“Hành động của Trung Quốc ở biển Đông vi phạm luật pháp quốc tế”

Thứ năm, 25/06/2020 11:16

Nhiều chuyên gia nước ngoài đã lên án các hành động gần đây của Trung Quốc ở biển Đông làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và vi phạm luật pháp quốc tế.

20200625-l30_1.jpg

Đảo Tốc Tan, quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh minh họa: TTXVN

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Washington, ông Derek Grossman, chuyên gia cao cấp của Trung tâm chính sách châu Á - Thái Bình Dương thuộc Tập đoàn RAND, cho rằng dư luận trong thời gian gần đây nhìn chung đều nhận định Trung Quốc đã có nhiều hành động "bắt nạt" các nước láng giềng liên quan tới tranh chấp ở biển Đông, trong đó có Việt Nam, Philippines và Malaysia. Theo ông Grossman, các hành động của Trung Quốc có thể làm gia tăng bất ổn an ninh trong khu vực, thậm chí có thể khiến căng thẳng leo thang.

 
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại London, tiến sĩ James Rogers, Giám đốc Chương trình “Global Britain” thuộc Viện Henry & Jackson (Anh), nhấn mạnh việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ diện tích biển Đông thông qua cái gọi là “đường 9 đoạn” là phi lý và vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là khi Trung Quốc cũng là một bên phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
 
Việc tàu Hải cảnh Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam mới đây tại khu vực quần đảo Hoàng Sa là rất nguy hiểm và “không thể chấp nhận được”. Ông James Rogers khẳng định những tuyên bố chủ quyền phi pháp và hành động quá mức của Trung Quốc ở biển Đông đang hủy hoại luật pháp quốc tế, gây mất ổn định an ninh khu vực. Các quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế và các nước có vai trò lớn trong việc bảo vệ hệ thống quốc tế dựa trên luật pháp cần lên án những hành động như vậy.
 
Hãng tin ANNA - News của Nga vừa dẫn ý kiến chuyên gia nước này cho rằng việc Trung Quốc mới đây tuyên bố đặt tên cho các thực thể địa lý ở biển Đông là vi phạm luật pháp quốc tế. Phóng viên TTXVN tại Moscow dẫn nguồn tin trên nhấn mạnh UNCLOS 1982 viết rằng các quốc gia không thể đòi hỏi chủ quyền đối với các chủ thể dưới mặt nước biển nếu như các chủ thể này không nằm trong phạm vi 12 hải lý tính từ điểm xác định gần nhất trên đất liền. Do đó, việc Trung Quốc đặt tên cho các đảo, đá và các thực thế dưới đáy biển Đông là phi lý và vi phạm luật pháp quốc tế.
 
Cũng theo hãng tin ANNA-News, trong những năm gần đây, việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo và phát triển cơ sở hạ tầng ở biển Đông khiến cộng đồng quốc tế bất bình. Trước đó, một số chuyên gia Nga cũng lên án việc Trung Quốc tuyên bố thành lập hai quận thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa" là hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế.   
 
Bình luận trên tờ Times of India, nhà báo Rudroneel Ghosh cho rằng việc Trung Quốc tuyên bố thành lập “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa”, là hành động đơn phương, gây hoài nghi hơn nữa về các động cơ của Trung Quốc ở biển Đông và làm phương hại sự ổn định trong khu vực.
 
Theo TTXVN/Vietnam+
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top