Tiếp cận thông tin để giảm nghèo

Thứ hai, 24/07/2017 16:27

Cao Bằng là tỉnh vùng cao, biên giới, nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số (DTTS), tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Thời gian qua, công tác bảo đảm an sinh xã hội được triển khai đồng bộ, đạt nhiều kết quả tích cực. Một trong những chính sách mang lại hiệu quả cao là Chương trình giảm nghèo thông tin, đưa thông tin đến với đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.

20170724-m14.jpg
Người dân Sơn Lập, huyện Bảo Lạc tiếp nhận thông tin thuận tiện hơn, nhờ chính sách giảm nghèo thông tin của tỉnh Cao Bằng.
 
Như một thói quen, cuối tuần nào anh Thào Văn Thành, Trưởng xóm Khau Ho ở xã Sơn Lập, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) cũng lên UBND xã lấy sách, báo và tạp chí về phát cho bà con trong xóm. Cách đây nhiều năm, giao thông trong xã và thông tuyến ra huyện ở Sơn Lập là đường đất, hẹp, chỉ đủ một xe máy hoặc đi bộ. Với anh, lấy sách, báo về cho bà con vừa là niềm vui, vừa là công việc, trách nhiệm, cho nên khó khăn mấy cũng vượt qua. Năm 2016, huyện Bảo Lạc đầu tư mở đường nhựa vào đến xã, xóm thì công việc của anh cán bộ thông tin ở vùng đặc biệt khó khăn này đã thuận lợi hơn trước. “Con đường giao thông huyết mạch đi vào hoạt động cũng là lúc đời sống người dân được đổi mới. Nghề thông tin cơ sở của chúng tôi được hưởng lợi theo”, anh Thào Văn Thành chia sẻ. Bây giờ, có đường, người dân đã dễ dàng đến UBND xã để nhận sách, báo. Anh Thành chỉ phải đưa ấn phẩm thông tin đến những xóm xa, hộ dân trên núi Phja Rạ cách đó mấy cây số leo đèo.
 
Tiếp cận được thông tin qua sách, báo, các phương tiện thông tin truyền thông, người dân ở những vùng đặc biệt khó khăn như Sơn Lập có điều kiện học hỏi kinh nghiệm về trồng trọt và chăn nuôi từ nhiều mô hình hay, kiến thức hữu ích. Từ đó, đời sống bà con được cải thiện, từng bước thoát khỏi cái nghèo đeo bám lâu nay. Chị Hầu Thị Liên ở xóm Khuổi Tâư, xã Sơn Lập tâm sự: “Ngày xưa trồng trọt, chăn nuôi theo kinh nghiệm, giờ học được con chữ lại có sách, báo đọc tìm hiểu, người dân làm nông năng suất hơn, biết nhiều cái hay áp dụng vào cuộc sống”. Chị Liên cũng như nhiều hộ nghèo trong xóm giờ đã biết cách lựa chọn nông sản phù hợp thổ nhưỡng, kỹ thuật chăm bón đúng quy trình khoa học. Từ thông tin trên sách, báo, người dân Sơn Lập dần hạn chế việc khai thác tài nguyên dược liệu trên núi Phja Rạ, góp phần bảo vệ rừng nghiến cổ thụ tại địa phương này…
 
Ngày chúng tôi đến làm việc, người dân dưới chân núi Phja Rạ đang hân hoan khi quê hương chính thức được hòa vào điện lưới quốc gia. Ðây là xã cuối cùng ở Cao Bằng có điện, đủ để hiểu sự khó khăn trong đời sống kinh tế - xã hội của Sơn Lập suốt thời gian dài. Có điện không chỉ là niềm vui của riêng bà con, mà còn giúp giáo viên, cán bộ xã hoàn thành tốt việc tuyên truyền những chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Hiệu trưởng Trường phổ thông cơ sở xã Sơn Lập Bế Duy Khánh cho biết: “Ngày xưa không có đường, điện, học sinh thiếu sách, người dân thiếu thông tin. Nay thay đổi hoàn toàn, thầy trò chúng tôi có nhiều cơ hội để tiếp xúc nhanh, rộng hơn kiến thức bên ngoài”. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lập Ðặng Anh Dũng: Ðể có được những đổi thay như vậy là sự nỗ lực suốt nhiều năm qua của cấp chính quyền cơ sở và tỉnh Cao Bằng. Người dân giờ đã dễ dàng tiếp cận thông tin, đổi mới tư duy để giảm nghèo, tiến tới thoát nghèo.
 
Ðiều đáng ghi nhận, Bảo Lạc là một trong số hơn 60 huyện nghèo nhất cả nước, nhưng luôn xác định công tác đưa thông tin về cơ sở là nhiệm vụ trọng tâm lớn trong chương trình mục tiêu giảm nghèo. Nhiều năm qua, các cấp chính quyền huyện đã ban hành nhiều nghị quyết, xây dựng nhiều kế hoạch hành động đưa thông tin về cơ sở. Bí thư Huyện ủy Bảo Lạc Công Văn Hưu nhấn mạnh: “Việc đưa thông tin về cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trong việc giảm nghèo, phát triển kinh tế”. Ðây cũng là hiệu quả từ chính sách chung của tỉnh Cao Bằng, khi xác định giảm nghèo thông tin, giúp các tầng lớp nhân dân nâng cao khả năng tiếp cận kiến thức, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào phát triển kinh tế, cuộc sống hằng ngày; góp phần đẩy lùi những hủ tục lạc hậu. Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cao Bằng đã sớm triển khai dự án truyền thông về giảm nghèo thông tin, tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác thông tin, tuyên truyền. Trưởng phòng Quản lý Báo chí - Xuất bản, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cao Bằng Vũ Văn Chung cho biết: Giảm nghèo thông tin đóng vai trò quan trọng trong chương trình Mục tiêu quốc gia và giảm nghèo bền vững của Chính phủ. Ðến thời điểm này, thông tin tuyên truyền cơ bản đã đến với người dân, nhận thức cũng từng bước được nâng lên...
 
Theo kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí đa chiều của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng, đầu năm 2016 toàn tỉnh có hơn 52 nghìn hộ nghèo, chiếm 42,53%; có gần 14 nghìn hộ cận nghèo, chiếm 10,96%. Ðến cuối năm 2016, toàn tỉnh giảm được 4.346 hộ nghèo, tỷ lệ giảm 3,93%. Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh Cao Bằng Hà Minh Trần cho biết: Việc tiếp cận thông tin đối với đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng có những tiến bộ, hoạt động truyền thông của các cấp, ngành đã có những chuyển biến về nhận thức. Thời gian tới, ngành thông tin tỉnh Cao Bằng tiếp tục có giải pháp tuyên truyền đặc thù để người dân dễ hiểu và làm theo, từ đó góp phần nâng cao năng suất lao động, bảo đảm công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững; từng bước giúp người dân vươn lên làm giàu./.
Phong Chương
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top