(Mic.gov.vn) - Là huyện nghèo nhất nước nhưng Bảo Lâm (Cao Bằng) lại có những tiềm năng thế mạnh mà nhiều địa phương khác không có được, đó là tiềm năng về đất đai, tài nguyên rừng, thủy điện; thế mạnh về chăn nuôi đại gia súc, trồng cây dược liệu, khai thác vật liệu xây dựng... Tuy nhiên, để Bảo Lâm giảm nghèo nhanh và bền vững thì còn rất nhiều việc phải làm...
Điện, đường, trường, trạm, nước cần đi trước
Đó là ý kiến của các đồng chí lãnh đạo huyện Bảo Lâm và nhiều chuyên gia kinh tế khi đề cập đến giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững tại huyện nghèo nhất nước này. Bảo Lâm là huyện vùng cao, vùng sâu và là huyện biên giới xa xôi nhất của tỉnh Cao Bằng. Diện tích đất tự nhiên của huyện còn lớn hơn cả diện tích của tỉnh Bắc Ninh với địa hình chia cắt phức tạp, chủ yếu là đồi núi cao, có độ dốc lớn. Chính vì thế, việc xây dựng các cơ sở hạ tầng, nhất là điện, đường, trường học, trạm y tế và công trình thủy lợi, nước sạch ở đây khó khăn hơn nhiều so với các địa phương khác.
Toàn huyện có 141km đường giao thông nông thôn nhưng chỉ có 44km mặt đường nhựa hóa, còn 97km là đường giao thông nông thôn mặt đường cấp phối đá sít tự nhiên đã xuống cấp, có 6 cầu treo bắc qua sông Gâm là cầu có tải trọng yếu, xuống cấp nhanh, hạn chế vận chuyển hàng hóa. Các xã trong huyện đều đã có đường ô tô đến trung tâm xã, nhưng chỉ 3 xã có đường nhựa, 10 xã còn lại là nền đường cấp phối, hiện xuống cấp trầm trọng. Nhiều thôn, xóm, bản chưa có đường ô tô đến trung tâm.
Bà con xã Yên Thổ, huyện Bảo Lâm cấy lúa nước trên ruộng bậc thang.
Sau nhiều năm triển khai xây dựng, hệ thống điện quốc gia đã đến được trung tâm tất cả các xã, nhưng nhiều xóm, thôn, bản ở xa trung tâm xã vẫn chưa có điện, tính đến thời điểm này mới có khoảng 50% số hộ gia đình trong huyện được sử dụng điện lưới quốc gia.
Từ ngày được thành lập, huyện Bảo Lâm đã ưu tiên đầu tư xây dựng trường lớp học bằng nhiều nguồn vốn, nhưng phần lớn các trường đều thiếu phòng học bộ môn, phòng chức năng, phòng thư viện, nhà ở công vụ giáo viên, phòng học bán trú; phòng hành chính quản trị; cổng, hàng rào... Các trạm y tế xã trong huyện đều thiếu trang thiết bị, đại đa số thiếu bác sĩ. Các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt cũng đã được đầu tư nhưng hiện tại mới chỉ chủ động nước tưới đạt 26% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp, phần diện tích sản xuất còn lại chủ yếu chờ nước mưa. Hiện tại còn 107 thôn, xóm, bản khó khăn về nước sinh hoạt, có hơn 2.000 hộ cần hỗ trợ xây dựng bể nước phân tán...
Để xây dựng các công trình điện, đường, trường, trạm, nước, bản thân huyện nghèo như Bảo Lâm không thể tự làm được mà phải cần đến sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước, các doanh nghiệp và cộng đồng.
Giải pháp cơ bản và lâu dài là nâng cao dân trí
Đồng chí Nguyễn Ngọc Quang, Phó chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, kể rằng: Đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm, chúc Tết đồng bào và chiến sĩ huyện biên giới Bảo Lâm. Bày tỏ cảm thông và chia sẻ với Đảng bộ và đồng bào các dân tộc trong huyện về những khó khăn hiện tại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những nỗ lực ngày đêm trong lãnh đạo và chỉ đạo của lãnh đạo huyện Bảo Lâm. Đồng thời khẳng định Đảng, Nhà nước sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ những huyện nghèo như Bảo Lâm.
Với 4 cái khó của huyện là nghèo nhất, xa nhất, hẻo lánh nhất, đồng bào dân tộc nhiều nhất, Thủ tướng yêu cầu Đảng ủy, chính quyền địa phương phải bàn chủ trương chính sách để giúp bà con giảm nghèo. Điều quan trọng là phải nâng cao dân trí của người dân để xóa đói, giảm nghèo. “Dân trí người dân quyết định xóa đói, giảm nghèo. Cho nên dù khó khăn đến đâu, Nhà nước cũng hỗ trợ chăm lo học hành cho các cháu và từng gia đình cũng phải quan tâm đến việc học hành cho các cháu có nền tảng dân trí tốt để xóa đói, giảm nghèo lâu dài”-Thủ tướng nhấn mạnh.
Để hỗ trợ ngay việc xóa đói, giảm nghèo của Bảo Lâm, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi bổ sung vào danh mục đầu tư công trung hạn một số công trình thiết yếu cho huyện Bảo Lâm trình Thủ tướng quyết định; Bộ Y tế cấp ngay một xe cứu thương cho huyện Bảo Lâm để hỗ trợ công tác chăm sóc sức khỏe cho 58.000 người dân trong huyện vì hiện nay, nhiều xã ở huyện Bảo Lâm không có trạm y tế. Thủ tướng cũng yêu cầu ngành điện lập phương án để cấp điện sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân ở đây.
“Sự chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là nguồn động viên rất lớn với quân dân các dân tộc huyện Bảo Lâm”-đồng chí Nguyễn Ngọc Quang khẳng định.
Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Quang, nâng cao dân trí là giải pháp cơ bản và lâu dài để Bảo Lâm thoát nghèo bền vững. Khi trình độ dân trí cao lên, bà con sẽ không đẻ nhiều con nữa, áp dụng được tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất... Tuy nhiên, để nâng cao dân trí cho người dân ở đây còn phải làm rất nhiều việc như đầu tư cho trường, lớp, thu hút thêm giáo viên, vận động các cháu đến trường... Để giải quyết được những vấn đề trên, cần phải có đội ngũ cán bộ cơ sở vững. Trong khi đó, nguồn cán bộ cơ sở từ các xã rất khó khăn.
Chúng tôi được biết, mấy năm trước, để tạo nguồn cho cán bộ cơ sở, Bộ CHQS tỉnh Cao Bằng đã đưa một số thanh niên của Bảo Lâm nhập ngũ, sau đó cho đi học văn hóa rồi rèn luyện, đến khi xuất ngũ trở thành cán bộ ở địa phương. Mấy năm gần đây lại không thấy thực hiện nữa làm địa phương hụt hẫng nguồn cán bộ. Nên chăng, cần tiếp tục đào tạo bồi dưỡng cán bộ theo hướng này. Thực tế ở Bảo Lâm, các cán bộ đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự đều hoàn thành tốt nhiệm vụ ở địa phương.
Từ thực tế công tác xóa đói, giảm nghèo ở Bảo Lâm, vai trò của Khu kinh tế-quốc phòng (KT-QP) rất quan trọng. Nguyện vọng của bà con nhiều xã chưa nằm trong Khu KT-QP Bảo Lạc-Bảo Lâm muốn được mở rộng Khu KT-QP để địa phương mình được nằm trong Khu KT-QP. Bà con trong Khu KT-QP thì kiến nghị Nhà nước nên tăng vốn đầu tư các dự án trong Khu KT-QP để giúp bà con thoát nghèo nhanh. Các đồng chí bộ đội thực hiện những dự án của Khu KT-QP lại cho rằng, để Bảo Lâm thoát nghèo nhanh và bền vững, bên cạnh sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, của quân đội, điều quan trọng nhất là phải khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường của từng người, từng gia đình, từng xóm, từng bản. Đoàn KT-QP 799 đang phấn đấu làm điểm tựa để bà con vươn lên thoát nghèo./.