Trả lời kiến nghị của cử tri Thành phố Đà Nẵng gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Thứ ba, 17/03/2020 16:21

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
img
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
img
Số: /BTTTT-VP
V/v trả lời kiến nghị của cử tri Thành phố
Đà Nẵng gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV
 
Hà Nội, ngày       tháng 3 năm 2020
Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng
 
Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Đà Nẵng do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 03/BDN ngày 08/01/2020, nội dung kiến nghị như sau:
 
Câu 1:Cử tri phản ảnh, thời gian qua, các cơ quan truyền thông của Việt Nam như Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam lồng quá nhiều chương trình quảng cáo vào các bản tin hằng ngày, khiến người dân rất khó chịu và bức xúc. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng này.
 
Trả lời:
 
Theo quy định của pháp luật hiện hành:
 
- Các Đài PTTH chịu trách nhiệm với việc đăng phát quảng cáo của mình và phải tuân thủ quy định sau:
 
+ Thời lượng quảng cáo trên phát thanh, truyền hình được tối đa từ 5% (kênh truyền hình trả tiền) đến 10% (kênh chương trình quảng bá). Các kênh, chương trình chuyên quảng cáo (như TV shopping) không bị hạn chế thời lượng quảng cáo.
 
+ Các Đài PTTH không được phát sóng quảng cáo trong chương trình thời sự; Chương trình phát thanh, truyền hình trực tiếp về các sự kiện chính trị đặc biệt, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc.
 
+ Mỗi chương trình phim truyện không được ngắt để quảng cáo quá hai lần, mỗi lần không quá 05 phút. Mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt để quảng cáo quá bốn lần, mỗi lần không quá 05 phút.
 
+ Pháp luật cũng quy định cụ thể một số tiêu chí về hình thức thể hiện của chương trình quảng cáo (như ngôn ngữ, hình ảnh, vị trí,...).
 
- Ngoài ra, Bộ TTTT không cấp phép quảng cáo trên báo chí nói chung và trên đài phát thanh, truyền hình nói riêng.
 
- Thời gian qua, qua công tác đo kiểm chưa phát hiện các đài này vi phạm về thời lượng quảng cáo. Tuy nhiên, lượng quảng cáo tập trung nhiều vào khung giờ vàng, có nhiều chương trình thu hút người xem, dễ gây phản ứng của khán, thính giả.Hiện nay, thời lượng quảng cáo của các Đài PTTH địa phương trung bình khoảng từ 1% đến 4%, đối với Đài THVN thì có thể đạt mức 8% đối với một số kênh truyền hình thiết yếu và có nhiều người xem như VTV1, VTV3. Do đó, có thể số lượng chương trình quảng cáo sẽ tập trung nhiều vào khung giờ vàng và chương trình hay vào thời điểm nhiều người xem (nhất là các chương trình phim truyện, giải trí) và vào các khung giờ khác nhau.
 
- Đối với phản ánh của cử tri, thời gian tới Bộ TTTT sẽ triển khai các giải pháp sau:
 
+ Duy trì thường xuyên, liên tục sự phối hợp với các bộ, ngành, Sở TTTT tại các địa phương để đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động quảng cáo trên phát thanh truyền hình và thông tin điện tử.
 
+ Thường xuyên thực hiện nhắc nhở, cảnh báo đối với các Đài PTTH có sai sót về quảng cáo(bằng văn bản hoặc trực tiếp tại giao ban báo chí hàng tuần). Yêu cầu các đơn vị rà soát, kiểm tra công tác tiếp nhận hồ sơ quảng cáo, kiểm soát chặt chẽ nội dung quảng cáo, thời gian phát sóng quảng cáo; đồng thời loại bỏ những quảng cáo có nội dung có thể hiểu nhầm; bảo đảm, nội dung quảng cáo phù hợp với quy định của pháp luật, văn hóa thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
 
+ Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên truyền hình.
 
+ Năm 2020, Bộ TTTT được Chính phủ giao sửa đổi, bổ sung Nghị định số 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quảng cáo, do đó Bộ TTTT sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan, đơn vị liên quan để nghiên cứu thêm về quy định thời điểm quảng cáo, tần suất, nội dung quảng cáo trong một số chương trình phát sóng trong khung giờ vàng, khung giờ có nhiều người xem để giúp cho các Đài PTTH có cơ sở thực hiện nội dung quảng cáo tốt hơn và phù hợp hơn với khán giả.
 
Câu 2:Cử tri đề nghị Nhà nước tăng cường công tác tuyên truyền và thông tin cho nhân dân được biết về tình hình chủ quyền Biển Đông.
 
Trả lời:
 
Xác định tầm quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền trong việc đấu tranhbảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, Bộ TTTT đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan thường xuyên chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí, truyền thông tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền đảm bảo tính kịp thời, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần đấu tranh bảo vệ chủ quyền, đồng thời cung cấp thông tin để nhân dân biết, cụ thể:
 
1. Về công tác chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền
 
- Bộ TTTT đã phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan tổ chức theo dõi, bám sát mọi diễn biến liên quan đến tình hình Biển Đông, theo dõi dư luận báo chí, truyền thông trong và ngoài nước. Trên cơ sở đó, Bộ TTTT dự báo tình hình và đưa ra những chỉ đạo, định hướng kịp thời cho các cơ quan báo chí, truyền thông tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân ở trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.
 
- Kịp thời nắm bắt và thực hiện các biện pháp đấu tranh, xử lý thông tin sai lệch về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên các mạng xã hội, các kênh truyền hình như Youtube, Facebook, ESPN, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các biện pháp đối phó lâu dài và có hệ thống.
 
- Trong nhiều năm qua, Bộ TTTT xây dựng Báo cáo điểm dư luận báo chí nước ngoài hằng tuần gửi cấp có thẩm quyền tham khảo, kịp thời chỉ đạo thông tin đối ngoại.
 
2. Các hoạt động thông tin, tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo
 
- Thông tin, tuyên truyền trên báo chí: Báo chí trong nước phản ánh đầy đủ, kịp thời các diễn biến liên quan đến Biển Đông, đấu tranh dư luận có hiệu quả về chủ quyền biển, đảo. Theo thống kê sơ bộ của Trung tâm dữ liệu truyền thông số quốc gia lượng tin, bài trên các báo, tạp chí điện tử thông tin liên quan biển đảo năm 2019 là 9.376 tin, bài.Trong vụ việc nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam vào tháng 7/2019, các cơ quan báo chí đã phối hợp nhịp nhàng với các cơ quan chức năng và địa phương có liên quantập trung tuyên truyền, đấu tranh dư luận có hiệu quả. Các trang báo lớn liên tục có bài viết phân tích về hành động vi phạm của Trung Quốc và khẳng định lập trường kiên định của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng quyền, lợi ích trên Biển Đông của Việt Nam. Điều đó góp phần lớn trong việc cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, ổn định dư luận trong nước.
 
- Thông tin, truyên truyền trên không gian mạng: Kết quả theo dõi do Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cung cấp cho thấy, số lượng đề cập về tình hình Biển Đông trên không gian mạng càng về nửa cuối năm 2019 càng tăng cao: Quý I/2019: Hơn 7,2 nghìn đề cập/tháng, Quý II/2019: Hơn 9,6 nghìn đề cập/tháng và Quý III/2019 tăng lên đến hơn 54 nghìn đề cập/tháng. Hầu như ngày nào cũng xuất hiện các tin tức liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông. Một số trang mạng xã hội tham gia tích cực vào bình ổn dư luận trong nhiều thời điểm căng thẳng thông tin.
 
- Thông tin, tuyên truyền trên hệ thống thông tin cơ sở: Với hơn 670 cơ sở truyền thanh – truyền hình cấp huyện và hơn 9.700 đài truyền thanh cấp xã, là lực lượng chủ lực trong công tác thông tin, tuyên truyền ở cơ sở đã thường xuyên phổ biến biến kịp thời những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về biển, đảo, thông tin thời sự về tình hình trên Biển Đông, góp phần tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân đối với những chủ trương, biện pháp của Đảng và Nhà nước ta trong việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình; tuyên truyền để người dân không nghe và tin theo những luận điệu sai trái, thù địch về chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
 
- Đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền về biển, đảo:
 
+ Công tác, tuyên truyền miệng: xác định đây là một trong những hình thức tuyên truyền hiệu quả nhất, do đó, trong năm 2019, Bộ TTTT đã phối hợp với các địa phương tổ chức 11 Hội nghị tập huấn về tuyên truyền biển, đảo cho nhiều đối tượng:cán bộ cấp ủy, chính quyền cơ sở, các cơ quan, đoàn thể cấp huyện, xã; cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ du lịch; chủ tàu, thuyền; ngư dân; người lao động nghề thủy sản,…
 
+ Tổ chức Hội thi tìm hiểu về chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam cho các Đội tuyên truyền lưu động của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; biên soạn và xuất bản tài liệu tuyên truyền về biển, đảo như “Cẩm nang tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam”; tổ chức sản xuất 03 phim tài liệu tuyên truyền “Biển, đảo Việt Nam - Những điều cần biết” để tiếp tục hoàn thiện hệ thống các ấn phẩm, tài liệu về biển, đảo thêm đa dạng, phong phú và phù hợp với nhiều đối tượng.
 
- Bộ TTTT đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm tăng hiệu quả tuyên truyền. Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" tiếp tục được tổ chức nhưng so với các năm nước, năm 2019, Bộ TTTT đã tiến hành số hóa các tư liệu triển lãm nhằm tạo hiệu ứng mới đối với công chúng. Kết quả là 05 cuộc Triển lãm theo hình thức truyền thống và 28 cuộc triển lãm số đã được tổ chức, thu hút hàng chục nghìn lượt người xem.
 
Hiện nay, Bộ TTTT đang triển khai xây dựng phần mềm Triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” để tổ chức tuyên truyền, phổ biến trên mạng Internet.
 
Nhìn chung, công tác tuyên truyền biển, đảo trong năm 2019 đã nhiều đổi mới như: (i) Báo chí ít mắc sai sót và độ trễ khi thông tin so với diễn biến tình hình thực tiễn đã được rút ngắn; (ii) Mạng xã hội từ chỗ bị coi là điểm yếu dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc, kích động đã dần trở thành công cụ tích cực trong việc thông tin giải tỏa áp lực vào những thời điểm căng thẳng; (iii) ứng dụng CNTT để đổi mới các hình thức tuyên truyền biển, đảo, gây được sự chú ý với công chúng.
 
Thông tin báo chí về biển đảo, về tiềm năng kinh tế biển... còn đóng vai trò thể hiện thông điệp, quan điểm của Đảng, Nhà nước về vấn đề chủ quyền; do vậy, đòi hỏi sự phối hợp, thống nhất của nhiều bộ, ngành, cơ quan liên quan như: Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao...Vì vậy, có thời điểm, thông tin còn chậm chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
 
Trong thời gian tới, Bộ TTTT tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo, tập trung vào các nhiệm vụ như sau:
 
- Tiếp tục tổ chức triển khai các đề án, kế hoạch tuyên truyền đã được phê duyệt để thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như: Đề án “Tuyên truyền bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020”.
 
- Duy trì có hiệu quả các cơ chế phối hợp liên ngành nhằm kịp thời chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí duy trì liều lượng thông tin phù hợp với tình hình thực tế, rút ngắn thời gian và tăng hiệu quả phối hợp thông tin; phát huy mặt tích cực, hiệu quả của mạng xã hội trong thông tin, tuyên truyền về biển, đảo; phối hợp với Bộ Ngoại giao tăng số lượng tin, bài về Biển Đông đăng tải trên báo chí quốc tế.
 
- Tiếp tục duy trì các hình thức thông tin, tuyên truyền về biển, đảo như: Tổ chức triển lãm trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Tư liệu và sự thật lịch sử”; đặt hàng sản xuất tài liệu tuyên truyền quảng bá chủ quyền biển, hải đảo Việt Nam; tổ chức các hội thảo, tập huấn và khảo sát cho nhiều đối tượng, đặc biệt là đội ngũ phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí và tổ chức đoàn phóng viên tác nghiệp trên thực địa khi tình hình đặt ra yêu cầu.
 
- Tăng cường sử dụng công nghệ hiện đại và truyền thông quốc tế để tăng hiệu quả thông tin đối ngoại, trong đó chú trọng phát huy hiệu quả giám sát, theo dõi và phân tích thông tin của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Trên cơ sở đó, Bộ TTTT sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các Sở TTTT địa phương tận dụng ưu thế về công nghệ để dự báo và điều hướng thông tin về biển, đảo.
 
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ TTTT đối với kiến nghị của cử tri Thành phố Đà Nẵng, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng để trả lời cử tri./.
 
Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - Ủy ban TVQH;
-Vụ QHĐP (VPCP);
- Tổng Thư ký Quốc hội;
- Bộ TTTT: Bộ trưởng và các Thứ trưởng;
các Cục: BC, PTTH, TTĐN,TTCS;
Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, VP.
BỘ TRƯỞNG
 
 
 
 
 
 
Nguyễn Mạnh Hùng
 
 
 
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top