Thực hiện công tác giảm nghèo ở miền tây Vĩnh Linh

Thứ ba, 01/08/2017 16:29

Với mục tiêu đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa; tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần cho người dân; giảm mức độ chênh lệch về khoảng cách giữa các vùng miền…, thời gian qua, chính quyền và ban, ngành các cấp huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đã đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững cho người dân ở các bản làng vùng cao.

20170801-m20.jpg
 
Cuộc sống thường ngày của người dân Vĩnh Ô, Vĩnh Linh
 
Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh cho biết, đề án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững cho các bản làng vùng cao (đề án 1695) được triển khai từ tháng 7/2012 trên địa bàn 11 bản (8 bản thuộc xã Vĩnh Ô, 2 bản thuộc xã Vĩnh Khê và 1 bản ở xã Vĩnh Hà). Nhiệm vụ trọng tâm của đề án là tập trung vào việc chuyển đổi căn bản về nhận thức của người dân trong việc sản xuất nông - lâm nghiệp bền vững nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương và thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới. So với mặt bằng chung, đời sống của người dân ở các bản làng miền núi phía Tây của huyện còn nhiều khó khăn nên chính quyền các cấp đã rà soát và triển khai 3 giải pháp lớn, đó là giải pháp về đầu tư, giải pháp hỗ trợ nguồn vốn, giải pháp về nguồn nhân lực và tổ chức phát triển sản xuất. Theo đó, người dân ở 11 bản vùng núi phía Tây của huyện sẽ được hỗ trợ sản xuất, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập bằng các hình thức hỗ trợ trồng rừng sản xuất (nhận khoán bảo vệ rừng), hỗ trợ trồng trọt (hỗ trợ giống cây và vật tư), khai hoang đất trồng lúa nước; xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế; được tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn để mở rộng sản xuất, làm ăn bằng nhiều nguồn vốn khác nhau.
 
Sau gần 5 năm triển khai thực hiện đề án giảm nghèo bền vững, cùng với sự tham gia của các ngành, các cấp địa phương và các đơn vị, đặc biệt là sự tự thân nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số ở 11 bản vùng cao, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Vĩnh Ô là một xã miền núi, nằm ở phía Tây của huyện Vĩnh Linh, cách trung tâm huyện khoảng 50 km. Đây là địa phương có diện tích đất tự nhiên khá lớn (8.594,43 ha), nhưng địa hình đồi núi chiếm đến 80% diện tích. Toàn xã hiện có 8 thôn với 309 hộ, 1.269 nhân khẩu với trên 96% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu xét theo chuẩn nghèo đa chiều thì số hộ nghèo năm 2016 của Vĩnh Ô là 261 hộ (chiếm 84,47%), 12 hộ cận nghèo (chiếm 3,88%).
 
Anh Hồ Văn Sáu, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô cho biết: “Sau khi tiếp nhận đề án 1695 của huyện, UBND xã đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo bền vững, phân công các cán bộ, thành viên phụ trách từng địa bàn thôn bản, nhằm nắm bắt, chỉ đạo, quản lý các nguồn đầu tư của các cá nhân, tổ chức, xây dựng các kế hoạch truyền thông giảm nghèo cho từng giai đoạn. Sự chung tay vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể đã góp phần thiết thực trong công tác vận động, tuyên truyền giảm nghèo”. Anh Sáu cho biết thêm, bên cạnh thực hiện đề án giảm nghèo bền vững 1695, xã triển khai song song các chương trình đầu tư giảm nghèo như chương trình 135, chương trình nhân rộng mô hình giảm nghèo và một số chương trình khác. Đồng thời xã cũng tạo điều kiện thuận lợi đối với các tổ chức, cá nhân, đơn vị hỗ trợ cho công cuộc giảm nghèo của địa phương. Đến nay đời sống vật chất và tinh thần của người dân Vĩnh Ô đã có nhiều khởi sắc, thu nhập bình quân đầu người tăng lên đáng kể, năm 2015 đạt gần 18 triệu đồng/người/năm. Cơ bản xóa nhà tạm bợ cho các hộ nghèo, 100% hộ nghèo đã được hỗ trợ vay vốn, phát triển sản xuất. Cơ cấu nông - lâm nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều giống cây trồng được nhân rộng, nguồn tài nguyên rừng được đảm bảo, tình trạng du canh du cư đã chấm dứt. Cây trồng, vật nuôi được chăm sóc tốt mang lại thu nhập đáng kể cho người dân. Cơ sở hạ tầng không ngừng được hoàn thiện, từ hệ thống đường bê tông, cầu dân sinh, cầu treo, các công trình thủy lợi, các công trình phúc lợi khác.
 
 Phần lớn các thôn, bản đã có trung tâm học tập cộng đồng, có lớp mẫu giáo cho trẻ, có nguồn điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Toàn xã có 7/8 thôn bản có điện lưới, 5/8 thôn bản có nhà mẫu giáo, 7/8 thôn bản có trung tâm học tập cộng đồng, có khoảng trên 85% hộ gia đình sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh… Bên cạnh đó, ý thức của người dân ngày càng được nâng lên rõ rệt. Đời sống văn hóa tinh thần ngày càng phát triển, nhiều hủ tục lạc hậu bị xóa bỏ. Tình hình chính trị, an ninh- quốc phòng luôn ổn định và giữ vững. Những ngày đầu năm 2017, chúng tôi có dịp đến nhà anh Hồ Xuân Thao ở thôn Lền, xã Vĩnh Ô, một trong những hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu ở địa phương. Chỉ tay về phía cánh rừng tràm xanh ngát, anh Thao chia sẻ, hơn chục năm về trước, gia đình anh cũng như nhiều gia đình khác nơi đây, mỗi năm chỉ trồng được một  vụ lúa nước, vụ còn lại ruộng khô cằn thiếu nước. Vì thế, cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi. “Lúc bấy giờ, nhà tôi thuộc diện hộ nghèo của thôn. Được các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho vay vốn để mua cây giống nên tôi mạnh dạn đem cây tràm về trồng thử. Nhờ có sức khỏe, tôi khai hoang những cánh rừng tạp, tận dụng đất trống đồi núi trọc để trồng rừng tràm lai. Cứ thế, diện tích rừng tràm của tôi ngày càng được mở rộng. Đến nay, tôi có trong tay hơn 10ha tràm lai cho thu nhập ổn định. Khi đã có vốn, tôi nuôi thêm bò để tăng thu nhập. Lúc cao điểm đàn bò nhà tôi lên tới 17 con. Trung bình mỗi năm, tôi thu về khoảng 60-70 triệu đồng. Nay nhà tôi đã thoát nghèo và có của ăn của để, nuôi các con ăn học tới nơi tới chốn”.
 
 Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô Hồ Văn Sáu cho biết thêm: “Từ một địa phương cách trở, nghèo khó, nay đến các bản làng ở Vĩnh Ô, không khó để bắt gặp những cánh rừng tràm xanh tốt, những gia trại chăn nuôi bò, dê… mang lại thu nhập khá. Đời sống của người dân đang trên đà đi lên”. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Tiến Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh cho biết: “Hiện tại, huyện đang triển khai đề án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững cho các bản làng vùng cao giai đoạn 2. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để người dân ở các thôn bản phía Tây của huyện có công ăn việc làm ổn định. Từ đó, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống để người dân yên tâm sản xuất”./.
 
Trần Tuyền
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top