Gia Thanh: Nhiều khó khăn trong giảm nghèo bền vững

Thứ tư, 26/07/2017 09:34

Nằm ở vùng đất giữa của huyện Phù Ninh (tỉnh Phú Thọ), Gia Thanh được nhiều người biết đến không chỉ bởi có làng nghề làm nón lá truyền thống (nón lá làng Rền), có sản phẩm hồng không hạt nức tiếng gần xa, mà còn vì xã có tỷ lệ hộ nghèo luôn nằm trong tốp đầu huyện. Vì sao cái nghèo cứ đeo đẳng mãi người dân nơi đây trong khi các xã xung quanh đã có nhiều khởi sắc?.

Chúng tôi về xã vào đúng dịp người dân trong xã cũng như nhân dân cả nước đang phải đối diện với  “cơn bão giá lợn hơi” xuống thấp kỷ lục. Phó Chủ tịch UBND xã Gia Thanh Lưu Mạnh Phước cho biết: “Xã Gia Thanh thuộc diện đất rộng người thưa, toàn xã có 8 khu dân cư trên tổng diện tích hơn 620ha, gần 4.000 nhân khẩu, trong đó 87% sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp nên ngoài trồng trọt đa số các hộ đều đầu tư vào chăn nuôi với mong muốn sớm thoát nghèo, vậy mà 7 tháng nay giá lợn thịt liên tục giảm mạnh, có thời điểm xuống còn 14.000-15.000 đồng/kg, hiện giờ có nhích lên mức 20.000 đồng/kg nhưng mức giá đó chưa đủ chi phí của người chăn nuôi nên nhiều hộ đã đề nghị Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN&PTNT gia hạn thời gian trả nợ vốn vay đầu tư chăn nuôi; có nhà đã bán trâu bò, cắm bìa đỏ đất để trả nợ tiền cám cho các đại lý... Trước tình cảnh này, chúng tôi đang lo ngại tỷ lệ hộ nghèo của xã không những khó giảm mà số hộ tái nghèo không khéo lại tăng”.

Tìm hiểu công tác giảm nghèo của Gia Thanh những năm qua được biết mỗi nhiệm kỳ đại hội, đảng bộ xã đều xây dựng nghị quyết về phát triển KT-XH và các nghị quyết chuyên đề về giảm nghèo, phát triển làng nghề, phát triển cây hồng không hạt, xây dựng NTM... với mục đích nâng cao đời sống của nhân dân. Trên cơ sở nghị quyết, UBND xã đã cụ thể hóa bằng các kế hoạch thực hiện cụ thể nhằm khai thác các tiềm năng thế mạnh của địa phương, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, sự tích cực gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong phát triển kinh tế hộ; huy động sự vào cuộc của các tổ chức hội: Nông dân, Phụ nữ, Thanh niên, Cựu chiến binh. Vận dụng các chính sách giảm nghèo của Nhà nước để hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất và tiếp cận với các dịch vụ xã hội: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt...
 
Trong phát triển kinh tế, xác định sản xuất nông nghiệp vẫn giữ vai trò chính yếu, xã Gia Thanh đã tập trung chỉ đạo nhân dân gieo cấy hết diện tích, chú trọng phòng trừ sâu bệnh, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, đưa các giống có năng suất chất lượng cao vào gieo trồng. Khai thác lợi thế diện tích đất đồi rừng lớn, xã đã vận động nhân dân đầu tư trồng chè, cây nguyên liệu giấy, tham gia dự án trồng hồng không hạt; cải tạo vườn tạp để đưa vào trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như bưởi Diễn...
 
Trong chăn nuôi phát triển mạnh đàn lợn, đàn gia cầm, tận dụng mặt nước để nuôi thả cá. Bên cạnh đó địa phương luôn quan tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, kinh tế đồi rừng. Toàn xã hiện có 14 trang trại chủ yếu trồng cây ăn quả xen chè và cây nguyên liệu giấy, trang trại nuôi gà, lợn; diện tích trồng cây hồng đặc sản đã phát triển lên 30ha. Cùng với sản xuất nông nghiệp, xã Gia Thanh còn tranh thủ huy động các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ từng bước nâng cấp, xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh: Điện, đường giao thông, trường học...
 
Ngoài ra địa phương luôn quan tâm chỉ đạo mở rộng phát triển nghề truyền thống và các ngành nghề khác: Gò hàn, cơ khí, xây dựng, chế biến nông, lâm sản, hoạt động dịch vụ, buôn bán nhỏ... nhằm giải quyết nhu cầu việc làm cho người dân và tăng giá trị thu nhập. Tuy nhiên quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã diễn ra còn chậm chạp, nghề làm nón ngày càng thu hẹp do giá trị sản phẩm, giá trị ngày công lao động thấp, khó khăn về thị trường tiêu thụ, các ngành nghề khác chưa phát triển nên số hộ kinh doanh buôn bán nhỏ, làm dịch vụ và sản xuất TTCN không nhiều; hiệu quả kinh tế đồi rừng không cao, bình quân mỗi ha trồng bạch đàn mô sau chu kỳ 7 năm khai thác mới thu được gần 20 triệu đồng, giá trị cây hồng không hạt sau 5 năm tuổi cũng chỉ đạt 45- 50 triệu đồng/ha/năm.
 
Giá trị sản xuất nông nghiệp thấp, rủi ro cao khiến đời sống của đại bộ phận nhân dân trong xã còn khó khăn, trước năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của Gia Thanh chiếm hơn 50%,  đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo tuy đã giảm song vẫn còn tới 11,6% (theo đơn chiều), hiện đánh giá theo đa chiều còn 10,05%;  thu nhập bình quân của xã mới đạt gần 13 triệu đồng/người/năm. Toàn xã mới thực hiện đạt 12/19 tiêu chí NTM. Ở Gia Thanh số hộ có nhà xây cao tầng, đời sống khá giả rất ít.
 
Tỷ lệ hộ nghèo cao và làm thế nào để giảm xuống dưới 10% với Gia Thanh hiện vẫn là bài toán khó và địa phương  đang tìm cách tháo gỡ. Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Mạnh Phước cũng thẳng thắn cho biết: “Thực tế địa phương có rất nhiều khó khăn do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhất là đường giao thông nhiều năm nay chưa được đầu tư nâng cấp, giao thương đi lại bị ảnh hưởng ít nhiều, sản phẩm tiêu thụ chậm trong khi giá nông sản bấp bênh, ngành nghề chậm phát triển, bên cạnh đó một bộ phận nhân dân còn có tư tưởng ỷ lại vào chính sách của Nhà nước, chưa cố gắng vươn lên thoát nghèo. Do đó giải pháp trước mắt và lâu dài của địa phương vẫn là tuyên truyền vận động, hướng dẫn bà con đầu tư nhiều hơn cho sản xuất, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, hình thành các nhóm hộ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, đưa các giống mới có hiệu quả cao vào nuôi trồng. Mặt khác đẩy mạnh phong trào đi xuất khẩu lao động; tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp và các nguồn lực khác để nâng cấp hạ tầng cơ sở, thực hiện các tiêu chí NTM và mục tiêu giảm nghèo bền vững...”.
 
Hy vọng với những giải pháp trên xã Gia Thanh sẽ sớm hiện thực hóa được mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10% và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
 
Mai Phương
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top