Tọa đàm “Xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vì một môi trường mạng lành mạnh tại Việt Nam”

Thứ sáu, 18/05/2018 11:39

Sáng nay, ngày 18/5 tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức buổi Tọa đàm “Xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vì một môi trường mạng lành mạnh tại Việt Nam”. Tới dự và chủ trì buổi Tọa đàm có Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn; tham dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị có liên quan thuộc Bộ TT&TT; đại diện các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và đại diện một số hiệp hội…

20180518-l1.jpg

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu kết luận tại buổi Tọa đàm

Phát biểu khai mạc tại buổi Tọa đàm, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: Với những phát triển vượt bậc của công nghệ, Internet nói chung, mạng xã hội nói riêng đã đem lại cho đời sống kinh tế - xã hội những thành quả tích cực không thể phủ nhận. Thông qua các trang mạng xã hội, người sử dụng có thể dễ dàng tiếp cận và chia sẻ thông tin một cách hiệu quả, với tốc độ nhanh chóng, nội dung phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, bên cạnh các tác động tích cực, môi trường mạng đã trở thành một không gian truyền bá những thông tin xấu độc, xuyên tạc chính sách Đảng và Nhà nước, đả kích chế độ, gây chia rẽ, thù hằn dân tộc, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của cá nhân, ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi hợp pháp của tổ chức. Ngoài ra, hiện tượng để lọt, lộ thông tin bí mật của Nhà nước ngày càng gia tăng nhanh chóng, ảnh hưởng tiêu cực đến quốc phòng, an ninh, gây mất trật tự xã hội và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
 
Thời gian qua, Bộ TT&TT đã liên tục xây dựng, hoàn thiện các quy định, chính sách phát luật trong quản lý phát triển mạng xã hội, đã tích cực phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức, các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội để xử lý, ngăn chặn, loại bỏ những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Tuy nhiên, việc đấu tranh với những thông tin xấu, độc là một quá trình với nhiều khó khăn, thách thức. Việc ban hành các văn bản pháp lý, các quy định về quản lý nhà nước, cho dù có nghiêm ngặt đến đâu, cũng không thể loại trừ hoàn toàn những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Mặt trái của mạng xã hội luôn tồn tại và không thể xoá bỏ mà chỉ có thể hạn chế nó. Vì thế, bên cạnh những quy định của pháp luật, cần phải có một khuôn khổ thể chế “mềm”, để bổ sung cho các khung pháp lý chính thức của Nhà nước. Đó có thể là những chuẩn mực về đạo đức, về ứng xử, để khuyến khích, thúc đẩy những giá trị tốt đẹp của con người nói chung và trong cộng đồng mạng nói riêng. Đó có thể là những hướng dẫn để mọi cá nhân, tổ chức tham gia mạng xã hội ứng xử một cách tôn trọng nhau hơn. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế tại nhiều quốc gia, kể cả ở cấp Nhà nước hay ở phạm vi nội bộ trong một tổ chức, chúng ta có thể nhận thấy, việc ban hành một Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, với nội dung cốt lõi là những chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội là rất cần thiết với tình hình hiện nay, Bộ trưởng nêu rõ.
 
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nêu vấn đề, việc nghiên cứu, xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử phải dựa trên quan điểm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận hành và sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, nhằm đem lại lợi ích lớn nhất và hạn chế tối đa tác động tiêu cực tới xã hội, tổ chức và cá nhân. Bộ Quy tắc không đi ngược lại với các cam kết của Nhà nước Việt Nam trong đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Bộ Quy tắc được xây dựng theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế về xây dựng bộ quy tắc ứng xử nói chung, bộ quy tắc ứng xử trên truyền thông nói riêng, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ, người sử dụng trong và ngoài nước.
 
Theo báo cáo mới nhất năm 2018 của tổ chức We are Social, số người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam đạt khoảng 55 triệu người (chiếm tỉ lệ 57% dân số), trong đó lượng người sử dụng mạng xã hội qua điện thoại di động là 50 triệu người. Thời lượng sử dụng Internet và mạng xã hội trong 1 ngày của người sử dụng Việt Nam đạt tương ứng khoảng 7 giờ và 2,5 giờ. Facebook và Youtube là những trang được sử dụng nhiều nhất, với tỷ lệ là 61% và 59%.
 
Bên cạnh những mặt tích cực không thể phủ nhận trong đời sống xã hội hiện đại, mạng xã hội cũng có những mặt trái. Ở Việt Nam, mạng xã hội phát triển với các tính năng hỗ trợ chia sẻ, kết nối thông tin nhanh khiến cho hành vi nói xấu, bôi nhọ hay tin giả xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội phổ biến như Facebook, Twitter, Youtube. Rất nhiều thông tin nói xấu, bôi nhọ, phỉ báng gây tổn hại nghiêm trọng uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, gây tổn hại về kinh tế, thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam và gây hoài nghi, hoang mang trong dư luận xã hội. Các hành vi này thực tế đã được điều chỉnh ở rất nhiều các văn bản khác như Hiến pháp, Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Cạnh tranh, Luật Thương mại điện tử, Luật Quảng cáo, Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông, Luật An toàn thông tin và các văn bản hướng dẫn. Chế tài xử phạt cũng đã có tương đối đầy đủ và thực tế trong thời gian qua, đã có nhiều trường hợp cá nhân bị xử lý vì các hành vi này. Vì vậy, Bộ TT&TT nhận thấy bên cạnh việc điều chỉnh bằng hệ thống các quy định pháp luật thì rất cần phải có một khuôn khổ thể chế “mềm” dựa trên nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia, tạo sự đồng thuận của cộng đồng mạng cùng chung tay xây dựng một môi trường xã hội lành mạnh, tích cực, đem lại lợi ích cho cộng đồng. Việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, với nội dung cốt lõi là những chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội là rất cần thiết với bối cảnh hiện nay.
 
 Đây cũng là nội dung đã được yêu cầu tại Nghị quyết thông qua kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, trong đó đã nêu rõ “ Tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý hoạt động thông tin trên mạng, đặc biệt là các dịch vụ cung cấp xuyên biên giới, bảo đảm môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch, phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội; xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam".
 
Tại buổi Tọa đàm đã có nhiều ý kiến của các nhà quản lý, nhà cung cấp dịch vụ và một số nhà báo có uy tín chia sẻ về những mặt tích cực và tiêu cực khi sử dụng mạng xã hội. Các đại biểu đều thống nhất việc cần thiết phải xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vì môi trường mạng lành mạnh tại Việt Nam trong thời gian tới.
 
Phát biểu kết luận buổi Tọa đàm, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định, mục tiêu chính của việc nghiên cứu, xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nhằm phát triển mạng xã hội lành mạnh, an toàn, có ích cho người sử dụng. Thúc đẩy tác động tích cực của mạng xã hội cho xã hội, tổ chức và cá nhân. Hạn chế tối đa tác động tiêu cực của mạng xã hội, ngăn ngừa có hiệu quả sự lan truyền và mặt trái của mạng xã hội, trong đó có các thông tin xấu, độc.
 
Theo Bộ trưởng, đây là lần đầu tiên tổ chức buổi tọa đàm về vấn đề này và cần tiếp tục tổ chức nhiều cuộc họp, cuộc hội thảo nữa trong thời gian tới để lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội. Việc thống nhất một quy tắc chung khi tham gia tương tác trên mạng xã hội để tạo một môi trường lành mạnh, văn hóa, nhân văn và đạo đức trên mạng xã hội; lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực chứ xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội không phải hạn chế người sử dụng mà xây dựng Bộ quy tắc với nhận thức để phát triển, mở rộng mạng xã hội hoạt động hướng tới nền văn hóa nhân văn, đạo đức. Từ việc xây dựng khế ước chung - quy tắc chung này tùy từng đối tượng, cơ quan đơn vị căn cứ tình hình, đặc điểm riêng để xây dựng quy tắc riêng cho phù hợp. Trên cơ sở bộ quy tắc chung đó, khuyến khích những việc cần làm, hạn chế tối đa những việc không nên làm, Bộ trưởng chỉ rõ.
 
Cũng tại buổi Tọa đàm, Bộ trưởng đề nghị Viện Chiến lược TT&TT cần tiếp thu tối đa các ý kiến để xây dựng Bộ Quy tắc theo tinh thần “ngắn - gọn - rõ” để ai cũng có thể hiểu được. Bộ trưởng ví dụ, không được sử dụng ngôn ngữ thô tục trên mạng xã hội, nếu ai đó sử dụng ngôn từ thô tục không bị ràng buộc bởi các chế tài thì đạo đức xã hội, những người dùng mạng xã hội sẽ lên án và do đạo đức xã hội điều chỉnh. Đồng thời, các cơ quan được giao nhiệm vụ cần tiếp tục tổ chức vài cuộc tọa đàm, hội thảo nữa trước khi đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Và Bộ TT&TT tới đây cần xem xét ban hành Thông tư để có chế tài cụ thể trên cơ sở quy tắc ứng xử này./.
Xuân Lộc
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top