Giảm nghèo ở Phú Thọ: Khó khăn nhất là xây dựng kế hoạch còn hình thức

Thứ sáu, 29/09/2017 09:05

Theo Sở LĐTB&XH tỉnh Phú Thọ, khó khăn, thách thức lớn nhất trong thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững là việc xây dựng kế hoạch giai đoạn và hàng năm của chính quyền cơ sở còn hình thức, chưa nhận diện đúng nguyên nhân nghèo.

Ông Bùi Đức Nhẫn - Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Phú Thọ cho biết, trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, tỉnh Phú Thọ rút ra một số kinh nghiệm như: Sự lãnh đạo sâu sát, cụ thể của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp mang tính quyết định đến hiệu quả và tính bền vững của chương trình, nhất là việc xây dựng kế hoạch giảm nghèo phải cụ thể, nhận diện đúng nguyên nhân nghèo để tác động phù hợp, hiệu quả.
 
20170929-m01.jpg
Theo Sở LĐTB&XH tỉnh Phú Thọ, khó khăn, thách thức lớn nhất trong thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững là việc xây dựng kế hoạch giai đoạn và hàng năm của chính quyền cơ sở còn hình thức, chưa nhận diện đúng nguyên nhân nghèo.
 
Hai là, đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác giảm nghèo có chuyên môn, nghiệp vụ, lòng nhiệt tình, tận tâm, sâu sát cơ sở, có phương pháp vận động quần chúng, vững kỹ năng nghiệp vụ sẽ phát huy sức mạnh tham gia của cộng đồng nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Ba là, phát huy sức mạnh của 3 lực lượng là: người nghèo, cộng đồng và nhà nước; trong đó quyết tâm vươn lên thoát nghèo của người nghèo là trọng tâm, sự ủng hộ giúp đỡ của cộng đồng, nhà nước là yếu tố đảm bảo giảm nghèo bền vững.  
 
Bốn là, tăng cường tập huấn, hướng dẫn công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công cho hộ nghèo về cách thức làm ăn, kết hợp vay vốn với hình thức tín chấp, phân công cụ thể từng hội viên làm ăn khá, trực tiếp giúp đỡ các hộ nghèo, phát huy tính cộng đồng tại thôn, bản, tổ dân phố.
 
Năm là, kêu gọi, khuyến khích các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang, các tổ chức xã hội từ thiện, các doanh nghiệp tích cực tham gia công tác giảm nghèo.
 
Một số khó khăn mà tỉnh gặp trong quá trình thực hiện chương trình giảm nghèo cũng đã được chỉ rõ. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, thực hiện Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, bao gồm cả chuẩn nghèo về thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản là xác định mức sống tối thiểu, đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân. Chính vì vậy mà công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 cũng sẽ khó khăn hơn so với giai đoạn trước đây: Nhiều người nghèo còn tâm lý ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đa số hộ nghèo có trình độ học vấn thấp dẫn đến việc tiếp thu kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm làm ăn gặp khó khăn.
 
Nguồn lực đầu tư từ ngân sách tỉnh, huyện hạn hẹp; khả năng huy động nguồn vốn xã hội hoá khó khăn. Việc lồng ghép các nguồn lực tuy đạt khá nhưng vẫn còn phân tán; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào ngân sách cấp trên vẫn còn.
 
Hiệu quả việc tổ chức tự quản lý, khai thác sử dụng các công trình sau đầu tư của cộng đồng chưa cao. Việc chấp hành chế độ thông tin, báo cáo tiến độ thực hiện theo quy định chưa nghiêm, nội dung báo cáo chưa đầy đủ. Công tác giám sát, đánh giá, nhân rộng mô hình giảm nghèo chưa được tiến hành thường xuyên, hiệu quả còn thấp.
 
Kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn ở mức cao, tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo, nghèo mới, khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Trong quá trình tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo tại một số địa phương còn lúng túng, vẫn còn tình trạng nể nang trong công tác điều tra, rà soát hộ nghèo; việc quản lý số liệu hộ nghèo tại một số xã chưa thật chặt chẽ.
 
Khó khăn, thách thức lớn nhất trong thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững là việc xây dựng kế hoạch giai đoạn và hàng năm của chính quyền cơ sở còn hình thức, nặng về đối phó với việc kiểm tra, giám sát của cấp trên, chưa sâu sát, chưa nhận diện đúng nguyên nhân nghèo và các giải pháp tác động hữu hiệu.
 
Trên cơ sở những kinh nghiệm và khó khăn thách thức đặt ra, Sở LĐTB&XH tỉnh Phú Thọ kiến nghị một số nội dung về chính sách và nguồn lực.
 
Về chính sách: Việc lồng ghép các chính sách giảm nghèo ở địa phương rất khó thực hiện do mỗi chính sách được giao các cơ quan chủ trì khác nhau, với quy trình, đối tượng, phạm vi, ngân sách, định mức, chế độ báo cáo, kiểm tra, giám sát khác nhau. Vì vậy, ngay ở cấp Trung ương, cần được tích hợp, lồng ghép lại và do một cơ quan chủ trì thì sẽ thuận lợi trong thực hiện.
 
Có chính sách hỗ trợ hộ nghèo theo nguyên nhân nghèo, nhất là đối với những hộ nghèo triền miên. Đối với nhóm hộ không có khả năng thoát nghèo cần có chính sách an sinh xã hội cụ thể, tạo điều kiện phát triển sản xuất cho hộ nghèo, giúp cải thiện sinh kế thoát nghèo bền vững; mở rộng chính sách hỗ trợ sinh kế đối với những hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo. Mở rộng chính sách giảm nghèo từ việc chỉ tập trung vào tăng thu nhập, sang việc tăng phúc lợi và tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội để giúp họ thoát nghèo bền vững.
 
Chính sách ưu tiên đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về khoa học kỹ thuật, thị trường cho lao động nông thôn khu vực miền núi, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; sửa đổi, bổ sung chính sách cử tuyển và tuyển dụng, sử dụng đối với học sinh là người dân tộc và vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
 
Về nguồn lực: Tập trung nguồn lực đủ mạnh để thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung và đặc thù, đạt mục tiêu đề ra. Để khắc phục tâm lý ỷ lại, cần giảm mạnh những hỗ trợ trực tiếp, cho không và chuyển dần sang hỗ trợ có điều kiện, hỗ trợ có thu hồi và nâng cao ý thức của người hưởng lợi. Tập trung ngân sách cho hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất kinh doanh để thoát nghèo, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường, tiếp cận dịch vụ xã hội để giúp họ thoát nghèo bền vững. Giảm hỗ trợ bình quân giữa các địa bàn, các nhóm đối tượng, nhất là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đầu tư thỏa đáng cho việc truyền thông nâng cao nhận thức, lợi ích của cộng đồng, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và các cơ quan hữu quan, các doanh nghiệp, trong chương trình giảm nghèo bền vững./.
Minh Thư
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top