Rà soát pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong điều kiện dịch covid-19 diễn biến phức tạp

Thứ sáu, 27/08/2021 15:36

Qua kiến nghị của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về những vướng mắc, khó khăn do các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tế thuộc các lĩnh vực quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp liên quan đến 79 luật, 03 Nghị quyết của Quốc hội, 188 Nghị định, 20 Quyết định của Thủ tướng và 135 Thông tư thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của 21 bộ, cơ quan ngang bộ, Văn phòng Chính phủ đã tổng hợp, rà soát một số nội dung cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung ngay để tháo gỡ vướng mắc quy định trong 29 luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của 10 Bộ. Ngày 14/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 1079/CĐ-TTg về việc rà soát pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

 20210827-m05.jpg

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông các “điểm nghẽn”, huy động mọi nguồn lực xã hội, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong điều kiện đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo, ưu tiên các nguồn lực cho công tác rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành mình, cụ thể là:

- Tập trung cao nhất, đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung ngay các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tiễn, đang gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực: đầu tư, quy hoạch, quản lý tài sản công, ngân sách nhà nước, thuế, phí, xây dựng... quy định tại 29 luật thuộc lĩnh vực quản lý của 10 bộ. Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng luật theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật gửi Bộ Tư pháp tổng hợp, bổ sung trong Đề nghị xây dựng luật sửa đổi các luật trước ngày 22 tháng 8 năm 2021, Bộ Tư pháp trình Chính phủ trước ngày 30 tháng 8 năm 2021 để trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ hai (tháng 10 năm 2021) cho ý kiến về dự án Luật này.

- Đối với các kiến nghị còn lại của địa phương về việc sửa đổi, bổ sung quy định trong các Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư3, giao Văn phòng Chính phủ gửi các bộ, cơ quan ngang bộ để tiếp tục rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền. Nhiệm vụ này hoàn thành trong quý III năm 2021. Các bộ, cơ quan ngang bộ gửi báo cáo kết quả thực hiện đến Bộ Tư pháp trước ngày 05 tháng 10 năm 2021 (trong đó nêu rõ những nội dung đã đề xuất sửa đổi, bổ sung; đối với những nội dung không sửa đổi, bổ sung phải giải trình rõ lý do không sửa đổi) để Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ trước ngày 15 tháng 10 năm 2021.

Trong số 29 luật thuộc lĩnh vực quản lý của 10 bộ, Bộ Thông tin và Truyền thông có 05 vấn đề quy định trong Luật giao dịch điện tử 2005 cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay, cụ thể:

1. Quy định về thông điệp dữ liệu

- Nghiên cứu, sửa đổi các quy định hiện còn chưa rõ ràng, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn triển khai như: loại hình thông điệp dữ liệu, giá trị pháp lý, giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu, thời điểm ký thông điệp, thời gian, địa điểm gửi và nhận thông điệp dữ liệu, lưu trữ thông điệp dữ liệu v.v.

- Nghiên cứu, bổ sung quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý, xử lý các vấn đề trong thực tiễn, còn chưa thống nhất như: mã hóa thông điệp dữ liệu, hồ sơ điện tử, thông điệp dữ liệu an toàn, việc chuyển đổi chứng từ điện tử sang dạng giấy và ngược lại, bản gốc, bản sao, bản chính và giá trị pháp lý của chứng từ sau khi chuyển đổi, lưu trữ, mã hóa thông điệp dữ liệu, việc tiêu hủy chứng từ điện tử

2. Quy định về định danh và xác thực điện tử

- Nghiên cứu, bổ sung quy định về định danh và xác thực điện tử nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ định danh và xác thực điện tử. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi tham gia GDĐT với các cơ quan nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong GDĐT.

- Nghiên cứu, xem xét, bổ sung quy định về xác thực, cơ chế định danh xác thực theo hướng đơn giản tạo điều kiện cho các sản TMĐT phát triển. Có cơ chế áp dụng những công nghệ mới như QR Code, blockchain để xác thực và định danh. Công nhận nhận giá trị pháp lý của các công nghệ này.

3. Quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử

- Nghiên cứu quy định hình thức của giao dịch, làm rõ giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử, các quy định mang tính chất đặc thù trong hoạt động giao kết (quy trình, thủ tục giao kết hợp đồng điện tử, quy định về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử, hợp đồng có hiệu lực và hợp đồng vô hiệu) khi tiến hành dưới hình thức điện tử. Giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể đối với một số lĩnh vực chuyên ngành. Đối với một số vấn đề chung cần dẫn chiếu sang Bộ Luật dân sự để có căn cứ triển khai.

- Quy định cụ thể về quy trình, thủ tục và pháp lý cụ thể của các bước trong giao kết hợp đồng điện tử. Quy định về chứng từ, hồ sơ điện tử trong các giao kết, hợp đồng điện tử; Quy định rõ hồ sơ, chứng từ điện tử chỉ có 1 bản, thay thế, bỏ các khái niệm tương ứng với các quy định về “bản gốc”, “bản chính”, “bản sao” trong pháp luật truyền thống.

- Ngoài ra, cần nghiên cứu bổ sung quy định về bảo vệ người dùng, xử lý lỗi khi nhập thông tin trong giao kết hợp đồng, giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử qua biên giới, thanh toán điện tử, giao kết hợp đồng tự động (hợp đồng thông minh), công nhận giá trị pháp lý của hợp đồng thông minh, nền tảng công nghệ cần thiết khi triển khai.

4. Quy định về dịch vụ tin cậy và cung cấp dịch vụ tin cậy

- Nghiên cứu, bổ sung hành lang pháp lý chung đối với dịch vụ tin cậy và việc sử dụng dịch vụ tin cậy. Việc nghiên cứu, quy định loại hình dịch vụ tin cậy sẽ được thực hiện trong quá trình thực hiện dự án Luật sửa đổi.

- Nghiên cứu, bổ sung quy định về điều kiện hoạt động của các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ tin cậy phục vụ GDĐT theo hướng tạo hành lang pháp lý chung đối với điều kiện về tài chính, nhân sự, hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, quy trình thực hiện cấp phép/ký hợp đồng giữa cơ quan quản lý nhà nước với tổ chức trung gian, cần khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng và tổ chức cung cấp dịch vụ và chứng thực điện tử cho các bên với những cam kết và bảo đảm bằng bảo hiểm dân sự. Giao Chính phủ quy định chi tiết đối với các lĩnh vực chuyên ngành cụ thể.

Chữ ký điện tử là một loại hình dịch vụ tin cậy, cần được khuyến khích sử dụng trong GDĐT. Nghiên cứu, chỉnh sửa, chi tiết hơn các quy định về giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, chữ ký điện tử an toàn, chứng thực chữ ký và trường hợp sử dụng theo các cấp độ chữ ký điện tử như chữ ký điện tử cơ bản, chữ ký điện tử bảo đảm: quy định cụ thể hơn về công nhận, liên thông hệ thống chữ ký điện tử chuyên dùng và công cộng, chữ ký điện tử, chứng thư số nước ngoài và trong nước; phân định điều kiện bảo đảm an toàn cho chữ ký số cá nhân và chữ ký số cho doanh nghiệp; xem xét bổ sung quy định công nhận giá trị pháp lý của cặp khóa công khai, khóa bí mật sử dụng công nghệ sổ cái phân tán v.v.

Nghiên cứu, quy định nguyên tắc áp dụng chữ ký điện tử với độ an toàn và tin cậy theo nhiều mức độ, phù hợp theo từng trường hợp và thực tế triển khai, áp dụng, tránh cứng nhắc, gây tăng chi phí, bất tiện, cản trở những giao dịch nhỏ, đơn giản trên không gian mạng.

5. Quy định về chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số

- Nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung quy định nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, thuận lợi, thông thoáng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia;

- Nghiên cứu, quy định cụ thể về các hoạt động, quan hệ và các giao dịch, tương tác trong xây dựng và phát triển chính phủ số;

- Nghiên cứu, quy định pháp luật về các hoạt động, quan hệ và các giao dịch, tương tác trong xây dựng và phát triển kinh tế số; Các chính sách ưu đãi, tạo nguồn lực phát triển kinh tế số;

- Nghiên cứu, quy định pháp luật về các hoạt động, quan hệ và các giao dịch, tương tác nhằm xây dựng và phát triển văn hoá, xã hội số./.

KSTTHC – VĂN PHÒNG BỘ TTTT
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top