Cục Xuất bản triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018

Thứ ba, 19/12/2017 17:49

Chiều ngày 19/12, tại Hà Nội, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018. Tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Trương Minh Tuấn, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Ban Cán sự, Bộ trưởng Bộ TT&TT; cùng dự có đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.

20171219-l2.jpg

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành, trong năm 2017, tuy còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự chỉ đạo của Bộ TT&TT, sự nỗ lực phấn đấu của toàn Ngành, sự nghiệp xuất bản, in, phát hành tiếp tục phát triển, và đạt được nhiều kết quả nổi bật; tốc độ tăng trưởng bình quân của từng lĩnh xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm vẫn giữ được ổn định, phát triển; nội dung xuất bản phẩm ngày một đảm bảo, đáp ứng được nhu cầu sử dụng của bạn đọc và góp phần tích cực vào công tác thông tin đối ngoại...
 
Cụ thể, trong năm 2017, Cục đã xác nhận 4.190 giấy đăng ký xuất bản với 58.029 xuất bản phẩm, 1.145.819.782 bản sách; cấp 30 giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh; và cấp 74 Chứng chỉ hành nghề biên tập cho biên tập viên nhà xuất bản. Đồng thời, Cục đã phát hiện và xử lý 129 xuất bản phẩm vi phạm (trong đó: 96 xuất bản phẩm vi phạm nội dung; 33 xuất bản phẩm vi phạm khác).
 
Đối với lĩnh vực in: Đến nay cả nước có khoảng hơn 10.000 cơ sở in và photocopy (nhân bản) thuộc mọi thành phần kinh tế. Trong đó có khoảng 1.600 cơ sở in công nghiệp, thu hút gần 6 vạn lao động tham gia. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm từ 8 - 10%. Trong năm 2017, Cục đã cấp đổi 06 giấy phép hoạt động in; 20 giấy phép in gia công xuất bản phẩm cho nước ngoài; 2.010 giấy phép nhập khẩu thiết bị in.
 
Ở lĩnh vực phát hành: Hiện nay, hệ thống phát hành trong cả nước có khoảng 14.000 cơ sở phát hành xuất bản phẩm. Năm 2017, Cục đã cấp 687 giấy xác nhận nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh với 108.759 tên sách, 20.800.875 bản sách và 9.554.686 bản băng, đĩa; cấp 21 giấy phép nhập khẩu không kinh doanh với 1.433 tên sách, 38.051 bản sách, 23.911 bản băng, đĩa; cấp 02 giấy xác nhận đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm và 03 giấy phép tổ chức triển lãm, hội chợ xuất bản phẩm.
 
20171219-l1.jpg
 
Toàn cảnh Hội nghị.
 
Bên cạnh đó, trong năm qua, Cục đã triển khai thực hiện việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với các thủ tục: Cấp giấy xác nhận đăng ký xuất bản cho các nhà xuất bản, đã xử lý được hơn 24 nghìn hồ sơ của các nhà xuất bản xin đăng ký kế hoạch xuất bản qua Cổng thông tin điện tử của Cục; Giấy phép gia công xuất bản phẩm cho nước ngoài cho các cơ sở in có giấy phép hoạt động in; Cấp giấy xác nhận đăng ký danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu để kinh doanh cho các cơ sở phát hành có giấy phép họat động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm (đã xử lý 704 hồ sơ đạt tỉ lệ 100%) của các cơ sở phát hành qua Cổng thông tin điện tử của Cục; Thực hiện đăng tải công khai hướng dẫn thực hiện các thủ tục hành chính cấp TW thuộc lĩnh vực xuất bản, in, phát hành; tạo lập cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung về các cơ sở in trên toàn quốc; giấy phép nhập khẩu thiết bị in...
 
Đồng thời, Cục đã Phối hợp với Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị quán triệt Thông báo Kết luận số 19-TB/TW ngày 29/12/2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản. Đồng thời, Cục đã tham mưu, xây dựng và trình Lãnh đạo Bộ ban hành Kế hoạch số 2486/KH-BTTTT ngày 17/7/2017 để triển khai thực hiện Thông báo Kết luận số 19-TB/TW ngày 29/12/2016 của Ban Bí thư; Triển lãm sách nhân kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào tại CHDCND Lào; Hội chợ sách quốc tế Frankfurt tại CHLB Đức; tổ chức thành công Ngày Sách Việt Nam và Triển lãm Hội chợ triển lãm sách quốc tế Việt Nam lần thứ VI năm 2017; triển khai 2 văn bản quy phạm pháp luật gồm:  Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động in; “Thông tư hướng dẫn chi tiết quản lý xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử”...
 
Ngoài ra, Cục đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong năm qua, Cục triển khai 05 cuộc thanh tra chuyên ngành. Ngoài ra, Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương đã tiến hành 10 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất; ban hành 12 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 745 triệu đồng; đã tiếp nhận và giải quyết số vụ việc tố cáo, kiến nghị, phản ánh: 18 vụ việc (01 vụ việc tố cáo; 17 vụ việc kiến nghị, phản ánh)…
 
Về một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2018, Cục Xuất bản, In và Phát hành xác định: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn triển khai thực hiện các quy định của Luật Xuất bản, Nghị định số 195/2013/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành; hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp; kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt là tổ chức phổ biến và triển khai thực hiện Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in; Triển khai xây dựng “Thông tư hướng dẫn thực hiện đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước”; Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những nội dung và giải pháp phù hợp về cơ chế, chính sách trong quá trình thực thi Luật Xuất bản 2012 và các văn bản pháp luật khác nhằm tạo điều kiện hỗ trợ hoạt động xuất bản nói chung và xuất bản phẩm điện tử nói riêng theo hướng hiện đại, theo kịp với sự phát triển của khu vực và thế giới; Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để triển khai đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách cho hoạt động xuất bản, theo tinh thần Chỉ thị số 42-CT/TW, Thông báo số 19-TB/TW của Ban Bí thư và quy định của Luật Xuất bản Triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành trong lĩnh vực quản lý...
 
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động, đổi mới của Cục Xuất bản, In và Phát hành trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan tham mưu của Bộ trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.
 
Cụ thể, Cục đã chủ động, tích cực hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xuất bản đồng bộ; Công tác định hướng xuất bản ngày một hiệu quả, việc xác nhận đăng ký xuất bản ngày một đổi mới, đáp ứng được yêu cầu triển khai kế hoạch xuất bản của các nhà xuất bản, xuất bản phẩm vi phạm ngày một giảm; Việc giải quyết các thủ tục hành chính trong từng lĩnh vực xuất bản, in, phát hành đã được đổi mới, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào thực hiện cải cách thủ tục hành chính; Công tác thành tra, kiểm tra, xử lý vi phạm được triển khai trên diện rộng, đặc biệt là sự phối hợp hiệu quả giữa Cục với Thanh tra Bộ và các địa phương trong việc triển khai hoàn thành, hiệu quả kế hoạch thanh tra năm 2017 đã được Bộ trưởng phê duyệt, ngoài ra còn triển khai kịp thời các đợt thanh tra, kiểm tra đột xuất của thanh tra chuyên ngành, thanh tra liên ngành phòng chống in lậu, nhiều vụ việc vi phạm đã được xử lý nghiêm nhận được sự đồng thuận của xã hội; Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của toàn ngành được tập trung đầu tư...
 
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, bất cập trong công tác xuất bản thời gian qua và tập trung khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể, Bộ trưởng yêu cầu Cục Xuất bản, In và Phát hành cần tập trung vào một số nội dung chính sau:
 
Một là:  Tập trung mọi nguồn lực, chủ động, phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai, hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; triển khai hiệu quả Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho công tác tuyên truyền, triển khai thực thi pháp luật về xuất bản đến các chủ thể tham gia hoạt động này, lưu ý việc triển khai thực hiện kịp thời Nghị định 60 sửa đổi sau khi Chính phủ ký ban hành.
 
Hai là:  Tăng cường công tác quản lý đối với từng lĩnh vực, nhất là nội dung xuất bản phẩm, tránh sự tác động xấu đến nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân; tập trung tháo gỡ những khó khăn về cơ chế chính sách, tạo mọi điều kiện tốt nhất hỗ trợ hiệu quả cho các nhà xuất bản, các doanh nghiệp in, phát hành hoạt động trên tinh thần hỗ trợ phát triển đi đôi với quản lý tốt; kết hợp giữa công tác quản lý với công tác thanh tra, kiểm tra, nhằm phát hiện, ngăn ngừa và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động xuất bản, không để rơi vào thế bị động, phải chủ động trong mọi tình huống.
 
Ba là: Tập trung mọi nguồn lực, huy động xã hội hóa để tổ chức các sự kiện trong hoạt động xuất bản như Ngày Sách Việt Nam, Triển lãm - Hội chợ Sách, các hội thảo chuyên ngành, nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển văn hóa đọc của quốc gia; đẩy mạnh việc quảng bá xuất bản phẩm của Việt Nam ra nước ngoài; phối hợp với chặt chẽ với Hội Xuất bản Việt Nam để triển khai thành công Giải thưởng Sách Việt Nam lần thứ Nhất.
 
Bốn là: Mặc dù nguồn biên chế được giao còn hạn chế, nhưng với khối lượng công việc được giao lớn, với chức năng nhiệm vụ của mình, lãnh đạo Cục cần phải nghiên cứu kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy cho phù hợp, có sự luân chuyển, điều động theo từng vị trí công tác đáp ứng được yêu cầu công việc đồng thời phát huy được năng lực, trình độ chuyên môn của từng người từ lãnh đạo đến các chuyên viên, người lao động, góp phần vào sự phát triển chung của Cục.
 
 
Xuân Lộc
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top