Từ đam mê khoa học và khát vọng cống hiến

Thứ tư, 04/10/2017 10:25

Sẵn có tư chất thông minh lại hiếu học, cậu học trò nghèo Nguyễn Văn Đại năm nào nay đã trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực chăn nuôi. Anh tốt nghiệp Tiến sĩ tại Cộng hòa Liên bang Đức, hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi (xã Bình Sơn, TP.Sông Công, tỉnh Thái Nguyên), thuộc Viện Chăn nuôi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Với anh, niềm đam mê học tập, nghiên cứu như đã ngấm sâu vào máu.

20171004-l1.jpg

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại chăm sóc đàn trâu bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo tại Trung tâm

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại sinh ra và lớn lên tại xã thuần nông Song Vân, huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang). Trông anh không già hơn nhiều so với tuổi (sinh năm 1975) nhưng tóc đã bắt đầu điểm bạc, dáng người gầy và tác phong nho nhã. Anh kể: Nhà mình có 5 anh chị em, cả nhà sống dựa vào vài sào ruộng nên rất nghèo. Lúc chuẩn bị thi đại học bố mình bảo: “Thi vào nông nghiệp con ạ, học phí thấp mà sau này nhỡ không xin được việc thì về quê làm ăn cũng tốt”. Vậy là mình thi và trở thành sinh viên Khoa Chăn nuôi - Thú y, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên.

 
Nhà nghèo, thương mẹ cha lam lũ, thời còn đi học phổ thông, cậu bé Nguyễn Văn Đại chăm chỉ làm đủ việc nhà nông. Cứ rảnh việc là cậu lao vào học, đi chăn trâu cũng mang theo sách vở tranh thủ học bài. Trở thành sinh viên, 4 năm liền cậu đều giành học bổng loại A, được kết nạp Đảng trong trường, tốt nghiệp với tấm bằng giỏi nên được giữ lại khoa giảng dạy.
Anh Đại nhớ lại giai đoạn khó khăn: Thời mình học đại học, gia đình càng túng bấn hơn vì còn 3 người em cũng đang tuổi ăn tuổi học, bố thì mắc bệnh hiểm nghèo. Từ năm sinh viên thứ 2, mình tranh thủ làm thêm để tự trang trải…
 
Được giữ lại khoa làm giảng viên với anh Nguyễn Văn Đại là niềm vui lớn nhưng bước đầu thu nhập thấp và không ổn định. Sau 2 năm chờ biên chế vào Trường (1997 - 1999), anh quyết định tìm một công việc khác, bến đỗ mới là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi. Đã có công việc ổn định và tấm bằng Thạc sĩ trong tay nhưng anh vẫn luôn không ngừng tự học để nâng cao trình độ. Ngoài giờ làm việc ở Trung tâm, anh miệt mài đọc sách, mua đài về kiên trì tự học tiếng Anh để thi đạt chứng chỉ quốc tế. Năm 2003, Chính phủ có chương trình học bổng cho nghiên cứu sinh ở nước ngoài, anh Đại vượt qua tất cả các vòng thử thách để trúng tuyển du học tại Trường Đại học Tổng hợp Hohenheim (Cộng hòa Liên bang Đức). Ngoài học bổng của Chính phủ, anh còn thi và đạt tiêu chuẩn nhận học bổng của Chính phủ Đức.
 
Sau 4 năm đèn sách ở “trời Tây”, mang về tấm bằng tiến sĩ khoa học nông nghiệp danh giá, anh Đại được không ít trường đại học, viện nghiên cứu mời về “đầu quân”. Dù có chút dao động nhưng anh vẫn quyết định ở lại nơi mình đã gắn bó nhiều năm và được hun đúc niềm đam mê nghiên cứu. Có bằng Tiến sĩ ở nước ngoài cộng với tinh thần hăng say và trách nhiệm cao với công việc, anh được bổ nhiệm chức danh Trưởng phòng Kỹ thuật, Phó Giám đốc rồi Giám đốc Trung tâm (năm 2010).
 
Lý lịch khoa học của Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại rất dày với hàng chục công trình, đề tài nghiên cứu về chăn nuôi do anh chủ trì hoặc tham gia, trong đó có không ít đề tài khoa học cấp bộ, cấp Nhà nước; hàng chục bài báo khoa học đã công bố trên các tạp chí danh tiếng ở cả trong và ngoài nước. Dù vậy, anh không nói nhiều đến những thành quả nghiên cứu của mình mà say sưa chia sẻ về hiệu quả ứng dụng thực tế của những nghiên cứu đó, về niềm vui của người nông dân khi họ được thụ hưởng tiến bộ kỹ thuật. Những đề tài, dự án do anh và các công sự đã và đang triển khai về cải tạo đàn trâu bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; bảo tồn và lai tạo các giống ngựa quý; phát triển các giống gà, vịt; cải tạo giống cỏ chăn nuôi; xây dựng các mô hình chăn nuôi… đã góp phần cải thiện trình độ sản xuất và cuộc sống của rất nhiều hộ dân ở các tỉnh phía Bắc.
 
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi hiện được giao quản lý 70ha đất, đang duy trì nuôi hàng trăm con trâu, ngựa và hàng trăm nghìn con gia cầm giống gốc; có nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển đàn vật nuôi, đặc biệt là tư vấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho người nông dân. Trung tâm là đơn vị sự nghiệp khoa học (tự chủ một phần kinh phí), đang có 42 người gồm nhà khoa học, cán bộ và công nhân viên, trong đó có 17 lao động hợp đồng.
 
Giám đốc Nguyễn Văn Đại chia sẻ: Cái khó với chúng tôi là làm sao để duy trì việc làm và thu nhập cho anh em, tìm đầu ra cho các sản phẩm nghiên cứu. Trung tâm đang tích cực tìm đối tác là các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi để liên kết và hiện đã có những thành công nhất định. Mình là một nhà khoa học nhưng giờ cũng phải biết hạch toán để đơn vị hoạt động có lãi, đời sống của anh em đảm bảo thì họ mới chuyên tâm…
 
Công việc quản lý bộn bề nhưng Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại vẫn dành ít nhất 50% quỹ thời gian cho nghiên cứu, giảng dạy, viết sách, hướng dẫn sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh, tích cực tham gia các hội đồng khoa học cấp Bộ. Ngoài giờ hành chính, anh làm việc tất cả các ngày thứ bẩy và dù bận đến mấy vẫn duy trì thói quen đọc sách hàng ngày.
Trước khi tạm chia tay, anh Đại dùng chiếc xe máy cá nhân đã cũ của mình đưa tôi đi một vòng khuôn viên Trung tâm, động viên từng công nhân, hỏi tình trạng của từng con gia súc. Nhắc đến những dự định và thách thức phía trước, anh nói như tự động viên: Mình nghĩ, có đam mê sẽ thành công, người nông dân vui là mình thấy hạnh phúc!./
Trần Quyền
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top