Nâng cao năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo

Thứ tư, 19/07/2017 10:43

Giai đoạn 2016 - 2020, chương trình giảm nghèo của tỉnh Vĩnh Phúc được thực hiện theo quan điểm toàn diện, công bằng, bền vững hơn với việc tiếp cận và triển khai các giải pháp giảm nghèo theo hướng đa chiều. Để chương trình đạt mục tiêu đề ra đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp có năng lực, nhiệt huyết, tận tâm với công việc được coi là yếu tố đặc biệt quan trọng.

20170719-m17.jpg

Cán bộ LĐ-TB&XH xã Đồng Cương (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) thăm nắm tình hình đời sống, phát triển kinh tế của gia đình ông Vũ Văn Cường ở thôn Vật Cách, một hộ nghèo tại địa phương. Ảnh Dương Chung

Giai đoạn 2011-2015, các chính sách giảm nghèo của tỉnh được triển khai đồng bộ, toàn diện và đạt được nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,05% (năm 2011) xuống còn 2,47% (năm 2015), bình quân mỗi năm giảm 1,72%; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 7,06% (năm 2011) xuống còn 2,87% (năm 2015), bình quân mỗi năm giảm 0,84%. Các chính sách và giải pháp bảo đảm giảm nghèo được triển khai đồng bộ trên cả 3 mặt: Giúp các đối tượng thụ hưởng tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng, nhất là về y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở; hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chính sách về vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi xuất, bảo đảm việc làm; phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu cho các địa phương (đặc biệt là tại vùng miền núi, vùng khó khăn của tỉnh). Các chính sách trợ giúp xã hội (thường xuyên và đột xuất) được thực hiện rộng hơn cả về quy mô và đối tượng thụ hưởng với mức trợ giúp ngày càng tăng. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong tỉnh không ngừng được cải thiện, chính sách giảm nghèo đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho người nghèo, cận nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương, bảo đảm định hướng giảm nghèo bền vững.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai các chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn này còn một số hạn chế, bất cập. Một số địa phương còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước, chưa chủ động, tích cực tìm biện pháp, phương pháp giúp đỡ cụ thể, thiết thực trợ giúp các đối tượng chủ động vươn lên. Công tác tuyên truyền, quản lý, giám sát thực hiện chương trình, chính sách giảm nghèo còn hạn chế. Một số công trình phục vụ lợi ích của cộng đồng không được quản lý, bảo quản tốt dẫn tới công trình xuống cấp, hiệu quả sử dụng thấp…Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới những tồn tại, bất cập trên là do đội ngũ cán bộ làm công công tác giảm nghèo của tỉnh còn hạn chế.
 
Theo Sở LĐ-TB&XH, những năm qua, công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo luôn được quan tâm, triển khai thường xuyên. Trong 4 năm (2013 - 2016), Sở phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ban Dân tộc, Bảo hiểm xã hội, Sở Y tế, UBND các huyện, thành, thị…tổ chức 12 lớp đào tạo, tập huấn cán bộ cấp tỉnh, huyện và hàng chục lớp tập huấn cho trên 3.900 cán bộ giảm nghèo cấp xã, thôn trên toàn tỉnh. Nội dung tập huấn tập trung vào việc giới thiệu, phổ biến các chủ trương, chính sách quy định mới của Nhà nước, của tỉnh về lĩnh vực giảm nghèo; xây dựng kế hoạch, đánh giá kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo hàng năm; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hộ nghèo, người nghèo…
 
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Đặc biệt là tại cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) hiện chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác giảm nghèo mà đều là kiêm nhiệm. Cán bộ cơ sở chưa được đào tạo bài bản chuyên sâu về công tác giảm nghèo lại thường xuyên luân chuyển khiến cho công tác triển khai, thực thi chính sách giảm nghèo đến với các đối tượng còn chậm và khó khăn. Hạn chế về trình độ lại thiếu thông tin về quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách và nội dung các chương trình giảm nghèo… dẫn đến khả năng tham mưu, thực hiện chương trình giảm nghèo tại địa phương còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ giảm nghèo mới chỉ chú ý thực hiện các chính sách mà chưa quan tâm tuyên truyền để nâng cao ý thức tự vươn lên của người nghèo, gây ra tâm lý trông chờ vào chính sách hỗ trợ của một bộ phận không nhỏ đối tượng thụ hưởng. Công tác giảm nghèo đòi hỏi người cán bộ ngoài chuyên môn nghiệp vụ, còn phải nhiệt huyết, nhạy bén và tính sáng tạo, song một số địa phương chưa coi đó là một vấn đề cần thiết để bố trí cán bộ cho phù hợp nhu cầu của công việc.
 
Định hướng cho mục tiêu giảm nghèo đa chiều trong giai đoạn 2016 - 2020 giúp nhận dạng đối tượng nghèo một cách chính xác, cụ thể hơn, đảm bảo công bằng trong thực hiện chính sách, tăng cường tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân, tăng tính hiệu quả của chính sách hỗ trợ, hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại của đối tượng thụ hưởng… Với chuẩn nghèo mới do Chính phủ quy định, đầu năm 2016, tỉnh ta có 14.412 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,96%; hộ cận nghèo có 12.357 hộ, chiếm 4,26 %. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh ta phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm từ 1 - 1,5%; đến năm 2020 tỷ hộ nghèo tiếp cận đa chiều còn dưới 2%; trong đó, thành phố Vĩnh Yên phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%. Để đạt được mục tiêu trên, việc xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp có năng lực, nhiệt huyết, tận tâm với công việc là một yêu cầu bức thiết hiện nay, đặc biệt là đối với cán bộ giảm nghèo cấp cơ sở, nơi trực tiếp tổ chức, thực hiện chương trình tại địa phương.
Lê Mơ
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top