Thứ trưởng Phạm Hồng Hải đánh giá cao công tác hạ ngầm cáp và xây dựng đường dây nóng của Bình Dương

Thứ năm, 12/12/2019 10:25

Trong Chương trình Hội nghị giao ban công tác Quản lý Nhà nước về Tần số vô tuyến điện khu vực II- năm 2019 diễn ra tại Bình Dương, sau khi nghe Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Bình Dương báo cáo một số kết quả nổi bật, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải đã ghi nhận và đánh giá cao cách làm của Sở TT&TT Bình Dương.

Phân công địa bàn cho các doanh nghiệp viễn thông hạ ngầm cáp
 
Theo Thứ trưởng Phạm Hồng Hải, việc phân công địa bàn cho doanh nghiệp viễn thông xây dựng hạ tầng ngầm để các doanh nghiệp viễn thông hạ ngầm cáp là cách làm hay, đề nghị Cục Viễn thông cần tham khảo, nghiên cứu để các địa phương trao đổi, nhân rộng mô hình này.
 
20191212-m02.jpg
 
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải tham quan Hệ thống đường dây nóng tỉnh Bình Dương
 
Theo Ông Lai Xuân Thành, Giám đốc Sở TT&TT Bình Dương cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 15 doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp cùng tham gia đầu tư hạ tầng và cung cấp dịch vụ. Việc đầu tư phát triển hạ tầng mạng cáp của các doanh nghiệp trong thời gian qua chủ yếu là hình thức treo nhằm đáp ứng yêu cầu về việc cung cấp dịch vụ mà chưa đảm bảo mỹ quan và tuyệt đối an toàn. Công tác hạ ngầm cáp bước đầu cũng được các doanh nghiệp quan tâm, nhưng việc triển khai thực tế còn nhiều khó khăn: các doanh nghiệp tại Bình Dương chủ yếu là đơn vị phụ thuộc của các Tập đoàn, Tổng Công ty nên chưa chủ động được nguồn vốn đầu tư; thiếu không gian dành cho việc hạ ngầm (vỉa hè nhỏ và đã có nhiều công trình ngầm khác). Kế hoạch hạ ngầm của các doanh nghiệp chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến việc phối hợp triển khai đầu tư và khai thác hạ tầng ngầm.
 
Trước thực trạng trên, sau khi trao đổi thống nhất giữa các doanh nghiệp, Sở TT&TT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai hạ tầng ngầm cáp viễn thông trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017 – 2020; theo đó 04 doanh nghiệp chủ lực gồm: VNPT Bình Dương; Viettel Bình Dương; FPT Bình Dương; VNTT được phân công giao trách nhiệm đầu tư hạ tầng ngầm từng khu vực theo phạm vi địa lý hành chính (thành phố, thị xã, huyện,) và theo các Khu Đô thị, Khu công nghiệp, để cho các doanh nghiệp còn lại thuê hạ tầng ngầm. Thực hiện Kế hoạch này, hàng năm các địa phương chủ động công bố danh mục các tuyến đường cần nâng cấp, mở rộng, chỉnh trang vỉa hè cho các doanh nghiệp được phân công nên việc đầu tư công trình ngầm cáp triển khai đồng bộ.
 
Qua 2 năm (2018-2019) triển khai thực hiện đã đem lại hiệu quả thiết thực. Năm 2019 đã có 38 tuyến được hạ ngầm với tổng chiều dài 52 km.
 
Đường dây nóng, bước đi đầu tiên của Trung tâm điều hành thành phố thông minh
 
Ông Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh, Trường Ban Điều hành thành phố thông minh (TPTM) Bình Dương cho biết: “Con đường xây dựng TPTM Bình Dương sẽ rất dài. Vì vậy chúng ta cần có bước đi đầu tiên. Để xây dựng Trung tâm Điều hành TPTM cũng cần phải có bước đi đầu tiên. Đó là hình thành Trung tâm liên lạc (Contact Center) giao tiếp đa kênh giữa Chính quyền với người dân, doanh nghiệp".
 
Đề án thí điểm thành lập Hệ thống đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2018-2020 được UBND tỉnh phê duyệt ngày 24 tháng 8 năm 2018; theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện. Sau hơn một năm chuẩn bị, Hệ thống đường dây nóng (ĐDN) đã được Lãnh đạo tỉnh Bình Dương chính thức công bố vận hành vào ngày 24/11/2019.
 
20191212-m01.jpg
 
Lễ công bố chính thức vận hành Hệ thống đường dây nóng tỉnh Bình Dương
 
Ông Lai Xuân Thành cho biết, sau 2 tuần chính thức vận hành, Hệ thống đường dây nóng đã tiếp nhận hơn 200 phản ánh, kiến nghị (PA,KN) của người dân. Trong đó, tập trung là PA,KN liên quan đến việc chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính và phản ánh hiện trường về hạ tầng kỹ thuật đô thị và giao thông. Hiện tại, Hệ thống ĐDN đã cấp 400 tài khoản cho Đầu mối tiếp nhận và Bộ phận xử lý của các cơ quan, đơn vị để tiếp nhận thông tin do Hệ thống ĐDN chuyển đến yêu cầu xử lý.
 
Theo Ông Thành, khó khăn hiện nay đối với Hệ thống ĐDN là chưa hình thành nhiều cơ sở dữ liệu để Nhân viên trực Hệ thống tra cứu, trực tiếp trả lời những vấn đề thường gặp và đã có trong các quy định. Vì vậy, đa số PA,KN phải chuyển cho các cơ quan, đơn vị chức năng xử lý và trả lời. Bên cạnh, Nhân viên trực Hệ thống ĐDN chưa am hiểu hết chức năng, nhiệm vụ của khối cơ quan Nhà nước nên việc chuyển xử lý, trả lời PA,KN thời gian đầu còn sai địa chỉ, gây chậm trễ. Tuy nhiên, đây là những khó khăn đã được dự lường trước, nên đều có phương án xử lý, từng bước khắc phục để Hệ thống ĐDN hoạt động ngày càng hiệu quả, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp.
 
Cấp cứu y tế ngoài bệnh viện- tính nhân văn của hệ thống ĐDN
 
“Tính mạng con người là quan trọng, thời gian cấp cứu là vàng”, Ông Lục Duy Lạc, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương khẳng định như vậy và rất tâm đắc, ủng hộ công tác tiếp nhận thông tin cấp cứu ngoài bệnh viện của Hệ thống ĐDN qua số điện thoại 115. Hệ thống này đã giải quyết các tồn tại bất cập mà trước đây ngành Y tế luôn gặp phải đó là việc định tuyến cuộc gọi cần cấp cứu không chính xác và tình trạng quấy rối vào đầu số 115 luôn diễn ra. Ông Lai Xuân Thành cho biết, hiện tại Hệ thống ĐDN đã gắn thiết bị định vị cho 51 xe cấp cứu và trang bị thiết bị điện thoại thông minh chuyên dụng cho 15 kíp trực cấp cứu. Hệ thống ĐDN tiếp nhận và định vị chính xác vị trí cần cấp cứu và điều xe cấp cứu gần nhất đến hiện trường.
 
Báo cáo với Thứ trưởng Phạm Hồng Hải, Ông Lai Xuân Thành cho biết Sở TT&TT Bình Dương đã thực hiện đầy đủ các nội dung theo tinh thần văn bản số 4176/BTTTT-THH ngày 22 tháng 11 năm 2019 của Bộ TT&TT về hướng dẫn triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh.
 
Hệ thống đường dây nóng tỉnh Bình Dương là Contact Center hoạt động 24 giờ/ngày và 7 ngày trong tuần (kể cả ngày lễ, Tết), để tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức bằng nhiều phương thức khác nhau:
 
Điện thoại (cố định, di động): 1022
 
Tin nhắn SMS, thư điện tử 1022@binhduong.gov.vn;
 
Truy cập website: http://1022.binhduong.gov.vn
 
Sử dụng các ứng dụng OTT trên Internet (Zalo, Viber, FaceBook…). Hệ thống tiếp nhận, xử lý, trả lời tự động hoặc thông qua nhân viên trực hệ thống ĐDN hoặc chuyển tiếp cho các cơ quan, đơn vị chức năng xử lý để có kết quả trả lời. 
 
Giai đoạn 2019-2020, Hệ thống ĐDN sẽ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức liên quan đến các lĩnh vực:
 
1.Thủ tục hành chính và giải quyết thủ tục hành chính; (Nhóm 1)
 
2. Hỗ trợ tiếp nhận các thông tin về tình hình an ninh, trật tự (113); cứu nạn, cứu hộ (114); Đặc biệt tiếp nhận thông tin cấp cứu ngoài bệnh viện (115); (Nhóm 2)
 
3. Phản ánh hiện trường về các tồn tại, hạn chế, bất cập đang diễn ra trên địa bàn tỉnh Bình Dương (Nhóm 3);
 
 
Khánh Hằng (Sở TT&TT Bình Dương)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top