“Mắt thấy, tai nghe” nơi tâm dịch

Thứ tư, 24/11/2021 15:23

Ổ dịch với 230 ca bệnh ở làng chài xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi khiến nơi đây bị phong tỏa từ đầu tháng 9-2021. Ngôi làng này dân cư đông, nhà cửa san sát nhau. Tại nơi này, những người lính Biên phòng luôn có mặt tại khu vực cầu dẫn vào xã để kiểm tra người, phương tiện, tiếp nhận hàng cứu trợ người dân...

1-2.jpg

Đại úy Lâm Đình Hiếu tham gia tiếp nhận hàng cứu trợ và cấp phát cho bà con làng chài Nghĩa An. Ảnh: Văn Chương

Thấp thỏm lo âu

Anh dân quân gác ở chốt đi qua cầu Phú Nghĩa dẫn vào xã Nghĩa An trao thêm cho tôi găng tay, chai sát khuẩn... trước khi xe của Đội phản ứng nhanh Nối vòng tay Việt (Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi và doanh nghiệp xã hội Đoàn Ánh Dương bảo trợ) tiến qua vạch sơn ghi trên đường “dừng lại, vùng dịch”. Tại đây, dịch bùng phát từ đầu tháng 9-2021 và số người mắc tăng lên rất nhanh, khiến cho không khí ở ngôi làng này trở nên ngột ngạt. Lo ngại nhất là dân số ở làng chài này quá đông.

Làng chài Nghĩa An với 19.000 dân. Ngày thường, người, xe đi lại như mắc cửi. Vì hết đất làm nhà nên mọi người ở chen chúc. Phần lớn các hộ gia đình đều có 6-7 nhân khẩu, từ người già đến trẻ em. Chiều 25-9-2021, ngôi làng thấp thỏm có lẽ bị khuấy động bởi tiếng động cơ của chiếc xe ô tô cũ. Nhiều người hé cổng nhìn ra. Tôi không khỏi ái ngại trước hình ảnh những người dân thấp thỏm, lo âu sau những cánh cửa nhà.

Một chị phụ nữ ở thôn Tân Mỹ hé cửa rồi lại kéo cửa. Chị nhấp cửa vài lần và rồi chị kiên nhẫn hơn những người ở các cánh cửa bên cạnh là thò hẳn đầu ra ngoài, nhưng chân không dám rời sân nhà. Chị ngóng nhìn theo bóng chiếc xe, ánh mắt trân trân như chờ đợi điều gì đó. “Chắc chị hết gạo, hay cần rau?”, tôi tự nhủ, đi xe chậm lại và nói to “còn gì ăn không?”. Chị đáp lời bằng cách thụt hẳn vào trong nhà, tiếp tục khép cửa như để lấy bình tĩnh, sau đó, lại hé cửa và nói “xin sữa cho con, có mấy anh đi cấp sữa nhưng ít quá nên chỉ cấp cho trẻ dưới 1 tuổi, còn con mình thì 7 tuổi nên chắc khó xin hơn”.

Nghe tiếng chị, người dân trong hai ngôi nhà gần đó cũng hé cửa và một chị cho biết, người xin sữa tên là Lê Thị Xuân Lan, con đã 7 tuổi, ngày nào cũng uống sữa hộp nên bây giờ thèm sữa vì bị phong tỏa. Tôi nhủ thầm, “giờ đang khó khăn, cầu cho đủ ăn, đủ nấu qua ngày; còn nhu cầu để uống sữa, trái cây, sinh tố thì phải chấp nhận tạm gác cho đến khi xã Nghĩa An mở cửa trở lại”.

Đi qua ổ dịch ở làng chài xã Nghĩa An thì mới có dịp so sánh với ổ dịch ở làng chài Sa Huỳnh từng bùng phát vào tháng 7-2021. Trạm kiểm soát của Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ, BĐBP Quảng Ngãi nằm ở đầu xã và cán bộ, chiến sĩ tại đây là lực lượng tích cực tham gia phòng, chống dịch. Đại úy Lâm Đình Hiếu, cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ gửi cho tôi chùm ảnh anh em luồn vào từng xóm nhỏ để cấp phát rau, quả, nhiều người dân nhận món quà nhỏ qua bờ tường, khe cửa và đều nói lời cảm ơn. Đối với người dân làng chài, vào giờ phút này, hình ảnh người lính trở nên thân thương hơn bao giờ hết.

San sẻ cùng người dân

Chiếc xe nhích chậm. Giữa không gian yên lặng của xã Nghĩa An, tôi phải căng mắt quan sát để tìm xem những điều gì mới, lạ ở ngôi làng đóng cửa và ngủ ngày. Anh em Biên phòng dặn tôi là nhiều gia đình rất khó khăn, vì vậy, nếu thấy xe là họ sẽ ra xin rau, hoặc đẩy chiếc rổ ra phía ngoài đường. Có nhà để chậu nhựa, có nhà đặt chiếc thùng nước, nhiều nhà đặt chiếc giỏ đi chợ. Chị Nguyễn Thị Phượng, ở thôn Tân An thò tay ra, cố gắng đẩy chiếc rổ về phía đường để ai đó đi qua sẽ nhìn thấy chiếc rổ này trước và cho cái gì vào đó. Cậu con trai nhỏ của chị cứ liên tục chạy ra, chạy vào nhìn chiếc rổ. Một chị gần đó nói: “Hôm trước thấy các anh Biên phòng lên phát rau, còn một số nhà khác cũng nhận được nhưng không nhiều, phải tự gửi đi chợ”.

Ngôi làng yên tĩnh, nhưng rồi lại bị phá tan không gian yên ắng đáng sợ là tiếng loa thông báo âm thanh liên tục bị chao, văng vẳng, bởi gió biển ầm ầm tràn vào: “Ổ dịch tại xã Nghĩa An đã phong tỏa 24 ngày, khả năng vẫn còn nhiều ca bệnh trong khu phong tỏa, vì vậy, cần tập trung thực hiện xét nghiệm nhanh lần thứ 4...”. Khi tiếng loa vang lên, những ngôi nhà lập tức khép cửa trở lại, mọi người chạy vào nhà với tâm trạng thảng thốt, lo âu.

Ở thôn Tân Thạnh, cuối xã Nghĩa An (vùng xanh), không khí ít căng thẳng hơn ở đầu xã. Bà Nguyễn Thị Huệ, người đứng tên chủ tàu cá QNg97193TS than thở: “Nghỉ ở nhà, tàu ghe không đi làm, ngân hàng theo lịch vẫn điện nói trả nợ, tới hơn 1,1 tỷ đồng”. Đến những ngôi nhà gần đó, tôi cũng nghe các thuyền trưởng cho biết: “Tàu nằm bờ, nhưng đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình của VNPT vẫn điện hỏi trả tiền thuê bao, nếu không thì cắt, tàu khỏi đi làm”.

Từ đầu tháng 9 đến nay, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ đã kêu gọi, kết nối và hỗ trợ nhân dân làng chài Nghĩa An đang bị phong tỏa 7 tấn gạo, rau, củ các loại, giúp người dân vượt qua khó khăn.

Xã Nghĩa An vốn là một cù lao nằm bên sông Phú Thọ, bên biển, bên sông. Nếu nhìn trên google map thì làng chài này rất giống chiếc thuyền. Bà Phạm Thị Công, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An qua tin nhắn nói về những ngày tháng “con thuyền” Nghĩa An chòng chành trong “cơn bão” Covid và chia sẻ với tôi: “Anh em dưới này vất vả vì làm việc cả ngày lẫn đêm”.

Còn Đại úy Lâm Đình Hiếu đang tranh thủ buộc 2 giỏ cà chua sau xe để mang đi phân phát thì cho biết: “Bà con cực lắm, anh em cứ nhận được phần quà là mang ngay tới nhà. Dù biết vào những khu phong tỏa nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng vì nhân dân nên anh em luôn cố gắng hết mình”.

 

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top