Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị Giao ban Quản lý nhà nước Quý III/2019

Thứ năm, 05/09/2019 12:50

Sáng ngày 5/9, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị Giao ban Quản lý nhà nước Quý III/2019. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, Phan Tâm; lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ và đại diện các doanh nghiệp thuộc Bộ. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 66 điểm cầu trên cả nước.

20190905-l1.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị

Theo báo cáo tổng hợp của Văn phòng Bộ, trong tháng Quý III/2019, Bộ TT&TT đã ban hành 6 Thông tư; tiếp nhận 99 kiến nghị của 23 Sở TT&TT và đã trả lời 54 kiến nghị của 15 Sở. Số còn lại là do các kiến nghị trùng nhau hoặc các kiến nghị gửi về Bộ muộn, sẽ được các đơn vị có liên quan của Bộ trả lời sau.
 
Lĩnh vực Bưu chính, Bộ TT&TT đã tổ chức Lễ phát hành đặc biệt bộ tem "50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh". Năm 2019, Bưu chính các nước đã thống nhất phát hành bộ tem có chủ đề về trang phục dân tộc của mỗi nước và ngày 08/8/2019, Bộ TT&TT quyết định phát hành bộ tem “Trang phục dân tộc”; phát hành bộ tem “Cá sông Mê Kông”; Tổng hợp các nội dung làm việc với Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước liên quan đến việc cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng tại tổ chức cung ứng dịch vụ bưu chính công ích...
 
Trong lĩnh vực viễn thông, tỷ lệ chuyển mạng thành công tính đến tháng 8/2019 đã đạt 80,2%. Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp di động giải quyết khiếu nại dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số của cơ quan, tổ chức và người dân. Cụ thể, tháng 7/2019, có 2.075; tháng 8/2019, có 2.094 khiếu nại tiếp nhận qua đầu số 18006099 và một số khiếu nại gửi qua email, đơn, thư… Bộ tiếp tục đốc thúc các nhà mạng giải quyết đối với các khiếu nại của người dân.
 
Đặc biệt, tại Hội nghị Thông tin vô tuyến của Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 25 (AWG-25), đại diện Việt Nam (Bộ TT&TT) đã được bầu vào chức Chủ tịch của Hội nghị nhiệm kỳ 2019 - 2022. Đây là lần đầu tiên đại diện của Việt Nam được bầu vào vị trí Chủ tịch của AWG. Việc được bầu làm Chủ tịch của AWG thể hiện uy tín của Việt Nam trong khu vực, là sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về chuyên môn của các chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực thông tin vô tuyến.
 
Lĩnh vực ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT đã tổ chức lễ ký kết biên bản hợp tác phát triển TT&TT giữa Bộ TT&TT với UBND TP.Hồ Chí Minh; các tỉnh Long An, Bình Phước, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Phú Yên nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về TT&TT ở Trung ương và địa phương. Hướng dẫn các địa phương triển khai các nội dung có liên quan về phát triển đô thị thông minh (Bình Thuận, Gia Lai, Long An, Đắk Lắk). Hỗ trợ các tỉnh, thành phố phát triển mạng lưới bưu chính; phát triển hạ tầng viễn thông; số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất; triển khai xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, kết nối, liên thông các hệ thống thông tin giữa Trung ương và địa phương; đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng; thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp ICT; quản lý báo chí, xuất bản, thông tin tuyên truyền.
 
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT đã phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Cấp cao công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam năm 2019 (Vietnam ICT Summit) với chủ đề “Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường”. Đây là Diễn đàn của hành động, Vietnam ICT Summit 2019 đặc biệt nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tiến hành chuyển đổi số tại Việt Nam. Trong khuôn khổ Diễn đàn, Liên minh Chuyển đổi số Việt Nam đã ra mắt với sự tham gia của 8 doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) hàng đầu Việt Nam: Viettel, VNPT, FPT, MobiFone, CMC, BKAV, VNG và MISA.
 
Lĩnh vực An toàn, an ninh mạng, mới đây, Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đã chính thức thông qua chỉ số an toàn thông tin toàn cầu (GCI) năm 2018, theo đó Việt Nam xếp thứ hạng 50 trên tổng số 175 hạng của 194 quốc gia (so với 2017 là 100), được xếp vào nhóm I trên 3 nhóm (là nhóm có độ cam kết cao đối với 5 trụ cột của GCI, xếp hạng từ 1 đến 51). Trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 11/38. Ngoài ra, Bộ TT&TT đã tổ chức Khóa đào tạo về an toàn, an ninh mạng cho Cuba nâng cao do Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Truyền thông Cuba tổ chức. Khóa đào tạo là hoạt động cụ thể hóa cam kết hỗ trợ nâng cao năng lực ICT cho Cuba, là sự triển khai Bản ghi nhớ hợp tác đã ký giữa Bộ TT&TT với Bộ Truyền thông Cuba. Nhân dịp này, hai Bộ cũng đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp về phát triển an toàn, an ninh mạng với sự tham dự của các doanh nghiệp an ninh mạng hai nước.
 
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT đã tổ chức Chương trình diễn tập quốc gia ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng năm 2019 với chủ đề “Xử lý rò rỉ thông tin và điều tra, xác định nguồn gốc tấn công” tại 03 điểm cầu là: TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và TP.Đà Nẵng. Các đội tham gia diễn tập được thực hành cùng 28 tổ chức CERT quốc tế đến từ 20 quốc gia, nền kinh tế thuộc tổ chức APCERT....
 
Lĩnh vực Công nghiệp ICT, Bộ TT&TT đã phê duyệt kế hoạch xây dựng Sách trắng về CNTT-TT Việt Nam năm 2019. Xây dựng báo cáo Việt Nam ICT Index 2019; hoàn thiện Báo cáo tóm tắt dành cho khối các Bộ, ngành, địa phương. Thẩm định thành lập 02 khu CNTT tập trung bao gồm: Công viên phần mềm số 2 Đà Nẵng, Khu CNTT Đà Nẵng và Khu CNTT tập trung thành phố Cần Thơ. Hướng dẫn, quản lý phát triển Chuỗi công viên phần mềm Quang Trung. Xem xét hồ sơ đề nghị kết nạp thành viên Chuỗi công viên phần mềm Quang Trung cho Trung tâm CNTT Huế. Tổ chức thẩm định, đánh giá chứng chỉ CNTT của tổ chức nước ngoài đáp ứng chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT. Tích cực triển khai các hoạt động thúc đẩy, hỗ trợ ngành công nghiệp CNTT; xử lý kiến nghị của các doanh nghiệp về việc đề nghị nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng thuộc danh mục cấm nhập khẩu. Hỗ trợ, hướng dẫn và xét duyệt vòng trong nước giải thưởng AICTA (Giải thưởng ICT ASEAN). Tổ chức khảo sát đánh giá nhu cầu triển khai cấp CFS đối với hàng hóa lĩnh vực TT&TT tại phía Nam; đánh giá lợi thế tiềm năng của tỉnh Quảng Nam để thu hút đầu tư các tập đoàn CNTT lớn trên thế giới.
 
Lĩnh vực Thông tin, tuyên truyền, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tập trung tuyên truyền các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phản ánh đầy đủ các hoạt động kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng, đối ngoại; công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo; công tác phòng, chống tham nhũng;... Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động.
 
Hưởng ứng phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau" do Thủ tướng Chính phủ phát động, Bộ TT&TT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp tổ chức đợt vận động nhắn tin ủng hộ vì người nghèo trên Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1400 "Cả nước chung tay vì người nghèo" năm 2019.
 
Bộ TT&TT đã làm việc với các cơ quan chủ quản báo chí triển khai sắp sếp các cơ quan báo chí theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 theo Kế hoạch số 1738/KH-BTTTT ngày 04/6/2019. Yêu cầu cơ quan chủ quản và tổng biên tập các tạp chí điện tử chấn chỉnh hoạt động tạp chí điện tử tránh tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử, qua đó tăng cường rà soát, đánh giá việc thực hiện tôn chỉ, mục đích theo giấy phép hoạt động của các tạp chí điện tử và xử lý nghiêm đối với các trường hợp sai phạm. Tổ chức khóa bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí “Kỹ năng thực hiện phóng sự điều tra” cho 30 nhà báo Campuchia từ ngày 19 - 23/8 tại TP. Hồ Chí Minh....
 
Bộ TT&TT đã phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường quản lý nhà nước, tập trung thực thi pháp luật đối với các mạng xã hội của các doanh nghiệp xuyên biên giới vi phạm pháp luật Việt Nam. Tổ chức cuộc họp với 10 doanh nghiệp cung cấp game xuyên biên giới lớn của nước ngoài để phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động cung cấp game online tại Việt Nam. Làm việc với Apple về việc gỡ bỏ các game và ứng dụng vi phạm tại Việt Nam. Làm việc với Facebook về các vi phạm và việc hợp tác, triển khai đào tạo của Facebook tại Việt Nam để cùng đưa ra các giải pháp mới quản lý các nội dung trên môi trường Facebook hiệu quả hơn; tiếp tục yêu cầu Facebook gỡ bỏ các tài khoản cá nhân, fanpage vi phạm. Làm việc với Google về việc các quảng cáo vi phạm trên Youtube và gỡ bỏ các kênh Youtube xấu độc tại Việt Nam.
 
Bộ TT&TT đã chỉ đạo xây dựng tầm nhìn và mục tiêu phát triển ngành Xuất bản, In và Phát hành giai đoạn 2021-2030. Ban hành các Quyết định về Quy chế Giải thưởng Sách Quốc gia; Kế hoạch tổ chức Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ hai. Dự toán kinh phí đặt hàng xuất bản phẩm năm 2020. Chỉ đạo Sở TT&TT các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác quản lý in và phát hành, tăng cường công tác quản lý in và phát hành ở địa phương, góp phần công tác phòng, chống in, phát hành sách lậu. Hoàn chỉnh danh sách tổ chức/doanh nghiệp trong lĩnh vực hoạt động về xuất bản, in và phát hành năm 2018. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương trong việc xử lý xuất bản phẩm có nội dung chưa phù hợp.
 
Cũng tại Hội nghị, một số Sở TT&TT đã chia sẻ kinh nghiệm về triển khai đô thị thông minh, xây dựng chính quyền điện tử; một số Sở TT&TT đã đề xuất Bộ TT&TT tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý ngành TT&TT tại địa phương, triển khai xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh... trong thời gian tới.
 
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu giám đốc các Sở TT&TT trên toàn quốc phải chủ động tham mưu, đề xuất và quản lý tốt cả 6 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ TT&TT tại địa phương. Mặt khác, Giám đốc các Sở TT&TT cần chủ động nêu ra những vấn đề quản lý tại địa phương với Bộ TT&TT để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy ngành TT&TT phát triển. Sở TT&TT các tỉnh cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT để cùng nhau làm việc, tháo gỡ khó khăn giúp Sở thực hiệt tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ tại địa phương, cùng với đó Bộ TT&TT sẵn sàng chia sẻ, giải quyết những vấn đề của các tỉnh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ.
 
Mặt khác, các Sở TT&TT phải chủ động lập kế hoạch cụ thể hằng năm, kế hoạch 5 năm cho cả 6 lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở tại địa phương gồm chiến lược, định hướng,... Đặc biệt, các Sở TT&TT phải xây dựng chiến lược phát triển CNTT và TT vào các Nghị quyết, Văn kiện của tỉnh với các chủ đề lớn như: Chính phủ điện tử, Đô thị thông minh, Chuyển đổi số, Kinh tế số, Xã hội số... Giám đốc các Sở TT&TT cần chủ động tham mưu, đề xuất với lãnh đạo tỉnh đến năm 2020 ít nhất phải dành 1% ngân sách địa phương thể thúc đẩy ngành TT&TT phát triển bền vững. Đồng thời, Giám đốc các Sở TT&TT cần chủ động đóng góp về thể chế của ngành đi sát với thực tiễn tại địa phương cho Bộ để khi chính sách được ban hành sẽ đi vào cuộc sống.
 
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, về Chính phủ điện tử, ngày 4/9 Họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử về Bộ TT&TT. Bộ trưởng Bộ TT&TT là Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, chuyển Tổ công tác giúp Ủy ban về Bộ TT&TT, còn Văn phòng Chính phủ tập trung vào làm hệ thống CNTT phục vụ cho Văn phòng Chính phủ. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch thường trực của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử chỉ đạo điều hành trực tiếp Ủy ban. Theo tinh thần này, Bộ TT&TT sẽ đề nghị một số tỉnh (hiện còn 6 tỉnh) sẽ bàn giao Tổ xây dựng Chính phủ điện tử từ Văn phòng UBND tỉnh về Sở TT&TT để thống nhất trên toàn quốc nhằm triển khai có hiệu quả. Tới đây, các Sở TT&TT sẽ nhiều việc hơn, nhưng đây là cơ hội quan trọng để khẳng định vị thế, vai trò, uy tín quan trọng của ngành TT&TT trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước. Do vậy, Bộ trưởng yêu cầu khi Tổ công tác giúp Ủy ban về Bộ TT&TT là cơ quan thường trực xây dựng Chính phủ điện tử do vậy Bộ TT&TT không được làm kém hơn mà phải thúc đẩy đi nhanh hơn và các đơn vị có liên quan khi được giao nhiệm vụ cần tập trung nguồn lực để triển khai có hiệu quả.
 
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng yêu cầu, các đơn vị thuộc Bộ cần giám sát chặt chẽ KPI của các tỉnh thuộc lĩnh vực ngành quản lý. Các Giám đốc Sở TT&TT cần chủ động kết nối chặt chẽ với Trưởng các đơn vị thuộc Bộ để kịp thời tháo gỡ khó khăn nảy sinh trong thực tiễn. Cục Tin học hóa sớm xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn cho các tỉnh, các ngành về Chính phủ điện tử, đào tạo những chuyên gia để làm hạt nhân thúc đẩy chuyển đổi số. Bộ ủng hộ các Sở TT&TT tổ chức các sự kiện của ngành tại địa phương nhưng phải tạo ra giá trị thiết thực cho địa phương và cho ngành.
 
Song song với đó, lĩnh vực Thông tin Tuyên truyền phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận xã hội, niềm tin xã hội và khát vọng Việt Nam hùng cường. Nhất là trong thời gian tới Đại hội Đảng các cấp diễn ra, các thế lực thù địch sẽ tiếp tục bôi nhọ, chống phá Đảng, Nhà nước do vậy cần chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động.
 
 
Đăng Quý
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top