Phát triển mô hình sản xuất: Đổi mới cách làm

Thứ sáu, 29/12/2017 09:32

Không đầu tư dàn trải, cào bằng mà năm 2017, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất (NVHTSX), các huyện, thành phố đã lựa chọn xây dựng các mô hình phát triển sản xuất (PTSX) điểm, phát huy thế mạnh. Qua đó từng bước nâng cao hiệu quả cũng như nhân rộng các mô hình.

Xây dựng mô hình điểm
 
Thực tế từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh cho thấy, việc sử dụng NVHTSX ở nhiều nơi còn chưa phù hợp. Có nơi chọn cây, con không phù hợp dẫn đến không phát triển được. Có nơi dùng NVHTSX để đầu tư vào những cây, con ngắn ngày, được 1 vụ là hết, không tạo chuyển biến hay mô hình cụ thể nào.
 
Năm 2017, các huyện, thành phố đã chủ động lựa chọn mô hình phù hợp với thực tế theo hướng tập trung; xây dựng mô hình kiểu mẫu về PTSX theo hướng hàng hóa; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gắn với thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
 
20180104-l3.jpg
 
Nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất giúp tổ hợp tác sản xuất cao khô Vạn Linh, huyện Chi Lăng
có thêm kinh phí đầu tư bao bì, tem nhãn
 
Qua 1 năm triển khai thực hiện, đến nay, nhiều mô hình PTSX đã bước đầu cho kết quả. Mô hình trồng chanh leo ở xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định là một ví dụ. Anh Ngọc Mạnh Tiến, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dũng Tiến (đơn vị thực hiện dự án) cho biết: Sau thời gian học hỏi, nhận thấy mô hình trồng chanh leo phù hợp với điều kiện thực tiễn tại cơ sở, tôi cùng một số anh em khác đã bắt đầu trồng và thành lập HTX Dũng Tiến vào tháng 6/2017.
 
Thời điểm đầu, HTX trồng được 500 cây. Nhận thấy tiềm năng, thế mạnh của cây chanh leo, thế nhưng do mới đi vào hoạt động nên nguồn lực của HTX còn hạn chế. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ 800 triệu đồng của nhà nước, HTX đã đầu tư hệ thống giàn tưới nhỏ giọt; các thành viên đóng góp công sức, tiền, đến thời điểm này đã trồng được 3.800 cây trên diện tích khoảng 6 ha. Hiện diện tích chanh leo đang phát triển rất tốt và đợt trồng đầu chuẩn bị cho thu hoạch.
 
Tương tự ở Tràng Định, huyện Hữu Lũng lựa chọn mô hình điểm xây dựng xưởng sơ chế măng tre Bát Độ tại thôn Kép II, xã Quyết Thắng với diện tích 2.000 m2. Những năm qua, phong trào trồng măng tre Bát Độ phát triển mạnh trên địa bàn nhiều xã của huyện, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Việc xây dựng xưởng sơ chế sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm măng tre cũng như chủ động hơn thị trường tiêu thụ. Hiện toàn huyện có 130 ha tre Bát độ lấy măng và diện tích trồng mới tiếp tục tăng. Việc xây dựng xưởng sơ chế góp phần quan trọng vào chủ trương xây dựng vùng sản xuất măng tre trên địa bàn huyện.
 
Nhân rộng mô hình
 
Năm 2017, các huyện, thành phố đều xây dựng được những mô hình điểm PTSX phù hợp và có nhiều triển vọng phát triển. Tiêu biểu như mô hình trồng và chăm sóc na theo tiêu chuẩn VietGAP, na trái vụ ở huyện Chi Lăng. Hiện huyện Chi Lăng đã xây dựng thành công hơn 100 ha na theo tiêu chuẩn VietGAP và 5 ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Chất lượng na được nâng cao, được người dân cả nước ưa chuộng. Năm 2017, nhiều gia đình thu nhập từ 200 triệu đồng đến gần 300 triệu đồng từ na; mô hình trồng và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào cây quýt vàng huyện Bắc Sơn; mở rộng diện tích, hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất giống đầu dòng và quảng bá sản phẩm quả hồng Vành Khuyên, huyện Văn Lãng; mô hình phục tráng giống và xây dựng mô hình sản xuất hữu cơ đối với cây chè Nà Làng, huyện Bình Gia…
 
Ông Hoàng Đăng Dũng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh cho biết: Mặc dù mới triển khai thực hiện song các mô hình điểm ở các huyện đã cho thấy những ưu điểm rõ rệt. Một số mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cụ thể, nhất là việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nâng cao hiệu quả sản xuất một cách bền vững…
 
Năm 2017, UBND tỉnh đã bố trí vốn hỗ trợ PTSX và các hình thức tổ chức sản xuất gần 29 tỷ đồng; triển khai 56 mô hình PTSX trên địa bàn 43 xã. Trong đó có 16 mô hình trồng cây lương thực, thực phẩm; 17 mô hình trồng cây ăn quả; 13 mô hình chăn nuôi; 6 mô hình phát triển ngành nghề xây dựng nhãn mác và thương hiệu sản phẩm; 4 mô hình trồng cây dược liệu, trồng rừng. Tham gia các mô hình có 2.106 hộ, 11 tổ hợp tác, 6 HTX.
 
NVHTSX thuộc chương trình xây dựng NTM đã góp phần quan trọng giúp các xã xây dựng được những mô hình PTSX phù hợp, đem lại hiệu quả rõ rệt và từng bước được nhân rộng. Qua đó góp phần quan trọng vào việc nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn.
Nguyễn Thúy Hạnh
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top