Vĩnh Phúc: Nhiều giải pháp giảm nghèo hiệu quả

Thứ sáu, 18/08/2017 14:55

Những năm qua, ngoài thực hiện tốt các mục tiêu về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm, chú trọng thực hiện công tác giảm nghèo và đã đạt được những kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đời sống của nhân dân trong tỉnh từng bước nâng cao.

20170822-m018.jpg
 
Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình ông Phạm Văn Luyện, thôn Chùa Vàng, xã Duy Phiên (Tam Dương, Vĩnh Phúc) phát triển kinh tế trang trại cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh Kim Ly
 
Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, tiến tới không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo, tỉnh đã ban hành Nghị Quyết số 207/2015/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 18/2016/QĐ-UBND quy định quản lý, tổ chức thực hiện một số chính sách hỗ trợ và cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch số 9104/KH-UBND thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh, qua đó, đã giúp hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững; đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
 
Đến nay, toàn tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo giảm nghèo và giải quyết việc làm 3 cấp, đảm bảo chế độ thông tin, chỉ đạo điều hành giữa các ngành chức năng; xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng tăng cường hỗ trợ người nghèo toàn diện; tập trung giảm nghèo khu vực nông thôn, các xã có đồng bào dân tộc, vùng miền núi khó khăn của tỉnh; bổ sung chính sách đối với hộ cận nghèo, hạn chế tái nghèo; rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn trong việc hỗ trợ cho người lao động nói chung, lao động thuộc diện hộ nghèo nói riêng, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Việc triển khai thực hiện các chế độ hỗ trợ về giáo dục, bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh, hỗ trợ về nhà ở, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động... cho hộ nghèo cũng được thực hiện công khai, minh bạch.
 
Thực hiện triển khai hiệu quả chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội, thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn. Đến nay, nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương đạt hơn 220 tỷ đồng, tổng dư nợ của 12 chương trình tín dụng chính sách trên toàn tỉnh đạt hơn 2.200 tỷ đồng. Qua đó, tạo điều kiện cho hơn 148.000 lượt hộ nghèo, gần 16.000 lượt hộ cận nghèo, hơn 5.300 lượt hộ mới thoát nghèo được tiếp cận vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh; giúp cho gần 50.000 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho gần 40.000 lao động, hơn 1.200 lượt hộ vay vốn đi xuất khẩu lao động, trên 68.000 lượt sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, hỗ trợ xây dựng hàng trăm nghìn công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Bằng việc lấy hoạt động tại các điểm giao dịch làm hạt nhân, đến nay, với 137 điểm giao dịch tại 137 xã, thị trấn trong toàn tỉnh và gần 1.000 tổ tiết kiệm và vay vốn trực tiếp tại thôn dân cư, tổ dân phố, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn, mang lại hiệu quả thiết thực.
 
Với những nỗ lực trong công tác giảm nghèo bền vững, tính đến hết năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn 3,8% (giảm 1,07% so với năm 2015), hộ cận nghèo còn 4%.
 
Là hộ nghèo nhiều năm, đến năm 2014, sau khi được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Bùi Văn Thủy ở thôn Hương Đình, xã An Hòa (Tam Dương) đầu tư chăn nuôi lợn, bò, và gà siêu trứng. Đến năm 2015, anh Thủy đã thoát được nghèo. Sau đó, anh tiếp tục được vay vốn hỗ trợ hộ mới thoát nghèo với số tiền 50 triệu đồng để đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại, phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Đến nay, nhờ có số vốn được hỗ trợ, gia đình anh đã từng bước vươn lên ổn định cuộc sống.
 
Năm 2017, tỉnh ta sẽ dành nguồn kinh phí gần 500 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; tiếp tục xét duyệt hộ nghèo, hộ cận nghèo, đa dạng hóa nguồn lực để hộ nghèo, người nghèo tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tiếp cận các nguồn vốn vay đặc biệt là nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội; phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm 1% so với năm 2016 và còn khoảng 2,89% theo chuẩn giai đoạn 2016 – 2020, tiến tới mục tiêu không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo trong tỉnh./.
 
Minh Nguyệt (Báo Vĩnh Phúc)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top