Giảm nghèo là nền móng trong xây dựng nông thôn mới

Thứ hai, 31/07/2017 09:25

Trong những năm qua, tỉnh Bắc Kạn luôn xác định giảm nghèo là mục tiêu quan trọng, là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tính bền vững trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

 
Bắc Kạn là tỉnh vùng cao, có 2 huyện nằm trong số 61 huyện nghèo nhất cả nước, đời sống người dân ở những huyện nghèo còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2015, Bắc Kạn có 22.706 hộ thuộc diện nghèo, chiếm 29,4% số hộ của toàn tỉnh. Trước tình hình đó, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Tỉnh đã tích cực lồng ghép việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới với các chương trình khác như: Chương trình 135, Chương trình 30a… với mục tiêu chung là giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức thấp nhất. Tại khu vực nông thôn, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cũng đã triển khai nhiều mô hình sản xuất, quan tâm công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đẩy mạnh liên kết sản xuất hàng hóa gắn với hoạt động tiêu thụ nông sản. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện... Nhờ đó, đến hết năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của Bắc Kạn giảm xuống còn 26,61%, giảm được 2,79% so với năm 2015.
 
Xã Quân Bình, huyện Bạch Thông là một trong những địa phương có tốc độ giảm nghèo nhanh của tỉnh. Hết năm 2016, bình quân thu nhập của nhân dân đạt 22 triệu đồng/người/năm, tăng 10 triệu đồng so với năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 16% năm 2011 xuống còn 4,26% năm 2016, số lao động có viêc làm thường xuyên năm 2016 chiếm 95%. Chia sẻ kinh nghiệm giảm nghèo tại địa phương, ông Đàm Mạnh Cường - Chủ tịch UBND xã Quân Bình cho biết: Để thực hiện giảm nghèo, chính quyền xã đã vận động nhân dân tích cực nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả cao như chăn nuôi lợn nái móng cái, sản xuất giống lợn móng cái thuần, trồng ngô nếp, sản xuất nấm ăn... mang lại thu nhập ổn định cho người dân, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Cũng từ những mô hình giảm nghèo này, tiêu chí thu nhập, hộ nghèo và tỷ lệ lao động có việc làm được cải thiện đáng kể.
 
Tại huyện Na Rỳ, để hỗ trợ người dân giảm nghèo nhanh và bền vững, địa phương đã tập trung chỉ đạo, thực hiện công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn, ổn định diện tích trồng cây lương thực với diện tích trồng lúa duy trì từ 7.000ha trở lên và ưu tiên phát triển những cây trồng chủ lực là lợi thế của huyện mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, tiêu biểu là: Dự án mở rộng diện tích cam xã Đoài, cam đường Canh với 65 hộ tham gia, diện tích thực hiện là 8,58ha; dự án mở rộng diện tích trồng quế với quy mô 133,11ha; duy trì trên 500ha diện tích trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày như thuốc lá, đậu tương, dong riềng… Qua đó đã giúp người dân có thu nhập ổn định, nhiều lao động nông thôn có việc làm, đời sống được cải thiện rõ rệt, diện mạo nông thôn thay đổi; giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện năm 2016 còn 35,76%, giảm 5,13% so với năm 2015, vượt kế hoạch đề ra 1,65%.
 
Trên địa bàn tỉnh, các địa phương đã chủ động chọn ra các loại cây trồng, vật nuôi hoặc mô hình kinh tế chủ lực để phát triển sản xuất, góp phần giảm nghèo, đồng thời hoàn thành tiêu chí về thu nhập trong xây dựng nông thôn mới. Điển hình như: Tại huyện Bạch Thông tập trung trồng cây cam quýt; huyện Ba Bể lựa chọn phát triển cây chè, bí xanh và cam quýt; huyện Chợ Đồn tập trung vào cây chè, cam quýt và gạo bao thai; huyện Ngân Sơn trồng cây thuốc lá; huyện Na Rỳ phát triển cây dong riềng; huyện Pác Nặm chú trọng trồng cây mận chín sớm và phát triển chăn nuôi gia súc…
 
20170731-m7.jpg
Dong riềng là một trong những cây trồng được huyện Na Rỳ lựa chọn là cây hàng hóa, góp phần giảm nghèo của địa phương
 
Ông Nguyễn Tuấn Khanh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèotỉnhchia sẻ: Tỷ lệ giảm nghèo càng nhanh thì công tác xây dựng nông thôn mới càng thuận lợi. Công tác giảm nghèo mang tính chất quyết định đến các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới như vấn đề thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo và liên quan đến các tiêu chí khác. Nếu coi xây dựng nông thôn mới là một đại công trình thực hiện tại nông thôn, thì giảm nghèo là “viên gạch” đầu tiên, đặt nền móng quyết định. Tỷ lệ hộ nghèo cao đồng nghĩa với việc huy động sự đóng góp từ cộng đồng cho Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới sẽ gặp nhiều khó khăn, địa phương nào có tỷ lệ hộ nghèo thấp thì thực hiện các tiêu chí thuận lợi hơn nhiều. Chủ trương, mục tiêu đầu tiên của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là cải thiện, nâng cao đời sống của người dân, đó cũng là thước đo cơ bản nhất về thành tích của địa phương trong xây dựng nông thôn mới.
 
Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo ở mỗi địa phương có thể có những cách làm khác nhau, song yêu cầu chung là ổn định đời sống cho nhân dân. Có giảm được nghèo thì xây dựng nông thôn mới mới đảm bảo bền vững, vì vậy, từ nay đến cuối năm 2017, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục triển khai các chính sách về giảm nghèo trên địa bàn toàn tỉnh, phấn đấu giảm 2 đến 2,5% hộ nghèo, trong đó tại các huyện nghèo, xã nghèo giảm 3,5 đến 4%…/.
 
Thu Cúc (giamngheo.backan.gov.vn)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top