Phụ nữ Sơn Bình nỗ lực giảm nghèo

Thứ tư, 02/08/2017 09:53

Xác định phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Sơn Bình (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) có nhiều cách làm hay thông qua định phướng phát triển, hỗ trợ vốn, kỹ thuật giúp hội viên tự tin khẳng định vị thế trong gia đình.

19 tuổi, chị Sùng Thị Nính về làm dâu ở bản Chu Va 8. Bố mẹ chồng chia ruộng và cho vợ chồng chị ở riêng. Mặc dù nhà chỉ có 4 miệng ăn nhưng kinh tế gia đình cũng chỉ đủ chứ không dư thừa. Tháng 6 vừa qua, Chi hội Phụ nữ bản được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã lựa chọn tham gia tiểu dự án nhóm sở thích nuôi trâu sinh sản (Ban Quản lý dự án giảm nghèo huyện Tam Đường triển khai). Ngoài số tiền hỗ trợ, các hộ góp thêm tiền đảm bảo mua trâu từ 3 tuổi trở lên và làm chuồng nuôi kiên cố. Được tham gia tiểu dự án, chị Nính mừng lắm. Chị hồ hởi nói với chúng tôi: “Để dành được tiền mua trâu thì khó lắm! Thật may quá, chúng tôi sẽ tích cực chăm sóc, nhân đàn, hy vọng vài năm tới có thể mang lại thu nhập cho gia đình”.   
 
20170802-m13.jpg
 
Cán bộ, hội viên phụ nữ xã Sơn Bình trao đổi về sở thích phát triển chăn nuôi.
 
Ngoài bản Chu Va 8, hội viên, phụ nữ 3 bản khác của xã: Chu Va 12, Bản 46 và Hua Bó cũng được hưởng lợi từ tiểu dự án. Theo thống kê, toàn Hội có 48 hội viên được hỗ trợ tương đương 24 con trâu sinh sản. Đây có thể coi là “làn gió mát” trên con đường hướng tới chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, có đầu tư nhằm giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
 
Khác các hộ có sở thích nuôi trâu sinh sản, gia đình chị Lò Thị Lả ở bản Cò Nọt chọn cho mình cách phát triển kinh tế theo hướng tổng hợp: chăn nuôi kết hợp sản xuất nông nghiệp. Lúa, ngô chuyển từ giống năng suất thấp sang gieo trồng giống chất lượng cao, ngoài lương thực phục vụ nhu cầu sinh hoạt, bán ra thị trường, một phần gia đình chị sử dụng chăn nuôi. Nhờ đó, nguồn thu tuy không quá lớn nhưng cũng khá đều đặn giúp gia đình không lo lắng nhiều về kinh tế.
 
Chị Lả chia sẻ: “Gia đình tôi mỗi năm nuôi 3 lứa lợn thương phẩm, số lượng đàn nuôi mỗi lứa chỉ từ 3 - 5 con nhưng tôi nghĩ “năng nhặt chặt bị”, biết kết hợp các khâu trong nông nghiệp và chăn nuôi thì kinh tế sẽ ổn định. Các cấp Hội Phụ nữ rất quan tâm đến việc phát triển kinh tế của hội viên, là nơi để chúng tôi sinh hoạt, trao đổi cách thức làm ăn, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Đồng thời, đưa ra lời khuyên, chia sẻ, động viên giúp hội viên, phụ nữ yên tâm lao động sản xuất”.
 
Hiện nay, Hội LHPN xã có 667 hội viên tham gia sinh hoạt tại 8 chi hội. Ngoài tham gia sinh hoạt cùng Chi hội, hội viên các bản còn thành lập thêm tổ, nhóm cùng sở thích giúp nhau kiến thức sản xuất. Cùng đóng góp quỹ chung hỗ trợ hội viên trong nhóm về vốn khi cần thiết và chia sẻ khó khăn, giúp gia đình hội viên ổn định cuộc sống. Ngoài tập trung phát triển chăn nuôi, hội viên, phụ nữ các chi hội chú trọng chuyển đổi đất nương, đồi trồng trọt năng suất thấp sang trồng chè chất lượng cao.
 
Được biết, Hội LHPN xã chủ động phối hợp với chính quyền, các đoàn thể địa phương, đơn vị chức năng triển khai mô hình, dự án hỗ trợ cây, con giống cho hội viên nghèo. Đảm bảo hiệu quả thiết thực từ các mô hình, dự án hỗ trợ, Hội LHPN xã cùng các đơn vị rà soát, lựa chọn hội viên tham gia đảm bảo đúng đối tượng, nhu cầu. Thường xuyên theo dõi sát sao các hộ hội viên trong quá trình chăm sóc, đảm bảo cây trồng, vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững.
 
Công tác tuyên truyền, vận động hội viên tự lực vươn lên phát triển kinh tế cũng được các cấp Hội Phụ nữ trong xã coi trọng. Thông qua tổ chức Hội, hội viên, phụ nữ được tiếp cận nhiều nguồn vốn vay ưu đãi. Hiện nay, tổng dư nợ của Hội tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đạt gần 8 tỷ đồng/4 tổ/247 hội viên vay vốn.
 
Chị Trần Thị Lượt - Chủ tịch Hội LHPN xã trăn trở: Hội phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên nhằm áp dụng vào sản xuất, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, trình độ nhận thức của hội viên còn hạn chế nên phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế chưa đạt kết quả như mong muốn.
 
Do vậy, thời gian tới, Hội tiếp tục bám sát các chi hội, giúp đỡ hội viên với phương châm “trao cần câu không cho con cá”; cử cán bộ, hội viên có điều kiện giúp đỡ hội viên khó khăn. Tiếp tục phối hợp với các ngành, đơn vị triển khai tập huấn, xây dựng mô hình, dự án giúp hội viên, phụ nữ vươn lên ngay từ đồng đất quê hương./.
Kim Oanh
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top