Thứ trưởng Bộ Y tế: 'Chúng tôi đang phối hợp với Bộ TT&TT xây dựng “Hộ chiếu vaccine”

Thứ tư, 31/03/2021 15:01

Khẳng định thành công trong phòng chống dịch Covid-19 đến nay có công đóng góp rất mạnh của CNTT, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng cho biết, Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ TT&TT xây dựng Đề án về “Hộ chiếu vaccine”.

Thông tin trên vừa được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ tại lễ phát động giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards” năm 2021, được Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức ngày 30/3.

Đang xây dựng Đề án về “Hộ chiếu vaccine”

Việc triển khai các ứng dụng CNTT hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 như phần mềm khai báo y tế tự nguyện NCOVI, khai báo y tế bắt buộc cho người nhập cảnh Vietnam Health Declaration, phần mềm phát hiện tiếp xúc gần người nhiễm, nghi nhiễm Covid-19 Bluezone, bản đồ an toàn Covid-19…  theo ông Tuyên, là một trong trong những thành tích nổi bật của ngành Y tế trong thời gian qua.

20210331-m08.jpg

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã triển khai ứng dụng CNTT từ rất sớm, ngay từ đầu và sau đó liên tục được cập nhật. 

Trong công tác phòng chống dịch Covid-19, thành công Việt Nam đạt được đến hôm nay, trong các biện pháp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, có một giải pháp Bộ Y tế ngay từ đầu đã triển khai là ứng dụng CNTT trong khai báo y tế, truy vết trường hợp nhiễm, nghi nhiễm dịch.

“Trong phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã triển khai ứng dụng CNTT từ rất sớm, ngay từ đầu và sau đó liên tục được cập nhật. Thành công hiện nay có công đóng góp rất mạnh của CNTT”, ông Tuyên chia sẻ.

Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ này đang phối hợp với Bộ TT&TT và các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông để nghiên cứu, xây dựng Đề án về “Hộ chiếu vaccine”.

“Hộ chiếu vaccine” bản chất là giấy chứng nhận khi chúng ta tiêm đủ các mũi vaccine theo quy định. Tuy nhiên, với vấn đề này, hiện Bộ Y tế đang nghiên cứu về thời gian, hiệu lực, giá trị của “Hộ chiếu vaccine” như thế nào?

Đưa trí tuệ nhân tạo vào ứng dụng trong khám chữa bệnh

Nhận định việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số để phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân đã bước đầu đạt được một số thành quả đáng khích lệ, đại diện Bộ Y tế cho hay, thời gian qua Bộ đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản góp phần hoàn thiện thể chế, môi trường pháp lý triển khai CNTT y tế, làm cơ sở cho chuyển đổi số trong ngành y tế.

20210331-m09.jpg

Việc triển khai hệ thống hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa Telehealth được đánh giá là một trong những kết quả nổi bật trong chuyển đổi số y tế thời gian qua.

Cổng dịch vụ công của Bộ Y tế đã được triển khai từ năm 2019. Đến cuối tháng 6/2020, 100% thủ tục hành chính của Bộ đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức 4. Hệ thống quản lý văn bản điều hành, hệ thống thư điện tử trong cơ quan nhà nước đã được triển khai tại tất cả đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, tích hợp với các Sở Y tế và 100% hoạt động quản lý văn bản điều hành trên môi trường mạng, được ký số. 

Một kết quả nổi bật nữa trong ứng dụng CNTT của Bộ Y tế là việc đưa vào vận hành Cổng thông tin công khai y tế. Đây là kênh chính thống của Bộ Y tế để người dân và doanh nghiệp tra cứu các thông tin về giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá vật tư y tế, giá sinh phẩm chẩn đoán, giá khám chữa bệnh,  giá niêm yết, giá đấu thầu, thông tin về các sản phẩm đang được lưu hành hoặc đã được thu hồi, kết quả xử lý thủ tục hành chính, những vi phạm trong quảng cáo…

Thông qua Cổng công khai y tế, người dân thực hiện quyền được biết và giám sát các dịch vụ ngành y tế cung cấp, tiến tới công khai giá trúng thầu của các gói thầu thiết bị trên Cổng thông tin. Việc này sẽ giúp cho các cơ sở y tế có nhu cầu mua sắm trang thiết bị tham khảo, lập dự toán nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng trong việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế.

Đặc biệt, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, ứng dụng CNTT trong bệnh viện đã và đang được đẩy mạnh. Đến nay, 100% bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; 10 bệnh viện và 1 phòng khám đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy; 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim, hệ thống PACS Cloud; ứng dụng đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến; triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), ứng dụng robot trong y tế, ứng dụng hỗ trợ ra quyết định lâm sàng trong các hệ thống thông tin bệnh viện, cảnh báo tương tác thuốc; hỗ trợ tư vấn – Chatbot; nhận dạng tiếng nói để nhập dữ liệu vào hệ thống thông tin bệnh viện.

“Bộ Y tế cũng đang giao cho Cục CNTT của Bộ chủ trì, nghiên cứu để làm sao chúng ta sớm đưa trí tuệ nhân tạo ứng dụng vào công tác khám chữa bệnh. Đây là một vấn đề mới ngành Y tế đang đặt ra”, Thứ trưởng thông tin.

Bên cạnh đó, công tác ứng dụng CNTT, chuyển đổi số ngành y tế thời gian qua còn đạt được nhiều thành quả tích cực khác: kết nối, liên thông dữ liệu giữa các cơ sở khám chữa bệnh cả nước với cơ quan bảo hiểm xã hội, với tỷ lệ 99,5% cơ sở khám chữa bệnh đã liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; xây dựng hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và kết nối vạn vật trong y tế; nhiều địa phương như Bình Dương, Phú Thọ… đã bước đầu triển khai hồ sơ sức khỏe người dân liên tục, suốt đời; hình thành nền tảng quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế V20…

Ngoài ra, hướng tới chuyển đổi số toàn diện ngành y tế, Bộ Y tế còn triển khai các hệ thống thông tin lớn như: mạng kết nối y tế Việt Nam; hệ thống cơ sở dữ liệu dược quốc gia, kết nối liên thông cơ sở dữ liệu cung ứng thuốc trên toàn quốc; triển khai hệ thống tiêm chủng quốc gia…/.

Vân Anh (Báo VietNamNet)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top