Toà án điện tử giúp cho hoạt động tố tụng trở nên thông minh hơn và dễ dàng hơn

Thứ sáu, 16/07/2021 15:16

Xây dựng nền tảng Tòa án điện tử cho hệ thống tòa án từ trung ương đến địa phương sẽ giúp ngành Tòa án giải được nhiều bài toán vốn rất nan giải từ trước đến nay như: vận hành, bảo trì, đảm bảo an toàn thông tin, nhân lực CNTT... Tòa án điện tử giúp cho hoạt động tố tụng trở thông minh hơn và dễ dàng hơn bao giờ hết. Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị trực tuyến về “Chuyển đổi số và định hướng xây dựng tòa án điện tử đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp” tổ chức sáng ngày 14/7/2021 tại Hà Nội.

Nền tảng, Thông minh, Chia sẻ - 3 từ khóa xây dựng Tòa án điện tử

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, xây dựng Tòa án điện tử nghĩa là đưa toàn bộ hoạt động của ngành Tòa án lên môi trường số.  Đây cũng là xu hướng chung của các tòa án tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ngành Tòa án Việt Nam trong giai đoạn trước đây chưa thực sự ứng dụng mạnh CNTT vào các hoạt động tố tụng của mình. Tuy nhiên, “đây lại chính là cơ hội để ngành Tòa án tận dụng những công nghệ số mới nhất, những nền tảng xuất sắc nhất, thông minh nhất, người đi sau trở thành người đi trước, người dẫn đầu trong cuộc cách mạng công nghệ số, trong công cuộc chuyển đổi số”.

20210716-pg3-CA.jpg

 Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: "Tòa án điện tử phải trở thành khát vọng của từng Thẩm phán".

Một đặc điểm quan trọng khác của công nghệ số là càng nhiều người dùng thì càng rẻ, càng nhiều người dùng, càng có nhiều dữ liệu, hệ thống càng trở nên thông minh hơn. Nền tảng tòa án điện tử được sử dụng tại tất cả các cấp của tòa án, được toàn bộ 16 nghìn lao động ngành tòa án sử dụng chắc chắn sẽ trở nên thông minh hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ ngành Tòa án tác nghiệp, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với công lý dễ dàng hơn. 

Với nền tảng Tòa án điện tử, toàn bộ tri thức của ngành Tòa án, của tất cả các cá nhân đang hoạt động trong ngành này được đưa lên nền tảng. Những người xuất sắc nhất của Toà án sẽ phải tham gia cùng với những người làm công nghệ để đưa tri thức lên nền tảng để toàn bộ cán bộ ngành Tòa án cùng sử dụng, cùng chia sẻ. 

Trả lời những lo lắng của Tòa án các tỉnh về việc triển khai tòa án điện tử tại những tỉnh nghèo, huyện nghèo, người đứng đầu ngành TT&TT cho biết, nền tảng tòa án điện tử sẽ giải quyết được hết những vấn đề mà tòa án các cấp vẫn lo ngại từ trước đến nay bao gồm: đầu tư, vận hành hệ thống thông tin, đảm bảo an toàn thông tin, nhân lực, trình độ sử dụng công nghệ của người dân. Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ đầu tư nền tảng, thuê doanh nghiệp công nghệ vận hành, bảo trì, đảm bảo an toàn thông tin, bản quyền sử dụng phần mềm. Trước những lo ngại về trình độ công nghệ của người dân ở vùng sâu vùng xa sẽ gặp khó khi tiếp cận Tòa án điện tử, Bộ trưởng khẳng định, ưu điểm của công nghệ số hiện nay chính là phần phức tạp sẽ dồn cho công nghệ, người dân khi sử dụng Tòa án điện tử không nhất thiết cần phải đào tạo gì ngoài một thao tác đơn giản là bật máy tính. 

20210716-pg1-BT.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Để Tòa án điện tử, tòa án online trở thành khả thi, thực sự đi vào cuộc sống, Tòa án phải thay đổi, điều chỉnh thể chế để chấp nhận các mô hình vận hành mới trên không gian mạng"

Tuyển dụng và giữ chân nhân lực CNTT cũng là bài toán đau đầu với tòa án các cấp. Lời giải cho bài toán này có thể học tập từ Tòa án Hàn Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khuyến nghị. Trong số 20 nghìn nhân lực ngành tòa án Hàn Quốc chỉ có 5% chuyên trách mảng CNTT (tương đương 1 nghìn người). Trong 1.000 người này chỉ có 20% là thuộc biên chế ngành Tòa án, 80% là chuyên gia lập trình thuê của doanh nghiệp công nghệ. Nhiệm vụ của các cán bộ chuyên trách CNTT thuộc biên chế ngành Tòa án là diễn giải các mục tiêu về tòa án điện tử, về chuyển đổi số (do Lãnh đạo ngành Tòa án đặt ra) thành ngôn ngữ CNTT và đặt hàng cho các doanh nghiệp công nghệ bên ngoài. Do đó, cán bộ chuyên trách CNTT của Tòa án không cần quá nhiều, không cần phải là chuyên gia cao cấp. 

Lợi ích từ triển khai nền tảng Tòa án điện tử

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, xét theo tư duy công nghệ số, chuyển đổi số, Tòa án điện tử về cốt lõi chính là sử dụng công nghệ số để thực hiện toàn trình các hoạt dộng của Tòa án, từ khi tiếp nhận hồ sơ đến khi kết thúc vụ án bao gồm các công đoạn: Khai án trực tuyến (e-filling), Thanh toán trực tuyến (e-payment), Hầu tòa trực tuyến (e-summon), Tố tụng trực tuyến (e-litigation), Xử án và tuyên án trực tuyến (e-judgement). 

20210716-pg2-TT.jpg

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng: "Việc triển khai Tòa án điện tử đem lại nhiều lợi ích cho người dân cũng như hệ thống tòa án: Tính minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả tòa án và đương sự"

Việc triển khai Tòa án điện tử đem lại nhiều lợi ích cho người dân cũng như hệ thống tòa án, đầu tiên phải kể đến là tính minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả tòa án và đương sự. Thông tin hồ sơ án có thể được truy cập cùng một lúc, ở mọi nơi. Đặc biệt, những thông tin được tích lũy sẽ hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động của thẩm phán, thư ký tòa án, giảm thiểu án oan sai

Theo các tính toán của các chuyên gia quốc tế, triển khai nền tảng Tòa án điện tử giúp cắt giảm 10-15% chi phí hoạt dộng của Tòa án, Chi phí lưu trữ tài liệu số ổ 150 TB lưu trữ (chi phí 100USD) tương đương với 70 tủ lưu trữ giấy. Một bộ hồ sơ trực tuyến tiết kiệm được 200 USD cho người dân và doanh nghiệp. Thẩm phán có thể xử lý được 3.000 vụ/năm nhờ sự hỗ trợ của công nghệ (Hàn Quốc).

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, với việc triển khai nền tảng Tòa án điện tử, việc tiếp nhận hồ sơ điện tử sẽ được chuẩn hóa ngay từ khi khâu tiếp nhận để lưu trữ, sử dụng lâu dài, theo suốt vụ án trong hệ thống. Đối với tính năng tự động đánh giá tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ vụ án, trước đây thẩm phán, thư ký phải nghiên cứu hồ sơ rồi đưa ra quyết định, trong nhiều trường hợp phải đề nghị đương sự cung cấp thêm chứng cứ, kéo dài thời gian xử lý vụ án, Tòa án điện tử với các công cụ thuật toán sử dụng trí tuệ nhân tạo sẽ giúp thẩm phán, thư ký tòa án xử lý hồ sơ nhanh hơn, đưa ra những gợi ý là hồ sơ đã đủ quy trình, thủ tục, dủ căn cứ hay chưa. Nền tảng còn hỗ trợ thẩm phán tự động tìm kiếm vụ án có hành vi pháp lý tương tự, án lệ liên quan. Ứng dụng hệ thống giám sát, lắng nghe mạng xã hội giúp Tòa án có thêm nguồn thông tin từ dư luận xã hội liên quan đến vụ án đang thụ lý. Ngoài ra Tòa án điện tử còn hỗ trợ Tòa án tổ chức hòa giải trực tuyến, có phòng xử án điện tử, tối ưu hóa hoạt động của Tòa án với các cơ quan liên quan và tối ưu hóa hoạt động nội bộ.  

Trợ lý ảo 24/7

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đặt câu hỏi: Tại sao ngành Tòa án cần Trợ lý ảo? Đó là vì số lượng văn bản pháp luật ngày càng nhiều và được sửa đổi, bổ sung thường xuyên để theo kịp sự vận động phát triển của xã hội. Bên cạnh đó, số lượng vụ việc tòa án cần xử lý hàng năm rất lớn và tiếp tục gia tăng. Chi riêng năm 2020 các Tòa án đã thụ lý hơn 600 nghìn vụ việc. Nhằm hỗ trợ các cán bộ ngành Tòa án làm việc hiệu quả hơn, giảm thiểu các tai nạn pháp lý, nghiệp vụ, rất cần một trợ lý am hiểu luật pháp, làm việc 24/7 và lúc nào cũng bên cạnh. Vì tòa án là một chuyên ngành hẹp nên làm cho trợ lý ảo ngành Tòa án trở nên thật thông minh là một công việc không hề khó. Hiện nay, Viettel đang triển khai xây dựng trợ lý ảo ngành Tòa án đáp ứng các tính năng hỏi đáp về nội dung văn bản pháp luật, nội dung nghị quyết của Hội đồng thẩm phán, công văn hướng dẫn, án lệ, nội dung Công bố bản án. Theo dự kiến đến ngày 30/9/2021 sẽ hoàn thành Trợ lý ảo Tòa án phiên bản 1.0.

Càng dùng nhiều thì trợ lý này sẽ càng thông minh và trợ giúp càng đắc lực. 16.000 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cả hệ thống Toà án sẽ được bổ sung thêm 16.000 lao động nữa, mà lại là lao động có chuyên môn và chuyên nghiệp. Chất lượng công việc tăng lên và chất lượng cuộc sống, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ tin tưởng

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng khẳng định, chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế, nhiều hơn là cuộc cách mạng công nghệ. Để Tòa án điện tử, tòa án online trở thành khả thi, thực sự đi vào cuộc sống, Tòa án phải thay đổi, điều chỉnh thể chế để chấp nhận các mô hình vận hành mới trên không gian mạng. 

Xây dựng Tòa án điện tử là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Tòa án

Theo ông Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án TANDTC, chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử là xu thế toàn cầu và không thể đảo ngược. Xây dựng Tòa án điện tử là xu thế tất yếu trong thời đại số để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bắt kịp với nền tư pháp văn minh của thế giới. Và đây cũng chính là thực hiện cam kết của Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam tại Hội nghị Chánh án các nước ASEAN: Đến năm 2025 hoàn thành xây dựng Tòa án điện tử.

Bản chất của Tòa án điện tử là chuyển đổi số các hoạt động của Tòa án, trong đó, cốt lõi là chuyển đổi số hoạt động tố tụng, từ đó hình thành một phương thức tố tụng mới trên nền tảng số. Hiện nay, ngành Tòa án đang ứng dụng CNTT mạnh mẽ trong các hoạt động của mình. Cụ thể, toàn ngành đã công bố hơn 680.000 bản án, quyết định; 43 Án lệ với tổng lượng truy cập để tìm hiểu về các bản án là hơn 100 triệu lượt, hàng chục nghìn ý kiến bình luận, góp ý đối với các bản án, quyết định.

Phần mềm quản lý đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã được đưa vào sử dụng, bước đầu giúp TANDTC xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất về công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Việc phân công Thẩm phán được tiến hành theo phương thức tự động. Trên cơ sở đó, Thẩm phán và Lãnh đạo TANDTC dễ dàng theo dõi khối lượng công việc và quá trình giải quyết đơn của từng Thẩm tra viên, từng đơn vị. TANDTC cũng đang triển khai xây dựng phần mềm quản lý án tổng hợp do Tòa án tối cao Hàn Quốc tài trợ làm nền tảng cho việc phát triển hệ thống tố tụng điện tử từ năm 2019. Hiện phần mềm này đang trong giai đoạn hoàn thiện và thử nghiệm…

Phát biểu kết luận và chỉ đạo Hội nghị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, việc triển khai Tòa án điện tử cần có sự vào cuộc đồng bộ, không chỉ của lãnh đạo, Hội đồng Thẩm phán TANDTC mà còn có sự quyết tâm từ TAND các cấp. Tòa án điện tử phải trở thành khát vọng của từng Thẩm phán.

Đồng quan điểm với Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình khẳng định cần phải tiếp tục hoàn thiện hạ tầng pháp lý để triển khai tiến trình chuyển đổi số, triển khai Tòa án điện tử. Hiện chưa có quy định pháp lý về chứng cứ điện tử, thủ tục tố tụng điện tử, do đó việc xét xử trực tuyến còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. 

Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định, về cơ bản, TANDTC đồng ý cho phép thí điểm tòa án trực tuyến về án hành chính. Hiện nay, đã có tòa án một số tỉnh đăng ký xin phép thí điểm trực tuyến. “Địa phương nào triển khai được phiên tòa trực tuyến đầu tiên trên cả nước, tôi sẽ trực tiếp đến dự”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh./.

Giang Phạm
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top