Công nghệ số hỗ trợ đắc lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Thứ sáu, 12/11/2021 16:29

Trước tình hình dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại một số tỉnh, thành, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã phối hợp với Bộ Y tế, UBND các tỉnh/thành phố đề nghị người dân cài đặt ứng dụng truy vết tiếp xúc gần Bluezone để phát hiện, truy vết nhanh những người có khả năng bị lây nhiễm.

20211117-m05.jpg 

Ảnh minh họa

Bộ TT&TT đã ban hành tài liệu “Hướng dẫn sử dụng bộ giải pháp hỗ trợ phòng, chống và truy vết COVID-19 trong cộng đồng”, giới thiệu bộ giải pháp công nghệ số phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới; gửi Bộ Y tế dự thảo tài liệu kỹ thuật và khuyến nghị việc xây dựng hệ thống Hộ chiếu vắc xin và hướng dẫn cài đặt, sử dụng các ứng dụng công nghệ phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; đề xuất BCĐ quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 áp dụng vòng đeo tay chuyên dụng nhằm hỗ trợ giám sát người cách ly tập trung và sau cách ly. Kết quả tính đến hết ngày 21/9/2021 đã có hơn 45 triệu lượt cài đặt.

Ngoài ra, ngày 04/6/2021 Bộ TTTT đã thiết lập lực lượng công nghệ hoạt động 24/7 phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Đây là đầu mối điều phối, phối hợp với các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ, hợp tác liên quan đến kỹ thuật, công nghệ để hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19.

TP.HCM đang gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất cả nước trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành. Tuy nhiên, đây cũng là địa phương đi đầu trong việc áp dụng CNTT trong phòng chống dịch bệnh. Lắp đặt hệ thống đọc QR Code trên đường để quản lý di chuyển, sử dụng hệ thống tiêm chủng quốc gia để tiết kiệm thời gian chờ đợi và liên thông dữ liệu, xây dựng ứng dụng hỗ trợ người gặp khó khăn... đang là những điểm sáng về ứng dụng CNTT trên địa bàn thành phố gần đây. Hiện nay, hầu hết các phường xã tại TP.HCM đều áp dụng nền tảng này. Có 90% lượng người đi tiêm chủng ở thành phố đã được đưa lên Cơ sở dữ liệu tiêm chủng quốc gia. Người dân có thể tra cứu thông tin trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử hoặc cổng thông tin tiêm chủng COVID-19. Việc áp dụng QR Code giúp giảm thời gian chờ đợi, đảm bảo không tiếp xúc. Ngoài ra, do liên thông với hệ thống tiêm chủng quốc gia nên tiến độ tiêm được báo cáo chính xác theo thời gian thực. Ngay sau khi tiêm, người dân đã có chứng nhận tiêm trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử.

Trung tâm công nghệ phòng chống COVID-19 Quốc gia đã phối hợp cùng triển khai Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến tại một số địa phương: Tây Ninh; Bình Dương; Bắc Giang; Đồng Nai; Đồng Tháp; Cần Thơ; Vĩnh Long; Bà Rịa – Vũng Tàu… và 26 địa phương khác cũng đang trong quá trình tập huấn để chuẩn bị triển khai. Một số địa phương triển khai dữ liệu xét nghiệm tốt và có hiệu quả, điển hình là tỉnh Tây Ninh. Trên 90% dữ liệu kết quả xét nghiệm của Tây Ninh được số hóa trên Nền tảng, sẵn sàng chia sẻ và sử dụng.

Ngày 11/9/2021, Bộ trưởng Bộ TTTT đã ký Quyết định số 1405/QĐ-BTTTT ban hành hướng dẫn về các yêu cầu kỹ thuật đối với phân hệ hiển thị mã QR cá nhân thuộc các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19 (Phiên bản 1.1). Tài liệu này quy định về các yêu cầu kỹ thuật đối với phân hệ hiển thị mã QR cá nhân, hướng dẫn về việc cấp và sử dụng mã QR cá nhân trong các nền tảng, ứng dụng công nghệ phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Theo hướng dẫn, mỗi cá nhân sử dụng các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19 được cấp một mã QR cá nhân. Mã QR cá nhân có thể được sử dụng để cá nhân, tổ chức có thẩm quyền đọc và truy vấn dữ liệu liên quan phục vụ công tác phòng, chống dịch, bệnh COVID-19.Việc Bộ TTTT có hướng dẫn để hiển thị và sử dụng một mã QR cá nhân thống nhất trong tất cả các nền tảng, ứng dụng sẽ tạo thuận lợi tối đa cho mỗi người dân và các cơ quan, tổ chức khi thực hiện các nghiệp vụ phòng, chống dịch COVID-19.Trong thời gian tới, các nền tảng, ứng dụng phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trước khi triển khai sẽ cần được Bộ TTTT và Bộ Y tế đánh giá đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Nền tảng, ứng dụng phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 đáp ứng yêu cầu kỹ thuật được công bố tại website https://covid19.tech.gov.vn.

Ngày 3/8, Nền tảng Zalo Connect, một giải pháp của Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia, đã chính thức ra mắt hỗ trợ kết nối người dân hỗ trợ, giúp đỡ nhau về lương thực, nhu yếu phẩm trong sinh hoạt hàng ngày. Do giãn cách xã hội kéo dài nên người dân tại các địa phương đang thực hiện giãn cách gặp khá nhiều khó khăn, cả trong sinh hoạt hàng ngày cũng như các vấn đề về y tế. Trung tâm công nghệ COVID-19 đã phối hợp cùng nền tảng Zalo xây dựng các nền tảng kết nối người dân để giúp người dân vượt qua đại dịch. Đến nay, trên nền tảng Zalo Connect đã có hơn 500.000 yêu cầu giúp đỡ, trong đó hơn 90% là giúp đỡ về thực phẩm, nhu yếu phẩm, gần 10% nhu cầu giúp đỡ về y tế.

Ngày 25/8, Nền tảng kết nối theo yêu cầu Giúp tôi!, thành viên của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia, chính thức ra mắt tính năng tư vấn y tế và sức khỏe tâm lý từ xa thông qua ứng dụng di động, tới người dân đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên toàn quốc. Giúp tôi! là một dự án cộng đồng do Got It Vietnam, STEAM for Vietnam, Kompa Group và Filum AI khởi xướng với mục tiêu sử dụng công nghệ để trợ giúp những người bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Nền tảng kết nối theo yêu cầu Giúp tôi! được xây dựng và vận hành bởi một nỗ lực toàn cầu đến từ hơn 200 tình nguyện viên người Việt ở khắp nơi trên thế giới và hơn 10 công ty, tổ chức./.

Doãn Mạnh
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top