Hội nghị xúc tiến đầu tư quốc tế ngành TT&TT Việt Nam năm 2017

Thứ tư, 18/10/2017 12:00

Sáng ngày 18/10/2017, tại Hà Nội, Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Tin học Việt Nam, Hiệp hội Internet Việt Nam và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư quốc tế ngành TT&TT Việt Nam năm 2017 (Vietnam ICT Investment Forum 2017 – VIF 2017). Tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT; đồng chí Trương Minh Tuấn, Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT kiêm Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW.

Tham dự Hội nghị có hơn 500 đại biểu bao gồm đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành TW, địa phương; lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam. Về phía các đại biểu quốc tế, có ngài Nadav Eshcar, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Israel tại Việt Nam; đại diện Đại sứ quán các nước tại Hà Nội gồm: Đại sứ quán Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Israel, Anh, Ý, Pháp, Thụy Điển, Úc, Hà Lan, Iran…, các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài. 
 
Vietnam ICT Investment Forum 2017 – VIF 2017 là sự kiện thường niên thuộc chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia và VIF 2017 có chủ đề “Thu hút đầu tư trong tiến trình chuyển đổi kinh tế số”. Hội nghị được tổ chức nhằm tham vấn chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và thúc đẩy phát triển bền vững trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế số; thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, kết nối các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài với các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT, đặc biệt là thương mại điện tử, smart city, IoT và các doanh nghiệp start-ups.
 
20171018-loc2.jpg
 
Phó Thủ tướng  Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
 
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Kinh tế số đang ngày càng trở nên quan trọng với nền kinh tế toàn cầu chứ không chỉ riêng ở Việt Nam. Sự chuyển đổi kinh tế số là yếu tố hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của một quốc gia và là nền tảng để tăng năng suất cho các ngành nghề kinh tế khác, cũng như tạo ra các cơ hội đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp và phương thức tiếp cận thị trường mới. Tại Việt Nam, các Bộ, ngành, địa phương đang hết sức nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thu hút đầu tư trong lĩnh vực này. Và Chính phủ đã đề nghị các Bộ, ngành có những bước đi mạnh mẽ hơn liên quan đến việc chuẩn bị nhân lực. Gần đây, các hiệp hội đã phối hợp với các Bộ để đề ra một chương trình đào tạo nhân lực CNTT, cho phép áp dụng những quy định có tính đặc thù đối với đào tạo CNTT chất lượng cao, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn đang đặt ra và hướng tới tiêu chuẩn quốc tế.
 
Phó Thủ tướng cho biết thêm, trong quá trình thu hút đầu tư, Việt Nam đã trở thành điểm đến của các nhà đầu tư CNTT nước ngoài. Để Việt Nam tiếp tục trở thành điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0, việc rà soát và cập nhật chính sách thu hút đầu tư cần trở thành một nội dung quan trọng trong tiến trình số hóa của quốc gia. Phó Thủ tướng lưu ý, trong nền kinh tế số hiện nay, dữ liệu là một trong những nguồn lực đặc biệt quan trọng. Chính phủ và các ngành đang thực hiện nhiều công việc để tập hợp dữ liệu, tạo thành nguồn tài nguyên chung để tất cả cùng khai thác, tìm kiếm cơ hội lập nghiệp. Tuy nhiên, yếu tố con người vẫn là then chốt.
 
Vì vậy, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, trong đó có Bộ TT&TT rà soát lại các quy định để tạo môi trường thông thoáng nhất cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT trên tinh thần tận dụng tốt thế mạnh của CNTT, của nền kinh tế số, sử dụng tốt hơn nguồn lực về CNTT-TT. Mặt khác, vấn đề an toàn an ninh thông tin cũng như kinh doanh dịch vụ qua biên giới đang là xu thế, nhưng nếu quản lý không tốt sẽ dẫn tới bất bình đẳng, thể hiện rõ nhất là việc thất thu thuế. Điểm nữa, Chính phủ đề nghị Bộ Khoa học và Công nghiệ phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong đào tạo nhân lực CNTT, cho phép áp dụng các quy định có tính đặc thù như khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo, phối hợp với các cơ sở đào tạo để sát với thực tế hơn. Một điểm lưu ý khác là các doanh nghiệp lớn đầu tư vào Việt Nam cần môi trường đầu tư, cần ưu đãi về thuế, nhưng đối với các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt siêu nhỏ phải tạo điều kiện thông thoáng để phát triển.
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong rằng sau hội nghị này sẽ có thêm  nhiều dự án đầu tư, cả về sản xuất công nghiệp phần cứng, phần mềm cũng như các dự án đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ CNTT trên tất cả mọi lĩnh vực sẽ được các nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân mạnh dạn dấn thân…
 
20171018-loc1.jpg
 
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại Hội nghị.
 
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã trân trọng cảm ơn phát biểu chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã quan tâm, dành thời gian tham dự và phát biểu khai mạc, chỉ đạo Hội nghị. Bộ trưởng chào mừng sự hiện diện của các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp, các chuyên gia trong cộng đồng CNTT trong và ngoài nước, các tổ chức, các hiệp hội liên quan đến CNTT-TT, các cơ quan quản lý nhà nước, đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.
 
Thay mặt Bộ TT&TT, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã lĩnh hội, tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ quyết liệt triển khai thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng nhằm thực hiện tốt vai trò là Bộ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực CNTT-TT.
 
Nhân dịp này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng chia sẻ với cộng đồng CNTT-TT, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước một số quan điểm, định hướng của Bộ TT&TT trong lĩnh vực quan trọng này. Bộ trưởng cho rằng, lợi ích đầu tư vào CNTT ở giai đoạn hiện nay gồm: Lợi ích từ ưu đãi và quyết tâm của Chính phủ cũng như các Bộ, Ban, ngành, các địa phương. Các chính sách thuế ưu tiên, các nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng, các giới luật luôn được cập nhật để theo cùng sự phát triển năng động của ngành. Sự phát triển mạnh mẽ Chính phủ điện tử và hạ tầng CNTT- viễn thông là hai ví dụ cho thấy sự quyết tâm cao của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương.
 
Lợi ích từ nền kinh tế thị trường mở cửa, Việt Nam đang là mảnh đất hỗ trợ cái mới, thị trường đáp ứng với cái mới rất nhanh và mạnh, khi có một thị trường mở và nhạy thì CNTT sẽ phát huy được các điểm mạnh của sự linh hoạt và luôn đổi mới của ngành TT&TT. Ví dụ ứng dụng CNTT vào các mặt đời sống xã hội như mua bán hàng trực tuyến… Lợi ích và cũng là cơ hội cho ngành CNTT Việt Nam, đó là sự phát triển nhanh, mạnh được ví như là một cuộc cách mạng – Cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh đó là IoT, xử lý dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, máy móc tự học hỏi đều dựa trên mũi nhọn là CNTT. Đây là thời cơ lớn và rất thuận lợi nếu các doanh nghiệp, các nhà đầu tư…nếu đủ tâm, đủ tầm và đủ quyết tâm, thì các nhà đầu tư sẽ thành công lớn, đồng thời sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh được tốc độ phát triển và rút ngắn khoảng cách với các nước trên thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực CNTT, Bộ trưởng gợi mở tại Hội nghị.
 
Để tận dụng tối đa các lợi thế mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn định hướng: Xúc tiến theo hướng tạo hệ sinh thái tương hỗ, kết nối nội lực của các đơn vị trong và ngoài nước và Chính phủ (điều này đã thấy trong các chương trình truyền thông chuyên đề về thành phố thông minh kết nối hay hệ sinh thái khởi nghiệp).
 
Mặt khác, trong cuộc “chuyển đổi số” này, nguồn nhân lực là yếu tố quyết định để giúp Việt Nam nhanh chóng tận dụng và nắm bắt được thời cơ. Bộ TT&TT cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp CNTT, xây dựng, thực hiện các cơ chế, chính sách để thúc đẩy nguồn nhân lực CNTT thông qua việc phát triển nội lực cũng như việc kết hợp các hình thức đào tạo chuyển giao công nghệ chuyên sâu từ các đối tác nước ngoài đảm bảo chất lượng và hướng tới tiêu chuẩn quốc tế.
 
Cùng với các Bộ, ngành, địa phương tham gia hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp CNTT với đơn vị hành chính sự nghiệp, tạo kênh hỗ trợ chính sách, trao đổi, chia sẻ thông tin, Bộ TT&TT tạo điều kiện phát triển cho các nhà cung cấp dịch vụ hạ tầng băng rộng cáp quang, triển khai 4G, chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 (tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam trong năm 2017 đã đạt khoảng 10%, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 4 ở Châu Á) nhằm nâng cao cơ sở hạ tầng kết nối cả về chất lượng lẫn tính đa dạng các dịch vụ viễn thông phục vụ cho phát triển CNTT và đảm bảo được tính truy nhập, tính công bằng kết nối hạ tầng cho các nhà đầu tư và thụ hưởng đầu tư. Một điều quan trọng nữa là tính an toàn đầu tư, yếu tố giới luật, bảo vệ an toàn của không gian đầu tư. Bộ TT&TT đã, đang và sẽ tiếp tục tham mưu giúp Chính phủ trình Quốc hội đề xuất hoàn thiện khung pháp lý về CNTT-TT, trọng tâm là sửa đổi Luật CNTT. Đồng thời một yếu tố cần ưu tiên trong đầu tư là các Nhà khởi nghiệp (Start up), hy vọng các doanh nghiệp trong lĩnh vực này sẽ phát triển vượt bậc cả trong và ngoài nước, các nhà đầu tư nên tận dụng lĩnh vực này, Bộ trưởng mong muốn.
 
Trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, sau ưu tiên phát triển CNTT trong nước, chúng ta sẽ song song chủ động hướng ra khu vực Asean và quốc tế. Bộ TT&TT sẽ chủ động kết nối giao thương CNTT với các nước trong khu vực Asean, đồng thời đẩy mạnh thông tin truyền thông để kết nối với các nhà đầu tư ở cả trong nước và quốc tế. Chính phủ luôn hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nhân Việt Nam khát vọng chinh phục và đầu tư ra nước ngoài… Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ nêu trên, ngoài sự cố gắng từ phía Chính phủ, của Bộ TT&TT trên tinh thần cầu thị, hợp tác cùng phát triển, Bộ trương Trương Minh Tuấn mong muốn nhận được sự trao đổi, hỗ trợ, tư vấn cởi mở, thẳng thắn từ phía các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân ở trong và ngoài nước để có thể giúp Chính phủ, Bộ TT&TT triển khai được các chính sách, giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự phát triển của lĩnh vực CNTT-TT.
 
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT mong muốn nhận được nhiều chia sẻ về tầm nhìn, phương hướng phát triển, các đề xuất cụ thể về cơ chế chính sách, giải pháp cần thiết để tăng cường thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển kinh tế số ở Việt Nam trong thời gian tới.
 
20171018-loc06.jpg
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn chứng kiến Lễ ký kết hợp tác đầu tư tại Hội nghị.
 
Theo thông tin từ Ban Tổ chức, kinh tế số đang ngày càng trở nên quan trọng với nền kinh tế toàn cầu. Sự chuyển đổi kinh tế số là yếu tố hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của một quốc gia, và là nền tảng để tăng năng suất cho các ngành nghề kinh tế khác, cũng như tạo ra các cơ hội đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp và phương thức tiếp cận thị trường mới. Trong quá trình thu hút đầu tư, Việt Nam đã trở thành điểm đến của các nhà đầu tư CNTT-TT nước ngoài, năm 2016 tổng doanh thu trong lĩnh vực công nghiệp CNTT đạt 67,693 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 60,789 tỷ USD, trong đó các nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn.
 
Tại Hội nghị, VIF 2017 bàn thảo và thông qua các khuyến nghị của các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước về các nội dung chính sau: Các khuyến nghị đối với chính sách thông tin và truyền thông và các chính sách liên quan của Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu đầu tư, kinh doanh trong nền kinh tế số. Trong đó, rà soát lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp đa quốc gia (MNEs) trong nền kinh tế số; Cập nhật các quy định quản lý nhà nước trong việc thúc đẩy đầu tư đối với các doanh nghiệp số trong nước; Đề xuất các biện pháp nền tảng để thúc đẩy đầu tư phát triển nền kinh tế số liên quan tới khung pháp lý, đầu tư hạ tầng, phát triển sản phẩm và dịch vụ số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực trong nền kinh tế số. Đặc biệt là các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp số Việt Nam phát triển; Đánh giá tiềm năng thị trường kinh tế số của Việt Nam, nhìn nhận các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng số, như mô hình kinh tế chia sẻ và đưa ra các biện pháp thúc đẩy thị trường trong các lĩnh vực của nền kinh tế số, bao gồm thương mại điện tử, khởi nghiệp sáng tạo, kinh tế chia sẻ và các dịch vụ đô thị thông minh trên nền ICT. Từ đó phân tích cơ hội và thách thức trong việc thu hút đầu tư trong kinh tế số tại Việt Nam.
 
20171018-loc3.jpg
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn tham quan các sản phẩm trưng bày tại  khu Triển lãm.
 
Cũng tại Hội nghị có 3 hoạt động chính gồm Diễn đàn, Triển lãm ICT và Kết nối (Business Networking). Diễn đàn được chia ra làm 2 phiên họp trong buổi sáng, là kênh đối thoại trực tiếp giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp, hiệp hội và nhà đầu tư trong lĩnh vực CNTT-TT (ICT). Phiên 1: Chính sách về ICT hướng tới thu hút đầu tư trong nền kinh tế số; Phiên 2: Thị trường kinh tế số: Thách thức và cơ hội đầu tư.
 
Triển lãm tổ chức song song với Diễn đàn, gồm các gian hàng của các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp ICT hàng đầu của Việt Nam giới thiệu sản phẩm, dịch vụ CNTT-TT trong các lĩnh vực kinh tế chia sẻ, đô thị thông minh (smartcity) và IoT, giải pháp hạ tầng viễn thông và internet, thương mại điện tử (e-commerce) và khởi nghiệp (start-ups). Ngoài ra còn có các gian hàng của các địa phương như Hà Nội, Thanh Hóa ... giới thiệu về kế hoạch ứng dụng và phát triển CNTT-TT của địa phương.
 
Phiên kết nối (Business Networking) có sự tham gia của 50 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Phiên họp sẽ kết nối các nhà đầu tư, doanh nghiệp và địa phương, trao đổi về giải pháp, công nghệ, mô hình đầu tư, tài chính..../.
 
Ngô Xuân Lộc
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top