Tuyên Quang: Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giảm nghèo bền vững

Thứ hai, 17/07/2017 20:41

Theo kết quả Tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh Tuyên Quang có 55.827 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 27,81% (tăng gần 3 lần so với số hộ nghèo còn lại cuối năm 2015 theo chuẩn nghèo cũ) và 18.050 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 8,99%.

20170717-m46.jpg
Phát triển nghề trồng chè giúp nhiều hộ nông dân thôn Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên) thoát nghèo bền vững. Ảnh: tuyenquang.gov.vn
 
Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc, người dân tộc thiểu số chiếm hơn 54%. Vị trí địa lý không thuận lợi để phát triển kinh tế, nên kinh tế của tỉnh phát triển còn chậm, đời sống của một bộ phân nhân dân còn nhiều khó khăn, thu nhập còn thấp và chưa ổn định. Tỷ lệ hộ nghèo cao vẫn tập trung chủ yếu ở các huyện vùng cao, các xã đặc biệt khó khăn, trong đó tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh là huyện Lâm Bình với 60,79%, huyện Na Hang với 50,08%; hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm 78,5% so với tổng số hộ nghèo.

Theo một báo cáo của UBND tỉnh cho biết, nguyên nhân hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 còn cao là do đặc điểm sản xuất của bà con chủ yếu là nông nghiệp, kinh nghiệm thâm canh có nơi còn lạc hậu (đặc biệt là ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc ít người), việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; sản xuất còn manh mún, phân tán, chưa thích ứng với cơ chế thị trường, chưa dám mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, chuyển đổi ngành nghề; nhiều vùng chưa tận dụng được tiềm năng đất đai, thổ nhưỡng để phát triển những cây con có hiệu quả kinh tế cao; việc thu hút vốn đầu tư những dự án phát triển công nghiệp, chế biến nông sản còn hạn chế, đặc biệt là tại các vùng đặc biệt khó khăn, chưa thu hút được nhiều lao động, cũng như sản phẩn do bà con sản xuất ra; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Do đó, chất lượng giảm nghèo ở một số vùng chưa bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo và nguy cơ tái nghèo còn cao.
 
Theo số liệu của UBND tỉnh Tuyên Quang, kết quả rà soát hộ nghèo đầu năm 2011 theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015, toàn tỉnh có 63.404 hộ nghèo, chiếm 34,83% tổng số hộ toàn tỉnh, trong đó hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm 75,13% số hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo cao tập trung chủ yếu ở các huyện vùng cao và các xã đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là: Lâm Bình với 71,16%, Na Hang với 54,46%, Chiêm Hóa với 49,78%; một số xã đặc biệt khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo trên 90%, như: Phúc Yên, Hồng Quang của huyện Lâm Bình.
 
Để đẩy nhanh xoá đói giảm nghèo, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015 và các đề án để triển khai thực hiện, ban hành nhiều văn bản, thông báo để chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, gắn với xây dựng nông thôn mới; ban hành một số chính sách nhằm hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, giảm nghèo… Kết quả thu được trong giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm khá nhanh từ 34,83% đầu năm 2011 xuống còn 9,31% năm 2015 (giảm được 44.774 hộ nghèo); tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm trên 5%/năm, trong đó huyện nghèo Lâm Bình giảm bình quân trên 6%/năm, vượt kế hoạch đề ra.

Để giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, Tuyên Quang đang nỗ lực rà soát, nắm chắc thực trạng hộ nghèo, cận nghèo, phân tích những nguyên nhân chính dẫn đến nghèo để phân công cho các cấp, các ngành thực hiện các giải pháp giảm nghèo theo từng nhóm nguyên nhân chính dẫn đến nghèo. Hiện nay, tỉnh đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách giảm nghèo, trong đó quan tâm huy động nguồn lực thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn huyện Lâm Bình, chương trình hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và các dự án thuộc Chương trình 135; thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, gắn với xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung và ban hành mới các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo của tỉnh phù hợp với giai đoạn mới và điều kiện nguồn lực của tỉnh, theo hướng giảm dần chính sách cho không, thực hiện các chính sách hỗ trợ gián tiếp, hỗ trợ để tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thông qua hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng; hỗ trợ tín dụng ưu đãi; hỗ trợ phát triển các tổ, nhóm sản xuất (hợp tác xã); hỗ trợ phát triển rừng, thủy sản và một số cây con có giá trị, có lợi thế trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, đặc biệt hướng vào nhóm đối tượng người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo. Triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo, trợ giúp các đối tượng yếu thế, bảo đảm an sinh xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ.  Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình giảm nghèo, đặc biệt quan tâm việc tuyên truyền, giáo dục về kiến thức cuộc sống, cách chi tiêu trong gia đình và kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất cho người nghèo có trọng tâm, đúng đối tượng, phù hợp với nhu cầu, điều kiện của từng loại hộ nghèo và đặc điểm của từng vùng, loại hình sản xuất…./.

 
PV
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top