Mở rộng cơ hội tiếp cận thông tin, góp phần giảm nghèo đa chiều bền vững ở các tỉnh Tây Bắc

Thứ sáu, 28/07/2017 10:21

Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, thông tin ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội các vùng, miền của mỗi quốc gia trên thế giới. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta xác định cần xây dựng, củng cố hệ thống thông tin để tuyên truyền đường lối, chính sách cũng như tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, kiến thức khoa học - kỹ thuật tới người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, trong đó có các tỉnh Tây Bắc. Đây là chủ trương đúng đắn, mở ra cơ hội tiếp cận thông tin cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đa chiều bền vững.

20170728-m4.jpg
Bàn chủ trì Hội nghị bàn về giải pháp giảm nghèo bền vững đối với các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao vùng Tây Bắc - Ảnh: giamngheo.molisa.gov.vn
 
Yêu cầu phát triển thông tin ở Tây Bắc hiện nay

Có thể thấy nước ta đã đạt được nhiều thành tựu sau 30 năm đổi mới, trong đó có công cuộc xóa đói giảm nghèo. Từ một quốc gia bước ra từ chiến tranh với xuất phát điểm thấp, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Hơn 30 triệu người Việt Nam đã thoát khỏi đói nghèo trong hai thập kỷ qua (số liệu của Ngân hàng thế giới năm 2012). Cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giảm còn dưới 5%; đối với các xã nghèo thuộc diện 30a, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 28%. Tuy nhiên, bên cạnh những con số ấn tượng đó, nước ta đang phải đối mặt với không ít thách thức mới đặt ra trước yêu cầu xóa đói, giảm nghèo bền vững. Thực tế cho thấy phần lớn những người nghèo sống chủ yếu ở vùng nông thôn hoặc là những đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, trình độ học vấn bị hạn chế và đặc biệt là ít có cơ hội tiếp cận thông tin về các lĩnh vực của đời sống xã hội, do đó ít có điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, như việc làm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe,… Vì thế, tỷ lệ tái nghèo còn cao, thậm chí có xu hướng tăng. Bởi vậy, nếu chỉ lấy tiêu chí thu nhập làm thước đo xác định đối tượng nghèo là không đầy đủ và sẽ bỏ sót đối tượng nghèo, dẫn đến sự thiếu công bằng trong thực thi các chính sách xóa đói, giảm nghèo.

Từ thực tế trên, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo hiệu quả, bền vững, ngày 15-9-2015 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1614/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020”. Theo đó, tiêu chí đo lường nghèo được xây dựng dựa trên cơ sở các tiêu chí về thu nhập, bao gồm chuẩn mức sống tối thiểu về thu nhập, chuẩn nghèo về thu nhập, chuẩn mức sống trung bình về thu nhập; mức độ thiếu hụt trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin). Nghèo đa chiều là cách tiếp cận mới nhằm hạn chế việc bỏ sót những đối tượng tuy không nghèo về thu nhập nhưng lại nghèo về các chiều cạnh khác (không được đến trường, không được sử dụng nước sạch, không được khám chữa bệnh, không được tiếp cận thông tin…). Việc chuyển đổi phương pháp tiếp cận từ nghèo đơn chiều sang nghèo đa chiều ở nước ta (áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020) sẽ khắc phục được những bất cập và hạn chế của chính sách hiện tại, phân loại đối tượng hộ nghèo để có các giải pháp hỗ trợ phù hợp hơn; nâng cao khả năng tiếp cận của người dân về các dịch vụ xã hội cơ bản, như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch vệ sinh, nhất là về tiếp cận thông tin cơ sở. Việc mở rộng cơ hội tiếp cận thông tin cho người dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như thông tin về kiến thức khoa học - kỹ thuật, thông tin về giáo dục - đào tạo, thông tin về việc làm… góp phần quan trọng vào việc nâng cao sự hiểu biết của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từng bước giảm nghèo một cách bền vững.

Công tác giảm nghèo theo cách tiếp cận đa chiều đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng và xã hội cũng như phải nâng cao chất lượng các dịch vụ cơ bản, trong đó có công tác thông tin truyền thông (thông tin cơ sở và thông tin đại chúng), nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, trong đó có khu vực Tây Bắc.

Tây Bắc là một trong những vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhất ở nước ta. Đây đồng thời cũng là khu vực có địa hình hiểm trở, bị chia cắt, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, sản xuất và đời sống khó khăn do chịu nhiều tác động của thiên tai, kết cấu hạ tầng còn yếu kém và chưa đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là người dân ít có cơ hội được tiếp cận thông tin, hạn chế về trình độ dân trí, thiếu việc làm và việc làm thường chỉ đạt năng suất thấp, giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực thấp, phong tục tập quán còn lạc hậu… Theo thống kê, các tỉnh Tây Bắc có tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chỉ đạt 27,1% (năm 2012), tỷ lệ người chưa bao giờ đến trường học vào loại cao nhất trong cả nước. Tỷ lệ lao động dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin tư vấn về việc làm và học nghề còn thấp (gần 5%); tỷ lệ hộ gia đình nhận được hỗ trợ dạy nghề còn thấp và có xu hướng tiếp tục giảm qua các năm. Trình độ đội ngũ cán bộ y tế cơ sở chưa cao, trang thiết bị y tế còn thiếu, chất lượng dịch vụ y tế còn thấp; công tác tuyên truyền chưa đạt được hiệu quả thực sự nên nhiều người dân chưa được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế, nhất là chăm sóc sức khỏe ban đầu (tiêm chủng, phòng dịch, dinh dưỡng trẻ em, khám thai…); một bộ phận người dân vẫn còn phong tục lạc hậu trong chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh, sinh đẻ. Do thiếu thông tin, người nghèo vùng dân tộc thiểu số Tây Bắc thường bị động trước thiên tai, dẫn đến tình trạng chưa được tiếp cận kịp thời với các dịch vụ dự báo, cảnh báo và phòng ngừa trước để có phương án đối phó, di dời. Dù có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất cả nước (giảm từ 34,41% năm 2009 xuống còn 18,26% năm 2014, bình quân giảm 3,91%/năm), Tây Bắc vẫn là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao gấp 2,7 lần bình quân cả nước và nguy cơ tái nghèo có chiều hướng gia tăng… Chính vì thế, Quyết định số 1614/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 15-9-2015, phê duyệt Đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020” đã mở ra cơ hội mới cho việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, nhất là ở khu vực Tây Bắc. Theo đó, sự chuyển đổi cách tiếp cận nghèo đa chiều vừa đòi hỏi phải nâng cao chất lượng các dịch vụ xã hội cơ bản vừa mở ra cơ hội mới để phát triển các dịch vụ trên, trong đó có công tác thông tin. Việc phát triển hệ thống thông tin ở Tây Bắc hướng tới mục tiêu rút ngắn khoảng cách về bảo đảm thông tin và hưởng thụ thông tin của nhân dân các tỉnh Tây Bắc với các vùng, miền khác trong cả nước; góp phần nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu thông tin thiết yếu của nhân dân, phổ biến kiến thức khoa học - kỹ thuật giúp nâng cao năng suất lao động cũng như bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa địa phương; thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Tây Bắc; ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin sai trái, phản động của các thế lực thù địch, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn chiến lược này.

Bên cạnh thông tin đại chúng, Đảng và Nhà nước ta chủ trương phát triển thông tin cơ sở thông qua việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2012 - 2015 trên các địa bàn thuộc đối tượng của Chương trình, trong đó có các tỉnh Tây Bắc. Chương trình đã thể hiện quan điểm nhân văn của Đảng và Nhà nước ta, hướng tới việc bảo đảm sự công bằng trong hưởng thụ thông tin của đồng bào khắp các vùng, miền của Tổ quốc, đưa thông tin cơ sở trực tiếp nối liền Đảng, Nhà nước với nhân dân, Trung ương với địa phương; góp phần giảm nghèo về thông tin để đạt mục tiêu giảm nghèo đa chiều. Thông tin cơ sở là hệ thống truyền phát thông tin qua hệ thống các đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã, trực tiếp qua báo cáo viên và tuyên truyền viên, thông tin cổ động trực quan, đội thông tin lưu động, bản tin, trạm tin, cụm thông tin, triển lãm, loa phóng thanh, xuất bản phẩm, các điểm bưu điện - văn hóa xã và các loại hình thông tin khác tiếp cận trực tiếp với người dân trên từng địa bàn. Thông tin cơ sở vừa có thể truyền tải một phần nội dung thông tin đại chúng đến người dân vừa truyền tải những thông tin khác phù hợp với mức độ tiếp nhận của từng cộng đồng dân cư cụ thể, những thông tin chỉ đạo điều hành tức thời của chính quyền địa phương, thông tin về nứt vỡ đập thủy điện trong đêm, về bão lũ, cứu nạn trong những thời điểm khẩn cấp cụ thể… có thể đến được với từng người dân trên các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn như Tây Bắc.

Sau một thời gian triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2012 - 2015, hệ thống thông tin ở Tây Bắc đã có những cải thiện đáng kể song vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Công tác triển khai Chương trình còn chưa kịp thời và chưa đồng bộ ở nhiều nơi. Cơ sở vật chất của hệ thống thông tin cơ sở ở các tỉnh Tây Bắc bị xuống cấp nhiều; trang thiết bị lạc hậu; nguồn lực cho hoạt động thông tin cơ sở còn hạn chế. Nội dung thông tin cơ sở còn sơ sài, nghèo nàn, chưa có sức thu hút sự quan tâm của người dân. Hoạt động thông tin cơ sở ở nhiều tỉnh trong khu vực Tây Bắc chưa thường xuyên, đều đặn, chưa thể hiện vai trò chủ động thông tin trên mặt trận thông tin cơ sở. Ngoài ra, phương thức thông tin tuyên truyền không được đổi mới thường xuyên, đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin cơ sở chưa áp dụng nhiều các tiến bộ khoa học, công nghệ hiện đại vào công tác tuyên truyền để mở rộng cơ hội và đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin ngày càng cao của nhân dân các tỉnh Tây Bắc. Bởi thế cho nên khoảng cách về hưởng thụ thông tin giữa các tỉnh Tây Bắc với các vùng đồng bằng vẫn còn khá lớn. Bên cạnh đó, các thế lực phản động luôn lợi dụng những khó khăn trong cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Bắc để tuyên truyền, kích động tung tin sai lệch, chống phá Đảng và Nhà nước ta, gây bất ổn về chính trị, mất trật tự, an toàn xã hội, kéo dài sự đói nghèo, lạc hậu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Chính vì vậy, tiếp tục phát triển hệ thống thông tin, mở rộng cơ hội tiếp cận hệ thống thông tin phong phú, đa dạng và có định hướng đúng đắn cũng chính là một trong những giải pháp quan trọng góp phần xóa đói giảm nghèo đa chiều bền vững ở khu vực Tây Bắc nước ta.

Tiếp tục phát triển hệ thống thông tin Tây Bắc thời gian tới

Hướng tới mục tiêu giảm nghèo đa chiều ở các tỉnh Tây Bắc, trong đó có việc giảm nghèo về thông tin, thời gian tới, các tỉnh Tây Bắc cần tập trung phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương khác trong cả nước, nhất là những địa phương có những đặc điểm tương cận về điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội để thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, nhân dân các tỉnh Tây Bắc về vị trí, vai trò của thông tin truyền thông trong việc góp phần nâng cao dân trí, mở rộng cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản khác và phát triển kinh tế - xã hội cũng như bảo đảm an ninh - quốc phòng. Tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị ở các đia phương trên địa bàn Tây Bắc; khơi dậy ý chí chủ động, tích cực vươn lên thoát nghèo của người dân, hướng tới mục tiêu giảm nghèo về thông tin và giảm nghèo đa chiều bền vững.

Hai là, nghiên cứu, đánh giá sát, đúng tình hình phát triển thông tin truyền thông và tìm hiểu nhu cầu thông tin của nhân dân tại các địa bàn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn ở các tỉnh Tây Bắc; trên cơ sở đó, tiếp tục rà soát, chỉnh sửa những bất cập đối với chính sách hiện có; nghiên cứu, đề xuất các chính sách đặc thù phù hợp, bảo đảm khả năng tiếp cận thông tin một cách công bằng tới các dịch vụ xã hội cơ bản cho mọi người dân địa phương Tây Bắc, xóa bỏ khoảng cách về hưởng thụ thông tin giữa Tây Bắc với các vùng, miền khác trong cả nước. Đánh giá chính xác và phân loại các hộ nghèo trên địa bàn Tây Bắc thành các nhóm khác nhau, theo các tiêu chí phân loại nghèo đa chiều để áp dụng các chính sách hỗ trợ phù hợp, trong đó có chính sách về thông tin.

Ba là, tập trung đầu tư đồng bộ, từng bước nâng cao chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật hệ thống thông tin và truyền thông quốc gia đến tận cơ sở cho các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa bao gồm việc đầu tư xóa trắng và nâng cao chất lượng phủ sóng phát thanh, truyền hình, bảo đảm điều kiện để nhân dân vùng sâu, vùng xa Tây Bắc được hưởng thụ các dịch vụ nghe - xem; duy trì, khai thác, vận hành các đài truyền thanh xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn Tây Bắc. Tiếp tục đầu tư thiết lập mới đài truyền thanh cho các xã chưa có đài truyền thanh để đáp ứng được yêu cầu cung cấp thông tin cho nhân dân, phù hợp với xu hướng đổi mới công nghệ, bảo đảm chất lượng dịch vụ; hỗ trợ thiết bị thu tín hiệu, thiết bị nghe - xem và thiết bị phụ trợ cho các điểm sinh hoạt dân cư cộng đồng của các thôn, bản xa trung tâm xã thuộc địa bàn các huyện nghèo và các đồn, trạm biên phòng.

Bốn là, lồng ghép công tác phát triển hệ thống thông tin với hoạt động của các Chương trình mục tiêu quốc gia khác trên cùng địa bàn Tây Bắc; thực hiện việc phối hợp, đánh giá hiệu quả, tác động về nội dung tuyên truyền để bảo đảm hiệu quả hoạt động. Tích cực thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, tạo đà thúc đẩy hoạt động thông tin truyền thông tiếp tục phát triển. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thông tin, chủ động huy động các nguồn lực xã hội để phát triển thông tin cơ sở. Chú trọng huy động đóng góp của các doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, đồng thời kêu gọi tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Mở rộng hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật và tăng thêm nguồn lực tài chính cho việc hoàn thiện hệ thống thông tin ở vùng sâu, vùng xa của Tây Bắc.

Năm là, tăng cường nội dung thông tin tuyên truyền nhằm phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cung cấp, giới thiệu các kinh nghiệm, các gương điển hình tiên tiến trong sản xuất, hoạt động xã hội; phổ biến kiến thức về các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong các hoạt động sản xuất; giới thiệu, phổ biến các thông tin về bảo tồn văn hóa vùng, miền và phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua các chương trình phát thanh, truyền hình, ấn phẩm truyền thông, xuất bản phẩm. Nội dung, hình thức cung cấp thông tin phải đơn giản, thiết thực, hấp dẫn và phù hợp với trình độ, tập quán của đồng bào vùng dân tộc thiểu số Tây Bắc. Sản xuất, biên tập, phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình phục vụ nhân dân Tây Bắc (bao gồm cả các chương trình bằng tiếng dân tộc); sáng tác, xuất bản, in, phát hành và quảng bá các loại sách chuyên đề và các ấn phẩm truyền thông (bao gồm cả các sản phẩm bằng tiếng dân tộc) và xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin điện tử, hỗ trợ thông tin trực tuyến phục vụ đồng bào trên địa bàn Tây Bắc. Tiếp tục phát hành cẩm nang “Những kiến thức cơ bản về kỹ năng tuyên truyền cho người có uy tín, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi”; sổ tay “Kiến thức cơ bản cho người lao động ở các huyện nghèo tham gia xuất khẩu lao động”; đặc san “Khuyến lâm - Xóa đói giảm nghèo”; sách “Bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam”.

Sáu là, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật vận hành, khai thác và sử dụng hiệu quả đài, trạm truyền thanh và các trang thiết bị tác nghiệp cho đội ngũ cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở trên địa bàn Tây Bắc. Bổ sung, hoàn thiện chương trình khung, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở. Khảo sát, xác định đối tượng và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở để tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho đội ngũ trên cũng là một trong những giải pháp quan trọng và cần được duy trì đều đặn./.
(Trích nguồn từ Tạp chí Cộng sản)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top