nhằm thực hiện "mục tiêu kép", vừa quyết liệt phòng chống dịch, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội...

20211209-l003.jpg

Toàn cảnh Hội nghị.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn ra nguy hiểm, phức tạp, hệ thống thông tin tuyên truyền đã vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương. Tiểu ban Truyền thông đã tập trung tuyên truyền đảm bảo thống nhất, kịp thời, chính xác thông tin về tình hình, các quan điểm, chỉ đạo, giải pháp chống dịch hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia với phương châm xuyên suốt là “chống dịch như chống giặc; lấy xã, phường là “pháo đài”, người dân là “chiến sỹ”, người dân vừa là trung tâm phục vụ, vừa là chủ thể thực hiện; xét nghiệm thần tốc, phát hiện sớm nguồn lây, khoanh vùng dập dịch kịp thời, hạn chế phong tỏa kéo dài trên diện rộng; triển khai quyết liệt các biện pháp điều trị, giảm tử vong”.

Song hành với chống dịch, các “binh chủng” thông tin đã chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở; cung cấp thông tin, kiến thức cần thiết tới người dân trên địa bàn dân cư; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương. Thông qua việc tuyên truyền đã tạo sự chuyển biến về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, sự đồng thuận cao trong Nhân dân góp phần đẩy lùi đại dịch COVID-19; đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống; thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển nhanh, bền vững đất nước và bảo vệ Tổ quốc. 

Ngoài ra, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, Khối thông tin tuyên truyền còn chủ động thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động ở mỗi đơn vị như: Triển lãm sách trực tuyến trên Sàn book365.vn; tuyên truyền về mua bán nông sản trên sàn thương mại điện tử trên phạm vi cả nước; ứng dụng công nghệ 4.0 trong bảo đảm mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19; Áp dụng công nghệ để quản lý trong Khối thông tin tuyên truyền;Xây dựng chiến lược từng lĩnh vực, chiến lược chuyển đổi số báo chí; Đổi mới đào tạo báo chí trong kỷ nguyên số;...

Sứ mệnh của báo chí là thổi bùng lên khát vọng Việt Nam phát triển phồn vinh và hạnh phúc

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Một đất nước muốn hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc thì phải có những giấc mơ lớn. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nói đến giấc mơ đó là khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng sánh vai với các cường quốc năm châu. Việt Nam trở thành một nước XHCN phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 khi nước Việt Nam mới tròn 100 năm. Việt Nam hùng cường, thịnh vượng để không có kẻ thù nào dám đến xâm phạm và vì vậy không có chiến tranh, và vì vậy có hòa bình. Một câu chuyện mới sẽ được viết nên. Báo chí cách mạng Việt Nam sẽ góp phần khơi dậy khát vọng đó. Đó là sứ mệnh mới của báo chí cách mạng. Khát vọng lớn, giấc mơ lớn thì tạo thành sức mạnh tinh thần. Sức mạnh tinh thần thì nhân lên sức mạnh vật chất. Chưa từng có quốc gia nào, dân tộc nào hóa rồng, hóa hổ mà không có sức mạnh tinh thần”.

Cũng nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chúc mừng những thành tích của Khối thông tin đã đóng góp chung vào sự thành công của ngành TT&TT và của đất nước. Tuy nhiên, COVID-19 đã làm bộc lộ rõ hơn các tồn tại của ngành TT&TT trong đó có lĩnh vực báo chí, xuất bản và truyền thông. Đó là:

Thời gian qua, Khối Thông tin tuyên truyền tập trung nhiều vào xử lý vụ việc, sự vụ, do vậy, các vấn đề, lĩnh vực vẫn còn đó cho dù chúng ta đã nhìn rõ, đã chỉ ra và có hướng xử lý. Năm 2022 phải xử lý dứt điểm những tồn tại kéo dài của báo chí. “Có thể do chúng ta đứng lâu trong lĩnh vực báo chí, truyền thông nhìn nhận vấn đề theo cách cũ, cách của người trong cuộc, chưa có cách tiếp cận mới, cách nhìn của người ngoài cuộc. Nhiều vấn đề có thể rất khó nhưng thay đổi cách tiếp cận thì sẽ dễ đi rất nhiều. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo không chỉ mở ra cách tiếp cận mới trong sản xuất kinh doanh, mà cả trong cách quản lý; không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà cả trong lĩnh vực xã hội”, Bộ trưởng chia sẻ.

20211209-l005.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn chụp ảnh lưu niệm

với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại 05 đơn vị trong Khối Thông tin tuyên truyền.

Một vấn đề khác đã được Bộ trưởng đặc biệt lưu ý: Quản lý nhà nước trong thời gian vừa qua nặng về quản lý mà nhẹ về phần phát triển. Phát triển cũng là cách để quản lý tốt hơn. Có phát triển thì mới sống được để tử tế. Nếu chúng ta không làm tốt phần phát triển thì báo chí sẽ bị thị trường hóa, tư nhân hóa, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Quản lý nhà nước về báo chí cách mạng là làm cho báo chí cách mạng phát triển, đáp ứng yêu cầu mới của phát triển đất nước, đảm bảo cho những người làm báo chí cách mạng sống được lành mạnh. Các cơ quan báo chí phải được đầu tư về vật chất, về công nghệ để không tụt hậu so với các cơ quan truyền thông trên thị trường. Đây là việc và là trách nhiệm của Bộ TT&TT”.

Quy hoạch báo chí đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, tiếp theo là tập trung vào việc phát triển. Đây là phần trọng tâm của quy hoạch. Công nghệ số ảnh hưởng  đầu tiên và mạnh mẽ nhất là lĩnh vực truyền thông, báo chí, xuất bản. Nhưng lĩnh vực của chúng ta đang tụt hậu về công nghệ, thậm chí là tụt xa. Bộ chúng ta là Bộ công nghệ số, thì sụ tụt hậu này là rất đáng trách, Bộ trưởng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại của lĩnh vực báo chí, truyền thông.

Thời gian qua, Khối Thông tin tuyên truyền đã có những cố gắng ban đầu về chuyển đổi số (CĐS) trong hoạt động báo chí, truyền thông và chuẩn bị ban hành chiến lược CĐS báo chí. Năm 2022 phải là năm hiện đại hóa nền công nghệ số cho báo chí, truyền thông, xuất bản. “Để CĐS lĩnh vực báo chí, truyền thông, xuất bản tốt thì đầu tiên chúng ta phải CĐS 05 cơ quan quản lý báo chí, truyền thông, xuất bản của Bộ, đưa toàn bộ hoạt động của các Cục này lên môi trường số, kết nối với các cơ quan báo chí để quản lý không tiếp xúc. Tự mình không CĐS sẽ không hiểu được thế nào là CĐS và càng không thể nói người khác CĐS. Và Bộ trưởng sẽ đánh giá rất nghiêm khắc việc này đối với lãnh đạo 05 Cục trong Khối Thông tin tuyên truyền”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

CĐS là chuyển sang một không gian mới, sống, học tập, làm việc và giải trí; không gian mới thì cần thể chế mới. Không gian số thì cần thể chế số. Thể chế số đang theo sau sự phát triển số. Chính vì vậy mà có rất nhiều bất cập xảy ra gây bức xúc xã hội, thiệt hại xã hội. Các Cục thuộc khối báo chí, truyền thông, xuất bản phải tập trung hoàn thiện thể chế số. Cái gì chưa ra văn bản pháp luật được thì thông qua kênh Đảng để làm. Vì Đảng quản lý lĩnh vực báo chí, xuất bản.

Báo chí cách mạng phải đi từ cái gốc, đó là sự quản lý của Đảng, của cơ quan chủ quản báo chí đối với cơ quan báo chí. Chúng ta đã buông lỏng sự quản lý này trong một thời gian dài, các quy định về quản lý của các cơ quan chủ quản với cơ quan báo chí đã được quy định trong Luật báo chí. Do vậy chúng ta phải triển khai và giám sát nghiêm túc việc này, làm đúng Luật báo chí.

Nhận thức đúng về công tác truyền thông là công việc của các tổ chức của chính quyền. Còn báo chí là công cụ truyền thông sẽ đóng vai trò quyết định làm tốt vai trò truyền thông. Lâu nay ta vẫn coi việc truyền thông là của báo chí. Các tai nạn, khủng hoảng truyền thông gần đây có nguyên nhân gốc từ các tổ chức chưa có đánh giá tác động truyền thông. Chưa có chuẩn bị tốt kế hoạch truyền thông, chưa lường trước các vấn đề của truyền thông, chưa sử dụng đúng các công cụ truyền thông. Do đó, năm 2022, Bộ trưởng yêu cầu Khối Thông tin tuyên truyền phải tập trung đào tạo công tác truyền thông cho các Bộ, ngành, địa phương. Các Bộ, ngành địa phương phải có bộ phận chuyên trách làm công tác truyền thông. Bộ TT&TT phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất bộ phận làm công tác truyền thông của các cấp chính quyền. Cũng như kế hoạch đào tạo thường xuyên về nghiệp vụ, chuyên môn...

Bộ trường yêu cầu Khối Thông tin tuyên truyền của Bộ phải có chuyển biến thật mạnh mẽ, thiết thực và có kết quả về quản lý nhà nước để tạo môi trường lành mạnh, tạo cơ chế, chính sách giúp đỡ, hỗ trợ phát triển để báo chí, xuất bản, truyền thông theo kịp sự phát triển, làm nghề được và sống được bằng nghề. Bộ TT&TT có trách nhiệm góp phần làm cho báo chí, xuất bản, truyền thông khơi dậy được và thổi bùng lên khát vọng Việt Nam phát triển phồn vinh và hạnh phúc.

 

Bích Khuê
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top