Bộ TT&TT cung cấp thông tin cho báo chí về hội nhập quốc tế và UNESCO

Thứ ba, 30/06/2020 17:01

Chiều ngày 30/6/2020, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về hội nhập quốc tế và UNESCO. Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo chủ trì Hội nghị. Tham dự có một số Bộ, ngành như Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện UNESCO tại Việt Nam, đại diện một số Sở TT&TT và đông đảo PV, BTV các cơ quan báo chí.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT nhận định, Hội nghị hôm nay là một trong các hoạt động định kỳ nhằm cung cấp cho phóng viên, biên tập viên các thông tin cập nhật và chuyên sâu để thông qua đó các phóng viên sẽ truyền tải đến công chúng cả nước những thông tin mới nhất về hội nhập quốc tế và UNESCO.

20200630-pg20-TT.jpg
 
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu khai mạc Hội nghị.
 
Thứ trưởng cho biết, những nội dung quan trọng được các chuyên gia, đại diện các Bộ ngành chia sẻ tại Hội nghị sẽ tập trung vào các vấn đề như: Công tác đối ngoại đa phương của Việt Nam trong tình hình mới; Tình hình đàm phán và thực thi các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam, cơ hội và thách thức; Các hoạt động trọng tâm của Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam trên 5 lĩnh vực liên quan và Chiến lược của UNESCO tại Việt Nam giai đoạn 2020-2021 do Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam trình bày. Đây là chiến lược hoạt động mới của UNESCO tại Việt Nam mới được thông qua.
 
Nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế thông qua hoạt động tại Hội đồng Bảo an
 
Tại Hội nghị, trong bài tham luận “Việt Nam tham gia Hội đồng Bảo an: Triển khai đối ngoại đa phương trong tình hình mới”, ông Đỗ Hùng Việt, Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao cho biết, Việt Nam đã trúng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu kỷ lục (192/193), thể hiện vị thế mới và uy tín cao của đất nước đối với cộng đồng quốc tế đồng thời giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 1/2020. Về cơ bản, Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Ủy viên không thường trực và Chủ tịch Hội đồng Bảo an. Đây là tiền đề thuận lợi để tiếp tục tham gia hiệu quả vào công việc của Hội đồng Bảo an trong thời gian tới. Dư luận báo chí và giới học giả quốc tế có nhiều bình luận, đánh giá tích cực về đóng góp của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an, nhất là vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 1/2020. Như vậy, hoạt động tại Hội đồng Bảo an đã giúp nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam và ASEAN trên trường quốc tế, thể hiện tốt vai trò thành viên có trách nhiệm, tham gia quá trình hoạch định, triển khai các quyết định về hòa bình và an ninh quốc tế; Làm sâu sắc thêm quan hệ song phương với các nước, các đối tác quan trọng; Duy trì, củng cố môi trường hòa bình, ổn định phục vụ phát triển đất nước, bảo vệ thúc đẩy các lợi ích chiến lược của Việt Nam.
 
20200630-pg20-BNG.jpg
 
Ông Đỗ Hùng Việt, Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao. 
 
Đại diện đến từ Bộ Công thương đã có bài giới thiệu khái quát về tình hình đàm phán và thực thi các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam. Theo đó, hiện nay Việt Nam đã ký và đang đàm phán nhiều FTA với các quốc gia trên thế giới, trong đó có 12 FTA đã có hiệu lực, EVFTA (đã phê chuẩn, sắp có hiệu lực), 02 FTA đang đàm phán và 01 FTA đã kết thúc đàm phán (RCEP). Đại diện Bộ Công thương dành nhiều thời gian nói về 02 FTA quan trọng, đó là Hiệp định CCTPP và EVFTA. Sau 01 năm thực hiện CCTPP, xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2019 tăng 3,9% so với năm trước, xuất siêu 1,6 tỷ USD so với năm 2018 (nhập siêu 0,9 tỷ USD), về đầu tư FDI, đã thu hút thêm 5,9 tỷ USD từ các nước thành viên CPTPP (chiếm 15,5% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam năm 2019). Theo khảo sát của VCCI, đã có 86% doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu về CPTPP. Và đây được coi là số liệu đáng mừng vì doanh nghiệp càng tìm hiểu thông tin kỹ thì sẽ khai phá được nhiều cơ hội kinh doanh đến từ Hiệp định này. Các doanh nghiệp có thể tìm hiểu kỹ về CPTPP tại website https://cptpp.moit.gov.vn. Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng lưu ý những thách thức, khó khăn đi kèm với cơ hội khi Việt Nam ký kết các FTA, từ đó đưa ra những khuyến nghị và giải pháp cho các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp cần thực hiện để có thể tận dụng tốt nhất những lợi ích mà FTA mang lại cho nền kinh tế.
 
Quan hệ UNESCO – Việt Nam ngày càng đi vào chiều sâu, toàn diện, hiệu quả
 
Liên quan đến quan hệ hợp tác UNESCO và Việt Nam, ông Mai Phan Dũng, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao nhận định, quan hệ giữa hai bên ngày càng đi vào chiều sâu, toàn diện, hiệu quả trong 04 lĩnh vực: giáo dục, văn hóa, khoa học tự nhiên và thông tin truyền thông. Trong lĩnh vực giáo dục, bên cạnh tổ chức các diễn đàn, hội thảo quốc tế về lập kế hoạch chiến lược phát triển giáo dục, UNESCO hiện đang hỗ trợ Việt Nam triển khai Dự án xây dựng bộ chỉ số đánh giá về giáo dục của Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế, từ đó tham mưu, kiến nghị chính sách hiệu quả hơn với công tác giáo dục, đào tạo ở tất cả các cấp, đóng góp cho việc lập chiến lược phát triển giáo dục của Việt Nam.
 
20200630-pg20-UNESCO.jpg
 
Ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam. 
 
Chia sẻ quan điểm với đại diện Bộ Ngoại giao, ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết, Chiến lược của UNESCO tại Việt Nam 2020-2021 với nội dung Hợp tác đối tác vì sự tiến bộ của xã hội sẽ tập trung vào 04 chủ đề: Học tập vì tương lai, Khoa học vì sự phát triển bền vững, Đặt văn hóa ở trung tâm của sự phát triển và Thúc đẩy phát triển xã hội qua truyền thông.
 
Lĩnh vực giáo dục được đại diện UNESCO đặc biệt quan tâm. UNESCO sẵn sàng hợp tác cùng Việt Nam hoạch định chiến lược phát triển giáo dục phù hợp vơi các xu hướng của thế giới, đại diện UNESCO cho hay. 
Giang Phạm
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top