Giảm nghèo ở xã Hắc Dịch (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu): Cán bộ xuống tận nhà ra tận vườn

Thứ năm, 03/08/2017 16:07

Những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Hắc Dịch (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) giảm dần qua từng năm. Nhằm hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, lãnh đạo xã đã thực hiện phương châm:“Xuống tận nhà, vào tận bếp, ra tận vườn”, cầm tay chỉ việc giúp người nghèo thoát nghèo bền vững.

20170803-m17.jpg

Chị Hoàng Thị Tuyết chăm sóc vườn bưởi của gia đình.
 
Chúng tôi đến nhà chị Hoàng Thị Tuyết (tổ 10, ấp 1, xã Hắc Dịch) khi chị vừa cho đàn bò ăn xong. Quệt giọt mồ hôi lăn dài trên trán, chị rót ly nước mời khách và bắt đầu câu chuyện của mình. Năm 1998, chị rời quê Nam Định theo gia đình vào Hắc Dịch lập nghiệp. Lập gia đình năm 2003, vợ chồng anh chị đi làm thuê kiếm sống. Cuộc sống chưa vơi bớt khó khăn thì năm 2007, chồng chị bị tai nạn giao thông phải phẫu thuật. Năm 2013, trong một lần đi hái tiêu thuê, chị Tuyết bị tai nạn gãy cả 2 tay. Sau khi chữa trị, gia đình chị Tuyết gần như trắng tay, nhưng anh chị vẫn quyết tâm gượng dậy bằng chính nghị lực của mình.
 
Biết được hoàn cảnh của chị Tuyết, cán bộ xã đã xuống tận nhà tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và hướng dẫn anh chị làm ăn vươn lên thoát nghèo. Tôi được hỗ trợ vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH vào năm 2015. Số tiền này tôi đã đầu tư nuôi bò. Đầu năm 2017, tôi vay thêm 20 triệu đồng để đầu tư chuồng trại và mua thêm giống. Đến nay đàn bò nhà tôi đã có 5 con, trong số đó có 2 con đang chuẩn bị đẻ. Từ tiền bán bò, tôi đã bắt đầu có đồng ra đồng vào và tiết kiệm”, chị Tuyết cho biết.
 
Ngoài chăn nuôi, vợ chồng chị còn trồng 20 gốc bưởi da xanh. Những cây bưởi xanh mơn mởn đang trong giai đoạn phát triển, khoảng 1-2 năm nữa sẽ cho lứa trái đầu tiên. Chồng chị cũng được giới thiệu vào làm việc tại công ty sản xuất hạt nhựa với lương 5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, chị Tuyết cũng tranh thủ đi làm thuê, nhờ đó đủ trang trải cuộc sống và lo cho 2 con ăn học. Gia đình chị đã đăng ký và được công nhận thoát nghèo bền vững.
 
Với phương châm giúp các hộ nghèo thoát nghèo bền vững, xã Hắc Dịch đã tiến hành khảo sát đến từng hộ nghèo để nắm bắt tình hình thực tế. Chẳng hạn, qua khảo sát nếu hộ nghèo cần vốn, xã sẽ tạo điều kiện để họ được vay vốn của Ngân hàng CSXH và từ quỹ của các hội, đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… để đầu tư phát triển kinh tế. Đối với những hộ nghèo cần đào tạo nghề, xã cũng tổng hợp và phối hợp với trung tâm dạy nghề tổ chức các lớp đào tạo theo nhu cầu lao động và giới thiệu việc làm sau khi hoàn thành khóa học. Mặt khác, đối với những hộ nghèo có nhu cầu về nhà ở, xã cũng vận động DN hỗ trợ xây dựng nhà.
 
Anh Nguyễn Thế Anh (tổ 5, ấp 4, xã Hắc Dịch) cũng là một trường hợp khác được xã Hắc Dịch hỗ trợ thoát nghèo cho biết, trước đây khi còn trẻ, không lo học hành, suốt ngày lêu lổng theo chúng bạn, hết lớp 9, anh nghỉ học ở nhà. “Gia đình nghèo, tôi lại không có nghề nghiệp gì, ba mẹ tôi buồn lắm. Đang loay hoay không biết làm gì để có thể tự nuôi sống bản thân, tôi được cán bộ phụ trách Lao động - Thương binh - Xã hội của xã xuống phân tích, khuyên nhủ và giới thiệu đi học lớp xe nâng. Học xong tôi được giới thiệu vào làm tại kho luân chuyển hàng hóa trong cảng Cái Mép với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Nguồn thu nhập ổn định đã giúp kinh tế gia đình được cải thiện”.
 
Đó chỉ là 2 trong rất nhiều trường hợp hộ nghèo được chính quyền xã hỗ trợ vươn lên thoát nghèo. Trong những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được cấp ủy, chính quyền và đoàn thể xã quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Xã cũng tăng cường huy động các nguồn lực để thực hiện vấn đề giải quyết việc làm, vay vốn để sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ kỹ thuật để sản xuất, cải thiện nhà ở… Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 16,9%, đến cuối năm 2015, giảm còn 1,2%. Với trăn trở làm sao biết nhu cầu của những hộ nghèo cần gì, thiếu gì, cán bộ xã đã tiến hành khảo sát theo phương châm xuống tận nhà, vào tận bếp, ra tận vườn. Cách làm đó đã mang lại hiệu quả thiết thực, bởi qua đó, nhu cầu của các hộ nghèo được chính quyền hỗ trợ.
 
Ông Phan Minh Hợp, Phó Chủ tịch UBND xã Hắc Dịch cho biết: “Qua khảo sát, chúng tôi biết chính xác cuộc sống thực tế của từng hộ, biết họ cần gì để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Chẳng hạn, hộ nghèo có nhu cầu về vốn sản xuất, chúng tôi hướng dẫn họ vay vốn tại Ngân hàng CSXH, hộ nghèo cần học nghề, chúng tôi giới thiệu cho họ được học nghề và giới thiệu việc làm sau khi hoàn thành khóa học… Quan điểm của địa phương là hướng tới giảm nghèo bền vững và những hộ đã thoát nghèo không bị tái nghèo”.
 
Mới đây, qua điều tra, khảo sát hộ nghèo theo chuẩn mới (chuẩn nghèo đa chiều) giai đoạn 2016-2020, toàn xã còn 307 hộ nghèo, chiếm 8,76% tổng số hộ. Ông Phan Minh Hợp nói: “Năm 2017, Nghị quyết huyện giao cho xã là đưa 116 hộ thoát nghèo. Đây là thách thức lớn đối với xã Hắc Dịch. Tuy nhiên chúng tôi quyết tâm thực hiện với mục đích hướng đến là chất lượng, nghĩa là làm sao để những hộ đã thoát nghèo không bị tái nghèo”.
 
Tính đến nay, tổng số vốn Ngân hàng CSXH cho hộ nghèo vay phát triển kinh tế giao hơn 33,9 tỷ đồng. Số vốn này được các hộ vay sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả; cấp bổ sung 1.912 thẻ BHYT và 307 sổ cho hộ nghèo.
Đông Hiếu
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top