Tiếp tục hoàn thiện hệ thống “luồng xanh” để tháo gỡ ùn tắc cho DN logistics

Thứ tư, 04/08/2021 14:06

Hệ thống "luồng xanh" được ra đời trong thời gian 48 tiếng từ chủ trương dùng CNTT tháo gỡ việc ùn tắc giao thông vì phải chờ đợi khai báo quá lâu. Tuy nhiên, do việc vận hành hệ thống quá nhanh, chưa kịp đồng bộ nên đã có một số khó khăn cho doanh nghiệp (DN) (logistics).

20210804-ta3.jpeg

Hệ thống "luồng xanh" được triển khai gấp và cần tiếp tục được hoàn thiện để hỗ trợ DN logistics.

Nhiệm vụ "bất khả thi" được xây dựng trong 48 giờ đồng hồ

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ 0h ngày 19/7, ngoài TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai đang áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16, có thêm 16 địa phương giãn cách xã hội theo Chỉ thị này để phòng chống Covid-19, bao gồm: Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau và Kiên Giang.

Ngay trước thời điểm các tỉnh, thành trên áp dụng quy định giãn cách theo Chỉ thị 16, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã chính thức vận hành phần mềm đăng ký thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên "luồng xanh" vận tải. Nền tảng do Công ty CP công nghệ An Vui chung tay cùng Tổng cục Đường bộ gấp rút xây dựng, được kỳ vọng sẽ góp phần để các phương tiện ưu tiên được hoạt động thông suốt 24/24h tại những địa phương áp dụng Chỉ thị 16, vừa giảm thời gian kiểm tra, kiểm soát khi phương tiện đi qua các chốt kiểm soát dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh.

Theo ông Phan Bá Mạnh, CEO An Vui, sau khi nhận được yêu cầu hỗ trợ từ Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, các anh em trong công ty đều thấy rằng đây là một nhiệm vụ đầy  thách thức vì thời gian xây dựng hệ thống rất ngắn. Do đó, nhóm thực hiện dự án đã thống nhất sẽ tập trung giải quyết những nghiệp vụ chính bao gồm đăng ký, phê duyệt hồ sơ và giám sát. Còn những vấn đề khác liên quan như bảo mật, hạ tầng... sẽ được nhóm thực hiện sau khi hệ thống đã đi vào vận hành. 

"Trên tinh thần đó, cả nhóm dự án đã quyết tâm cao độ, vướng tới đâu trao đổi đến đó, từ đội ngũ phân tích nghiệp vụ (Business Analyst) cho đến anh em lập trình (Code), kiểm thử phần mềm (Tester). Cả đội gần như "cắm chốt" ăn ngủ tại văn phòng để kịp thời trao đổi và thực hiện. Để rồi, sau 48 tiếng, An Vui đã có thể bàn giao vận hành cho Tổng cục Đường bộ đáp ứng với chỉ đạo giãn cách của 19 tỉnh phía Nam", ông Mạnh chia sẻ.

Tuy nhiên, khó khăn chưa dừng lại ở đó, sau khi Hà Nội áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, lượng đơn đăng ký đổ về lớn, thêm vào việc báo chí truyền thông đưa tin về "luồng xanh" đã dẫn đến có những quan tâm, tò mò. Điều này đã làm tăng lượng truy cập quá lớn, trong khi hạ tầng công nghệ chưa kịp đáp ứng đã làm cho hệ thống tê liệt khoảng 8 tiếng. 

"Điều này đã làm cho team An Vui một lần nữa phải cấp bách di chuyển hệ thống sang nền tảng hạ tầng khác và phải sửa chữa các lỗi bảo mật cấp tốc, điều này đã dẫn đến có thành viên ngủ gục luôn trên bàn làm việc", ông Mạnh nói.

Hiện tại Hệ thống luồng xanh đã nhận được hơn 300.000 đơn yêu cầu xin cấp thẻ nhận diện luồng xanh. Các Sở GTVT địa phương đã phê duyệt hơn 160.000 đơn đăng ký và từ chối hơn 100.000 đơn do thiếu thủ tục hoặc gửi sai cơ quan tiếp nhận.

Trong quá trình vận hành, An Vui cũng đã xác định vấn đề bảo mật thông tin và hạ tầng phần cứng là những điểm mà công ty cần thêm thời gian để xử lý. Vì vậy, thời gian tới An Vui sẽ tiếp tục cùng với các đơn vị như Viettel, Uỷ ban ATTT quốc gia, Cục Tin học hoá (Bộ TT&TT) rà soát lại toàn bộ hệ thống để sửa chữa những vấn đề liên quan đến hạ tầng và bảo mật nhằm đảm bảo tính ổn định hoạt động cho hệ thống.

Mong muốn nhiều cá nhân, tổ chức bằng năng lực công nghệ hỗ trợ cùng chống dịch

Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ gửi Bộ GTVT ngày 26/7, cơ quan này cho biết, đã có nhiều cuộc tấn công mạng liên tục nhằm vào hệ thống Server (máy chủ - PV) lưu trữ dữ liệu tại Cổng thông tin luongxanh.drvn.gov.vn. Sự cố tấn công mạng này đã làm cho hệ thống đăng ký Giấy nhận diện phương tiện có QR Code thường xuyên bị treo, gián đoạn, hoạt động chập chờn dẫn đến việc cán bộ xử lý tại các Sở GTVT tỉnh, thành phố không thể phê duyệt hồ sơ và các đơn vị kinh doanh vận tải không thể truy cập vào hệ thống để đăng ký hồ sơ.

Là đơn vị trực tiếp xây dựng phần mềm "luồng xanh", theo ông Mạnh, khi nhận "đề bài" từ phía Tổng cục Đường bộ, An Vui nghĩ rằng, trong tình thế cả nước đang phải gồng mình chống dịch nên mọi công việc liên quan đến những tính năng chính để phần mềm có thể chạy được ưu tiên. Việc hệ thống bị tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) cũng đã được lường đến. Do đó, An Vui trân trọng những người am hiểu về kỹ thuật tìm hiểu hệ thống và phát hiện ra những lỗ hổng bảo mật cần thông báo ngay cho nhóm để có thể sửa chữa lỗi ngay, hoặc tốt hơn nữa là sẽ liên hệ để cùng đưa ra giải pháp. Vì có như vậy mới giúp việc chống dịch của đất nước nhanh hơn và giao thông thuận lợi hơn. 

"Chúng tôi mong muốn sẽ có nhiều cá nhân, tổ chức bằng năng lực công nghệ của mình nếu có hãy chung tay với Chính phủ và hỗ trợ để Việt Nam cùng chống dịch nhanh nhất", ông Mạnh bày tỏ.

Trước những ý kiến cho rằng lượng truy cập chưa phải đã cao mà đã khiến cho hệ thống quá tải, ông Mạnh cho rằng, do An Vui là một DN phần mềm thay vì một tổ chức cung cấp hạ tầng thông tin, thời gian  triển khai gấp nên gặp khó khăn  nhất định khi phải hoàn thiện mọi thứ từ hạ tầng, bảo mật cho đến phần mềm, hệ thống trong vòng 48 giờ. 

"Thời điểm hệ thống bị nghẽn là do lượng xe vào đăng ký cả nước tăng đột biến sau khi Hà Nội áp dụng giãn cách tạo nên một lượng lớn yêu cầu (request) tại một thời điểm. Cùng với đó, một vài đối tượng dùng phần mềm quét dữ liệu trước một hệ thống chưa được trang bị dự phòng và bảo mật", ông Mạnh chia sẻ thêm.

Hiện việc truy cập bất hợp pháp vào Hệ thống luồng xanh cũng đang được cơ quan chức năng liên quan xem xét.

Tiếp tục hoàn thiện để phát huy hết tác dụng tạo ra sự "thông thoáng" cho DN logistics

20210804-ta4.jpeg

Hiện tại Hệ thống luồng xanh đã nhận được hơn 300.000 đơn yêu cầu xin cấp thẻ nhận diện luồng xanh và đã phê duyệt hơn 160.000 đơn đăng ký .

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, CEO VTgo, do thời gian đưa vào vận hành quá đột ngột, cộng thêm việc cấp mã QR còn chậm, chưa đáp ứng được tình hình thực tế, khiến các DN logistics gặp khó.

Ngoài ra, công tác tổ chức tại các điểm chốt còn một số lúng túng, không thống nhất, và chưa có sự phân luồng từ xa tối thiểu 5km để đảm bảo luồng ưu tiên cho xe có mã QR. Rồi mỗi tỉnh lại yêu cầu khác nhau, như ngoài mã QR còn các giấy cam kết khác nữa nên cũng còn gây ra khó khăn trong việc thực hiện của DN.

"Chính vì những lý do trên khiến cho Hệ thống luồng xanh chưa phát huy được hết tác dụng. Việc áp dụng công nghệ chỉ là công cụ và phải kết hợp thêm các biện pháp khác thì mới phát huy được sức mạnh", ông Tuấn nhấn mạnh.

Cùng ý kiến, CEO Logivan Linh Phạm cho rằng, những ngày đầu tiên quy định bắt buộc phải có mã QR đã khiến các DN như Logivan gặp nhiều khó khăn vì chỉ có rất ít xe đáp ứng được yêu cầu do thời gian quá gấp. Vì thế, CEO Logivan cho rằng, mục đích của Hệ thống luồng xanh là khiến giao thông hoạt động thông suốt nhưng thực tế cũng cho thấy phần nào làm tăng việc ùn tắc của phương tiện vận tải. Bên cạnh đó, việc nộp đơn lên Hệ thống luồng xanh cũng gặp những bất cập nhất định như phải yêu cầu đóng dấu; tải tệp đăng ký không được quá 3MB nên khiến DN phải chia nhỏ danh sách đăng ký; Không cho phép đăng ký trên trình duyệt Chrome mà chỉ qua Microsoft Edge kém thông dụng hơn… Do đó, chỉ có khoảng 10% đơn gửi lên của Logivan là được gửi lại kết quả.

"Việc ứng dụng công nghệ với mục đích tốt nhưng trong quá trình triển khai gấp gáp khiến DN logistics gặp những khó khăn nhất định, thậm chí nhiều nhà xe không có luồng xanh phải "ngồi nhà" vì không thể thể vận chuyển được hàng hoá", bà Linh chia sẻ.

CEO VTgo đề xuất phê duyệt hồ sơ cần bố trí thêm nhân sự để đảm bảo việc phê duyệt hồ sơ nhanh nhất, trong vòng 6h kể từ khi người dùng đăng ký. Web đăng ký luồng xanh cũng cần tích hợp tính năng xác minh lái xe có kết quả xét nghiệm đảm bảo lưu thông theo thời gian, có thể cập nhật theo thông tin mới nhất do nhà xe cung cấp về kết quả xét nghiệm của lái xe; Đưa danh mục xe được phép đăng ký vào luôn web đăng ký, không để nhà xe tự điền như hiện nay.

Còn công tác kiểm tra tại các chốt, ông Tuấn cho rằng cần có sự phân luồng từ xa, tối thiểu 5 km trước trạm kiểm tra để tạo luồng ưu tiên thông suốt cho xe đã được cấp mã QR, và chỉ kiểm tra xe khi quét mã QR mà hệ thống thông báo không đủ điều kiện; Có kênh thông tin để thông báo kịp thời các quy định mới của cơ quan quản lý đến các chốt một cách nhanh nhất, để đảm bảo tính đồng thuận và kịp thời; Quán triệt thống nhất cách thức kiểm tra, giấy tờ kèm theo, loại hàng hóa tại các chốt kiểm tra khác nhau, tránh tình trạng mỗi chốt ở mỗi tỉnh lại hiểu và làm khác nhau.

Về vấn đề này, theo ông Mạnh, hệ thống "luồng xanh" thực chất là luồng ưu tiên lưu thông cho hàng hoá thiết yếu. Hệ thống này giống như "cửa VIP" ra máy bay, người bình thường không có thẻ VIP vẫn có thể lên máy bay nhưng chậm hơn. Tương tự, với Hệ thống luồng xanh, người có mã QR được ưu tiên đi luồng riêng, nhanh hơn vì họ đã khai báo từ trước, cập nhật đủ thông tin điều kiện kinh doanh và hàng hoá chở trên xe cũng như tự chịu trách nhiệm với lời khai của mình. Còn người không có mã vẫn sẽ phải được di chuyển, nhưng sẽ mất thêm thời gian hơn.

Đồng thời, với khối lượng đơn lớn, thời gian thực hiện quá ngắn dẫn đến việc phê duyệt của chính cán bộ Sở GTVT cũng quá tải. Vì vậy, ông Mạnh cũng như Tổng cục Đường bộ mong các DN hiểu ở mỗi bộ phận đều đang cố gắng hết sức để sao cho việc lưu thông hàng hoá được tốt nhất./.

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top