Việt Nam - nước chủ nhà lý tưởng của sự kiện ITU Digital World 2021

Thứ hai, 11/10/2021 17:41

Sáng ngày 11/10/2021, tại Hà Nội, trước thềm lễ khai mạc sự kiện Hội nghị và Triển lãm Thế giới số 2021, ngài Houlin Zhao, Tổng Thư ký Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) đã có bài trả lời phỏng vấn Cổng TTĐT Bộ TT&TT và đại diện một số cơ quan báo chí truyền thông về những vấn đề sẽ được thảo luận tại sự kiện lần này, gồm: cung cấp dịch vụ băng rộng với giá phải chăng, chuyển đổi số, vai trò to lớn của ICT trong việc duy trì các hoạt động kinh tế xã hội trong đại dịch Covid. Đồng thời, Tổng Thư ký ITU cũng nêu nhận định của ông về vai trò, sáng kiến của Việt Nam trong các hoạt động của ITU trong vài thập kỷ qua.

PV: Thưa Tổng thư ký, tại sao ITU chọn Việt Nam là nước đăng cai tổ chức sự kiện trực tuyến ITU Digital World 2021?

Tổng Thư ký ITU Houlin Zhao: Sự kiện ITU Telecom thường diễn ra ở một khu vực khác nhau mỗi năm, trên cơ sở luân phiên để cân bằng. Các nước chủ nhà được lựa chọn thông qua quá trình ứng cử cạnh tranh. Chúng tôi rất vui mừng nhận được sự cam kết và hỗ trợ nhiệt tình của chính phủ Việt Nam để tổ chức trực tiếp sự kiện ITU Telecom World 2020, nhưng do đại dịch COVID-19 đã phải chuyển sang hình thức trực tuyến - và tiếp tục đóng vai trò nước chủ nhà trong năm nay với sự kiện ITU Digital World 2021. Những thành tựu đáng kể của Việt Nam trong phát triển ICT và vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong ASEAN khiến Việt Nam trở thành nước chủ nhà lý tưởng cho sự kiện này. 

20211012-m04.jpg

Ông Houlin Zhao - Tổng Thư ký Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU)  tại buổi ký Bản ghi nhớ hợp tác với Việt Nam nhé.

Việc đổi tên sự kiện này thành ITU Digital World cũng là sáng kiến tuyệt vời của Việt Nam, nhằm phản ánh tầm quan trọng của công nghệ số trong hệ sinh thái truyền thông. Tên gọi mới này phản ánh được những bước tiến triển của công nghệ trong thời đại hiện nay. Ngày nay, khi nói đến viễn thông, chúng ta thường liên tưởng đến hình ảnh rất cũ kỹ là chiếc điện thoại cố định. Còn nói đến ICT là nói đến một sự mới mẻ hơn, nói đến sự phát triển của CNTT, của những doanh nghiệp, những ứng dụng liên quan đến ICT. 

Điều này cho thấy, Việt Nam đã nhanh chóng bắt kịp sự phát triển, sự tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực ICT. Việt Nam hiện nằm ở khu vực Đông Nam Á, khu vực ASEAN, một khu vực năng động nhất trên thế giới. Khi nói đến châu Á, người ta nói đến ASEAN, nói đến Việt Nam, tức là nói đến sự năng động, đặc biệt là sự năng động trong lĩnh vực ICT. Việt Nam đã tạo ra được hệ sinh thái CNTT, đã hợp tác với các nước trong khu vực ASEAN để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của khu vực tiểu vùng. Tôi thấy ITU lựa chọn Việt Nam tổ chức sự kiện lần này là rất tuyệt vời. 

Những kinh nghiệm và sáng kiến của Việt Nam trong chuyển đổi số, bao gồm cả chiến lược chính phủ điện tử đầu tiên mới công bố, sẽ giúp định hướng thảo luận và là một mô hình vô cùng tích cực để các chính phủ khác nghiên cứu, xem xét.

Tôi cũng đón chờ Triển lãm ảo được tổ chức song song với Hội nghị Thế giới số lần này do Việt Nam tổ chức. Triển lãm sẽ khai mạc trong tuần này và trưng bày các gian hàng quốc gia và các ngành công nghiệp từ khắp nơi trên thế giới.

PV: Tại sự kiện ITU Digital World 2021 lần này có rất nhiều vấn đề sẽ được thảo luận như: Người dân tiếp cận băng rộng với chi phí bình dân, xây dựng tương lai số... Thông điệp của ITU muốn đem đến sự kiện lần này là gì thưa Ông?

Tổng Thư ký ITU Houlin Zhao: Với chủ đề “Cùng nhau xây dựng thế giới số", ITU Digital World 2021 quy tụ các bên liên quan từ khắp nơi trên thế giới và hệ sinh thái CNTT-TT, các chính phủ, toàn ngành CNTT-TT, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành công nghệ đến các tập đoàn lớn - các học viện và các tổ chức quốc tế.

Thông điệp chính của chúng tôi tại sự kiện là cùng nhau, chúng ta có thể kết nối những người chưa được kết nối và thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ mới - từ trí tuệ nhân tạo đến cơ sở hạ tầng di động 5G - vốn là trọng tâm của nền kinh tế số. Bây giờ là lúc để tăng tốc chuyển đổi số - ở Việt Nam, khu vực và trên thế giới!

Chúng ta đều thấy rằng ICT là một công cụ vô cùng quan trọng hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế xã hội cũng như cho hành tinh của chúng ta. Hiện nay, chúng ta đang nỗ lực đạt được những Mục tiêu thiên niên kỷ, Chương trình nghị sự 2030 của Liên hiệp quốc. Nếu không có ICT, chúng ta không thể đạt được mục tiêu nào trong số 17 mục tiêu đã đề ra.

Chúng ta cũng đang nói đến khoảng cách số giữa các nước phát triển và đang phát triển, giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn, giữa phụ nữ và đàn ông, giữa người già và người trẻ. Do đó, cần phải đảm bảo tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được với ICT. Đồng thời, việc người dân có thể tiếp cận được với hạ tầng băng rộng với chi phí hợp lý là một vấn đề rất quan trọng. Covid khiến trường học phải đóng cửa, trẻ em phải học ở nhà, học trực tuyến. Không phải gia đình nào cũng được kết nối mạng. Châu Phi đã có một cách xử lý vấn đề này: Họ phát sóng các chương trình học tập qua TV. Tuy nhiên, phương thức này không thể hiệu quả bằng việc học sinh có thể tự học qua kết nối internet. 

Việt Nam đã có một mô hình rất tuyệt vời kết nối tất cả người dân với hạ tầng ICT với giá cả phải chăng. Do đó, Việt Nam là một nước chủ nhà rất phù hợp cho sự kiện ITU lần này. Tôi rất mong muốn Việt Nam sẽ chia sẻ kinh nghiệm của mình với thế giới. 

PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò cũng như những đóng góp của Việt Nam trong các hoạt động của ITU? 

Tổng Thư ký ITU Houlin Zhao:  Tôi ghi nhận đóng góp rất lớn lao của Việt Nam cho tổ chức này. Các chuyên gia của Việt Nam đã tham dự nhiều cuộc họp và đã hỗ trợ tổ chức những hội thảo chuyên đề của ITU tại Việt Nam. Việt Nam đã nhiều lần trở thành thành viên trong Hội đồng điều hành của ITU. Trong vài năm gần đây, các chuyên gia ICT của Việt Nam đã được bầu vào Ủy ban Thể lệ thông tin vô tuyến của ITU. Đây là một uỷ ban quan trọng, cơ quan đầu não của ITU, quản lý các vấn đề liên quan đến tần số, quỹ đạo vệ tinh. Cứ 4 năm, chúng tôi bầu 12 thành viên vào Uỷ ban này và Việt Nam đã hai lần được bầu vào Ủy ban này. Hiện nay, các đại diện của Việt Nam vẫn đang thực hiện trọng trách của mình với Ủy ban. Chúng tôi đánh giá rất cao những hợp tác tốt đẹp với Việt Nam. Chúng tôi mong muốn quảng bá thêm những bài học tốt, kinh nghiệm tốt của Việt Nam với cả thế giới để hỗ trợ sự phát triển của nhiều nơi trên thế giới. 

PV: Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Ông đánh giá như thế nào về tiến trình chuyển đổi số của Việt Nam? 

Tổng Thư ký ITU Houlin Zhao: Chuyển đổi số đang là một ưu tiên rất cao trong chương trình nghị sự của các quốc gia trên thế giới. Chúng ta đang sống trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 và hướng tới xây dựng Xã hội thông tin. Vậy nên ICT đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển của xã hội thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số. Việt Nam đang triển khai chính phủ điện tử và nỗ lực này nhận được sự ủng hộ to lớn của người dân. Việt Nam là một mô hình rất điển hình, rất tốt trong chuyển đổi số. Chuyển đổi số không chỉ là mục tiêu của chính phủ, mà còn là nguyện vọng của người dân. Tất cả mọi người đều chung tay, chung sức, đồng lòng ủng hộ thì tôi tin chắc là tiến trình chuyển đổi số của Việt Nam sẽ thành công.

Tôi muốn nói thêm về vai trò của ITU, cơ quan chuyên trách của Liên hiệp quốc trong việc thúc đẩy ICT. Từ năm 1998, ITU đã để xuất tổ chức Hội nghị thượng đỉnh thế giới về xã hội thông tin (WSIS). Sáng kiến này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của ICT, đồng thời đưa ra 2 kế hoạch phát triển ICT ở 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là năm 2003 ở Geneva và Giai đoạn thứ 2 là năm 2005 ở Tunisia. Nếu không có nỗ lực này từ 20 năm trước của ITU, chúng ta đã không có được ngành ICT với cơ sở hạ tầng hiện nay. ICT đã thay đổi cuộc sống của tất cả chúng ta, đem đến cách mạng số, chuyển đổi số. Để có được những thành tựu này, ITU không thể làm một mình nếu không có sự đóng góp của các doanh nghiệp hàng đầu, của những nhà lãnh đạo thế giới, của những nhà hoạch định chính sách, của các tổ chức phi chính phủ (NGO). 

Chính trong đại dịch Covid 19 đã giúp mọi người nhận thức rõ tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng ICT và các hệ thống liên quan. Công nghệ ICT giờ đây giống như nước và không khí vậy, rất cần thiết cho cuộc sống, cho sự phát triển của chúng ta. Sự xuất hiện của Covid 19 cho chúng ta một bài học: Chuyển đổi số là không thể tránh khỏi, nên thúc đẩy chuyển đổi số càng nhanh càng tốt. Covid-19 bên cạnh những thách thức đã đem lại cơ hội phát triển hơn nữa cho ngành ICT. 

Sự kiện ITU Digital World 2021 lần này là cơ hội để cộng đồng thế giới tập trung phát triển ICT. Trong 3-4 ngày tới, Hà Nội sẽ trở thành thủ đô của ICT. 

Một điều quan trọng khác là ITU đã thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), doanh nghiệp siêu nhỏ từ năm 2011, đặc biệt là sự tham gia của những doanh nghiệp này vào lĩnh vực ICT. Năm 2018, chúng tôi đặc biệt thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ hơn của DNVVN trong lĩnh vực CNTT. ITU mong muốn Việt Nam tham gia tích cực vào các nỗ lực này của ITU và đây cũng chính là thông điệp tin tôi muốn truyền đến các khán giả Việt Nam. 

Một nhiệm vụ không kém phần quan trọng  của ITU là tiêu chuẩn hóa viễn thông, hài hoà được những vấn đề liên quan đến tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh, giúp phát triển CNTT tốt hơn, cải thiện cuộc sống của người dân tốt hơn. 

PV: Dịch vụ ICT tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với dịch vụ y tế, giáo dục và có thể làm việc tại nhà, đặc biệt trong đại dịch Covid-19. Để mọi người dân có thể tiếp cận y tế, giáo dục, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa, cần phải có cơ sở hạ tầng ICT tốt, chất lượng ổn định, dịch vụ kết nối băng rộng và thiết bị di động với mức giá hợp lý, phù hợp khả năng chi trả của người dân. Thưa Ông, ITU có khuyến nghị gì đối với các quốc gia thành viên cũng như các doanh nghiệp viễn thông giải quyết các thách thức nêu trên? Xin Ông chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến hay của các quốc gia về vấn đề này.

Tổng Thư ký ITU Houlin Zhao: Mặc dù chúng ta hoàn toàn có thể tự hào về cách CNTT-TT làm phong phú thêm cuộc sống của con người và giúp chúng ta duy trì tiếp cận các dịch vụ quan trọng trong đại dịch, nhưng vẫn còn nhiều bất bình đẳng số quan trọng giữa và trong các quốc gia. Ngày nay, một nửa dân số thế giới vẫn chưa được kết nối và nỗ lực cải thiện kết nối đang chậm lại.

Tầm nhìn của tôi trong tương lai là tập trung nỗ lực tập thể vào theo hướng mà tôi gọi là “4 I”: Cơ sở hạ tầng, Đầu tư, Đổi mới và Bao trùm. Theo đó, tất cả các quốc gia phải mở rộng cơ sở hạ tầng đến những khu vực chưa được tiếp cận các dịch vụ CNTT-TT, và cũng phải nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện tại, thông qua tận dụng tiềm năng lớn của các công nghệ mới như 5G, để thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ và ứng dụng mới.

Đầu tư là yếu tố quan trọng - mọi người đều muốn có dịch vụ với giá cả phải chăng và bản thân ngành này cũng đòi hỏi nâng cấp hệ thống thường xuyên hoặc mở rộng dịch vụ đến các khu vực chưa được kết nối. 

Chữ ‘I’ thứ ba nói đến Đổi mới sáng tạo. Chúng ta không thể tiếp tục kinh doanh như cách chúng ta đã làm trong quá khứ. Chúng ta phải tìm những cách thức sáng tạo để kinh doanh, hỗ trợ và tạo điều kiện cho đổi mới ngày một mạnh mẽ hơn. Các doanh nghiệp công nghệ vừa và nhỏ đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái CNTT-TT, thúc đẩy đổi mới và phát triển trên toàn thế giới. ITU luôn nỗ lực huy động và hỗ trợ các sáng kiến đổi mới từ cả các công ty lớn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Chữ ‘I’ cuối cùng là tính bao trùm. Tháng trước, Tổng Thư ký LHQ đã tái khẳng định trong bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ rằng chúng ta phải kết nối tất cả mọi người vào năm 2030. Đó là một thách thức lớn. Tất cả chúng ta phải cố gắng hết sức để thực hiện thành công cam kết chung của Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững là không để ai bị bỏ lại phía sau. Để làm được điều này, ta cần tăng cường kết nối và hợp tác với những người lớn tuổi, những người khuyết tật, trẻ em gái và phụ nữ trẻ hoặc những người sống ở các khu vực xa xôi hoặc không kết nối.

PV: Mới đây, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp cùng triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm huy động nguồn lực hỗ trợ học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến với mục tiêu: Trong đại dịch Covid-19, mọi học sinh đều được tiếp cận với giáo dục, không em nào bị bỏ lại phía sau. Thưa Ông, Ông nhận định thế nào về chương trình này của Việt Nam nhằm tạo cơ hội bình đẳng giáo dục cho học sinh trên mọi vùng miền?

Tổng Thư ký ITU Houlin Zhao: Đây là một sáng kiến tuyệt vời của Việt Nam. Hội nghị thượng đỉnh thế giới về Xã hội thông tin đã nhóm họp hai lần tại Geneva (Thụy Sĩ) và Tunisia và đặt ra mục tiêu: Đến năm 2015, phải kết nối tất cả trường học với Internet. Nhưng cho đến nay vẫn chưa làm được việc này.

Đối với cá nhân tôi, khi đến đến thăm nước đang phát triển, tôi bao giờ cũng đến thăm trường học. Khi đến Tonga, tôi thăm 2 trường mà Thủ tướng và Phó Thủ tướng nước này đều từng học tại đây vào năm 2016, trường này vẫn chưa có kết nối Internet. Ở Italia cũng có nhiều trường học chưa được kết nối Internet. Ở Panama tôi đã đến thăm 1 ngôi trường được Microsoft tặng nhiều máy tính nhưng trường lại không có kết nối Internet. Tôi đánh giá cao sáng kiến của này của Việt Nam. Trẻ em là tương lai của chúng ta nên giáo dục trẻ em đóng vai trò rất quan trọng, nếu làm không tốt sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển sau này. 

Đây là vấn đề ITU cho là rất quan trọng. Hai năm trước, ITU đã có sáng kiến Giga với UNICEF để có thể kết nối tất cả trường học với mạng Internet. Chúng tôi đã làm việc với doanh nghiệp đầu ngành như Microsoft, Facebook để họ có thể tham gia phát triển tích cực hơn nữa vào sự phát triển của ICT. Tôi mong muốn tại sự kiện lần này, Việt Nam sẽ tích cực chia sẻ những kinh nghiệm hay của mình với các nước khác trên thế giới. 

PV: Trân trọng cảm ơn Ông!

Giang Phạm
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top